Các hình thức đầu tư trong xây dựng cơ bản

5 hình thức đầu tư theo luật đầu tư năm 2020

Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế trong nước và thế giới, Việt Nam vẫn vươn lên là điểm sáng thu hút vốn đầu tư FDI và được giới đầu tư đánh giá cao. Trong bối cảnh này, sự điều chỉnh pháp luật về đầu tư là trọng tâm được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ban hành ngày 17/06/2020 và bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2020 đã có sự điều chỉnh so với Luật đầu tư số 67/2014/QH13, trong đó có quy định về hình thức đầu tư, cụ thể như sau: Khác với Luật đầu tư 2014, luật đầu tư 2020 dành hẳn Điều 21 liệt kê các hình thức đầu tư, bao gồm: 1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế. 2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp. 3. Thực hiện dự án đầu tư. 4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Điểm qua các hình thức đầu tư trên có thể thấy Luật đầu tư 2020 đã không liệt kê và quy định chi tiết về đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) như trước. Lý giải cho sự thay đổi này là sự ra đời của Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2021. Như vậy, Quốc hội đã quyết định ban hành một luật riêng, xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn so với việc chỉ dừng ở mức quy định trong Nghị định như trước đây để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác. Trước kia, quy định chi tiết cho hoạt động PPP chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công...; Khung pháp lý ở cấp nghị định sẽ không ổn định, liên tục phải điều chỉnh, gây nhiều bất lợi cho cả phía nhà nước và doanh nghiệp khi thực hiện các dự án PPP có quy mô đầu tư lớn, dài hạn. Thứ hai, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20-30 năm. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Luật PPP được ban hành là cơ sở cho việc hoàn thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng một cách bền vững, lâu dài. Thứ ba, Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam.

Luật PPP với sự kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới.

Tham khảo tin tưc của IPIC:

Vấn đề pháp lý và những tranh chấp trong hợp đồng xây dựng thường gặp.

Tham nhũng trong lĩnh vực tư có thể bị xử lý hình sự.

Đăng ký vốn điều lệ, quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Công ty Luật IPIC tư vấn thành công dự án đốt rác phát điện đầu tiên ở Hà Nội của tập đoàn Hitachi Zosen và Tập đoàn T&T.

Công ty Luật IPIC tư vấn thành công Giấy phép Nhà Thầu cho Công ty SAMSUNG ENGINEERING tại tổ hợp hóa dầu miền nam.

Còn với 5 hình thức đầu tư tại luật đầu tư 2020 IPIC xin đưa ra những phân tích chi tiết từng hình thức để Quý nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về những quy định mà Luật mới áp dụng.
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế: Theo quy định thì nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện thủ tục để thành lập tổ chức kinh tế theo pháp luật hiện hành. Trong đó, nhà đầu tư trong nước đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư 2020, bao gồm:  a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; b) Hình thức đầu tư; c) Phạm vi hoạt động đầu tư; d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, luật mới cũng quy định “Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Như vậy, Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung 2 trường hợp ngoại lệ không cần phải có dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là “trường hợp thành lập DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa”. Để tạo thuận lợi cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 22. Đây được xem là sự ghi nhận cụ thể của luật đầu tư khi nhà nước ta ngày càng quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, các biện pháp hỗ trợ các DNKNST của Chính phủ ngày càng đa dạng và tập trung hơn, cả về mục tiêu, cách thức triển khai lẫn quy mô hỗ trợ.

2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

Luật đầu tư 2020 quy định Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau: a) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này; c) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển. Ngoài ra quy định về các trường hợp Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế cũng có sự thay đổi so với luật cũ. Như trường hợp Luật đầu tư 2014 quy định “Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế” thì nay Luật đầu tư 2020 quy định như sau “Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế”. Như vậy, Luật Đầu tư 2020 đã điều chỉnh tiêu chí xác định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào việc nắm giữ vốn điều lệ từ 51% trở lên thành việc nắm giữ vốn điều lệ từ 50% trở lên để bảo đảm phù hợp và thống nhất với quy định về mức cổ phần chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 (Điểm b Khoản 2 Điều 26). Luật mới cũng bổ sung thêm trường hợp “Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”. Như vậy, Luật đầu tư mới đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

3. Thực hiện dự án đầu tư.

Điều 23 Luật đầu tư 2020 quy định như sau: Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Như vậy, các quy định về đầu tư theo hình thức này hầu như giữ nguyên, kế thừa lại quy định tại Luật đầu tư 2014, chỉ khác về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trên 50% là tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài (so với quy định trước đây là từ 51% trở lên) để bảo đảm phù hợp và thống nhất với quy định về mức cổ phần chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 (Điểm b Khoản 2 Điều 26).

4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC về cơ bản giữ nguyên quy định tại Luật đầu tư 2014: Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.

5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.


Thay vì chỉ quy định cụ thể về 5 hình thức đầu tư như trước đây, Luật đầu tư 2020 dự liệu thêm “Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, các quy định pháp luật đưa ra cũng không còn mang tính rập khuôn, bó hẹp nữa mà luôn là quy định mở cho thấy chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng cởi mở chào đón các hình thức đầu tư, loại hình kinh tế mới xuất hiện trong tương lai. Nhìn chung quy định đầu tư của Việt Nam rất thông thoáng, nhiều ưu đãi và ngày càng hoàn thiện là cơ hội tốt cho nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tham khảo thư tư vấn liên quan lĩnh vực vận tải:

Thành lập công ty có vốn nước ngoài trong lĩnh vực vận tải, logistic;

Tư vấn thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực đại lý vận tải hàng hoá;

Tư vấn thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho thuê xe ô tô;

Tư vấn thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch đại lý vận tải

Trân trọng! CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC

Luật sư Nguyễn Trinh Đức