Các yếu tố cấu thành chính sách công

Các yếu tố cấu thành chính sách công
 

1. Chính sách công

Chủ thể ban hành chính sách công là nhà nước. Cơ quan trong bộ máy nhà nước là chủ thể ban hành chính sách công; các cơ quan nhà nước có những quy định nhằm giải quyết những vấn đề thuộc nội bộ cơ quan và không có hiệu lực thi hành bên ngoài phạm vi cơ quan. Chính sách công do nhà nước ban hành nên chính sách công là chính sách của nhà nước.

Các quyết định về chính sách công là những quyết định chính trị, bao hàm ý chí chính trị và thực tiễn cuộc sống nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Chính sách công không chỉ thể hiện ý định của nhà hoạch định chính sách về một vấn đề nào đó, mà còn bao gồm ý chí, hành động thực hiện các dự định qua giải pháp và công cụ chính sách. Như vậy, chính sách công trước hết thể hiện dự định của các nhà hoạch định chính sách theo ý chí chính trị nhằm làm thay đổi hoặc duy trì một hiện trạng nào đó.

Chính sách công tập trung giải quyết vấn đề xã hội đang đặt ra trong đời sống kinh tế – xã hội (KTXH) theo mục tiêu tổng thể đã xác định. Khác với các loại công cụ quản lý khác như chiến lược, kế hoạch của nhà nước là những chương trình hành động tổng quát bao quát một hoặc nhiều lĩnh vực KTXH, đặc điểm của chính sách công là không chỉ đề ra mục tiêu và các giải pháp với công cụ hành động thực hiện nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề có mối quan hệ biện chứng đang đặt ra trong đời sống xã hội, mà còn giải quyết mối quan hệ giữa các bên tham gia chính sách. Nói cách khác, sự khác biệt giữa chính sách công với chiến lược, kế hoạch là cộng đồng chính sách và mạng lưới chính sách.

Chính sách công chỉ xuất hiện trước khi vấn đề xã hội xuất hiện. Vấn đề xã hội cần phải giải quyết trở thành vấn đề chính trị. Vấn đề chính sách công được hiểu là một mâu thuẫn hoặc một nhu cầu thay đổi hiện trạng xuất hiện trong đời sống KTXH đòi hỏi nhà nước sử dụng quyền lực công để giải quyết. Cấu trúc vấn đề chính sách công là hạt nhân xuyên suốt toàn bộ quy trình chính sách bao gồm các giai đoạn chính sách công: khởi động, phân tích, soạn thảo ban hành, thực thi và đánh giá chính sách.

Chính sách công không phải những ý tưởng của các nhà lãnh đạo thể hiện trong lời nói và hành động của họ. Chính sách công không đồng nghĩa với một luật riêng biệt, một văn bản chỉ thị hay quyết định nào đó không có mục tiêu chính trị. Các văn bản quy phạm pháp luật đều có mục tiêu giải quyết, đó chính là mục tiêu chính sách. Như vậy, chính sách công phải là một tập hợp các quyết định chính trị cùng hướng vào việc giải quyết một vấn đề xã hội, do một hay nhiều cấp khác nhau trong bộ máy nhà nước ban hành và thực thi trong một thời gian dài. Chính sách công được thể hiện chính thức thành các văn bản pháp luật (còn gọi là chính sách pháp luật) mang tính pháp lý cho việc thực thi, đồng thời bao gồm những hành động không mang tính pháp lý, nhưng có tính định hướng, kích thích phát triển.

Bản chất chính sách công nhằm duy trì tình trạng của xã hội hoặc giải quyết “các vấn đề của xã hội”, đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó “là các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội” theo mục tiêu tổng thể đã vạch ra từ trước. Do vậy, chính sách công là một tập hợp các quyết định chính trị có liên quan của nhà nước nhằm lựa chọn các mục tiêu cụ thể với giải pháp và công cụ thực hiện giải quyết các vấn đề của xã hội theo mục tiêu đã xác định của đảng chính trị cầm quyền.

2. Quá trình thiết kế chính sách công    

Thiết kế chính sách công mở rộng cho cả hai phương diện hoặc cơ chế mà qua đó mục tiêu chính sách được đưa ra có hiệu lực và những mục tiêu đó có liên quan đến việc xem xét tính khả thi, tính thực tế có thể đạt được trong các mối liên kết hoặc trường hợp sử dụng các công cụ chính sách công. Các chính sách công là kết quả của những nỗ lực của nhà nước để thay đổi hành vi của xã hội để thực hiện mục đích cuối cùng cải thiện vấn đề KTXH hoặc sắp xếp lại các mục tiêu chính sách, các giải pháp và công cụ chính sách công. Những nỗ lực này có thể đạt được mục tiêu chính sách công có tính hệ thống và kết thúc với kết quả đạt được trên diện rộng. Tất cả những nỗ lực này được coi là thể hiện một thiết kế chính sách công có chủ ý. Trong hầu hết các trường hợp, ngay cả khi những mục tiêu chính sách theo đuổi không được đồng thuận với việc sử dụng tài nguyên không hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu chính sách đều liên quan đến nỗ lực thiết kế chính sách công. Điều này không có nghĩa là tất cả các thiết kế chính sách công được bình đẳng hoặc tạo ra các kết quả tương đương. Nghiên cứu một cách hệ thống thiết kế chính sách công và quy trình thiết kế tại các ngành, lĩnh vực phản ánh sự thúc đẩy tiến bộ về chính sách công tại các nước đang phát triển

3. Vấn đề và giải pháp chính sách công

Việc xác định vấn đề chính sách công là giai đoạn đầu tiên nằm trong chu trình chính sách công, bao gồm từ bước phát hiện những vấn đề xã hội, mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống xã hội cần được giải quyết bằng chính sách cho đến khi hoàn thành những mục tiêu của chính sách công.

Vấn đề xã hội hiểu đơn giản là những mâu thuẫn, trở ngại, khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong đời sống KTXH, các lĩnh vực hoạt động cần được giải quyết bằng chính sách để thoả mãn nhu cầu của người dân và xã hội. Vấn đề xã hội trở thành vấn đề chính sách công một khi được chính trị hóa, đó chính là khi bắt đầu chu trình chính sách công – bắt đầu giai đoạn xác định vấn đề chính sách công. Vấn đề chính sách công là các nhu cầu, các giá trị hay các cơ hội cải thiện đáp ứng nhu cầu của người dân chưa được hiện thực hóa. Nguồn gốc của vấn đề chính sách công là vấn đề xã hội được chuyển thành vấn đề chính trị bằng sự tham gia của hệ thống chính trị, nhất là cơ quan dân cử. Những mâu thuẫn nảy sinh cần được giải quyết để cho thực thể tồn tại và phát triển, vấn đề chính sách phát sinh từ những hoạt động KTXH, nguyện vọng người dân, tác động của chủ thể quản lý xã hội, do quá trình toàn cầu hóa hoặc can thiệp từ bên ngoài phải được giải quyết để xã hội phát triển.

Nghiên cứu giai đoạn khởi đầu chính sách công cho thấy, việc xác định vấn đề chính sách được bắt đầu bằng cảm nhận vấn đề so với cấu trúc vấn đề, đó là cảm nhận về các trở ngại, khó khăn, vướng mắc trong xã hội cần được giải quyết bằng chính sách hoặc các bất hợp lý gây mâu thuẫn, mất cân bằng, mất ổn định về KTXH, cản trở tăng trưởng kinh tế hoặc những nhu cầu trong tương lai cần đạt được bằng chính sách. Vấn đề chính sách có mối quan hệ biện chứng với môi trường tồn tại, vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng chính sách công thì mới có thể phát triển. Theo quy luật vận động, vấn đề chính sách công của xã hội mang cả tính hiện thực và tương lai, các hiện tượng đang tồn tại thực tế sẽ làm nảy sinh những vấn đề trong tương lai.

Từ tổng quan vấn đề của xã hội cần tiến hành nghiên cứu thực tiễn để xác định quy mô, mức độ nghiêm trọng của vấn đề trong đời sống KTXH. Việc lựa chọn vấn đề chính sách dựa vào nhu cầu xã hội, ý nguyện của người dân và doanh nghiệp, đồng thời căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước đối với vấn đề chính sách, năng lực tổ chức giải quyết vấn đề chính sách của nhà nước. Bên cạnh đó, phải tính đến khả năng tham gia giải quyết vấn đề của đối tượng chính sách công. Nghiên cứu ban đầu với sự tương tác của các bên tham gia trong xã hội, vấn đề chính sách công được trình bày một cách rõ ràng, nội dung đầy đủ các phần bao gồm việc mô tả vấn đề, nguyên nhân gây ra, phân tích bản chất vấn đề. Giải pháp và công cụ chính sách công dựa trên kết quả phân tích nguyên nhân và bản chất vấn đề KTXH. Các giải pháp chính sách công nhằm giải quyết được vấn đề thông qua giải quyết các nguyên nhân xã hội và phân tích chính sách. Việc phân tích chính sách là việc đánh giá hiện trạng hoặc thực hiện giám sát đánh giá hiện trạng chính sách, đó là hoạt động hậu kiểm các kết quả chính sách thực hiện trước đây; sau đó thực hiện các hoạt động tiên nghiệm dự đoán chính sách sau này qua xem xét mối quan hệ nhân quả giữa giải pháp và mục tiêu chính sách trong các điều kiện thể chế nhất định làm cơ sở cho việc lựa chọn giải pháp và công cụ chính sách công phù hợp nhất. Đề xuất chính sách mới hoặc sửa đổi chính sách hoàn toàn dựa trên việc hoàn thiện lựa chọn phương án tối ưu cho việc ban hành chính sách.

Xác định vấn đề chính sách công đúng bản chất, đúng thời điểm, đúng đối tượng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chính sách công tại các nước đang phát triển do nền kinh tế và hệ thống tài chính còn yếu kém. Nếu xác định vấn đề của xã hội sai thì xử lý vấn đề chính sách sẽ sai và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Việc xây dựng chính sách công phải xác định đúng những bất hợp lý gây mâu thuẫn, tạo mất cân bằng, mất ổn định, ngăn cản tăng trưởng, tạo khoảng cách giữa tiềm năng và thực tế, trong đó sự tham gia thảo luận chính sách công của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Việc tham vấn chính sách công qua các tổ chức nhà nước và xã hội giúp làm rõ bản chất của vấn đề xã hội, tránh việc đưa ra những chính sách công mơ hồ, không mang tính khả thi.

Chẩn đoán đúng bản chất của vấn đề chính sách công chỉ được thực hiện khi đặt nó trong mối tương tác với các vấn đề khác và có sự tham gia thảo luận chính sách của xã hội và truyền thông. Đây là cách thức để xác định rõ nguyên nhân cốt lõi của cấu trúc vấn đề chính sách công hiệu quả nhất. Các nguyên nhân chính sách công gây ra vấn đề chính sách có thể theo dạng chuỗi thứ tự hoặc có tính tổng hợp của nhiều nguyên nhân hoặc tác động qua lại giữa vấn đề và nguyên nhân. Sự tham gia của xã hội là điểm mấu chốt để xác minh được mối quan hệ nhân quả của các yếu tố tác động tới vấn đề chính sách nhằm xác định đúng bản chất của vấn đề, đồng thời tăng tính sở hữu vấn đề đảm bảo sự thực thi chính sách công sau này. Giả thuyết về các mối quan hệ và xác minh các giả thuyết đó giúp xác định đâu là vấn đề chính và cốt lõi, đâu là vấn đề phụ và vấn đề nhánh, đồng thời đưa ra danh mục các vấn đề cần giải quyết và vấn đề có thể giải quyết.

Xác định giải pháp chính sách công là việc tìm giải pháp cho các nguyên nhân của vấn đề chính sách mang tính đồng bộ hay còn được gọi là “giải pháp chính sách đồng bộ”, dựa trên nguyên nhân cốt lõi, bao gồm cả việc đo lường các nguyên nhân về mức độ nghiêm trọng, tần suất xuất hiện, quy mô, tùy theo điều kiện cụ thể.

Các giải pháp can thiệp tức thì của nhà nước để làm thay cho dân là phổ biến ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, sự tham gia của xã hội vào quá trình chính sách công là cách tích cực nhất để đưa ra giải pháp chính sách mang tính bền vững. Thiếu sự tham gia của các tổ chức xã hội, người dân và doanh nghiệp có thể khó khăn trong việc thực hiện chính sách với tâm lý xử lý vấn đề chính sách là của nhà nước. Bên cạnh đó, sự nhận thức đúng đắn sự vật, hiện tượng của các chủ thể tham gia chính sách đóng vai trò quyết định sự thành công của một chính sách công.

Can thiệp chính sách tới đối tượng bị tác động có thể thông qua việc huy động lợi ích kinh tế, quan hệ cộng đồng, giá trị xã hội và tâm lý đám đông. Hơn nữa, việc lựa chọn công cụ để can thiệp tùy thuộc vào đặc điểm, năng lực, khả năng của chính phủ cũng như điều kiện, hoàn cảnh, tính chất KTXH của mỗi nhóm đối tượng chính sách cụ thể.

Thực tiễn chính sách công tại các nước đang phát triển cho thấy, có nhiều hình thức can thiệp với các giải pháp cụ thể hơn nếu có sự thảo luận chính sách công công khai, minh bạch. Cơ cấu nhà nước không quyết định lựa chọn can thiệp đối với chính sách công mà chính là quá trình thảo luận chính sách công với sự tham gia của các tổ chức xã hội. Các giải pháp chính sách công khi đưa ra phải tính đến các phương diện sau:

Can thiệp thông qua lợi ích kinh tế: chỉ áp dụng được cho đối tượng có đầu óc tự lập cao, riêng lẻ, có tư duy kinh doanh, nhanh nhạy với thị trường. Đồng thời, công cụ này chỉ hoạt động hiệu quả trong môi trường thị trường cạnh tranh hoàn hảo với các điều kiện như: 1) cạnh tranh bình đẳng, không có độc quyền nặng nề; 2) thị trường thông thoáng, thông tin thị trường đầy đủ, không có rào cản gia nhập và rời bỏ thị trường, chi phí giao dịch thấp.

Can thiệp thông qua quan hệ cộng đồng: chỉ áp dụng được cho đối tượng bị ràng buộc bởi quan hệ cộng đồng, ví dụ như thành viên của các cộng đồng nông thôn, các tổ chức xã hội, các nhóm sở thích, các nhóm thân tộc, họ hàng, bạn bè. Công cụ này chỉ hoạt động hiệu quả nếu các quy định, thể chế cộng đồng được thi hành.

Can thiệp thông qua giá trị xã hội: tạo nên niềm tin, hệ giá trị được mọi người tôn trọng và yêu thích. Công cụ này đặc biệt có tác dụng đối với các tôn giáo và lý tưởng chính trị. Điều đó có nghĩa là cần tạo ra đồng thuận về các giá trị mà các đối tượng bị tác động theo đuổi.

Can thiệp thông qua tâm lý đám đông: chỉ áp dụng cho các đối tượng đang có nhu cầu về vấn đề cần xử lý (ví dụ: nhà đầu cơ cần thông tin về giá vàng, người dân không được đền bù xứng đáng khi bị thu hồi đất…), chứ không có tác dụng đối với các nhu cầu bình thường, căn bản. Công cụ này có hiệu lực trong môi trường thiếu thông tin đối chiếu, đối tượng bị tác động không thể xác định được hành động dựa trên thông tin hiện có mà phải dựa vào người khác

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hoạch định và thực hiện chính sách công

Hệ thống chính trị hay cơ cấu tổ chức của mỗi quốc gia sẽ chi phối nội dung và hình thức trong việc xây dựng chính sách công. Do hoàn cảnh quy định nên chính sách quốc phòng, y tế, giáo dục quốc gia cũng khác nhau. Trong hệ thống chính trị được chia thành các yếu tố nhỏ hơn về văn hóa chính trị, hiến pháp, thể chế chính trị.

Văn hóa chính trị là tập hợp các giá trị mang tính tương đồng, ổn định, phản ánh nhận thức hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị và cơ cấu tổ chức nhà nước. Nhận thức và tư duy chính trị chịu ảnh hưởng bởi kiến thức, quan điểm, niềm tin và lý tưởng chính trị.

Các hành vi ứng xử của đội ngũ viên chức trong cơ cấu hệ thống các cơ quan nhà nước có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình chính sách công. Các hành vi ứng xử của cán bộ, công chức được thể hiện qua quá trình chính sách bắt nguồn từ hiểu biết và các giá trị, niềm tin, động cơ của đội ngũ công chức. Văn hóa chính trị còn có nguồn gốc từ lịch sử, địa lý.

Hiến pháp là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình xây dựng chính sách công tại các nước đang phát triển. Hiến pháp là luật cơ bản hiến định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ nhà nước - nhân dân. Hiến pháp là tối thượng buộc mọi chính sách công phải tuân theo vì nền tảng của mối quan hệ nhà nước và công dân dựa trên hiến pháp. Nói cách khác, chính sách công phải tôn trọng mọi quyền công dân, lợi ích quốc gia, giới hạn quyền lực của nhà nước.

Thể chế chính trị là yếu tố quan trọng thứ ba đối với quá trình chính sách công. Chính sách công tùy thuộc vào thể chế chính trị để xây dựng, hoạch định cho phù hợp. Khi thể chế thúc đẩy mạng lưới các tổ chức xã hội, người dân, doanh nghiệp tham gia vào thảo luận chính sách công, lập chính sách thì chính sách công sẽ được tổ chức thực hiện hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến việc xây dựng chính sách công bao gồm: 1) vai trò của công luận và truyền thông; 2) hệ thống các giá trị xã hội; 3) hệ thống kinh tế; 4) các quan hệ bên trong chính quyền.

Vai trò của công luận và cơ quan truyền thông được thể hiện ở việc phản ánh, bình luận quan điểm của người dân và cộng đồng được thể hiện dưới hình thức này hay hình thức khác về một hiện tượng, một vấn đề xã hội hoặc chính sách công nào đó. Công luận chịu ảnh hưởng nhiều của truyền thông, có sự hỗ trợ và cộng hưởng lẫn nhau tạo nên sức ảnh hưởng lan truyền mạnh đến chính sách công.

Hệ thống các giá trị xã hội có sự ảnh hưởng đến quá trình thảo luận chính sách công bao gồm sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp, chủng tộc, tầng lớp xã hội, các nhóm lợi ích... Tất cả tạo nên một hệ thống các giá trị xã hội. Chính sách công phải thể hiện sự tồn tại trong sự đa dạng và thỏa hiệp của hệ thống các giá trị xã hội. Do đó, hệ thống các giá trị xã hội là một yếu tố quan trọng trong xây dựng chính sách công. Giá trị xã hội có vai trò định hướng khi các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình chính sách. Trong đó, các chuẩn mực xã hội được cụ thể hoá các giá trị, quy tắc cư xử, quy định cách thức hành động của cá nhân và nhóm, biểu hiện dưới hình thức chính sách công.

Hệ thống kinh tế là yếu tố quan trọng, có tác động rất lớn đến việc xây dựng chính sách công tại các nước đang phát triển. Sự vận động của nền kinh tế kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội mới nảy sinh buộc các nhà hoạch định chính sách công phải tính toán xây dựng chính sách công vừa giải quyết tình huống mới, vừa lường trước tác động sau này. Khi nền kinh tế càng lớn, các vấn đề xã hội phát sinh từ lý do kinh tế càng nhiều, càng phức tạp khiến cho đa số chính sách công tập trung cho vấn đề kinh tế như lao động, việc làm, thương mại, kinh doanh quốc tế, chuyển giao công nghệ, đầu tư, tín dụng, lãi suất ngân hàng, thị trường chứng khoán, bất động sản... Yếu tố kinh tế vừa là mục tiêu chính sách vừa là phương tiện động lực, đòi hỏi các nhà xây dựng chính sách phải nghiên cứu, cân nhắc các yếu tố của hệ thống kinh tế trong các gói chính sách công đề xuất.

Chính sách công là kết quả hoạt động của nhiều người, nhiều tổ chức nhà nước với chức năng khác nhau. Thậm chí, chính sách công là sự thỏa hiệp, thương lượng quan hệ quyền lực của chủ thể chính sách công. Quan hệ trong các bộ phận làm chính sách công vừa tế nhị vừa căng thẳng từ việc lựa chọn vấn đề đến xác định mục tiêu và các giải pháp chính sách công. Năng lực của chủ thể lập chính sách phải được cân nhắc vì việc xây dựng chính sách công phụ thuộc vào năng lực phân tích, dự báo chính sách. Đó phải là năng lực của đội ngũ công chức làm chính sách công, mối quan hệ vừa riêng tư của các công chức vừa chính thức bên trong các cơ quan và giữa các cơ quan lập chính sách đều có thể ảnh hưởng đến nội dung, tính chất của chính sách công.

Bên cạnh đó, năng lực thuyết phục đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn xây dựng chính sách công và thực hiện sau này. Do đó, các tổ chức chủ thể chính sách thường xuyên nâng cao năng lực tổ chức, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm chuyên môn hoạch định chính sách góp phần tăng cường chất lượng chính sách công. Ngược lại, nếu năng lực đội ngũ lập chính sách yếu kém sẽ cho ra những chính sách công không khả thi, không hợp lý, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với nhà nước.

Yếu tố năng lực của chủ thể nhà nước trong lập chính sách công còn được thể hiện qua các nguồn lực sử dụng cho công tác lập chính sách. Các nguồn lực này bao gồm: nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, các thiết chế của bộ máy quản lý và bộ máy thi hành công vụ. Vì vậy, các hạn chế về nguồn lực ảnh hưởng đến việc lựa chọn chính sách công phù hợp.

Cơ cấu quyền lực của chủ thể lập chính sách công được hiểu là khả năng chi phối lãnh đạo đến các bên tham gia lập chính sách trong mối quan hệ vận động phát triển nhằm mục tiêu chính sách công. Trong xã hội, quyền lực thuộc về nhân dân thông qua lá phiếu bầu chọn các nhà lãnh đạo tập trung quyền lực nhà nước để quản lý xã hội theo định hướng đã định. Cơ cấu quyền lực nhà nước thể hiện qua quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và được thể hiện trên các mặt chính trị, kinh tế và pháp lý trong quá trình quản lý xã hội. Với địa vị pháp lý của từng cơ quan, các cơ quan là các chủ thể chính của xây dựng chính sách công.

Yếu tố địa chính trị, địa chiến lược ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách công. Địa chính trị được hiểu là sự phân bố và tương quan giữa các lực lượng chính trị trong mỗi nước cũng như giữa các nước và các nhóm trong các liên quan với cơ cấu KTXH, các vấn đề hình thành các quốc gia hay các vùng chính trị, biên giới cũng như cơ cấu hành chính của các nước, các vùng. Chính sách và phản ứng của các quốc gia có liên quan về chính sách công là một yếu tố cần phải tính đến trong hoạch định chính sách công. Các chính sách có tầm ảnh hưởng khu vực hoặc quốc tế đều phải cân nhắc đến yếu tố này.

Lợi thế so sánh quốc gia và quan hệ kinh tế quốc tế là yếu tố phải được tính đến trong quá trình hoạch định chính sách công. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phải kết hợp đồng thời nhiều yếu tố: vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên sẵn có và nguồn nhân lực phong phú, trong đó nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng cho việc thực hiện chính sách công trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS Đỗ Phú Hải

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.TS. Lê Chi Mai, Những vấn đề cơ bản về chính sách và quy trình chính sách, Nxb Đại học quốc gia TP. HCM, 2001.

2. TS. Lê Vinh Danh, Chính sách công của Hoa Kỳ, giai đoạn 1935-2001, Nxb Thống kê, H. 2001.

3. GS.TS. Võ Khánh Vinh, Xã hội học pháp luật: Những vấn đề cơ bản; Học viện KHXH, Nxb Khoa học xã hội, H. 2012, tr. 180-195.

4. PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải, Học viện Hành chính quốc gia, Hoạch định và phân tích chính sách công (dùng cho đào tạo đại học hành chính), Nxb Thống kê, H. 2002.

5. TS. Đỗ Phú Hải, Những vấn đề cơ bản của chính sách công, Học viện KHXH, 2012.

6. Cobb, Roger 1976. "Agenda setting as a comparative political process" American Political Science Review 70, tr. 126-38.

7. Daugbjerg, Carsten and David Mash, 1998. "Explaining policy outcomes: Integrating the policy network approach with macro level and micro level analysis, comparative policy network" Buckingham: Open University Press, tr. 190-230.

8. Howlette M. 2007. "Studying public policies". Sage Publications.

9. Knode, David, 1993. "Network as Political Glue: Explaining Public Policy – Making, in W.J.Wilson ed", Socialogy and Public Agenda. London: Sage, tr. 67-120.

10. Rhodes, R.A.W 1997. "Understanding governance: Policy networks, Governance, Reflexibility and Accountability". Buckingham: Open University Press, tr. 91-130.

11. William N. Dunn. 2008. "Public Policy Analysis: An Introduction". (New Jersey: Pearson), tr. 10-190.

tcnn.vn