Cách nhận xét tiết dạy dự giờ

GD&TĐ -Đánh giá tiết dạy được coi là một bước quan trong trong quá trình dự giờ. Nếu đánh giá đúng, đầy đủ các nội dung trong tiết dạy sẽ giúp giáo viên nhận thấy ưu điểm, hạn chế của mình trong quá trình giảng dạy; từ đó nâng cao kĩ năng chuyên môn, nghề nghiệp, năng lực sư phạm.

Tuy nhiên, hoạt động dự giờ và đánh giá tiết dạy của không ít giáo viên tiểu học chưa thực sự đạt được những hiệu quả như mong muốn vì giáo viên chưa có những kĩ năng trong việc dự giờ và đánh giá, như:

Giáo viên chưa chủ động xây dựng kế hoạch dự giờ để bồi dưỡng chuyên môn; chưa biết cách ghi chép tiến trình tiết dự, chưa có khả năng phân tích, đánh giá các tình huống sư phạm trong tiết dạy; chưa đánh giá đầy đủ các khía cạnh của tiết dạy;

Việc tư vấn và đánh giá sau tiết dạy không hiệu quả, nhận xét tiết dạy lan man không đúng trọng tâm, người dạy khó nhận thấy những ưu, khuyết điểm của tiết dạy để có điều chỉnh.

Giáo viên ngại nhận xét đánh giá sau tiết dạy vì sợ động chạm, sợ mất lòng, cả nể, cho qua... Việc dự giờ trong hoạt động chuyên môn không có hiệu quả chỉ mang tính hình thức.

Phần lớn việc dự giờ chỉ do cán bộ quản lí, tổ khối trưởng thực hiện, việc đánh giáo sau tiết dạy rất ít có ý kiến tham gia của giáo viên chỉ tập trung vào các giáo viên là các tổ khối trưởng.

Giáo viên hầu như chỉ mới tham gia dự giờ trong các hoạt động mang tính chất thao giảng chào mừng các ngày lễ lớn trong năm và có ý kiến đánh giá chung chung, đồng tình, chưa thực sự quan sát kĩ các thao tác của người dạy.

Đưa ra những nhận định trên, cô Ngô Thị Điệp (Trường Tiểu học Thị trấn, huyện Tam Đường, Lai Châu) đã chia sẻ các biện pháp bản thân đã tiến hành có hiệu quả nhằm nâng cao kỹ năng dự giờ, đánh giá tiết dạy.

Đổi mới chỉ đạo việc dự giờ

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của giáo viên đối với việc dự giờ, đánh ía tiết dạy, biện pháp đầu tiên cô Ngô Thị Điệp chia sẻ là đổi mới chỉ đạo việc dự giờ.

Để thực hiện biện phán này, cần tăng cường chỉ đạo và giám sát việc xây dựng kế hoạch dự giờ của tổ khối, của cá nhân, phân định rõ mục đích của việc dự giờ trong tháng, trong từng thời điểm.

Cùng với đó, quán triệt nghiêm túc và chặt chẽ mục đích của dự giờ, hiệu quả việc dự giờ đối với cả người dạy và người dự. Tác dụng của dự giờ đối với nâng cao chất lượng chuyên môn của giáo viên;

Tổ chức các chuyên đề ''Các bước khi dự giờ''. Chuyên đề chỉ rõ 3 bước khi dự giờ là: Trước dự giờ, trong dự giờ, sau dự giờ. Giáo viên cần tuân thủ nghiêm túc 3 bước đó khi dự giờ đồng nghiệp.

Phân công các thành viên trong ban giám hiệu cùng tổ trong các buổi dự giờ, có đánh giá, rút kinh nghiệm về các kĩ năng trong dự giờ, trong đánh giá.

Đưa nội dung dự giờ thành một tiêu chí trong việc xếp loại hoạt động của tổ khối trong tháng.

Những lưu ý với giáo viên

Để dự giờ có hiệu quả, giáo viên cần xác định được mục đích của việc dự giờ: Dự giờ để học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn, để đánh giá xếp loại đồng nghiệp, để giao lưu chuyên môn.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu trước về lớp, chương trình, nội dung, dạng bài dự giờ, xác định kiến thức chính, trọng tâm và các kiến thức liên quan, nội dung mở rộng của bài dạy, các nội dung có thể tích hợp vào bài dạy, các hướng tích hợp hướng, các kiểu tích hợp.

Khi dự giờ cần có thái độ tích cực, không phản ứng ngay với các tình hướng xử lý mà mình chưa đồng tình. Ghi chép cụ thể tiến trình tiết dạy, các mặt trong tiết dạy như: Kiến thức, kĩ năng sư phạm, thái độ sư phạm, hiệu quả tiết dạy, vận dụng các phương pháp, hình thức lên lớp,..

Nâng cao kĩ năng đánh giá sau tiết dạy

Cô Ngô Thị Điệp lưu ý, nội dung đánh giá tiết dạy trên 4 lĩnh vực ủa Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học với các tiêu chí cụ thể như sau:

Kiến thức: Dạy đủ, đúng kiến thức, kĩ năng cơ bản của bài; giảng dạy chính xác, có hệ thống, không thiếu xót; cách xử lý các tình huống xảy ra trong tiết học.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đảm bảo nội dung giáo dục toàn diện (thái độ, tình cảm, thẩm mĩ..), lồng ghép, gắn với nội dung môn học; liên hệ giáo dục cho học sinh các phẩm chất, đức tính cần thiết, phù hợp với bài học.

Giáo viên tích hợp các vấn đề xung quanh học sinh vào bài học một cách cụ thể, rõ ràng dễ hiểu và mang lại tác dụng tốt với học sinh.

Giáo viên có các biện pháp tác động tới tất cả các em học sinh trong lớp để các em bộc lộ hết năng lực của bản thân, thâm gia tích cực vào bài dạy.

Kĩ năng sư phạm: Dạy đúng đặc trưng loại bài, bộ môn, các hoạt động tổ chức mang lại hiệu quả cao; vận dụng hình thức và phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của học sinh.

Khi đánh giá, kiểm tra kết quả học tập của học sinh phải đảm bảo theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học; xử lý các tình uống sư phạm mang tính giáo duc cao; sử dụng các đồ dùng dạy học và thiết bị dạy học vào bài có hiệu quả cao. Tận dụng được các đồ dùng sẵn có, dễ làm, dễ kiếm tại địa phương.

Chữ viết trên bảng rõ ràng, mạch lạc; giọng nói phù hợp với các hoạt động trong bài dạy.

Giáo viên phân bố thời gian tiết học đảm bảo theo tiến trình giờ học. Tiết dạy đạt được mục tiêu bài học, phù hợp với thực tế của lớp.

Thái độ sư phạm: Giáo viên khích lệ, động viên học sinh kịp thời trong tiết học. Kịp thời giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn trong học tập, tác phong có đảm bảo tính mô phạm. Trong giờ học học sinh được tông trọng đối xử công bằng như nhau.

Hiệu quả tiết dạy: Trong giờ học học sinh chủ động, tích cực tiếp thu bài. Vận dụng được kiến thức vào bài kiểm tra vận dụng sau tiết học đảm bảo. Vận dụng thành thục kiến thức bài học.

Cùng với các nội dung đánh giá, giáo viên cũng cấn lưu ý trình tự đánh giá sau tiết dạy. Cụ thể:

Người dạy nêu quan điểm và tự nhận xét về tiết dạy của bản thân. Người dự nêu ưu điểm của tiết dạy, hạn chế của tiết dạy, đề xuất các biện pháp cải tiến hạn chế, xin phản hồi của người dạy.

Đánh giá tiết dạy theo các mức độ đạt được của quy định trong Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Khi đánh giá cần đặt mình vào vị trí của người nghe, cảm nhận. Góp ý một cách bình đẳng, cầu thị, coi trọng việc học hỏi

giữa 2 bên chứ không coi mình là người giỏi hơn. Đưa ra những vấn đề cần điều chỉnh cho người dạy.

Người dạy cần tập trung vào người góp ý, lắng nghe với thái độ tôn trọng, tiếp thu tất cả các ý kiến, viết lại những ý chính từ người đóng góp, hỏi lại người góp ý, làm sáng tỏ thông tin chưa rõ

Sau dự giờ, người dự sẽ báo cáo lại kết quả dự giờ để cán bộ, giáo viên nắm bắt cụ thể về giáo viên, năng lực sư phạm, .... để có các tác động phù hợp, có dẫn chứng đầy đủ, cụ thể về trường, lớp, giáo viên, học sinh, môn học; ưu điểm có dẫn chứng cụ thể; những điều cần cải thiện; kế hoạch sau dự giờ; kiến nghị cụ thể với các cấp liên quan.

Giúp cho giáo viên xây dựng được kế hoạch tự bồi dưỡng chuyên môn, điều chỉnh các biện pháp trong giảng dạy, phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn và hiệu quả giảng dạy của bản thân.

Tổ chức triển khai các kĩ năng dự giờ, đánh giá

Cô Ngô Thị Điệp cho rằng, việc tổ chức triển khai các kĩ năng về dự giờ và đánh giá tới cán bộ, giáo viên trong nhà trường rất quan trọng. Hoạt đông này có thể làm theo trình tự sau:

Tập huấn cho cán bộ, giáo viên các kiến thức cần thiết liên quan đến việc dự giờ, đánh giá sau tiết dạy trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề của nhà trường.

Thực hành làm mẫu tuần tự các bước đã chỉ ra trong việc dự giờ, đánh giá sau tiết dạy.

Điều chỉnh việc thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc. Áp dụng, thực hiện trong tất cả các tiết dự giờ của nhà trường, tổ khối

Kiểm tra việc thực hiện các kĩ năng dự giờ, đánh giá sau tiết dạy của các giáo viên trong nhà trường.