Cách xây dựng mô hình nghiên cứu

XÂY DỰNG MÔ HÌNH LÝ THUYẾT DỰ KIẾN NGHIÊN CỨU NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI Ý ĐỊNH MUA SẢN PHẨM THỜI TRANG XA XỈ QUỐC TẾ CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

Ngày đăng: 04:18 - 17/06/2021 Lượt xem: 2.841

Cỡ chữ

Ths. Trịnh Thùy Giang – Khoa Kinh tế


Tóm tắt
Các nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng và các yếu tố ảnh hưởng đến nó trong phương thức mua sắm truyền thống đã được rất nhiều nhà kinh tế nghiên cứu từ các góc độ khác nhau, đặc biệt là đối với các sản phẩm thông thường. Tuy nhiên đối với các sản phẩm xa xỉ thì các nghiên cứu tại Việt Nam hiện còn tương đối hạn chế. Chính vì vậy, tác giả đã xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 7 biến trong đó có sử dụng việc kết hợp hai lý thuyết hành động có kế hoạch và lý thuyết chủ nghĩa dân tộc trong tiêu dùng.
1. Giới thiệu nghiên cứu
Một vài ý tưởng trước đây cho rằng mọi người mua sắm hàng hoá nhằm thoả mãn những nhu cầu phát sinh của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc mua sắm hàng hoá không còn đơn thuần chỉ là để nhận biết những nhu cầu giản đơn của người tiêu dùng và thoả mãn những nhu cầu đó nữa (Kho eng tatt, 2010). Những người tiêu dùng hiện nay mua sắm hàng hoá như một hình thức để tự thưởng cho bản thân, để thoả mãn những mong muốn về tinh thần hay đơn giản là để làm cho họ cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Đôi khi người tiêu dùng mua sắm sản phẩm bởi vì chúng rất đắt đỏ. Họ mua sắm một sản phẩm để thay cho một lời tuyên ngôn về bản thân, thể hiện cá tính cũng như nâng cao giá trị của bản thân. Lúc này việc mua sắm trở thành cách thức để khẳng định về mặt tinh thần đối với người mua nó. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng sẽ không đưa ra một quyết định mua hàng hoá hoàn toàn dựa trên những phân tích về lợi ích kinh tế nữa. Theo đó, các nhà bán lẻ cũng cần phải thay đổi để phù hợp với xu hướng này (Pooler, 2003).
Ngày nay, tất cả mọi người đều có mong muốn được sử dụng hàng hoá xa xỉ, đặc biệt là đối với các sản phẩm thời trang. Trên thực tế, đã có rất nhiều thương hiệu xa xỉ ra đời trên thế giới trong suốt một thế kỷ qua bất luận thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp, giai đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai (Uche Okwonko, 2007). Trải qua thời gian và sự ảnh hưởng của các nền văn hoá đã khiến định nghĩa về hàng hoá xa xỉ có nhiều thay đổi. Hàng hoá xa xỉ không chỉ còn được hiểu là những hàng hoá đắt tiền nữa, mà hơn thế hàng hoá xa xỉ có thể được hiểu là một sự trải nghiệm của người tiêu dùng nó (Yeom and McMahon - Beattie, 2010).
Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới ý định mua là một vấn đề quan trọng trong khoa học hành vi người tiêu dùng. Các yếu tố ảnh hưởng tới ý định mua được thể hiện thông qua nhiều lý thuyết khác nhau như lý thuyết hành vi hợp lý (TRA), (Fishbein và Ajen, 1975), hay lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB), (Ajen, 1991). Ý định mua cũng là vấn đề các nhà sản xuất và kinh doanh ngành thời trang quan tâm vì nó giúp được người làm kinh doanh hiểu được hành vi và nhận thức của khách hàng về sản phẩm.
2. Cơ sở lý thuyết, mô hình lý thuyết dự kiến và giả thuyết nghiên cứu
2.1. Sản phẩm thời trang xa xỉ
* Khái niệm
Hiện tồn tại rất nhiều khái niệm khác nhau về hàng hóa xa xỉ:
Theo từ điển Oxford của Mỹ, “xa xỉ” được hiểu là trạng thái cực kỳ thỏa mãn của một cá nhân thông qua cuộc sống khoa trương của họ. Khái niệm này cũng đặc biệt đề cập tới của cải, tài sản thừa kế mà mỗi cá nhân được thừa hưởng. Khái niệm “xa xỉ” sẽ bị giới hạn bởi quan điểm của từng cá nhân. Nhưng nhìn chung, hàng hóa xa xỉ được định nghĩa là những sản phẩm có mức giá cao, và thường đươc bán trên những thị trường đặc thù. Người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm này với nhiều mục tiêu khác nhau.
Cụm từ xa xỉ được bắt nguồn từ một từ Latin “luxus”, hàm ý liên quan đến sự đam mê của con người mà không cần quan tâm đến chi phí (Mootee, 2004). Các hàng hóa xa xỉ là một khái niệm tương đối rộng, nhưng nó bao gồm 3 yếu tố: sản phẩm tốt, đắt tiền và không phải là sản phẩm thiết yếu.
Theo (Gutierrez, 2006), xa xỉ là phần thêm vào của cuộc sống, giúp cuộc sống được hoàn thiện hơn, thích thú hơn, thoải mái hơn.
Tuy nhiên, (Bilge, 2015) cho rằng hàng hóa xa xỉ là những sản phẩm có nhiều đặc tính tất yếu và đặc tính thông thường so với những sản phẩm khác cùng chủng loại với nó. Và theo cách tiếp cận thông thường về đặc tính của sản phẩm thì đây là quan niệm làm nổi bật sự khác biệt giữa hàng hóa xa xỉ và hàng hóa thông thường.
* Đặc tính của hàng hóa xa xỉ
Khi nghiên cứu hàng hóa xa xỉ, người ta thường nghiên cứu nó trong mối quan hệ với việc xem xét các đặc tính của nó. Theo Patrick & Hagtvedt (2003), các hàng hóa xa xỉ được nhận dạng thông qua việc sở hữu một vài giá trị vật chất và giá trị tâm lý của người tiêu dùng. Như vậy, thực chất việc định nghĩa hàng hóa xa xỉ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của cá nhân người tiêu dùng nó.
* Phân loại hàng hóa xa xỉ
Nhìn chung các hàng hoá xa xỉ có thể được chia thành ba loại: các sản phẩm xa xỉ dùng trong gia đình, sản phẩm xa xỉ phục vụ nhu cầu cá nhân và các sản phẩm xa xỉ trải nghiệm (Danziger, 2004a; Unity Marketing, 2004; Daghestani, 2013). Theo Danziger, các sản phẩm xa xỉ dùng trong gia đình bao gồm các thương hiệu đắt đỏ giúp trang trí trong gia đình như dụng cụ nhà bếp, đồ nội thất, trang trí sân vườn, các tác phẩm nghệ thuật cổ…Trong khi đó, các sản phẩm xa xỉ cá nhân bao gồm các hàng hoá giúp cho người sử dụng có cảm giác thành tựu về lối sống của bản thân như quần áo, các sản phẩm làm đẹp, các phụ kiện thời trang, xe máy, đồ trang sức, đồng hồ…Ngoài ra, các sản phẩm xa xỉ trải nghiệm được định nghĩa là những kinh nghiệm của người tiêu dùng có được thông qua việc tiêu dùng hay sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ như tham gia hoà nhạc, uống cà phê, các quán rượu, những chuyến du lịch, các nhà hàng…(Danziger, 2004b; Guo, 2014).
Trong khuôn khổ bài báo này, tác giả tập trung tới các yếu tố ảnh hưởng tới ý định tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa xa xỉ phục vụ nhu cầu cá nhân – cụ thể là các sản phẩm thời trang xa xỉ.
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng tới ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ quốc tế của người tiêu dùng
Để nhận biết các yếu tố ảnh hưởng tới ý định mua sắm các sản phẩm thời trang xa xỉ, tác giả tập trung nghiên cứu và tổng hợp các công trình nghiên cứu trước đây theo một số mô hình lý thuyết hành vi. Để giải thích cho hành vi mua của người tiêu dùng thì các nhà khoa học dùng tới phạm trù ý định mua. Về ý định mua của người tiêu dùng, một số nhà khoa học cho rằng ý định có ý nghĩa rộng hơn hành vi và thường sẽ có một tác động tích cực tới hành động của một cá nhân. Ý định mua tùy thuộc vào chất lượng cảm nhận, giá trị, mức độ khách quan và thuộc tính hàng hóa. Nếu giá trị nhận thức cao hơn thì ý định mua sẽ cao hơn. Hiểu được ý định mua cũng như hành vi mua của khách hàng, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu các nhân tố anh hưởng tới ý định mua và hành vi mua. Trong Lý thuyết hành vi hợp lý ( Theory of Reasoned action –TRA) ( Fishbein và Ajen, 1975) hay Lý thuyết hành vi có kế hoạch ( Theory of Planned Behaviour –TPB) (Ajen, 1991) đưa ra nhiều yếu tố ảnh hưởng tới ý định mua. Ý định mua là công cụ tốt nhất để dự đoán hành vi bởi vì hành vi của một người được xác định bằng ý định của họ trong việc thực hiện hành vi đó. Rất nhiều nhân tố được lựa chọn đưa vào tùy bối cảnh nghiên cứu. Trong phạm vi bài báo này, tác giả tập trung vào loại hàng hóa xa xỉ phục vụ nhu cầu cá nhân – thời trang xa xỉ và nguồn gốc ngoại nhập là chủ yếu. Kết quả nghiên cứu là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về ý định hành vi của người tiêu dùng trong các bối cảnh và sản phẩm khác nhau.
2.2.1. Lý thuyết hành động hợp lý (TRA – Theory of reasoned action)
Lý thuyết hành động hợp lý được đề xuất bởi Fisbein và Ajzen (1975), đây được xem là một trong những lý thuyết đầu tiên trong nghiên cứu tâm lý xã hội học nói chung và hành vi người tiêu dùng nói riêng.
Trong mô hình TRA, thái độ được đo lường bằng nhận thức về các thuộc tính củasản phẩm. Người tiêu dùng sẽ chú ý đến những thuộc tính mang lại các ích lợi cần thiết và có mức độ quan trọng khác nhau. Nếu biết trọng số của các thuộc tính đó thì có thể dự đoán gần kết quả lựa chọn của người tiêu dùng.
Lý thuyết đưa ra 4 yếu tố: niềm tin, thái độ, ý định và hành vi. Nghĩa là ‘hành vi’ của con người bị chi phối bởi ý định’. Hai yếu tố tác động tới ý định’ là ‘‘thái độ’’ và ‘‘chuẩn chủ quan’’. Thái độ được hiểu là cảm giác tích cực hoặc tiêu cực của cá nhân về việc thực hiện một hành vi nhất định. Chuẩn mực chủ quan nhận thức của một người về việc tán thành hay phản đối với hành vi cụ thể nào đó. Cả chuẩn chủ quan và thái độ đều ảnh hưởng bởi niềm tin. Niềm tin của người tiêu dùng vào những người có liên quan càng lớn thì xu hướng chọn mua của họ cũng bị ảnh hưởng càng lớn. Ý định mua của người tiêu dùng sẽ bị tác động bởi những người này với những mức độ ảnh hưởng mạnh yếu khác nhau.

Cách xây dựng mô hình nghiên cứu

Hình 1: Lý thuyết hành động hợp lý (TRA) của Fishbein và Ajzen (1975)


Có nhiều nghiên cứu trước đây sử dụng lý thuyết TRA để nghiên cứu hành vi mua sản phẩm thời trang/sản phẩm thời trang xa xỉ. Ví dụ: Luận văn “Ảnh hưởng của một số tiêu chí lựa chọn quần áo đến quyết định mua sắm quần áo thời trang công sở nam” của thạc sỹ Lê Chi Lợi (2013); luận văn “Các yếu tố ảnh hưởng và hệ quả của sự cuốn hút vào sản phẩm quần áo thời trang” của thạc sỹ Huỳnh Đỗ Công Tâm (2008); nghiên cứu hành vi mua sắm của khách hàng Pakistan đối với các nhãn hiệu thời trang xa xỉ quốc tế, (Robert Kline, 2014); các yếu tố ảnh hưởng tới hành vi mua của khách hàng trẻ Phần Lan đối với các xa xỉ phẩm, (Emilia Reis, 2015). Hầu hết các nghiên cứu ngày đã ngầm coi ý định và hành vi là một hoặc có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên theo Ajzen và Fishbein 2005, việc mặc định mối quan hệ giữa ý định và hành vi dẫn tới sự bỏ qua các yếu tố quan trọng khác tác động tới ý định mua sản phẩm xa xỉ. do đó, bài báo này đưa ra xem xét vai trò của một số nhân tố tác động lên mối quan hệ giữa ý định mua sản phẩm xa xỉ.
2.2.2. Lý thuyết hành vi có hoạch định (TPB – Theory of Planned Behavior)
Lý thuyết hành vi có hoạch định được (Ajzen, 1991) phát triển dựa trên lý thuyết hành động hợp lý vào năm 1985 và tiếp tục hoàn thiện năm 1991.
Xu hướng hành vi lại là một hàm của ba nhân tố. Thứ nhất, các thái độ được khái niệm như là đánh giá tích cực hay tiêu cực về hành vi thực hiện. Nhân tố thứ hai là ảnh hưởng xã hội mà đề cập đến sức ép xã hội được cảm nhận để thực hiện hay không thực hiện hành vi đó. Cuối cùng, thuyết hành vi dự định TPB (Theory of Planned Behaviour) được Ajzen xây dựng bằng cách bổ sung thêm yếu tố kiểm soát hành vi cảm nhận vào mô hình TRA. Thành phần kiểm soát hành vi cảm nhận phản ánh việc dễ dàng hay khó khăn khi thực hiện hành vi; điều này phụ thuộc vào sự sẵn có của các nguồn lực và các cơ hội để thực hiện hành vi. Ajzen đề nghị rằng nhân tố kiểm soát hành vi tác động trực tiếp đến xu hướng thực hiện hành vi, và nếu đương sự chính xác trong cảm nhận về mức độ kiểm soát của mình, thì kiểm soát hành vi còn dự báo cả hành vi. Như vậy, trong học thuyết này mới này, các tác giả cho rằng ý định thực hiện hành vi chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố: thái độ đối với hành vi, chuẩn mực chủ quan và nhận thức về kiểm soát hành vi.

Cách xây dựng mô hình nghiên cứu

Hình 2: Lý thuyết hành vi có hoạch định của Ajzen (1991)


Theo cách tiếp cận này, một số các nghiên cứu đã đưa ra các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ và ý định mua, hành vi mua sắm các nhãn hiệu xa xỉ của người tiêu dung ( Khor Eng Tatt, 2010); (Jinfeng Wang & Piraphong Foosiri, 2018, (Bopeng Zhang, 2012), (Kartinah Ayupp, 2013)... Các nghiên cứu này chủ yếu thực hiện các phân tích định lượng để hướng tới việc tìm hiểu sự tác động của các biến số thuộc thái độ, chuẩn mực chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi tới ý định mua các sản phẩm xa xỉ của người tiêu dùng. Có nhiều biến độc lập được phát hiện có ảnh hưởng tới biến phụ thuộc là ý định mua sắm của người tiêu dùng như: Thu nhập, tầng lớp xã hội, truyền thông, nhóm tham khảo, môi trường, khả năng tự sử dụng...
2.2.3. Chủ nghĩa dân tộc trong tiêu dùng,
Khái niệm Chủ nghĩa dân tộc trong tiêu dùng được phát triển từ khái niệm mang tính bao quát hơn, đó là chủ nghĩa dân tộc hay tính vị chủng. chủ nghĩa dân tộc được định nghĩa đầu tiên bởi Sumner (1906) cho rằng ‘‘quan đểm của các thành viên trong một nhóm được xem là trung tâm của mọi thứ, còn tất cả các quan điểm của nhóm khác được coi là không quan trọng’’, (Sumner, 1906). Như vậy, chủ nghĩa dân tộc nói tới khuynh hướng của một cá nhân đánh giá thấp gi á trị của một nhóm cá nhân khác, dân tộc khác dựa trên quan điểm của nhóm mình, dân tộc mình. Những người có tính vị chủng cao hay chủ nghĩa dân tộc cao thường nuôi dưỡng niềm tự hào và đánh gia cao các giá trị, văn hóa và con người thuộc tổ chức, thuộc nhóm mình, đồng thời đánh giá thấp các giá trị chuẩn mực của nhóm khác (Le Vine & Camppbell, 1972). Theo Shimp & Sharma, (1987) chủ nghĩa dân tộc trong tiêu dung nói tới niềm tin của người tiêu dung về đạo đức và tính hợp lý trong tiêu dùng hàng ngoại.
2.2.4. Khuynh hướng thể hiện đẳng cấp
Các nghiên cứu thực nghiệm trước đây đã chỉ ra rằng có rất nhiều sản phẩm và dịch vụ đã được sử dụng như những biểu tượng của đẳng cấp và được coi là phương tiện để phản ánh đẳng cấp của người mua và sử dụng chúng (Eastman & cộng sự, 1999). Tại Việt Nam, mua hàng thể hiện đẳng cấp đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và tìm hiểu (Belk, 1999; Lascu & cộng sự, 1994; Nguyen & Tambyah, 2011). Trong khi đó, việc phản ánh đẳng cấp của người mua được coi là một đặc tính quan trọng của hàng hóa xa xỉ (Dazinger, 2004).
Khuynh hướng thể hiện đẳng cấp là khái niệm do Tambyah & cộng sự (2009) phát triển trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi tại Việt Nam. Khái niệm này đề cập đến khuynh hướng người tiêu dùng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biểu tượng thể hiện đẳng cấp và niềm tin cho rằng đạt được những biểu tượng này sẽ giúp họ có được vị thế xã hội mong muốn (N.T.T. Mai & T.T.Thắng, 2016). Khái niệm này bao gồm hai khái niệm con: khuynh hướng thể hiện đẳng cấp hiện đại (MSO) và khuynh hướng thể hiện đẳng cấp truyền thống (TSO). Theo Theo Tambyah & cộng sự (2009), những người tiêu dùng có khuynh hướng thể hiện đẳng cấp hiện đại thường coi trọng việc sở hữu các sản phẩm cao cấp, hướng tới sự giàu có và hiện đại. Bởi vậy, trong bài báo này, tác giả đề xuất đưa vào mô hình biến khuynh hướng thể hiện đẳng cấp nhằm xem xét và giải thích tốt hơn cho ý định mua sắm các sản phẩm thời trang xa xỉ của người tiêu dùng.
2.3. Mô hình nghiên cứu lý thuyết dự kiến và các giả thuyết nghiên cứu
Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của thị trường hàng hóa xa xỉ, ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ của người tiêu dùng ngày càng được các nhà kinh tế và nghiên cứu quan tâm. Cả ba mô hình trên đều được sử dụng trong việc nghiên cứu ý định cũng như hành vi mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy mô hình TRA và TPB trong việc dự báo ý định của khách hàng chưa hoàn thiện (Lin, 2007; Taylor and Todd, 1995). Chính vì vậy, tác giả dự kiến mô hình mới với sự tìm hiểu và nắm rõ nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Ngoài các biến kế thừa từ mô hình TRA VÀ TPB, tác giả dự định phát triển mô hình nghiên cứu với sư tham gia của một vài nhân tố mới.
Từ các nghiên cứu và lý thuyết đã trình bày ở trên, tác giả có những giả thuyết mô hình nghiên cứu như sau:
H1: Chuẩn chủ quan có tác động tới ý định tiêu dùng sản phẩm xa xỉ.
H2: Kiểm soát hành vi có tác động tới ý định tiêu dùng sản phẩm xa xỉ.
H3: Niềm tin với sản phẩm có tác động tới ý định tiêu dùng sản phẩm xa xỉ.
H4: Thái độ với hành vi tiêu dùng sản phẩm xa xỉ có tác động tới ý định tiêu dùng sản phẩm xa xỉ.
H5: Thái độ với sản phẩm nội địa có tác động tới ý định tiêu dùng sản phẩm xa xỉ.
H6: Khuynh hướng thể hiện đẳng cấp có tác động tới ý định tiêu dùng sản phẩm xa xỉ.
H7: Chủ nghĩa dân tộc trong tiêu dùng có tác động tới ý định tiêu dùng sản phẩm xa xỉ.

Cách xây dựng mô hình nghiên cứu

Hình 3. Mô hình nghiên cứu dự kiến


3. Phương pháp nghiên cứu dự kiến
Trong nghiên cứu này, tác giả chủ yếu dùng phương pháp nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định mô hình nghiên cứu đã đề xuất. việc xây dựng thang đo dựa trên thang đo của các nghiên cứu trong và ngoài nước. Kích thước mẫu dự kiến trong nghiên cứu n = 500 được thu thập bằng phương pháp phát bảng hỏi trực tiếp với thang đo Likert 5 (1 là rất không đồng ý; 2 không đồng ý; 3 bình thường; 4 đồng ý; 5 rất đồng ý).
Các đối tượng dự kiến được hỏi sinh sống và làm việc tại thành phố Hà Nội, Bắc Ninh (chủ yếu khu vực trường ĐHCN Dệt May Hà Nội và các vùng phụ cận). Phiếu hỏi sau khi thu về sẽ được mã hóa và tiến hành trên phần mềm SPSS. Các kỹ thuật phân tích chính trong nghiên cứu gồm: kiểm tra hệ số tin cậy thang đo Alpha Cronback; Kiểm tra phân tích nhân tố khám phá EFA; Kiểm tra hệ số tương quan và kiểm tra kết quả hồi qui.
Kết luận
Các nghiên cứu trước đây về ý định mua các sản phẩm xa xỉ chủ yếu được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu này đã xem xét một cách tương đối các nhân tố ảnh hưởng tới ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ của người tiêu dùng trong bối cảnh tại Việt Nam và cụ thể tại khu vực phụ cận Hà Nội, Bắc Ninh. Nghiên cứu này áp dụng mô hình TPB mở rộng bằng việc bổ sung biến mới “khuynh hướng thể hiện đẳng cấp” và “chủ nghĩa dân tộc” vào mô hình để giải thích ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ của người tiêu dùng. Kết quả nghiên cứu làm tăng thêm sự hiểu biết về ý định mua sản phẩm thời trang xa xỉ, một khuynh hướng mua sắm ngày càng phát triển tại Việt Nam.


4. Tài liệu tham khảo
4.1. Tài liệu Tiếng Việt
1. Lê Thị Thùy Hương (2014.), ‘‘Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới ý định mua thực phẩm an toàn của cư dân đô thị - lấy ví dụ tại thành phố Hà Nội’’, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.
2. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trần Thị Thắng (2016), ‘‘Khuynh hướng thể hiện đẳng cấp và ý định mua của người tiêu dùng: Nghiên cứu đối với sản phẩm trần căng Barrisol trên địa bàn Hà Nội’’, Tạp chí Kinh tế & Phát triển số 233 tháng 11/2016, trang 113-119.
3. Vũ Huy Thông (2010), ‘‘Hành vi người tiêu dùng, Xuất bản lần thứ 2’’, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam.
4. Hà Ngọc Thắng (2015), ‘‘Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua sắm trực tuyến ở Việt Nam’’, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.
5. Lưu Cẩm Trúc, 2015. ‘‘Nghiên cứu ảnh hưởng của nhóm tham khảo đến quyết định mua điện thoại smartphone’’, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
4.2. Tài liệu Tiếng Anh
1. Ajzen Icek (1991), ‘‘The theory of planned behavior’’, Organizational behavior and human decision processes, 50(2), 179-211.
2. Ajzen Icek (2002), ‘‘ Perceived Behavioral Control, Self-Efficacy, Locus of Control, and the Theory of Planned Behavior’’, Jounal of Applied Social Psychology, 32, 665-883.
3. Chan (2001), ‘‘Psychology &Marketing 2001 John Wiley &Sons, Inc, 18(4): 389–413.
4. Bain & Company, Inc., (2015), ‘‘Luxury good wordwide market study’’, Fall – Winter 2015.
5. Belk, Russel W, (1999), ‘‘Leaping luxuries and transitional consumers’’, in Marketing trasitional economies, Batra, R. (ed), Kluwer academic Publisher, Massachusetts, 39-54.
6. Bilge Hümeyra Aslım (2015), ‘‘Luxury Consumption: Literature Review’’, Khazar Journal of Humanities and Social Sciences, 18(1), 35-55.
7. Bopeng ZhangandJung-Hwan Kim (2013), ‘‘Luxury fashion consumption in China: Factors affecting attitude and purchase intent’’, Journal of Retailing and Consumer Services, 20(1), 68-79.
8. Claudia D’Arpizio Federica Levato, Daniele Zito and Joëlle de Montgolfier (2015), ‘‘Luxury goods worldwide market study’’, Bain & Company.
9. Danziger, P. N. (2004), ‘‘Meet the young affluents: How the "Want-It-All, Want-It-Now" generation is changing the luxury market andwhatluxurybrandsneedto do about it’’. Retrieved from
http://www.whypeoplebuy.com/cms/Home_Page/Speeches_Presentations.php
10. Daghestani Judy (2013), ‘‘Marketing Western Luxury Retail Brands In The Middle East’’, Kogod School of Business: Management University Honors in Business.
11. Dr. R. Srinivasan Dr. R.K. Srivastava & Prof. Sandeep Bhanot (2014a), ‘‘Attitudes of young Indian consumers towards luxury brands’’, IOSR Journal of Business and Management, 16(7), 87-97.
12. Fisbein Martin và Icek Ajzen (1975), ‘‘Belief, attitude, intention and behavior: an introduction to theory and research’’, Addison-Wiley Publishing Company, Massachusetts.
13. Guo Ing. Yiying (2014), ‘‘Luxury brand marketing: consequence of chinese consumer behavior’’, Tomas Bata University in Zlín.
14. Jinfeng Wang & Piraphong Foosiri (2018), ‘‘Factors Related to Consumer Behavior on Luxury Goods Purchasing in China’’, UTCC International Journal of Business and Economics (UTCC IJBE), 10, 19-36.
15. Khor Eng Tatt (2010), ‘‘Factors Influencing Consumer Buying Behaviour of Luxury Branded Goods’’, UNIVERSITI SAINS MALAYSIA.
16. Nguyen, T. Tuyet Mai & Tambyah, Siok Kuan (2011), ‘‘Antecedent and consequences of status consumption among urban Vietnamese consumers’’, Organization and Markets in Emerging Economies, 2(1), 75-98.
17. Tambyah & etc, (2009), ‘‘Measuring status orientations: Scale development and validation in the context of Asian transitional economy’’, Journal of Marketing: Theory and Practice, 17(2), 175-187.