Cảm nhận về cải cách công tác hành chính

Suy nghĩ về công tác tuyên truyền thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2012-2020 tại tỉnh Vĩnh Phúc

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001, trong đó đề ra 4 nội dung chính là: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001, trong đó đề ra 4 nội dung chính là: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Đây là nhiệm vụ lớn, phức tạp, phải thực hiện lâu dài, thường xuyên và hướng tới nhiều chủ thể, đối tượng khác nhau. Trong giai đoạn vừa qua tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện cải cách hành chính [CCHC] khá đồng bộ ở các ngành, các cấp, đến từng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong giai đoạn 2001-2010, Tỉnh ủy đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, Ủy ban nhân dân [UBND] ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch triển khai CCHC theo từng năm và từng giai đoạn. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2148 ngày 23/10/2003 tuyên truyền về chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001-2010. Căn cứ vào kế hoạch trên, trong những năm qua chính quyền các cấp trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch của cấp mình để tổ chức thực hiện và phân bổ kinh phí phục vụ tuyên truyền CCHC. Hàng năm, UBND tỉnh cấp từ 250 đến 350 triệu đồng, UBND huyện, thành, thị, bình quân mỗi năm trích từ 40 đến 50 triệu đồng để thực hiện kế hoạch tuyên truyền trong năm. Sở Nội vụ, cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh về CCHC đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, tạp chí ở trung ương và địa phương cũng như các cơ quan liên quan như: Ban Tuyên giáo tỉnh, Ban Dân vận tỉnh, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin- truyền thông, Liên đoàn lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC tới các ngành, các cấp; Công tác tuyên truyền chương trình tổng thể đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như: tổ chức tập huấn, hội nghị, phóng sự, toạ đàm, hội thảo, hội thi, hội diễn, phát thanh, truyền hình, bản tin các ngành và khá phong phú về nội dung, với sự phối hợp của nhiều cơ quan, báo, đài của Trung ương và địa phương, đặc biệt là hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã.
Thông qua công tác tuyên truyền về CCHC, hầu hết các địa phương đã phổ biến, quán triệt sâu rộng đến tận cơ sở và nhân dân; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân và nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nội dung, sự cần thiết phải thực hiện CCHC và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC... Hầu hết các cấp, các ngành đã gắn nội dung chương trình tổng thể vào Nghị quyết của cấp ủy và chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực đẩy mạnh CCHC nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; người dân có điều kiện giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện CCHC chưa đạt các mục tiêu của chương trình tổng thể. Đó là ở mỗi địa phương, mỗi ngành còn có nhận thức, quan điểm chưa đầy đủ và không tương đồng, nhất là ở cấp xã nhiều cán bộ, công chức còn coi việc thực hiện CCHC chỉ là thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa. Tính thống nhất về mặt quan điểm, nhận thức đối với cải cách hành chính còn là một nhiệm vụ phải tiếp tục giải quyết. Kết quả của công tác tuyên truyền chưa tương xứng, chưa đủ mạnh để làm chuyển biến CCHC; nội dung tuyên truyền chưa sâu, hình thức chưa hấp dẫn; chưa thực sự chủ động và nhạy bén; còn dàn trải, thiếu tập trung, khen nhiều chê ít.
Bên cạnh đó ở nhiều địa phương chưa phân loại rõ đối tượng cần tuyên truyền tương ứng với các nội dung, mục đích của tuyên truyền mà thường đánh đồng như nhau, trong khi trên thực tế, mỗi đối tượng cần được tuyên truyền với những nội dung và hình thức khác nhau. Việc đầu tư kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền CCHC ở cấp huyện và cấp xã còn hạn hẹp. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là: lãnh đạo ở một số địa phương, một số ngành chưa tập trung chỉ đạo, chưa quyết liệt, mạnh dạn trong thực hiện CCHC; nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa đầy đủ, còn gây phiền hà, nhũng nhiễu với tổ chức và công dân.
Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011, trong đó đề ra 5 mục tiêu mà trọng tâm là: cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Giải pháp quan trọng để hoàn thành 5 mục tiêu là xác định nội dung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ then chốt và động lực của Chương trình CCHC giai đoạn mới. Để đạt được các mục tiêu nói trên, trước hết cán bộ, công chức và nhân dân phải có nhận thức đầy đủ để cùng với Nhà nước tiến hành công cuộc CCHC. Vì vậy, công tác thông tin, tuyên truyền trong giai đoạn mới là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện chương trình CCHC, đồng thời để khắc phục những khuyết điểm, hạn chế ở giai đoạn trước, công tác tuyên truyền thực hiện CCHC trong giai đoạn mới, tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung thực hiện những nội dung cơ bản sau:
Một là, thông qua tuyên truyền, giáo dục để nhận thức đúng đắn về CCHC, phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách có tính chất đột phá của sự phát triển; là trách nhiệm của mọi tổ chức, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu, đồng thời gắn việc thực hiện CCHC với tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi cải CCHC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với phương châm là thường xuyên, kiên trì, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động xây dựng kế hoạch CCHC và kế hoạch tuyên truyền hàng năm của cơ quan, đơn vị. Trong kế hoạch cần nêu cụ thể từng công việc phải làm, xác định ai chủ trì, ai phối hợp thực hiện, thời gian hoàn thành công việc và dự toán kinh phí thực hiện đối với từng công việc. Tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết của mọi tầng lớp nhân dân về công tác CCHC, qua đó tăng cường sự giám sát của người dân trong thực hiện CCHC của các cơ quan Nhà nước, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức thông qua tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Hai là, nội dung tuyên truyền phải phù hợp với yêu cầu, đặc điểm và nhiệm vụ của từng đối tượng, từng ngành, từng địa phương. Cụ thể là: Đối với lãnh đạo các cấp ủy đảng, tổ chức chính trị xã hội: tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện công cuộc phát triển đất nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh bảo đảm sự đồng bộ giữa cải cách kinh tế, CCHC, cải cách lập pháp, tư pháp, chú trọng đổi mới phương thức, nội dung lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội đối với nhiệm vụ triển khai công tác CCHC ở từng cấp, ngành, đơn vị, từng lĩnh vực, lấy lợi ích và sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả công tác CCHC. Đối với cán bộ, công chức, viên chức cần tập trung vào Chương trình tổng thể CCHC của Trung ương, của tỉnh giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch CCHC hàng năm, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; các mô hình đang thí điểm trong quá trình thực hiện, các điển hình tiên tiến trong thực hiện CCHC tại sở, ngành, huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn; những tập thể và cá nhân thực hiện tốt hoặc chưa tốt công tác CCHC; các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong giải quyết các công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đối với cán bộ cấp cơ sở: Phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong tiến trình đổi mới, phát triển theo hướng CNH - HĐH đất nước, kết hợp với nội dung CCHC; truyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp cơ sở; trách nhiệm trong giải quyết công việc khi có công dân, tổ chức đến liên hệ. Đối với người dân và doanh nghiệp tập trung vào Bộ thủ tục hành chính đã công bố theo Quyết định của UBND tỉnh; Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã; các vấn đề cần biết khi thực hiện thủ tục hành chính, chú trọng một số lĩnh vực chủ yếu như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công trình xây dựng, cấp phép đầu tư, cấp phép đăng ký kinh doanh, hộ tịch, hộ khẩu, xuất nhập cảnh, xử phạt vi phạm hành chính, khiếu nại tố cáoquyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong mối quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước; trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết các công việc của công dân;
Ba là, công tác tuyên truyền phải thông qua nhiều hình thức, có giải pháp cụ thể, biện pháp thực hiện đồng bộ và triển khai sâu rộng. Mỗi hình thức đều có tác dụng nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, như: Các phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, truyền thanh, phát thanh, truyền hình, bản tin của cơ quan, tờ tin của ngành, của huyện, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, đối thoại trực tuyến, hội nghị phổ biến quán triệt, họp thôn, tổ dân phố triển khai Trong đó, đề xuất các hình thức sau đây có tác động lớn đến mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thứ nhất, xây dựng chuyên mục về CCHC trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát định kỳ hàng tháng; Báo Vĩnh Phúc, Đài truyền thanh cấp huyện mở chuyên trang, chuyên mục hàng tuần; Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, UBND cấp huyện xây dựng mục hỏi đáp và trả lời ý kiến của người dân về thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị mình; Bản tin, tập san của các ngành, địa phương tập trung phản ánh những kết quả thực hiện, bài học kinh nghiệm, đồng thời thông tin toàn bộ thủ tục hành chính và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của các ngành, các cấp ở địa phương. Thứ hai là tổ chức các cuộc thi, đối tượng tham gia là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ví dụ như: Thi viết tìm hiểu nội dung chương trình CCHC. Lưu ý để cuộc thi đạt kết quả cao cần thành lập Ban tổ chức cấp tỉnh để triển khai sâu rộng đến các tổ chức công đoàn cơ sở, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, bài thi đảm bảo chất lượng. Tuyên truyền bằng hình thức kịch vui, ngắn, có thể giao Trung tâm Văn hóa tỉnh hoặc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thực hiện các tiểu phẩm tuyên truyền về CCHC, các tiểu phẩm thể hiện theo từng chủ đề, có giải đáp vướng mắc về thủ tục hành chính theo quy định hiện hành; nội dung chủ đề cần giáo dục trách nhiệm của công chức nhà nước và công dân. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chỉ đạo Trung tâm Văn hóa cấp huyện dàn dựng theo kịch bản các tiểu phẩm đã biên soạn để biểu diễn ở các địa phương. Thú ba, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các ngành, các cấp với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp để trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính. Thú tư, tổ chức biên soạn và phát hành rộng rãi các tài liệu, tờ gấp thông tin về CCHC, về quy trình giải quyết các loại thủ tục hành chính, phổ biến đến từng loại đối tượng.
Bốn là, định kỳ tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ CCHC. Tăng cường củng cố và phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp. Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ để định hướng rõ chủ đề, chủ điểm nội dung tuyên truyền CCHC trong từng thời gian, trong đó nhấn mạnh tuyên truyền phải đẩy mạnh nêu gương mặt tốt và phê phán những mặt yếu kém. Nêu đúng việc, đúng người, khen chê đủ tầm, đủ mức là động lực cho phát triển. Mọi vấn đề phê bình trên báo chí đều hướng vào động cơ xây dựng, tránh khen, chê một chiều hoặc tư tưởng sợ động chạm. Sớm đưa nội dung chương trình tổng thể CCHC nhà nước vào chương trình giảng dạy chuyên đề hoặc ngoại khóa của hệ thống các trường chuyên nghiệp và dạy nghề một cách thích hợp.
Năm là, bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch tuyên truyền CCHC giai đoạn mới do ngân sách nhà nước đảm bảo. Các sở, ngành được giao chủ trì thực hiện tuyên truyền về CCHC theo kế hoạch, hàng năm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét quyết định. UBND cấp huyện bố trí kinh phí để chi cho hoạt động tuyên truyền CCHC của địa phương. Đồng thời khuyến khích các sở, ngành, địa phương trực tiếp huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền CCHC.
Sáu là, công tác tuyên truyền phải đi liền với kiểm tra, giám sát; xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền phải đồng thời xây dựng luôn kế hoạch kiểm tra. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện CCHC nói chung, công tác tuyên truyền nói riêng, tránh đơn lẻ chia cắt, thiếu hợp lực. Đưa nội dung thông tin về kết quả, tiến độthực hiện chương trình cải cách hành chính ở các địa phương vào các phiên họp thường kỳ của UBND các cấp.
Hy vọng rằng trong giai đoạn 2012-2020, với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cộng với tổ chức hành động tốt sẽ cho kết quả cải cách hành chính tốt và bền vững./.
Phạm Hồng Hải
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Video liên quan

Chủ Đề