Chụp hình X quang bao nhiêu tiền?

Chụp X quang tay giúp bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán các vấn đề hay bệnh lý về xương khớp ở cánh tay, trong đó có tình trạng loãng xương ở người bệnh.

Chụp X quang tay sẽ cung cấp cho bác sĩ hình ảnh giải phẫu bộ phận vùng cánh tay, hoặc cẳng tay, hoặc bàn tay của người bệnh. Kỹ thuật này sử dụng tia bức xạ X để thu thập được hình ảnh giải phẫu chi trên. Nhiều người lo ngại việc thực hiện kỹ thuật này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vậy chụp X-quang tay có tác dụng không mong muốn gì không? Ai cần thực hiện kỹ thuật này? Quy trình thực hiện ra sao?

Chụp X quang tay là gì?

Chụp X-quang tay là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia bức xạ X để tạo ra hình ảnh bên trong bàn tay, cẳng tay, cánh tay của người bệnh. Hình ảnh X-quang thu được sẽ cho thấy cấu trúc bên trong [giải phẫu] xương toàn bộ cánh tay của người bệnh với màu đen và trắng. Canxi trong xương sẽ hấp thụ nhiều bức xạ hơn, vì vậy trên hình ảnh chụp X-quang phần xương sẽ hiển thị màu trắng. Các mô mềm như cơ, mỡ và các cơ quan sẽ hấp thụ ít bức xạ hơn, vì vậy trên hình ảnh X-quang sẽ hiển thị nhiều màu xám khác nhau. Hình ảnh X quang sẽ giúp bác sĩ có thể chẩn đoán các tổn thương ở bộ phận chi trên, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

Kỹ thuật chụp X-quang tay sử dụng tia bức xạ X để tạo ra hình ảnh bên trong bàn tay của người bệnh

Ở những trường hợp đặc biệt, phim chụp X-quang tay không thể hiện được tình trạng xương tay bị gãy. Những chỗ gãy xương bị bỏ sót này thường rất nhỏ và xảy ra ở những vùng xương chồng lên nhau. Nếu hình ảnh X-quang ban đầu cho thấy xương tay hoàn toàn bình thường nhưng người bệnh vẫn bị đau và nhạy cảm, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh khác, bao gồm: chụp cắt lớp vi tính [CT] hoặc chụp cộng hưởng từ [MRI],…

1. Tia bức xạ X sử dụng trong kỹ thuật chụp X-quang tay là gì?

Tia bức xạ X là loại bức xạ năng lượng cao và có tác dụng tạo nên hình ảnh giải phẫu cho các bộ phận cơ thể. Chụp X quang là thủ thuật y tế quen thuộc trong chẩn đoán hình ảnh y khoa, có mặt từ năm 1895 và lần đầu tiên được áp dụng trên cơ thể người vào năm 1896.

Chùm tia bức xạ X sẽ được chiếu xuyên qua vùng cơ thể cần thu thập hình ảnh giải phẫu thì sẽ suy giảm dần, tùy vào từng mô mà sự hấp thụ tia X sẽ khác nhau. Cuối cùng, các chùm tia bức xạ X này sẽ được chiếu lên bộ phận thu nhận và sẽ được thiết bị xử lý hình ảnh.

2. Bệnh ung thư xương có thể được phát hiện khi chụp X-quang tay không?

Để có thể phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư xương cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của người bệnh, trong đó triệu chứng lâm sàng của bệnh ung thư xương rất khó phát hiện. Chụp X-quang tay là phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng, góp phần giúp bác sĩ có thể phát hiện được ung thư xương.

Nếu nghi ngờ bị ung thư xương, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định chụp X-quang phim thẳng, nghiêng, đối bên để có thể kiểm tra được dấu hiệu của bệnh. Người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện kỹ thuật này ngay khi có dấu hiệu đau xương để phục vụ cho quá trình chẩn đoán hình ảnh đầu tiên như: vị trí tổn thương ở xương, phản ứng màng xương, giai đoạn xương mất đi chất khoáng,…

Chụp X-quang tay góp phần giúp bác sĩ có thể phát hiện được ung thư xương

Đối tượng được chỉ định chụp X-quang tay

Bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định chụp X-quang tay đối với người bệnh thuộc các trường hợp sau đây:[1]

  • Gãy xương hoặc nghi ngờ gãy xương tay.
  • Nghi ngờ có dị vật trong mô mềm bên trong hoặc xung quanh xương.
  • Có tình trạng thoái hóa xương, viêm khớp ở tay.
  • Hình thành khối u trong xương tay.
  • Sự phát triển xương bất thường do điều kiện trao đổi chất.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định trẻ em thực hiện chụp X-quang bàn tay để xác định tuổi xương của trẻ. Tuổi xương giúp bác sĩ đánh giá được sự bất thường trong quá trình phát triển, từ đó phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý ở trẻ.

Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang tay nếu nghi ngờ có tổn thương hay bệnh tại bộ phận tay của người bệnh

Quy trình thực hiện X quang tay

1. Chuẩn bị gì trước khi chụp X-quang tay?

Đối với kỹ thuật chụp X-quang tay người bệnh không cần chuẩn bị quá nhiều. Trước khi thực hiện, người bệnh sẽ được bác sĩ yêu cầu loại bỏ trang sức, đồ dùng kim loại khỏi tay và cổ tay. Đồng thời, nếu người bệnh đang mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai cần thông báo ngay cho bác sĩ chụp X-quang.

Lượng tia bức xạ sử dụng trong kỹ thuật chụp X-quang tay là không đáng kể. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho thai nhi, người mẹ cần thông báo để bác sĩ có thể sử dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu sự phơi nhiễm bức xạ ở mức thấp nhất. Ngoài ra, trước khi chụp X quang tay, bác sĩ sẽ giải thích quy trình và trả lời bất kỳ câu hỏi nào của người bệnh.

2. Thực hiện chụp X quang tay thế nào?

Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đặt tay lên bàn chụp X-quang có giá đỡ phim X-quang hoặc tấm ghi kỹ thuật số bên dưới. Đồng thời, sẽ có đồ dùng chuyên dụng được đặt xung quanh cánh tay của người bệnh để cố định cánh tay trong quá trình thực hiện. Trong quá trình chụp X-quang, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh xoay và giữ tay ở những vị trí khác nhau để có thể chụp ảnh từ nhiều góc độ hoặc cầm nắm đồ dùng để quan sát tình trạng chịu lực tại khu vực đang được chụp X-quang.

Đặc biệt người bệnh cần phải giữ yên tay khi thiết bị tiến hành chụp vì chuyển động có thể làm mờ hình ảnh X-quang

Trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh sẽ được yêu cầu mặc áo choàng chuyên dụng để bảo vệ cơ thể khỏi tia bức xạ. Thời gian thực hiện chụp X quang tay chỉ mất từ 5 đến 10 phút.

3. Sau khi chụp X quang tay cần lưu ý gì?

Sau khi chụp X-quang tay, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh chờ đợi vài phút để xem nhanh các hình ảnh đã chụp. Nếu hình ảnh chụp X quang tay bị mờ hoặc cần thu thập thêm hình ảnh giải phẫu từ các góc khác của tay để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện chụp X quang thêm lần nữa.[2]

Quy trình chụp X quang tay đơn giản, diễn ra nhanh chóng, không mất nhiều thời gian của người bệnh

Rủi ro có thể gặp của chụp X-quang tay là gì?

Chụp X-quang tay có quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng nhưng nhiều người bệnh cũng quan tâm đến rủi ro ảnh hưởng sức khỏe của kỹ thuật này. Chụp X quang tay được đánh giá có độ an toàn cao vì lượng tia bức xạ sử dụng đạt mức tối thiểu và không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, nếu người bệnh tự ý thực hiện chụp X quang nhiều lần trong thời gian ngắn sẽ có nguy cơ gây hại đến sức khỏe như rụng tóc, bỏng da,… và nếu kéo dài có thể dẫn đến ung thư.

Đối với phụ nữ mang thai, đây là đối tượng hạn chế chụp phim, bởi vì tia bức xạ có thể ảnh hưởng một phần sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp phụ nữ mang thai bắt buộc phải chụp X quang, bác sĩ sẽ có những biện pháp che chắn và kỹ thuật chụp chuyên biệt nhằm hạn chế ảnh hưởng của tia bức xạ đến thai nhi đạt mức thấp nhất. Ngoài ra, trẻ em cũng có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cao nếu tiếp xúc quá nhiều tia bức xạ. Vì vậy, khi chụp X quang tay cho trẻ em, bác sĩ sẽ điều chỉnh lượng bức xạ ít hơn nhưng vẫn đảm bảo kết quả hình ảnh X quang rõ nét.

Người bệnh chỉ chụp X-quang tay khi có chỉ định từ bác sĩ, đồng thời thông báo đầy đủ lịch sử chụp X quang trước đó với bác sĩ trước khi thực hiện.[3]

Chụp X quang tay bao nhiêu tiền?

Chụp X quang tay là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến nhằm phát hiện các tổn thương, bất thường ở bộ phận tay. Hiện nay, người bệnh có thể thực hiện kỹ thuật này tại hầu hết các cơ sở y tế với chi phí từ 120.000 đồng. Tuy nhiên, tại mỗi bệnh viện, chi phí chụp X quang tay sẽ có sự chênh lệch phụ thuộc vào các yếu tố như: điều kiện máy móc thiết bị chụp X-quang, cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ. Thông thường, tại cơ sở y tế lớn, chất lượng cao, máy móc hiện đại, giá chụp X-quang thường sẽ cao hơn, đổi lại người bệnh sẽ được đảm bảo về chất lượng dịch vụ và an toàn cho sức khỏe của bản thân.

*Lưu ý bảng giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ.

Để kết quả chụp X-quang tay giúp chẩn đoán bệnh chính xác nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, được đầu tư đầy đủ trang thiết bị máy móc X-quang hiện đại.

Chụp X quang tay ở đâu?

Hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc đều cung cấp dịch vụ chụp X quang nói chung và chụp X quang tay nói riêng. Tuy nhiên, người bệnh cần chọn cho mình cơ sở y tế uy tín để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất nhưng vẫn đạt kết quả chẩn đoán bệnh chính xác. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế quy tụ đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người bệnh đến thăm khám và thực hiện chụp X quang.

Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Can thiệp Điện quang tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sử dụng thiết bị chụp X-quang có thời gian chụp nhanh, phim tốc độ cao, cường độ tia bức xạ thấp đảm bảo giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro. Bên cạnh kỹ thuật chụp X-quang tay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn triển khai các dịch vụ chụp X quang khác bao gồm: chụp X quang phổi, dạ dày, vú,… với chất lượng cao được nhiều khách hàng tin tưởng chọn lựa.

Để đặt lịch thăm khám và thực hiện kỹ thuật chụp X quang tay tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Tóm lại, chụp X quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán những tổn thương, bệnh lý ở cánh tay, cẳng tay và bàn tay. Người bệnh chỉ nên thực hiện chụp X quang nói chung, chụp X quang tay nói riêng khi có chỉ định từ bác sĩ. Nếu cảm thấy tay có các dấu hiệu bất thường, như: đau nhức, tê bì, khó cử động,… người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ trực tiếp thăm khám.

Chủ Đề