Đặc điểm của trò chơi là gì?

Vui chơi là hoạt động chủ đạo không chỉ vì trẻ mẫu giáo dành nhiều thời gian cho nó, mà chính là trò chơi mà tung tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề đã gây ra những biến đổi về chất trong tâm lý của trẻ. Nó chi phối các dạng hoạt động khác làm cho chúng mang màu sắc độc đáo của tuổi mẫu giáo.

1. Đặc điểm của hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo:

a.Vui chơi là dạng hoạt động không mang tính bắt buộc , trẻ tham gia nhiệt tình do chính sức hấp dẫn của trò chơi .

Ví dụ: Trò chơi " khám bệnh " hấp dẫn trẻ là việc bác sĩ đeo ống nghe vào tai, đặt ống nghe lên ngực người bệnh.

Vậy động cơ của vui chơi nằm ngay trong quá trình hoạt động , nên trò chơi mang tính tự nguyện rất cao, mang lại niềm vui sướng cho trẻ .Đây là tính chất đặc biệt của vui chơi.

b. Đối với trẻ, trò chơi là một dạng hoạt động mang tính tự lập. Trong khi chơi, trẻ mẫu giáo thể hiện rõ ý thức làm chủ, trẻ hoạt động hết mình, tích cực và độc lập. Trong hoạt động vui chơi, người lớn chỉ có thể gợi ý, hướng dẫn mà thôi.

Tác dụng giáo dục của người lớn trong hoạt động vui chơi là ở chỗ người lớn biến những yêu cầu giáo dục thành nội dung của hoạt động vui chơi và hướng dẫn tổ chức cho trẻ vui chơi sao cho vừa thoả mãn những nhu cầu hứng thú của trẻ, mà lại đạt được những yêu cầu giáo dục.

c. Trong trò chơi đóng vai theo chủ đề, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các thành viên trong trò chơi với nhau. Trò chơi đối với trẻ mẫu giáo thường phản ánh một mặt nào đó của xã hội người lớn xung quanh, mà hoạt động của người lớn thì bao giờ cũng mang tính chất xã hội. Bởi vậy, để tiến hành một trò chơi nhằm mô phỏng lại đời sống xã hội thì nhất thiết phải có nhiều trẻ em tham gia. Tính hợp tác là một nét phát triển mới, một nét tiêu biểu trong vui chơi của trẻ mẫu giáo.

d. Trò chơi của tuổi mẫu giáo mang tính chất ký hiệu - tượng trưng. Trong khi chơi, mỗi đứa trẻ đều tự nhận cho mình một vai nào đó và thực hiện hành động phù hợp với vai chơi, nhưng đấy chỉ là hành động giả vờ. Trong khi chơi, trẻ còn lấy vật này thay thế vật kia và tự đặt tên cho vật thay thế, rồi sử dụng vật thay thế đó cho phù hợp với tên gọi của nó.

Tất cả những điều giả vờ trên lại mang một ý nghĩa rất thực, vì nó phản ánh một sự việc có thực đã xảy ra như vậy trong cuộc sống thực. Đó chính là sự ra đời của chức năng mới của ý thức: Chức năng ký hiệu - tượng trưng.

2. Cấu trúc của trò chơi đóng vai theo chủ đề:

a. Chủ đề và nội dung trò chơi đóng vai theo chủ đề (ĐVTCĐ):

Trò chơi ĐVTCĐ của trẻ mẫu giáo có thể phản ánh cuộc sống xung quanh khá đa dạng với các mảng hiện thực hết sức phong phú. Các mảng hiện thực được phản ánh vào trong trò chơi được coi là chủ đề của trò chơi. Do đó, chủ đề của trò chơi cũng mang tính muôn màu muôn vẻ, phạm vi hiện thực mà trẻ tiếp xúc càng rộng bao nhiêu thì các chủ đề trò chơi thường phong phú bấy nhiêu. Cùng một chủ đề nhưng ở mỗi lứa tuổi trẻ lại tái tạo các mặt rất khác nhau của hiện thực cuộc sống.

Bên cạnh chủ đề chơi còn phải chú ý thêm về mặt nội dung. Nội dung của trò chơi là những hoạt động của người lớn mà đứa trẻ nhận thức được và phản ánh vào trò chơi của mình. Đó là những hành động của người lớn với các đồ vật, những mối quan hệ giữa họ với nhau, những yếu tố đạo đức, thẩm mỹ...

Đối với nội dung trò chơi ta cần phải quan tâm xem xét khía cạnh tích cực hay tiêu cực của mảng hiện thực mà trẻ em tái tạo. Nếu không quan tâm thì trẻ có thể chơi những trò chơi tiêu cực như say rượu, nhảy tàu điện, bố mẹ cãi nhau...

b. Vai chơi và hành động chơi:

Vai chơi là yếu tố quan trọng để tạo nên trò chơi. Đóng vai có nghĩa là tái tạo lại hành động của một người lớn với các đồ vật trong những mối quan hệ nhất định với những người xung quanh. Trong vai chơi trẻ nhận làm một chức năng xã hội của một người nào đó, thường là chức năng mang tính chất nghề nghiệp. Đóng vai là con đường giúp trẻ thâm nhập vào cuộc sống của người lớn xung quanh.

Muốn trở thành một vai nào đó trong trò chơi, điều quan trọng là trẻ phải biết thực hiện hành động của vai đó. Những hành động này xuất phát từ hành động thực tế mà trẻ đã trông thấy trong cuộc đời thực hay nghe kể lại. Những thao tác của hành động lại phụ thuộc vào đồ chơi, như vậy hành động chơi và cả thao tác chơi đều phải phù hợp với điều kiện thực tế, cũng có nghĩa là để thực hiện vai chơi trẻ không hành động tuỳ tiện mà hành động chơi phải xuất phát từ vai chơi. Vai chơi trong trò chơi quy định hành động của trẻ đối với đồ vật và đối với bạn cùng chơi.

Tuy nhiên đây chỉ là hành động mô phỏng, do đó nó không đòi hỏi phải có thao tác đúng kỹ thuật , mà chỉ cần phỏng theo hình thức của nó và mang tính khái quát.

Chính tính khái quát và ước lệ của hành động chơi cho phép trẻ tiến hành trò chơi trong những điều kiện các đồ chơi khác nhau.

c. Những mối quan hệ qua lại của trẻ trong trò chơi: + Những quan hệ chơi: Đó là những quan hệ qua lại của các vai trong trò chơi theo một chủ đề nhất định, mô phỏng mối quan hệ của người lớn trong xã hội.

+ Những quan hệ thực: Đó là những quan hệ qua lại giữa những trẻ là những người tham gia trò chơi, những người bạn cùng thực hiện một công việc chung.

Trong trò chơi ĐVTCĐ, các quan hệ xã hội được bộc lộ ra rõ rệt. Việc thực hiện hành động của vai chơi là phải tạo ra các mối quan hệ với các vai khác nhau. Sức sống của trò chơi ĐVTCĐ là ở chỗ nó tạo ra được những mối quan hệ giữa các vai. Đó chính là bản chất của trò chơi ĐVTCĐ.

d. Đồ chơi và hoàn cảnh chơi:

Có hai loại đồ chơi: Loại thứ nhất là những đồ chơi do người lớn làm cho trẻ, mô phỏng theo những đồ vật thực ( con búp bê, cái thìa, ô tô...) Loại thứ hai là những vật thay thế cho đồ vật thật ( cái gối thay cho em bé, cái ghế thay cho toa tàu...)

Dù là đồ chơi loại thứ nhất hay loại thứ hai đều không phải là đồ vật thực tương ứng với hành động của vai mà chỉ là vật thay thế nên khi trẻ thao tác với đồ vật thay thế thì những thao tác này không tương ứng với hành động thực, từ đó buộc trẻ phải tưởng tượng ra một hoàn cảnh chơi tương ứng. Như vậy hoạt động chơi của trẻ đã tạo ra kết quả là hoàn cảnh chơi tưởng tượng. Nghĩa là hoạt động chơi làm nảy sinh trí tưởng tượng chứ không phải trí tưởng tượng có trước khi chơi, mà đó là kết quả của hoạt động chơi.

3. Vai trò của trò chơi trong sự phát triển tâm lý của trẻ mẫu giáo:

a. Hoạt động vui chơi ảnh hưởng mạnh tới sự hình thành tính chủ định của quá trình tâm lý. Trong trò chơi, trẻ bắt đầu hình thành chú ý có chủ định và ghi nhớ có chủ định. Khi chơi trẻ tập trung chú ý tốt hơn và ghi nhớ được nhiều hơn.

b. Tình huống trò chơi và những hành động của vai chơi ảnh hưởng thường xuyên tới sự phát triển của hoạt động trí tuệ của trẻ mẫu giáo. Trò chơi góp phần rất lớn vào việc chuyển tư duy từ bình diện bên ngoài ( tư duy trực quan - hành động ) vào bình diện bên trong ( tư duy trực quan - hình tượng).

Trò chơi còn giúp cho trẻ tích luỹ biểu tượng làm cơ sở cho hoạt động tư duy, đồng thời cũng giúp cho trẻ lập kế hoạch hành động và tổ chức hành vi của bản thân mình.

c. Vui chơi ảnh hưởng rất lớn đến đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo. Tình huống trò chơi đòi hỏi mỗi đứa trẻ tham gia vào trò chơi phải có một trình độ giao tiếp bằng ngôn ngữ nhất định. Do đó để đáp ứng được những yêu cầu của việc cùng chơi, trẻ phải phát triển ngôn ngữ một cách mạch lạc.

d. Trò chơi ĐVTCĐ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển trí tưởng tượng của trẻ mẫu giáo. Trong hoạt động vui chơi, đứa trẻ học thay thế đồ vật nài bằng các đồ vật khác, nhận đóng các vai khác nhau. Đó là cơ sở để phát triển trí tưởng tượng. Chính hoạt động vui chơi của trẻ đã làm nảy sinh hoàn cảnh chơi, tức làm nảy sinh trí tưởng tượng.

e. Trò chơi ĐVTCĐ có tác động rất mạnh đến sự phát triển đời sống tình cảm trẻ mẫu giáo. Trẻ lao vào chơi với tất cả tinh thần say mê của nó. Trong khi vui chơi trẻ tỏ ra vui sướng và nhiệt tình. Khi phản ánh vào trò chơi những mối quan hệ giữa người và người và nhập vào những mối quan hệ đó thì những rung động mang tính người của trẻ được gợi lên. Trong trò chơi trẻ đã thể hiện được tình người, như thái độ chu đáo, ân cần, sự đồng cảm, tinh thần tương trợ và một số phẩm chất đạo đức khác.

g. Những phẩm chất ý chí của trẻ mẫu giáo được hình thành mạnh mẽ qua trò chơi ĐVTCĐ. Khi tham gia trò chơi, trẻ buộc phải điều tiết hành vi của mình theo mối quan hệ giữa vai mình đóng với các vai khác, sao cho phù hợp với những quy tắc của trò chơi. Từ đó trẻ biết điều khiển hành vi của mình bằng ý chí, đặt ý riêng phục tùng mục đích chung của nhóm người.

Qua trò chơi, trẻ còn được hình thành những phẩm chất ý chí như: tính mục đích, tính kỷ luật, tính dũng cảm...

Tóm lại: Hoạt động vui chơi, mà trung tâm là trò chơi ĐVTCĐ ở tuổi mẫu giáo thực sự đóng vai trò chủ đạo. Ý nghĩa chủ đạo thể hiện trước hết là ở chỗ nó giúp tẻ giải quyết mâu thuẫn trong bước phát triển từ tuổi ấu nhi lên tuổi mẫu giáo. Trò chơi là phương tiện góp phần phát triển toàn diện nhân cách trẻ. Trò chơi tạo ra những nét tâm lý đặc trưng cho tuổi mẫu giáo, mà nổi bật là tính hình tượng và tính dễ xúc cảm, khiến cho nhân cách của trẻ mẫu giáo mang tính độc đáo khó tìm thấy ở các lứa tuổi khác. Do đó tổ chức trò chơi chính là tổ chức cuộc sống của trẻ. Trò chơi là phương tiện để trẻ học làm người.

II. SỰ NẢY SINH CÁC YẾU TỐ CỦA HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP, LAO ĐỘNG:

Sự nảy sinh các yếu tố của hoạt động học tập:

Hoạt động học tập là dạng hoạt động chủ đạo của học sinh phổ thông, và chỉ đến tuổi học sinh phổ thông, dạng hoạt động này mới phát triển tới mức hoàn chỉnh, còn ở tuổi mẫu giáo, hoạt động học tập đang ở thời kỳ phôi thai.

Ở tuổi mẫu giáo, hoạt động học tập chưa được hình thành đầy đủ. Nhưng trong nhiều hoạt động, đặc biệt là hoạt động vui chơi, ở trẻ mẫu giáo đã xuất hiện những yếu tố của hoạt động học tập.

Trong cuộc sống hàng ngày trẻ đã tiếp thu được một lượng tri thức đáng kể về thế giới xung quanh do trẻ trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy và sờ thấy hoặc do người lớn kể lại... Từ đó thế giới biểu tượng của trẻ cũng phong phú dần lên và làm nảy sinh tính ham hiểu biết, hứng thú nhận thức, muốn khám phá những điều mới lạ.

Nhưng lòng ham hiểu biết của trẻ mẫu giáo vẫn chưa đủ để đảm bảo thái độ sẵn sàng học tập, tiếp thu tri thức một cách có hệ thống trong các môn học. Để hình thành những hứng thú bền vững và nảy sinh những kỹ năng trí tuệ chuẩn bị cho trẻ vào trường phổ thông, người ta đã dạy trẻ trong các hình thức tổ chức đặc biệt gọi là " tiết học". Trong "tiết học" người ta dạy cho trẻ những tri thức, kỹ năng tương đối có hệ thống về các lĩnh vực của đời sống tự nhiên và xã hội xung quanh trẻ theo một chương trình nhất định. Đồng thời trong "tiết học" người ta bắt đầu đề ra cho trẻ những yêu cầu nhất định về mức độ và chất lượng lĩnh hội các tri thức, luyện tập cho trẻ những kỹ năng nghe và làm theo lời chỉ dẫn của cô giáo để thực hiện nhiệm vụ cụ thể do cô đề ra.

Việc dạy học trong các tiết học có một ý nghĩa quan trọng đối với việc làm nảy sinh các yếu tố của hoạt động học tập ở trẻ mẫu giáo.

Khác với "giờ học" ở trường phổ thông, " tiết học" ở trường mẫu giáo được tổ chức linh hoạt hơn, mang tính tổng hợp hơn, trong đó trò chơi học tập giữ một vị trí vô cùng quan trọng.

Trong " tiết học ", chủ yếu là thông qua các trò chơi học tập, niềm hứng thú đối với các lĩnh vực tự nhiên và xã hội có khả năng xuất hiện ở hầu hết trẻ mẫu giáo. Ở đây người ta đã dạy trẻ những tri thức mang tính hệ thống nhất định, trong đó những quan hệ chủ yếu của các hiện tượng vốn có ở mỗi lĩnh vực trong hiện thực được bộc lộ trước trẻ em.

Cùng với trò chơi, "tiết học" còn giúp trẻ hình thành những kỹ năng ban đầu của học tập. Kỹ năng đó đòi hỏi trước hết phải hiểu ý nghĩa của nhiệm vụ học tập như là một nhiệm vụ cần phải thực hiện, từ đó biết phân biệt nhiệm vụ học tập với các nhiệm vụ khác trong đời sống thực tế.

Việc tổ chức trò chơi có định hướng cùng với việc tổ chức các "tiết học" vừa sức và phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ mẫu giáo, sẽ làm thúc đẩy những yếu tố của hoạt động học tập nảy sinh một cách thuận lợi, chuẩn bị tốt cho trẻ học tập ở trường phổ thông sau này.

2. Những hình thức sơ đẳng của hoạt động lao động:

Hoạt động lao động là một loại hoạt động nhằm tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội, những giá trị vật chất và tinh thần cần thiết cho loài người. Đó chính là hình thức hoạt động cơ bản của người lớn, nó đòi hỏi những điều kiện thể lực và tâm lý cao.

Những phẩm chất tâm lý của người lao động chưa thể có được ở tuổi mẫu giáo nhưng những tiền đề của chúng đang được hình thành ở lứa tuổi này. Việc hình thành những tiền đề cần thiết cho hoạt động lao động ở lứa tuổi mẫu giáo lại được diễn ra theo con đường đặc biệt, chủ yếu ở bên ngoài việc thực hiện nhiệm vụ lao động.

Trẻ em làm quen bước đầu với hoạt động khi chúng quan sát người lớn làm việc hay thông qua kể chuyện, tranh vẽ... Trong những cuộc chơi, trẻ tái tạo lại những hành động lao động và những mối quan hệ giữa những người lớn với nhau, qua đó mà thu nhận những biểu tượng cần thiết về lao động., về ý nghĩa xã hội và tính chất tập thể của nó. Thông qua trò chơi, ở trẻ cũng được hình thành những hình thức đầu tiên của sự phân công hợp tác của những người lao động.

Trong những hình thức hoạt động có sản phẩm, trẻ mẫu giáo đã biết thực hiện những hành động nhằm tạo ra một kết quả nhất định.. Trong hoạt động đó ở trẻ hình thành nên những kỹ năng cần thiết. Việc thực hiện những nhiệm vụ học tập đơn giản cũng góp phần hình thành ở trẻ sự tự kiểm tra, tự đánh giá công việc của mình. Tất cả những điều đó là tiền đề cần thiết để hình thành nên hoạt động lao động.Tuy nhiên những tiền đề đó còn bị tản mạn trong nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Để thống nhất lại, cần phải hình thành ở trẻ em những hình thức sơ đẳng của lao động, trước hết là hướng dẫn trẻ thực hiện những nhiệm vụ lao động đơn giản nhằm đạt được một kết quả cụ thể.

Hướng dẫn trẻ em hợp tác với nhau trong nhiệm vụ lao động chung có một ý nghĩa quan trọng vì nó tạo ra ở đứa trẻ một ý thức hợp tác, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đến công việc chung, và đó là những điều kiện cần thiết cho việc hình thành con người lao động kiểu mới sau này.

Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ mẫu giáo mà thường những nhiệm vụ lao động được tổ chức gắn liền với trò chơi. Hơn nữa, điều quan trọng không phải là làm sao cho những hành động lao động cho trẻ mẫu giáo thực sự mang lại kết quả cao, mà điều chủ yếu là làm sao để trẻ hiểu được thế nào là lao động. Cần tổ chức cho trẻ tham gia những hình thức lao động đơn giản, nhằm tạo cho sự xuất hiện những tiền đề của hoạt động lao động.

Tóm lại:

+ Vui chơi, học tập và lao động là ba dạng hoạt động cơ bản của con người, trong đó thể hiện các trình độ phát triển theo bậc thang khác nhau của một đời người. Lúc đầu trẻ mới biết vui chơi, sau đó là học tập và cuối cùng là lao động. Hoạt động vui chơi đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển tâm lý của trẻ mẫu giáo.

+ Bên cạnh hoạt động vui chơi, cần tổ chức cho trẻ tham gia vào những hoạt động khác như học tập và lao động phù hợp với các em.

+ Ngoài ra, có thể tổ chức cho trẻ lĩnh hội những kinh nghiệm loài người về các lĩnh vực văn hoá - xã hội như: tạo hình, âm nhạc, thể dục - thể thao, văn học ngôn ngữ... Tuy nhiên cũng cần phải tổ chức sao cho phù hợp với những đặc điểm phát triển của trẻ.