Đánh giá tác động môt trường formosa

Formosa có tên chính thức là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh [FHS] gọi tắt là Formosa[1], chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan

1. Vụ việc Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung Formosa có tên chính thức là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh [FHS] gọi tắt là Formosa, chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan. Khi vào Việt Nam, chủ đầu tư dự án Formosa nhận được nhiều ưu đãi như được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% [doanh nghiệp trong nước là 22%], miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền… Để đảm bảo ổn định đầu tư, tại khoản 7 Điều 4 Hợp đồng thuê đất ngày 06/2/2009 quy định “đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện”. Tuy nhiên, khoảng tháng 4/2016 do việc sử dụng các chất hóa học độc hại để tẩy rửa đường ống sau đó xả thẳng ra biển đã làm cho môi trường biển 04 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế bị suy thoái nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hành vi làm ô nhiễm môi trường biển miền Trung của Fomorsa cũng gây ra những thiệt hại rất lớn với hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và các hoạt động liên quan đến môi trường biển, như: Vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ từ thủy, hải sản… ước tính sơ bộ mức bồi thường cho người dân và môi trường là 11.500 tỷ đồng [tương đương 500 triệu USD]. Mặc dù, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản pháp lý liên quan của Việt Nam đã quy định khá cụ thể về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các quy định này qua vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung cho thấy nhiều vấn đề pháp lý đặt ra cần được nghiên cứu hoàn thiện.

2. Bất cập trong quy định, thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường qua thực tiễn vụ Formosa

Thứ nhất, về chính sách, pháp luật và thực hiện thu hút đầu tư

Qua vụ Formosa cho thấy chưa có sự thống nhất giữa chính sách pháp luật với thực tiễn thực hiện. Cụ thể, ở giác độ chính sách pháp luật, quan điểm về phát triển bền vững thể hiện xuyên suốt trong Văn kiện Đại hội Đảng VIII, IX, X, XI, XII; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2004 về tăng cường bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về bảo vệ tài nguyên và môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Hiến pháp năm 2013; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược tăng trường xanh giai đoạn 2011 - 2020… theo đó, khẳng định không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường; đề cao việc bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế thân thiện môi trường. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện ở Việt Nam cho thấy từ pháp luật đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khá lớn, rất nhiều ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn được cấp phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam, như: Hóa chất, đóng tàu, phân đạm, nhiệt điện, sản xuất gang thép… Thậm chí như Formosa đầu tư vào lĩnh vực không thân thiện môi trường, nhưng lại được quá nhiều các ưu đãi về thời hạn thuê đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế bảo vệ môi trường... Do vậy, tác giả cho rằng trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hợp tác và hội nhập quốc tế hướng tới phát triển bền vững đất nước như hiện nay, Nhà nước cần phải có sự thống nhất giữa quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật với thực tiễn thực hiện. Xây dựng danh mục lĩnh vực thu hút đầu tư, trong đó, xác định rõ những ngành nghề nào thân thiện môi trường Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ đầu tư, những ngành nghề nào không thân thiện môi trường Nhà nước hạn chế đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện kèm theo về ứng dụng khoa học công nghệ.

Thứ hai, về quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch các lĩnh vực thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh

Về quy hoạch nói chung, mặc dù Nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 điều chỉnh chung các loại quy hoạch, nhưng thực tế cho thấy còn tồn tại quá nhiều các loại quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, mạnh ai lấy làm, mỗi địa phương một kiểu, thành lập theo phong trào, chưa có sự thống nhất, chưa dựa trên đặc thù, thế mạnh của từng địa phương nên hiệu quả phát triển không cao. Thực tế cho thấy, mỗi địa phương có điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, lịch sử phát triển khác nhau nên không phải địa phương nào cũng có điều kiện thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp. Nhiều khu công nghiệp được thành lập, nhưng tỷ lệ lấp đầy không cao. Điều đó cho thấy, không phải địa phương nào thành lập khu công nghiệp cũng hoạt động hiệu quả gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Mặt khác, qua thực tiễn vụ Formosa cho thấy đa phần các dự án đầu tư quy mô lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được cấp phép tại các khu vực ven biển, ví dụ: Các nhà máy lọc hóa dầu, các khu công nghiệp, khu chế xuất… Việc xây dựng các nhà máy, xí nghiệp tại các khu vực này mặc dù có nhiều thuận lợi về giao thương đi lại, nhưng đây thường là khu vực có không gian môi trường mở nên khi có hành vi làm ô nhiễm, suy thoái có thể dẫn tới những thảm họa về môi trường mà vụ Formosa là một ví dụ điển hình.

Thứ ba, các quy định về lập, thẩm định, tham vấn, phê duyệt, thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường khi dự án được cấp phép đầu tư

Đây là nội dung rất quan trọng của pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là pháp luật về phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Qua vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung, nhìn lại vấn đề chúng ta không thể không xem lại khâu lập, thẩm định, tham vấn cộng đồng, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp giấy phép đầu tư triển khai thực hiện dự án này trên thực tế. Có thể thấy, việc thẩm định phê duyệt báo cáo mặc dù có thể đúng về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, tham vấn, phê duyệt, điều chỉnh báo cáo, nhưng vụ việc ô nhiễm xảy ra chúng ta có thể có hai nhận định về vấn đề này: [i] Khâu tiền kiểm thực hiện chưa tốt. Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa dự báo, phân tích đầy đủ tác động tiêu cực đến môi trường của dự án đầu tư này, nhưng vẫn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường khi triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh hạng mục công trình đường ống xả thải khổng lồ của Formosa từ xả thải ra sông cho phép đặt ngầm và thải trực tiếp ra biển cách bở biển 1,5km. Dù có cơ sở pháp lý cho quyết định cho phép đặt đường ống này hay không thì đây vẫn là một quyết định không chính xác dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tự gây khó khăn cho mình trong việc kiểm soát việc xả thải của Formosa và có thể là nguyên nhân dẫn tới hành vi gây ô nhiễm môi trường của biển của Công ty này. [ii] Khâu hậu kiểm cũng chưa được thực hiện tốt. Khi dự án được triển khai trên thực tế, theo quy định của pháp luật môi trướng các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền phải giám sát chặt chẽ các hoạt động của dự án này theo đúng các cam kết của chủ đầu tư trong báo cáo đánh giá tác động môi trường để tránh những tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, hoạt động này lại chưa được được thực hiện hiệu quả.

Thứ tư, quy định về nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong bảo vệ môi trường

Pháp luật hiện hành quy định khá cụ thể về vấn đề này, như: Quy định các hành vi cấm doanh nghiệp không được thực hiện; các quy định về nghĩa vụ quản lý chất thải của doanh nghiệp; về nghĩa vụ quan trắc môi trường, thông tin về tình hình môi trường… Ví dụ, về nghĩa vụ quan trắc môi trường, pháp luật hiện hành quy định các dự án sản xuất kinh doanh có lượng nước thải từ 1000m3/ngày đêm phải có hệ thống quan trắc tự động nước xả thải sau khi xử lý và kết nối trực tiếp với cơ quan quản lý môi trường địa phương. Với công suất hoạt động khổng lồ theo tính toán thì đường ống chôn ngầm dưới biển của Formosa mỗi ngày có thể thải ra môi trường biển 300.000m3 nước thải nên theo quy định Công ty này phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và đấu nối cung cấp thông tin trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương. Tuy vậy, điều “lạ lùng” là khi Formosa xả thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường biển thì cơ quan quản lý môi trường tại địa phương lại không phát hiện ra dấu hiệu bất thường nào từ thông tin được cung cấp trực tiếp từ Formosa. Có thể thấy, cơ quan quản lý nhà nước đã không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình trong quản lý môi trường, còn Formosa thực sự đã “phất lờ” các quy định pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ xử lý chất thải [nước thải] đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường và gây ra thảm họa ô nhiễm suy thoái tài nguyên môi trường biển miền Trung. Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam cần phải xem xét lại các quy định và tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý chất thải.

Thứ năm, các quy định về chế tài áp dụng với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường của cá nhân, tổ chức

Pháp luật hiện hành quy định các cá nhân, tổ chức khi có hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây thiệt hại thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nhau, như: Trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật. Thực tế những năm qua cho thấy, hành vi vi phạm pháp luật môi trường ngày càng gia tăng dẫn tới môi trường ở Việt Nam ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng và có xu hướng gia tăng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của con người. Tuy nhiên, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ thể có hành vi làm ô nhiễm môi trường vẫn chưa đảm bảo tính răn đe. Theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thì mức xử phạt cao nhất với một hành vi vi phạm pháp luật môi trường của cá nhân là không quá 01 tỷ đồng, còn doanh nghiệp không quá 02 tỷ đồng với một hành vi vi phạm. Có thể thấy mức xử phạt với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật môi trường còn thấp, chưa đảm bảo tính răn đe. Trong khi đó về trách nhiệm hình sự với tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải, tội hủy hoại nguồi lợi thủy sản… đã được quy định từ Bộ luật Hình sự năm 1999 đến nay, nhưng chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý hình sự về hành vi này. Sở dĩ chưa chủ thể có hành vi làm ô nhiễm môi trường nào phải chịu trách nhiệm hình sự là do các quy định trước đây chủ yếu còn mang tính định tính và xây dựng theo dạng cấu thành vật chất nên việc xác định mức độ thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường rất khó nên không thể áp dụng trách nhiệm hình sự. Để khắc phục điều này, Bộ luật Hình sự năm 2015, [sửa đổi, bổ sung năm 2017] quy định áp dụng trách nhiệm hình sự không chỉ liên quan đến cá nhân mà cả đối với pháp nhân. Đồng thời, chuyển quy định các tội gây ô nhiễm môi trường từ cấu thành vật chất sang cấu thành hình thức, theo đó chỉ cần có hành vi vi phạm theo hướng định lượng mà không cần kết quả xảy ra. Với quy định này, hy vọng Bộ luật Hình sự năm 2015 [sửa đổi, bổ sung năm 2017] sẽ góp phần xử lý, răn đe hiệu quả tội phạm môi trường trong thời gian tới.

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường qua vụ Formosa, theo quy định của môi trường hiện hành có hai loại thiệt hại môi trường: [i] Thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Ví dụ, môi trường nước biển bị ô nhiễm, các loại sinh vật biển bị chết… [đây là thiệt hại trực tiếp hay còn gọi là thiệt hại nguyên phát]; [ii] Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác [đây là thiệt hại gián tiếp hay còn gọi là thiệt hại thứ phát]. Thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường đã được quy định cụ thể Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06/01/2015 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường đã xác định trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại này thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, nếu thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường xảy ra trên địa bàn một xã thì Ủy ban nhân dân xã đó có quyền yêu cầu chủ thể gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại; nếu thiệt hại xảy ra trên địa bàn hai xã trở lên thì Ủy ban nhân dân huyện có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; thiệt hại xảy ra trên địa bàn hai huyện trở lên thì Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền yêu cầu bồi thường và thiệt hại xảy ra trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do vậy, trong trường hợp Formosa gây ô nhiễm môi trường biển 04 tỉnh miền Trung thì theo quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vấn đề khó khăn là làm sao để lượng hóa chính xác nhất thiệt hại xảy ra với tài nguyên, môi trường biển miền Trung, như: Chi phí xử lý ô nhiễm nước biển; chi phí phục hồi các loài cá, các rạn san hô, sinh vật biển bị chết do chất thải độc hại của Formosa… đây là vấn đề không đơn giản.

Hơn nữa, đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra. Vấn đề này đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp lý liên quan, theo đó cá nhân, bị tổ chức bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường thì chính các chủ thể bị thiệt hại này có quyền yêu cầu chủ thể gây thiệt hại phải bồi thường cho mình với các phương thức khác nhau, như thương lượng, hòa giải, nhờ can thiệp từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Tòa án. Hơn nữa, pháp luật hiện hành quy định để cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường thì cần phải có 03 căn cứ là: Có hành vi vi phạm pháp luật; có thiệt hại xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại. Tuy nhiên, thực tiễn vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra gây thiệt hại vô cùng lớn về tài nguyên môi trường, người và của, ước tính thiệt hại là 11.500 tỷ đồng [tương đương 500 triệu USD], cho thấy nhiều vấn đề pháp lý đặt ra: [i] Có rất nhiều thiệt hại từ hành vi làm ô nhiễm môi trường của các công ty này, như thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản [thiệt hại về khai thác chế biến thủy sản, về du lịch, giao thông vận tải…] và các lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân. Các chủ thể bị thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường thường bị yếu thế trong các yêu cầu về bồi thường do họ không cung cấp được các chứng cứ cần thiết chứng minh mình bị thiệt hại bao nhiêu và liệu thiệt hại này có phải do chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây ra. [ii] Trong vụ Formosa cho thấy các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại không trực tiếp được yêu cầu Formosa phải bồi thường thiệt hại mà “dường như” Bộ Tài nguyên và Môi trường lại thương lượng “cả gói” với Formosa bao gồm cả chi phí bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích với tài nguyên môi trường biển và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của người dân. Điều này đặt ra vấn đề về mặt pháp lý là Bộ Tài nguyên và Môi trường có đương nhiên được quyền thay mặt người dân đàm phán yêu cầu Formosa bồi thường cho người dân? Theo quy định của pháp luật hiện hành là không được nếu không có sự ủy quyền hợp pháp từ những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường. [iii] Về phương thức giải quyết tranh chấp môi trường, mặc dù pháp luật quy định khá rõ ràng, nhưng đến nay có thể thấy chưa có vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường nào được giải quyết tại Tòa án [vụ Vedan gây ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải, Tòa án nhân dân huyện Long Thành đã thụ lý vụ án, nhưng chưa xét xử trên thực tiễn mà được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải và sức ép của dư luận xã hội]. Có thể thấy vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết tranh chấp môi trường rất quan trọng, nhưng thực tiễn lại chưa “xứng tầm”.

Thứ bảy, các quy định pháp luật về trách nhiệm của Nhà nước trong kiểm soát ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các doanh nghiệp

Pháp luật hiện hành quy định khá cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chủ thể có trách nhiệm trong quản lý môi trường. Tuy nhiên, qua thực tiễn vụ Formosa cho thấy các cơ quan này vẫn chưa thực hiện hiệu quả trách nhiệm của mình. Vấn đề đặt ra là cần nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về môi trường; đầu tư công nghệ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường; xử lý nghiêm các chủ thể có thẩm quyền không thực hiện/thực hiện không đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về cán bộ, công chức.

Thứ tám, vai trò của cộng đồng, truyền thông báo chí trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn ô nhiễm môi trường

Tham gia vào bảo vệ môi trường có ba nhóm chủ thể chính là các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải; các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền; cộng đồng dân cư. Trong bối cảnh kinh tế thị trường các chủ nguồn thải vì lợi ích tư sẵn sàng có hành vi vi phạm pháp luật môi trường, trong đó có quy định về quản lý chất thải; các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền không/chưa thực hiện hiệu quả trách nhiệm của mình, thậm chí thờ ơ để hành vi vi pháp luật môi trường xảy ra thì cộng đồng thực sự có vai trò quan trọng. Chủ thể phát hiện ra hành vi làm ô nhiễm môi trường trong vụ gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa chính là người dân, sau đó cộng đồng, truyền thông báo chí đưa tin, nhờ đó, sự việc đã được các cơ quan chức năng vào cuộc, làm sáng tỏ.

Thứ chín, về vai trò của khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường

Qua vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung cho thấy vụ việc đã xảy ra ở quy mô và phạm vi rất lớn, nhưng việc phát hiện hành vi vi phạm của Formosa lại rất khó khăn. Thậm chí khi thiệt hại cho môi trường biển xảy ra trên phạm vi rộng lớn, nhưng thời gian điều tra, khảo sát phát hiện vi phạm lại quá dài dẫn tới nguy cơ không tìm ra chủ thể vi phạm. Sở dĩ có vấn đề này do nhiều nguyên nhân, trong đó, có sự hạn chế về khoa học công nghệ trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư 4.0 với các đặc trưng về công nghệ internet kết nối vạn vật [IoT], công nghệ máy bay không người lái có trang bị cảm biến và trí tuệ nhân tạo [AI]; công nghệ in 3D… Việc ứng dụng các công nghệ này sẽ tạo ra những đột phá trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, để kiểm soát được ô nhiễm môi trường hiệu quả việc hợp tác song phương, khu vực và quốc tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thông qua việc hợp tác này giúp Việt Nam có được kinh nghiệm quản lý, nguồn vốn, công nghệ để quản lý hiệu quả ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.

3. Kết luận

Ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra đã gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, mở cửa đến nay. Vụ việc này đã để lại những thiệt hại trước mắt và lâu dài không thể tính toán hết được đối với tài nguyên môi trường biển các tỉnh miền Trung, cũng như đối với lĩnh vực các giao thông vận tải, du lịch, khai thác, chế biến thủy, hải sản… đặc biệt là thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và các lợi ích hợp pháp của người dân. Để tránh các thảm họa này tái diễn, theo tác giả nên tiến hành đồng bộ các biện pháp:

- Nhà nước cần phải nhất quán trong ban hành cũng như tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững, thu hút đầu tư;

- Xây dựng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các dự án đầu tư quy mô lớn phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường; ban hành danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư thân thiện môi trường, hạn chế thu hút đầu tư các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

- Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về báo cáo đánh giá tác động môi trường, coi trọng cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm khi triển khai thực hiện dự án trên thực tiễn, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật môi trường;

- Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức quản lý nhà nước về môi trường;

- Vận dụng hiệu quả nguyên tắc pháp chế trong xử lý cán bộ, công chức cũng như tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật môi trường;

- Tăng cường vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là phòng ngừa, giám sát, phát hiện ô nhiễm môi trường. Ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, đặc biệt, cần nâng cao vai trò của Tòa án trong giải quyết tranh chấp môi trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật môi trường.

TS. Bùi Đức Hiển

Viện Nhà nước và Pháp luật

Xem: Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu…

Bùi Đức Hiển, Pháp luật về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8 [352], tr. 59-66.

Bùi Đức Hiển, Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến các hoạt động gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam và vấn đề pháp lý đặt ra, Tạp chí Cộng sản điện tử, truy cập ngày 08/8/2018.

Sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính theo nguyên tắc mức xử phạt phải cao hơn chi phí tuân thủ pháp luật môi trường. Quy định về các yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường theo hướng đơn giản hơn.

Chủ Đề