Đội Công tác xã hội là gì

SƠ LƯỢC SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI NHÂN KỶ NIỆM NGÀY CÔNG TÁC XÃ HỘI (25/3/2016- 25/3/2021)

Đội Công tác xã hội là gì

Trên thế giới, ngành Công tác xã hội ra đời và phát triển vài thế kỷ và nghề công tác xã hội được công nhận là một nghề chuyên nghiệp, tuy nhiên ở Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Nhân kỷ niệm ngày công tác xã hội 25/3, xin điểm lại quá trình hành thành và phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Công tác xã hội ra đời tại Anh vào cuối thế kỷ 19, do cuộc cách mạng công nghiệp mà nước Anh phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội trầm trọng. Vì vậy cần có những chính sách, hoạt động giúp đỡ của Nhà nước và những người tham gia tình nguyện đã hình thành nên nghề công tác xã hội. Nổi bật nhất là sự ra đời của Hiệp hội các tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 1869 tại Luân Đôn nước Anh. Những đóng góp của Hiệp hội các tổ chức từ thiện này đã đặt nền tảng cho hoạt động Ngành công tác xã hội chuyên nghiệp sau này. Hoạt động của Hiệp hội các tổ chức từ thiện bắt đầu từ Luân Đôn và phát triển rộng khắp nước Anh, su đó phát triển sang cả nước Mỹ dưới dạng Công tác xã hội sơ khai được thực hiện bở các nhà truyền giáo và tình nguyện. Vào năm 1877, Tổ chức từ thiện xã hội được thành lập tại Mỹ và đến năm 1898 Hiệp hội tổ chức từ thiện lần đầu được tổ chức tại Mỹ. Đến năm 1901, tại New York (Mỹ) trường Công tác xã hội đầu tiên ra đời. Từ năm 1955, Hội những nhân viên Công tác xã hội quốc gia được thành lập. Đến nay đã có hơn 90 quốc gia trên thế giới khắp các châu lục đã công nhận nghề công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp.

Tại Việt Nam Ngành công tác xã hội được hình thành muộn hơn so với các nước phát triển trên thế giới, sự hình thành và phát triển qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn nước ta trở thành thuộc địa của nước Pháp, giai đoạn này hình thành các mô hình chăm sóc tập trung như viện mồ côi, viện dưỡng lão dành cho người già, người khuyết tật được xây dựng bởi những nhà truyền giáo đã có ảnh hưởng đến mô hình công tác xã hội.

Giai đoạn 1945-1954: Sau cách mạng Tháng Tám thành công, miền Bắc thành lập chế độ xã hội chủ nghĩa, tập trung kiến thiết, xây dựng đất nước. Từ đó, công tác xã hội chưa phát triển trở thành một ngành chuyên nghiệp. Cũng ở thời gian này, miền Nam đã có các trường đào tạo Công tác xã hội chuyên nghiệp như trường đào tạo Cán sự xã hội Caritas (Hội Hội chữ thập đỏ Pháp thành lập vào ngày 28/9/1948 và do các nữ dòng Thiên Chúa Giáo điều hành, Phòng Công tác xã hội do giám mục người Pháp thành lập.

Giai đoạn 1954-1975, với sự hiện diện của người Mỹ miền Nam Việt Nam đã tạo ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp như mại dâm, băng nhóm tội phạm, nghiện ma túy... để giải quyết các vấn nạn này đã đánh dấu sự phát triển của Công tác xã hội, các nhà công tác xã hội được đào tạo trước đó và hình thành một số trường Công tác xã hội.

Giai đoạn 1975-1986, Công tác xã hội được quan niệm là phong trào hoạt động của các đoàn thể tham gia công tác từ thiện, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ trẻ em mồ côi và chăm sóc người già, người khuyết tật (đặc biệt là những người có công với Cách mạng); Miền Nam các hoạt động đào tạo và thực hành công tác xã hội đã ngừng hoạt động.

Từ năm 1986 đến nay: Đất nước ta mở cửa, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những kết quả đạt được thì mặt trái của kinh tế thị trường làm xuất hiện tình trạng nghèo đói, trẻ em bị bỏ rơi, vấn đề di dân...để giải quyết các vấn đề này, ngành công tác xã hội đã phát triển mạnh mẽ trở lại. Nhìn chung công tác xã hội vẫn được hiểu trên ý nghĩa làm từ thiện, các thành viên làm công tác xã hội với tính chất tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã đôi khi là những người dân tự nguyện. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo các kỹ năng mềm, các khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về công tác xã hội. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững.

Nhằm xây dựng công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp, được đào tạo chuyên môn và là một ngành nghề được xã hội công nhận. công tác xã hội giúp cho người dân nâng cao năng lực, khả năng ứng phó và kỹ năng giải quyết khó khăn, kết nối người dân được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, mang đến sự phát triển đồng bộ và hài hòa giữa người và xã hội, góp phần ngăn ngừa các vấn nạn xã hội, từ đó hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng và dân chủ toàn diện. Ngày 25/3/2010 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết địnhsố 32/2010/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 đánh dấu một mốc mới quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam với mục tiêu: Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Sau 10 năm thực hiện, Ngành công tác xã hội ở nước ta có những bước phát triển mới, công tác xã hội trở thành một nghề chính thức, được đào tạo trình độ từ cao đẳng đến cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Mô hình công tác xã hội được tổ chức thực hiện trong hệ thống trường học, bệnh viện, các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm giúp đỡ cho học sinh, bệnh nhân, trợ giúp cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cơ sở trợ giúp xã hội và tại cộng đồng.

Với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam.

Ngày công tác xã hội cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội, tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đồng thời góp phần phát huy truyền thống tương thân, tương ái Lá lành đùm lá rách và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng vượt qua hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội để cùng nhau hướng tới một xã hội ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc./.