Gia đình Việt Nam hiện nay có sự biến đổi như thế nào?

1. Gia đình là một thiết chế xã hội tương đối bền vững

Điều này thể hiện ở tỷ trọng dân số có vợ có chồng vẫn ở mức cao. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, ở độ tuổi 50 chỉ có 3,3% dân số chưa từng kết hôn. Ngay ở Hà Nội, trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế của cả nước, chịu ảnh hưởng nhiều của lối sống các nước công nghiệp hóa phát triển, cũng chưa có dấu hiệu xã hội nào chứng tỏ đã hình thành một lối sống độc thân, từ chối hôn nhân và gia đình. Theo ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Hà Nội, năm 2001 ở độ tuổi 45 - 49 chỉ có 3,8% dân số Hà Nội chưa từng kết hôn. Hôn nhân vẫn là hình thức chung sống phổ biến của những người trưởng thành khác giới.

2. Quy mô gia đình có xu hướng ngày càng nhỏ lại

Kết quả các cuộc tổng điều tra dân số qua các năm cho thấy qui mô gia đình  Việt Nam liên tục giảm trong vòng hơn 20 năm qua, từ 5,22 người/hộ gia đình  năm 1979 xuống còn 4,88 người/hộ năm 1989 và 4,6 người/hộ năm 1999.

Đồng bằng sông Hồng có qui mô gia đình  thấp nhất là 4,1 người. Vùng Tây Bắc cao nhất là 5,2 người. Tiếp theo là Tây Nguyên 5 người, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long 4,8 người. Vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải  Nam Trung bộ là 4,6  người. Trong phạm vi cả nước, số hộ từ 1 đến 4 người chiếm trên một nửa [55%]. Đặc biệt ở Đồng bằng sông Hồng, cứ ba hộ thì có đến hai hộ có từ 1 đến 4 người [Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1999: Kết quả điều tra mẫu: 30].

Nguyên nhân giảm qui mô gia đình  là do giảm mức sinh, thay đổi mô hình chung sống giữa các thế hệ và những nguyên nhân khác như ly hôn, ly thân, độc thân ...

3. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nam và nữ có chiều hướng nâng cao

Trong toàn quốc, năm 1989, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 24,5 tuổi, nữ là 24 tuổi [Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1999: Kết quả điều tra mẫu: 39]. Tuy nhiên có sự khác biệt đáng kể giữa đô thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ở nội thành Hà Nội, theo điều tra của ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Hà Nội năm 2002, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 28,25 tuổi, nữ là 24,26 tuổi. ở một số vùng nông thôn miền núi, tuổi kết hôn trung bình thấp và tình trạng tảo hôn còn khá phổ biến. Nghiên cứu của Viện khoa học Thống kê năm 1998 cho thấy tỉ lệ tảo hôn ở nam và nữ tại khu vực miền núi phía Bắc chiếm tới 22,4% số người có đăng ký kết hôn. Nghiên cứu của ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em  Việt Nam năm 2002, tại hai tỉnh Lai Châu và Cao Bằng cho thấy ở 2 dân tộc người H’Mông và Dao số người kết hôn dưới 18 tuổi là 30,33% và 29,33%. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam ở Lai Châu và Cao Bằng theo kết quả điều tra mẫu là 19,23 và 18,29 [thấp hơn so với qui định của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam] còn tuổi  kết hôn lần đầu  của nữ là 18,12 và 18,07 [ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Việt Nam, 2002: 40,20].

Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn là do đồng bào dân tộc quan niệm về tuổi trưởng thành về sinh lý [dậy thì] đồng nghĩa với tuổi lấy vợ lấy chồng, mặt khác, do việc phổ biến và tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình còn nhiều hạn chế. Cụ thể, có 37% số người được hỏi ý kiến chưa từng biết đến Luật Hôn nhân và Gia đình, có 63% cho biết có nghe nói nhưng không rõ những điều Luật qui định, còn có 46,71% coi tảo hôn là chuyện bình thường [ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, 2002: 54].

4. Tình trạng hôn nhân không đăng ký

Hôn nhân không đăng ký là hiện tượng nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn, do đó, không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Trên thực tế, hiện tượng chung sống không kết hôn khá phức tạp, có thể tạm phân chia thành hai nhóm, nhóm thứ nhất: sự chung sống của đôi nam nữ được gia đình, họ hàng, cộng đồng thừa nhận được gọi là hôn nhân thực tế; nhóm thứ hai: chưa được gia đình, họ hàng, cộng đồng thừa nhận gọi là hiện tượng chung sống trước hôn nhân.

Hôn nhân thực tế.

ở nước ta hiện tượng này tồn tại khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau như do chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn [tảo hôn], do phong tục tập quán lạc hậu, do thiếu sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật ...

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết 31.3.2002, tại 56/61 tỉnh thành ở nước ta, có 929.319 cặp vợ chồng hôn nhân thực tế cần đăng ký kết hôn đã được rà soát và lập danh sách [Bộ Tư pháp, 2003]. Tại  một số địa phương, hiện tượng nam nữ chung sống không đăng ký còn khá phổ biến, chẳng hạn người H’Mông và người Dao ở tỉnh Cao Bằng có 42,2% số cuộc hôn nhân không đăng ký. ở Lai Châu, tỷ lệ này là 52,3%. Về nguyên nhân của việc không đăng ký kết hôn, có 40,6% số người được hỏi trả lời là “thấy không cần thiết” và 31,2% cho biết “không biết có qui định đó” [ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Việt Nam, 2002: 66,68].Theo báo cáo của Ban Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 thì “tình hình không đăng ký kết hôn ở Hà Tây, An Giang chiếm 50%; tại Tiền Giang chiếm 50%  ở các vùng sâu, vùng xa; 100% ở hai xã dân tộc thiểu số ở Bình Định; Thành phố Hồ Chí Minh có 8.963 trường hợp; Long An có 9.512 trường hợp; Kiên Giang 12.255 trường hợp; ở các tỉnh, thành phố khác cũng có tình hình này nhưng tỷ lệ thấp hơn”.

Hiện tượng chung sống trước hôn nhân

Chưa có những số liệu thống kê chính thức về hiện tượng chung sống trước hôn nhân, nhưng hiện tượng này thường xuất hiện tập trung ở giới trẻ sống xa gia đình, không chịu sự kiểm soát của gia đình  như học sinh, sinh viên, những người lao động nhập cư vào thành phố lớn... Một nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996 cho thấy, trong 100 tổ dân phố được điều tra, có 205 cặp nam nữ thanh niên chung sống trước hôn nhân [Khuất Thu Hồng và Daniele Belanger, 1996]. Một nghiên cứu khác cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có 12.712 đôi bạn trẻ chung sống trước, rồi kết hôn sau và 10.148 đôi chung sống không kết hôn [Mai Nguyên Vũ, 1998].

Hiện tượng chung sống trước hôn nhân là sự tiếp nối của quan hệ tình dục trước hôn nhân, một hiện tượng đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Một nghiên cứu của tổ chức CARE năm 1997 ước tính có khoảng 30-70% thanh niên Việt Nam có quan hệ tình dục sớm cũng diễn ra phổ biến ở các vùng nông thôn. Các kết quả nghiên cứu định tính chỉ ra rằng 71% nam và 32% nữ được điều tra nghĩ rằng nam và nữ chưa kết hôn thường có quan hệ tình dục trước khi cưới [Lê Thị Nhâm Tuyết [chủ biên], 2000: 117-118]. Một nghiên cứu do Viện Xã hội học hợp tác với Hội đồng Dân số tiến hành ở 6 tỉnh, thành trong cả nước năm 2000, có 10% trong tổng số 767 em trai và 5% trong tổng số 733 em gái, tuổi từ 15 - 22 được hỏi tự nhận có quan hệ tình dục trước hôn nhân [Trịnh Duy Luân [chủ biên], 2000: 133].

Hiện tượng chung sống trước hôn nhân có xu hướng gia tăng cho thấy gia đình  đang mất dần đi chức năng kiểm soát tình dục. Về khía cạnh nhân khẩu học, đời sống tình dục trước hôn nhân  là một phần kết quả của việc nam nữ kết hôn muộn, tuổi kết hôn trung bình của dân số cao hơn so với tuổi trưởng thành về giới tính. Tuy nhiên, chung sống trước hôn nhân đang để lại những hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, đạo đức, lối sống của vị thành niên. Theo UNFPA, Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Hằng năm có 1,4 triệu ca, trung bình 3 ca/1 phút, hay 40% tổng số phụ nữ có thai bị loại bỏ bởi sự can thiệp của y tế, 30% số trẻ sơ sinh ra đời ngoài ý muốn, 1/3 ca nạo phá thai là phụ nữ trẻ chưa có gia đình  [Erik Palstra, 1988, 19,20].

5. Số lượng các vụ ly hôn tăng nhanh qua các năm

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm  1999, tỷ lệ góa, ly thân của dân số từ 15 tuổi trở lên là 2,7% đối với nam và 13% đối với nữ. Tính riêng tỷ lệ ly hôn trong dân số từ 13 tuổi trở lên là 0,7%, trong đó nam là 23,92%, nữ là 76,08%. Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới. ở các nước công nghiệp hóa, tỷ lệ ly hôn trung bình khoảng 30%. Ở Mỹ có gần 50% số vụ kết hôn đi tới ly hôn [George E.Dickinson - Michael R.Lerming, 1989: 330]. Tại Hàn Quốc theo số liệu của Cục Thống kê, báo cáo thống kê hằng năm về biến động dân số cho thấy số vụ kết hôn giảm, số vụ ly hôn tăng, tỷ lệ ly hôn tăng nhanh từ 5,9% năm 1980 lên 32,5% năm 1999 [Sin Eun Young, 2002].

Ở Việt Nam theo báo cáo của ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, số vụ vợ chồng xin ly hôn đã tăng từ 22.000 vụ năm 1991, lên 44.000 vụ năm 1998. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2001 có 54.226 vụ; năm 2002 có 56.487 vụ, từ ngày 1.1.2003 đến ngày 31.8.2003 có 41.326 vụ. Trong số các nguyên nhân ly hôn thì nguyên nhân do “mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập ngược đãi” chiếm tỉ lệ cao nhất, tiếp đến là nguyên nhân “ngoại tình”. Năm 2000, nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập ngược đãi là 29.372 vụ/tổng số 51.361 vụ, chiếm 57,18%; nguyên nhân do ngoại tình là 2.982 vụ, chiếm 5,49%. Năm 2002, nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập ngược đãi là 29.254 vụ/tổng số 54.226 vụ, chiếm 53,9%; nguyên nhân do ngoại tình là 3.799 vụ, chiếm 6%. Từ tháng 1 đến tháng 8.2003,  nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập ngược đãi là 22.997 vụ/tổng số 41.326 vụ, chiếm 55,6%; nguyên nhân do ngoại tình là 2.198 vụ, chiếm 5,3%.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: mâu thuẫn về kinh tế, một bên bị mất tích, một bên ở nước ngoài,  một bên bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có vợ lẽ, bệnh tật, không có con, sắc tài địa vị, tuổi tác, bị lừa dối ...

Năm 1998, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân ly hôn do mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập ngược đãi chiếm 50% và 64% tổng số vụ  ly hôn; ở Tây Ninh từ 1994-1998, nguyên nhân ly hôn này là 86% [ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, 2002: 3].

ở một số thành phố lớn, tỷ lệ ly hôn đã trở thành một vấn đề xã hội rất đáng được quan tâm. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có  tỷ lệ ly hôn cao nhất nước, năm 1998, số vụ ly hôn chiếm 20% tổng số các vụ kết hôn. ở các quận I, III và V tỷ lệ ly hôn trên dưới 30% [ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, 2002].

6. Bạo lực giới trong gia đình

Nguyên nhân ly hôn do mâu thuẫn gia đình, bị đánh đập ngược đãi chiếm tỷ lệ lớn cho thấy bạo lực giới là vấn đề rất nghiêm trọng trong đời sống gia đình  hiện nay. Nó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tan vỡ của gia đình  và nó cũng lý giải vì sao phụ nữ là người chủ yếu đứng đơn xin tòa án cho ly hôn. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam năm 1999 đưa ra con số từ 40-80% số phụ nữ được phỏng vấn là nạn nhân của bạo lực gia đình  dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 1995 đến 2000 đã có 106 vụ án bạo lực gia đình  dẫn đến chết người. Riêng năm 2001, trong số 1.1000 vụ giết người trên phạm vi tòan quốc thì có tới 16% số vụ do người thân trong gia đình  giết hại lẫn nhau [Nguyễn Xuân Yên, 2002].

Một nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn Tình yêu, Hôn nhân và Gia đình thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong 1.665 ca bạo hành trong gia đình  có 43,6% phụ nữ bị bạo hành về thể xác; 55,3% bị bạo hành về tinh thần và 1,6% bị bạo hành về tình dục [Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, số 5 ngày 15.1.2003].

Hình thức của bạo lực gia đình  rất đa dạng. Các nhà nghiên cứu chia bạo lực gia đình  thành hai loại: bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần hay còn gọi là bạo lực nhìn thấy được và bạo lực không nhìn thấy được. Bạo lực về thể chất là những hành vi đánh đập, cưỡng bức tình dục, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với vợ, kể cả việc dùng vũ lực để can thiệp vào ý muốn sử dụng các biện pháp tránh thai của vợ. Bạo lực không nhìn thấy được bao gồm việc sỉ nhục, chửi bới, thờ ơ, lãnh đạm, phớt lờ hoặc “chiến tranh lạnh”.

Nghiên cứu tại một xã nông thôn Đồng bằng Bắc bộ cho thấy 87% số người được hỏi nói rằng ở xóm, thôn nơi họ sinh sống có hiện tượng bạo lực gia đình. Về bạo lực tinh thần, có 94,4% chồng chửi mắng vợ, 15,6% bỏ mặc vợ. Ngược lại, cứ 3 người vợ thì 1 người chửi mắng chồng [chiếm 33,3%]. Về bạo lực thể chất, 54,5% số người được hỏi cho rằng có hiện tượng “chồng đánh vợ” và 8,9% số người được hỏi cho biết có hiện tượng “vợ đánh chồng” [Hoàng Bá Thịnh, 2002: 191-193].

Nguyên nhân trực tiếp của bạo lực trong gia đình  là những mâu thuẫn vợ chồng nảy sinh trong làm ăn kinh tế, nuôi dạy con cái, áp lực sinh con trai, vợ hoặc chồng ngoại tình ... Còn nguyên nhân sâu xa của bạo lực, theo phân tích của các nhà nữ quyền, chính là ham muốn của người đàn ông hòng kiểm soát toàn bộ cuộc sống của người vợ - một ham muốn có cội nguồn từ truyền thống gia trưởng cho phép những người đàn ông có đặc quyền đánh vợ. Nhiều người đàn ông sau khi kết hôn đã nghĩ rằng vợ là vật sở hữu của họ và họ có quyền trừng phạt vợ khi cần thiết.

Để ngăn chặn bạo lực gia đình  thì chỉ riêng giáo dục để thay đổi hành vi là chưa đủ mà cần phải có chế tài điều chỉnh, khiến cho những người đàn ông có tư tưởng gia trưởng phải kiểm soát hành vi của họ.

7. Tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình

Tình trạng trẻ em hư, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng ở nước ta, đặc biệt ở các thành phố lớn, đang là nỗi lo của mỗi gia đình  và toàn xã hội. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tội phạm trẻ em bị phát hiện năm 1996 tăng gấp 2 lần so với năm 1990, gấp 3,2 lần so với năm 1986 [ủy ban Bảo vệ chăm sóc Trẻ em Việt Nam, 1999].

Số trẻ em phải đưa vào trường giáo dưỡng hằng năm cũng gia tăng. So sánh năm 1996 với năm 2002 thì số học sinh vào các trường giáo dưỡng đã tăng hơn 8 lần [Phạm Xuân Sơn, 2003].

Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000 số trẻ em phạm pháp hình sự là 2.181 em, số trẻ em có dấu hiệu phạm pháp là 5.421 em [Phạm Phương Thảo, 2000]. ở Thành  phố Hà Nội, từ năm 1995 đến tháng 3.2000 phát hiện có 3.820 em làm trái pháp luật, 999 em sử dụng chất gây nghiện, 113 em hoạt động mại dâm. Riêng từ năm 1999 tới tháng 3.2000, có 731 vụ với 1.009 em chưa thành niên làm trái pháp luật, có 17.837 em làm trái pháp luật được giáo dục tại cộng đồng, 976 em được đưa tới trường giáo dưỡng [ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, 2000]. Trong phạm vi cả nước, năm 1999 có 14.346 trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi làm trái pháp luật; 6 tháng đầu năm 2000 theo thống kê chưa đầy đủ có 11.538 trẻ em làm trái pháp luật [Nguyễn Trọng Yên, 2001].

Trong số trẻ em làm trái pháp luật, 30% ở trong gia đình  có bố mẹ nghiện ma túy, ham mê cờ bạc, 21% trong gia đình  làm ăn phi pháp, 8% có anh chị em có tiền án, tiền sự, 10,2% mồ côi cả cha lẫn mẹ, 32% mồ côi bố hoặc mẹ, 7,3% có bố mẹ ly hôn, 49% bị gia đình  chửi mắng đánh đập, 21% được nuông chiều quá, 71% không được gia đình  quản lý chăm sóc đúng mức [Nguyễn Quang Vinh, 1996].

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm trái pháp luật hoặc có nguy cơ làm trái pháp luật. Một trong những nguyên nhân đó là sự giảm sút vai trò của gia đình  trong giáo dục trẻ em, truyền thống và kỷ cương nề nếp gia đình  bị nới lỏng, gia đình mất dần đi chức năng kiểm soát trẻ em.

8. Tâm lý chuộng con trai còn phổ biến

Kết quả các cuộc điều tra thăm dò về nguyện vọng sinh con trai của các cặp vợ chồng cho thấy có khoảng 50% các cặp vợ chồng bày tỏ nguyện vọng “nhất thiết phải có con trai”. Số liệu điều tra cơ bản về gia đình  Việt Nam và người phụ nữ trong gia đình  [1998-2000] của Trung tâm nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ cho thấy gần 50% cặp vợ chồng nói nhất thiết phải có con trai. Cuộc điều tra của ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Hà Nội năm 2002 cho thấy  có 53% các cặp vợ chồng ở Hà Nội cho rằng nhất thiết phải có con trai. Điều tra của ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Việt Nam năm 2002 tại 2 tỉnh Lai Châu và Cao Bằng cũng cho thấy 51% cặp vợ chồng được hỏi trả lời là nhất thiết phải có con trai.

Nguồn gốc của tâm lý này xuất phát từ truyền thống coi trọng con trai trong gia đình  Việt Nam như con trai là người thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, là trụ cột kinh tế của gia đình, là nơi nương tựa của cha mẹ lúc tuổi già. Ngày nay, mặc dù cuộc sống của các gia đình ở nước ta đã có nhiều thay đổi nhưng cuộc sống của người già vẫn chủ yếu dựa vào con cái, do đó tâm lý muốn có cón trai để nương tựa lúc tuổi già vẫn còn rất phổ biến.

Số liệu điều tra cơ bản về gia đình  cho thấy lý do có con trai để nương tựa lúc tuổi già chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các  lý do nhất thiết phải có con trai, chiếm 64,3% [thành phố 51%, đồng bằng 67%, trung du - miền núi 65,2%]. Quan niệm về nối dõi tông đường  phổ biến hơn ở nông thôn, đặc biệt là nông thôn Đồng bằng Bắc bộ, chiếm 68,4% [thành phố 37%, trung du - miền núi 56,6%]. ở khu vực thành phố và đồng bằng, kỳ vọng của cha mẹ vào sức lao động và vai trò kinh tề của con trai không nhiều [chỉ có 7%], trong khi đó có tới 56%  kỳ vọng về cân bằng giới tính con cái, mong muốn “có nếp, có tẻ”. Ngược lại, đối với đồng bào các dân tộc H’Mông và Dao ở Lai Châu và Cao Bằng thì kỳ vọng về vai trò sức lao động của con trai lại rất lớn, chiếm tới 70,42% và 69,51%.

Vì những lý do trên, việc chưa có con trai vẫn là một gánh nặng tâm lý đối với các cặp vợ chồng ở cả đô thị, nông thôn và miền núi. Và đây chính là yếu tố tiềm ẩn của sự gia tăng dân số không theo ý muốn, nếu như Nhà nước không có biện pháp chặt chẽ kiểm soát mức sinh.

9. Tiềm năng phát triển kinh tế hộ gia đình trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế

Trong thời kỳ đổi mới, kinh tế hộ gia đình  đã trở thành một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Số lượt người lao động sản xuất trong phạm vi gia đình  chiếm gần 70% lao động xã hội, trong đó tập trung cao ở nông thôn, chiếm gần 74% lao động nông thôn [Trần Thị Vân Anh, 2002:170]. Tuy nhiên, kinh tế hộ gia đình  cũng đã phát triển tới giới hạn của nó trong những điều kiện hạn chế về đất đai, vốn kỹ thuật và công nghệ như hiện nay.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh sản phẩm hàng hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế hộ gia đình không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gia đình và tiêu dùng trong nước mà sẽ chuyển mạnh sang sản xuất  hàng hóa xuất khẩu tới các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là hướng sản xuất kinh doanh hàng hóa chuyên sâu. Hướng sản xuất này đòi hỏi sự cạnh tranh khốc liệt và phải chấp nhận sự rủi ro thị trường. Nếu như năng suất lao động không tăng, các nguồn lực không được sử dụng có hiệu quả thì sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sẽ rất hạn chế, rủi ro thị trường sẽ lớn.

Một trở ngại cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình là qui mô sản xuất nhỏ, lao động ít, ở một số vùng còn mang nặng tính chất sản xuất tự cấp, tự túc. Trở ngại này chỉ có thể được gỡ bỏ cùng với quá trình tích tụ, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển kinh tế trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và theo hướng phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ... Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cơ hội tiếp cận và sử dụng các nguồn lực như vốn, công nghệ, kỹ thuật, lao động được đào tạo và vào chính năng lực tổ chức kinh doanh của các hộ, của sự xuất hiện và hình thành tầng lớp chủ trang trại và chủ doanh nghiệp mới ở nông thôn.

Một số nét về thực trạng gia đình  Việt Nam được đề cập trên đây cho thấy gia đình  Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi cũng như khó khăn thách thức do sự biến đổi của đơn vị gia đình đặt ra. Với tư cách là một tế bào, đơn vị cơ sở và thiết chế cơ bản của xã hội, những vấn đề của gia đình cũng chính là mối quan tâm của toàn xã hội. Nhận thức được điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc điều chỉnh của Nhà nước đối với sự biến đổi của gia đình, thông qua chiến lược phát triển gia đình, sao cho gia đình  Việt Nam vừa tiếp thu được những giá trị mới của nền văn minh công nghiệp lại vừa giữ vững và phát huy được những di sản, giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, giữ vững sự ổn định, tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Video liên quan

Chủ Đề