Hàn Mặc Tử nghĩa là gì

Bút làm bằng lông cánh chim
Đồ hoạ" ST
HOÀNG TUẤN CÔNG

Năm 2014, Nhà xuất bản Văn học tái bản Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân - một cuốn sách có nhiều sai sót, số lượng tái bản tới 4.000 cuốn. Bất bình với chuyện này, chúng tôi [bút danh Hoàng Tuấn Công] có bài Vài lời nhân từ điển của GS. Nguyễn Lân được NXB Văn học tái bản đăng trên Blog Tuấn Công Thư Phòng [2/12/2014]. Trong đó, chúng tôi đưa ra một đoạn giả tưởng [về suy nghĩ của soạn giả từ điển] như sau [xin trích]:


chữ thần [] trong Bắc thần nghĩa là trăng sao, tôi lại nghĩ đó là chữ thần [] trong tinh thần; chữ hàn [] trong hàn mặc có nghĩa là cái bút, tôi lại ngỡ đó là chữ hàn [] nghĩa là nghèo túng, cùng quẫn [trong hàn sĩ].

Nhân cuốn sách Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân Phê bình và khảo cứu [Hoàng Tuấn Công - NXB Hội Nhà văn, 2017] ra đời, chị Thuý Hằng Nghiêm [một độc giả trên FB] đã chia sẻ bài Vài lời nhân từ điển của GS. Nguyễn Lân được NXB Văn học tái bản [đã dẫn trên đây], kèm những dòng tâm tư, gửi tới chúng tôi [Hoàng Tuấn Công], xin trích:

mình không thể không chau mày suy nghĩ khi đọc một số chi tiết trong bài viết của bạn. Cũng với tinh thần phản biện khoa học nghiêm túc, xung quanh chữ hàn mạc hay hàn mặc, cụ Nguyễn Lân có thật là đã sai, không đọc được mặt chữ Hán như nội dung bạn viết trong bài "Vài lời nhân từ điển của Nguyễn Lân nhân được NXB Văn học tái bản" trong blog Tuấn Công thư phòng hay chính bạn có thể đã mắc phải sai lầm chưa khảo cứu kỹ tư liệu gốc và đã trách lầm cụ Nguyễn Lân. Bạn kiểm tra lại rồi nếu có thời gian thì phản hồi lại giúp nhé. Mình chưa có cuốn sách trong tay nên cảm thấy cũng chưa nên nói thêm gì.

Chị Thuý Hằng Nghiêm cũng đăng kèm bài Bàn về bút hiệu Hàn Mạc Tử [Trích từ Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử, Nxb. Southeast Asian Culture and Education [SEACAEF] 2009], trong đó, tác giả bài viết bàn về mấy chữ Hàn Mạc Tử, hay Hàn Mặc Tử.

Thật khó cho chúng tôi, bởi chị Thuý Hằng Nghiêm đề cao tư liệu gốc, "tinh thần phản biện khoa học nghiêm túc",nhưng lại chưa hề xem trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân viết hàn mặc, hay hàn mạc; cũng chưa đọc trong sách Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân Phê bình và khảo cứu chúng tôi viết ra sao. Tuy nhiên, xét thấy vấn đề khá thú vị, xung quanh hai chữ hàn mặc, hay hàn mạc, chúng tôi đã xin phép chị Thuý Hằng Nghiêm, sẽ trả lời trên mục Tiếng Việt tinh tuý của báo Người Lao Động, mục đích để đông đảo độc giả cùng tham khảo.

Trong sách Từ điển từ và ngữ Việt Nam [GS Nguyễn Lân NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2006], mục hàn mặc, GS Nguyễn Lân giải thích như sau:

hàn mặc dt. [H. hàn: lạnh, nghèo khổ, mặc: mực.- Nghĩa đen là bút mực] Văn chương [cũ] Quen nghề hàn mặc, không chú ý đến thể dục.
Mục "hàn mặc" trong "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân
Ảnh: HTC

Chúng tôi cho rằng, mục từ hàn mặc, GS Nguyễn Lân đã giải nghĩa yếu tố Hán Việt sai. Nghĩa là chữ hàn trong hàn mặc, là cái bút, chứ không phải lạnh, nghèo khổ. Bởi vậy trong sách Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân Phê bình và khảo cứu, chúng tôi đã viết như sau:

Ở đây, GS Nguyễn Lân lầm giữa hai chữ hàn. Chữ hàn trong hàn mặc, tự hình là có nhiều nghĩa; một nghĩa là lông cánh chim [cấu tạo chữ có bộ vũ , chỉ nghĩa lông chim]. Vì ngày xưa dùng lông cánh chim làm bút viết chữ, nên hàn còn có là nghĩa cái bút. Hàn mặc 翰墨 là bút và mực, nên nghĩa bóng mới được hiểu là văn chương [như chính GS Nguyễn Lân đã giảng]. Còn chữ hàn với nghĩa lạnh, nghèo khổ, tự hình là , [có bộ băng [] chỉ nước đóng băng; lạnh; run sợ...,] không liên quan gì đến cấu tạo từ hàn mặc [bút và mực, chỉ văn chương]. Nếu GS Nguyễn Lân dùng hàn , nghĩa là lạnh; nghèo khổ trong cấu tạo từ hàn mặc 寒墨 thì nghĩa của nó phải hiểu là mực lạnh, hoặc bút mực nghèo khổ[!], sao có thể giảng là văn chương?[*]

Bút giả cổ làm bằng lông chim
Ảnh: ST

Như vậy, không có chuyện chính bạn [tức chúng tôi HTC] có thể đã mắc phải sai lầm chưa khảo cứu kỹ tư liệu gốc và đã trách lầm cụ Nguyễn Lân như chị Thuý Hằng Nghiêm nghi ngờ. Bởi trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, chính GS Nguyễn Lân đã viết là hàn mặc, chứ không phải hàn mạc. Hơn nữa, ở mục từ này, chúng tôi bàn đến chuyện hàn, trong hàn mặc [là hàn [bút], hay hàn [lạnh]], chứ không tranh luận hàn mặc hay hàn mạc.

Mặt khác, phải khẳng định rằng, nếu hàn mặc [bút và mực] với nghĩa bóng là văn chương, thì chỉ có hàn mặc 翰墨, chứ không thể là hàn mạc 寒幕 [rèm lạnh] trong [một thuyết về bút danh] Hàn Mạc Tử. Bởi vậy nếu đem kết quả cuộc tranh luận Hàn Mặc, hay Hàn Mạc trong bài Bàn về bút hiệu Hàn Mạc Tử, để làm khuôn thước cho từ hàn mặc 翰墨 [nghĩa [cụ thể] là: Bút mực, chỉ về việc văn-chương - Việt Nam tự điển, Hội khai trí tiến đức], như ý của chị Thuý Hằng Nghiêm, là không thể. Vì một đằng là nghĩa từ vựng trong tiếng Việt, một đàng là bút danh [có khi có nghĩa, có khi không có nghĩa, được đặt theo ý chủ quan cá nhân; cách viết chính xác, hay ý nghĩa của bút danh ấy là gì, cũng chỉ có thể khẳng định một cách chắc chắn, khi do chính tác giả viết ra, hoặc giải thích ý nghĩa của nó].
Một đoạn trong bài viết của chị Nghiêm Thuý Hằng gửi đến chúng tôi.
Ảnh: HTC

Bởi vậy, chúng tôi không có ý kiến gì về bài Bàn về bút hiệu Hàn Mạc Tử, mà chị Thuý Hằng Nghiêm gắn với câu chuyện chữ nghĩa trên Blog Tuấn Công Thư Phòng, vì cho rằng, nó không liên quan, hay tác động gì đến hai chữ hàn mặc 翰墨 , hay hàn mặc 寒墨, mà chúng tôi đang xét [trong từ điển của GS Nguyễn Lân]. Nghĩa là nếu rồi đây, người ta tìm thấy bút tích của Hàn Mặc Tử, trong đó, chính tay ông viết bút danh mình là Hàn Mạc Tử [chứ không phải Hàn Mặc Tử], thì trong tiếng Việt, người ta vẫn viết là hàn mặc 翰墨, với nghĩa là văn chương, chứ không ai đổi thành hàn mạc cho đúng với bút danh của nhà thơ.

Cuối cùng, chúng tôi khẳng định ở mục từ hàn mặc GS Nguyễn Lân đã giải nghĩa yếu tố Hán Việt sai: hàn , trong hàn mặc 翰墨, có nghĩa đen là cái bút, chứ không phải là hàn , với nghĩa là lạnh, nghèo khổ.

HTC/8/2017

Chú thích:

[*] Hán điển giảng hai chữ hàn mặc như sau: hàn mặc hàn: lông chim làm bút. Hàn mặc chỉ bút và mực, tỉ dụ văn chương, thư pháp [nguyên văn: 翰墨 hàn mò ,製筆的鳥毛.翰墨指筆墨.文章,書法]







Video liên quan

Chủ Đề