Hiểu biết về văn hóa và hạnh phúc năm 2024

Biễu diễn thời trang Lụa Tơ tằm- Một hoạt động trong chương trình Tuần Văn hóa Trà-Tơ lụa Bảo Lộc 2019

Ảnh: V. Hậu

Khi nghe những lời này, nhiều người đã không kìm được cảm xúc khi biết rằng, Đảng ta và người đứng đầu của Đảng đã hiểu thấu lòng dân, coi văn hóa là "linh hồn" cuộc sống, là nhu cầu gần gũi với mỗi người như hơi thở của chính mình, là hiện thân niềm hạnh phúc của Nhân dân. Từ đó, hoạch định mục tiêu, nhiệm vụ của văn hóa trong đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới với mục tiêu chung là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Trong đó, trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Nhận thức về văn hóa và hướng về cơ sở

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng ta cũng đã đặc biệt quan tâm đến công tác văn hóa quần chúng, xây dựng các hoạt động và các thiết chế văn hóa ở cơ sở, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa mới. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển.

Biểu dương những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên và đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa, người đứng đầu của Đảng cũng nghiêm khắc chỉ ra những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, chủ yếu do nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành chưa thật sâu sắc, chưa quan tâm đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa xây dựng văn hóa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững. Công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới.

Những bất cập, yếu kém mà người đứng đầu của Đảng chỉ ra là rất thuyết phục, sát thực tế. Trong một lần tổng kết 5 năm thực hiện NQ 20-NQ/TW (Khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ, có tỉnh nọ chỉ báo cáo, tổng kết lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, còn lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nhiều vấn đề thực tiễn nóng hổi không được quan tâm. Trong khi đó, Đảng ta xác định khoa học xã hội và nhân văn cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống quan điểm phát triển đất nước, khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam. Tương tự, ở một thành phố (thuộc tỉnh), nhiều nhiệm kỳ liền, cấp ủy và chính quyền địa phương đã định hướng nhân sự Ban chấp hành “Hội Khoa học - Kỹ thuật” chỉ toàn những cán bộ hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và lĩnh vực kỹ thuật, không có cán bộ nào thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (!).

Về xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, nhiều địa phương chưa nhận thức đúng tầm quan trọng như “kiềng 3 chân” của thiết chế văn hóa, bao gồm: Cơ sở vật chất thiết bị, cán bộ văn hóa và nội dung kế hoạch hoạt động. Do đó, họ chỉ quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa - thể thao, mua sắm thiết bị… chưa coi trọng nhu cầu và nội dung hoạt động văn hóa, chưa bố trí con người tổ chức điều hành đúng tầm. Hệ quả là công trình bị lãng phí công năng, kém hiệu quả, trong khi các địa phương có nhu cầu thực sự thì chưa được đầu tư.

Nhân dân là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp chủ yếu tầm nhìn từ nay đến năm 2045. Trong đó, có nhiệm vụ “Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa”.

Đồng thời, yêu cầu các cấp ủy Đảng và chính quyền phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về Văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa xứng tầm, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa. Muốn làm được vậy, danh mục chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa được lập phải gắn với nhu cầu cuộc sống, phải lấy ý kiến và được sự đồng thuận của Nhân dân.

Một lần nữa, người đứng đầu của Đảng nhấn mạnh tinh thần chấn hưng và phát triển văn hóa trước hết là để phục vụ, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.