Hội đồng anh là tổ chức như thế nào

Dư luận Việt Nam chất vất về việc Hội đồng Anh đột ngột hoãn thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế, gây ảnh hưởng tới hàng chục ngàn thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói một số đơn vị dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS, do chưa hoàn thiện hồ sơ trong khi việc tổ chức thi còn tràn lan, không được kiểm soát chất lượng.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nói:

"Các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai cho dư luận giám sát."

Ông Độ cho rằng việc các đơn vị hoãn tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là "thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam".

Khi tin tức này được loan đi, nhiều người đồn đoán rằng kì thi IELTS bị hoãn là do có hành vi gian lận nên công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới nhắc đến việc các kỳ thi "chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi".

Email mà Hội đồng Anh gửi cho các thí sinh thi IELTS vào tối 9/11 có đoạn: "Chúng tôi rất tiếc phải thông báo tất cả kỳ thi IELTS của Hội đồng Anh tại Việt Nam sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới. Vì vậy, kỳ thi của bạn vào ngày 10/11/2022 sẽ bị hủy",

Theo Hội đồng Anh, quyết định này nằm "ngoài tầm kiểm soát" và có ảnh hưởng tới tất cả kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam.

Thông báo của IDP ghi rằng: "IDP lấy làm tiếc phải thông báo rằng các kỳ thi IELTS sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới. Đây là tình huống bất khả kháng và tất cả các tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đều phải tuân thủ. Việc tổ chức thi sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và IELTS IDP đang phối hợp chặt chẽ để có thể tổ chức thi lại trong thời gian sớm nhất.

Ngoài IELTS và các chứng chỉ tiếng Anh khác như ESOL, PET,... các kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Trung, Nhật và tiếng Hàn (TOPIK) và tiếng Nhật (NAT-Test) cũng phải tạm hoãn.

Theo trang VNexpress, hôm 15/9, điểm thi năng lực Hán ngữ quốc tế HSK tại Viện Khổng Tử, Đại học Hà Nội đăng thông báo về việc dừng thi chứng chỉ năng lực HSK và HSKK đợt thi ngày 16/10 và 19/11 cho đến khi có thông báo mới.

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Tranh cãi về cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trên Facebook, người dùng tên Nguyen Ba Ngoc cho rằng thời điểm xử lý sự việc này là không tốt; bởi nó đúng thời điểm nhạy cảm là đúng tháng 11 - khi hàng chục ngàn học sinh phổ thông cần phải hoàn tất chứng chỉ này như một điểm mấu chốt nhất để hoàn tất và nộp hồ sơ du học sớm nhằm giành lợi thế với các bạn nước khác mong có học bổng cao.

"Tiếp theo, cách xử lý này là cực kỳ đột ngột khi không có các động thái tuần tự như thanh tra, công bố kết quả thanh tra, phân loại và đưa ra trình tự xử lý vấn đề… Nói chung cách xử lý đột ngột và quyết liệt thế này chỉ có thể là cách xử lý các "vụ việc" bất thường, các trường hợp phạm tội nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội chứ không phải cách xử lý một "vấn đề" mới đang được đặt ra.

"Có những phát ngôn cho rằng căn cứ cơ sở dừng thi là do "thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ..." song trên thực tế không có số liệu thống kê kèm theo, không có vụ việc đình đám… càng không có so sánh mức gian lận với các hệ thống thi khác," người này nhận xét.

Đồng thời, ông còn nhấn mạnh, IELTS là chứng chỉ tối thiểu và quan trọng bậc nhất cũng như được công nhận rộng rãi nhất trên toàn cầu trong hồ sơ du học nên mong vụ việc có thể được xử lý nhanh chóng, một cách nhân văn và cầu thị nhất - đừng làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh vô tội.

Chia sẻ với BBC, một thầy giáo dạy IELTS cho rằng, các cuộc thi chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là IELTS cực kỳ quan trọng với các bạn học sinh, dù là có ước muốn du học hay không vì IETLS sau này còn là điều kiện tốt nghiệp cũng như xin việc ở một số nơi.

"Việc rà soát, kiểm tra để tránh chuyện tiêu cực trong thi cử là điều đúng và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, cách làm như thế nào lại là một chuyện khác. Tôi nghĩ rằng làm gì cũng phải có lộ trình, việc tạm dừng kì thi đột ngột như vậy thì người thiệt thòi là các thí sinh. Một lần thi là hơn 4,6 triệu đồng và tôi biết nhiều học sinh mình đăng ký thi liên tiếp 2-3 tuần để đạt được điểm mong muốn. Bây giờ đột ngột ngừng vậy thì tiêu tốn tiền của, công sức, làm cho các bạn ấy mất tinh thần và thực tế qua nay tôi phải trấn an các bạn rất nhiều,"

"Không ai vì có vi phạm chỗ này chỗ kia mà (tạo ra áp lực để) ngưng toàn bộ ngành đó, dù luyện thi hay là tổ chức thi. Như thị trường chứng khoán, không thể vì một vài người thao túng, lũng đoạn mà đóng cửa hết các sàn giao dịch. Vụ này cũng tương tự vậy, làm không khéo lại đẻ ra tiêu cực mới ví dụ như các thầy cô làm tiền, dẫn tour đưa học sinh ra nước ngoài thi," thầy giáo này nói.

Facebook Chu Mộng Long phản bác ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ rằng ông "chưa thấy có ai cầm chứng chỉ IELTS mà dốt tiếng Anh, cũng không thấy cơ quan nào tổ chức học giả, thi đểu. Nếu có, ông Độ dẫn ra bằng chứng rồi lệnh chấm dứt hẳn chứ không "tạm ngưng" gì cả. Không chỉ chấm dứt mà còn đề nghị truy tố hình sự."

"Trong khi sự thực, các loại bằng cấp, chứng chỉ do Bộ Dục đẻ ra thì... tràn lan và đểu giả hết cỡ. Đểu giả toàn tập. Chỉ có thu tiền là thật," ông Long viết trên Facebook cá nhân.

Nhân viên giấu tên ở IDP nói với BBC rằng, đề IELTS ở khu vực châu Á Thái Bình Dương thi chung một đề nên Thái Lan, Singapore hay Mã Lai đều là những địa điểm có thể cân nhắc để đăng ký thi.

"Thái Lan là gần Việt Nam nhất và chi phí rẻ, tôi nghĩ đây tạm thời là lựa chọn ổn nhất. Còn Singapore hay Mã Lai lịch thi ít hơn chút, chi phí lại cao hơn," nhân viên này nói với BBC.

Tuy nhiên, khi hỏi về nghi vấn gian lận, nhân viên IDP cho hay các khâu canh thi, làm đề đều rất chặt chẽ nên "không có chuyện xảy ra gian lận ở các kì thi IELTS tại IDP Việt Nam". Cũng theo người này, IELTS là bài kiểm tra trình độ tiếng Anh phổ biến nhất thế giới và yếu tố chủ chốt dẫn tới vị thế dẫn đầu chính là việc duy trì mức độ bảo mật cao.

Tương tự, Hội đồng Anh - đơn vị đồng sở hữu và cung cấp bài thi IELTS ở Việt Nam cũng xác nhận với trang Thanh Niên là không có dấu hiệu lọt đề trong quá trình tổ chức kỳ thi.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.

Theo ông, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên là Giám đốc Trung tâm Khảo thí chuẩn hóa đầu tiên của cả nước trả lời Vietnamnet rằng, đã có dư luận về vấn đề bảo mật của việc thi IELTS.

"Đến nay, khi có chỉ đạo tạm dừng kỳ thi, rất có thể các cơ quan chức năng đã có thông tin gì đó về việc này. Nếu quả thật có gian lận, lộ đề, mua bán đề… thì việc tạm dừng để kiểm tra, chấn chỉnh là cần thiết để bảo đảm công bằng cho thí sinh,"

"Tất nhiên các em học sinh sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng điều này không quá quan trọng. Quan trọng hơn là nghi vấn về vấn đề bảo mật phải được làm rõ, vì nếu không thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục của Việt Nam, chưa kể thiệt hại nặng nề cho 'thương hiệu sản phẩm' IELTS" - bà Phương Anh nhấn mạnh.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà báo mảng giáo dục nói rằng có khả năng các kỳ thi sẽ mở lại vào tháng 1, nhưng còn tùy thuộc vào sự rà soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về nguyên nhân của vụ việc, người này cho hay có một số phản ánh tiêu cực trong các kỳ thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế nên phía Bộ muốn tổng kiểm tra lại.

"Nhưng vì không muốn công chúng biết cụ thể kỳ thi nào có vấn đề nên Bộ quyết định tổng ra soát tất cả như IELTS, PET, ESOL, HSK, HSKK ..." người này lý giải.

Một nhân viên của IDP ẩn danh từ Sài Gòn cũng thông tin cho BBC rằng, việc hoãn các kì thi quốc tế này có ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là những tháng cuối năm vì lịch thi và số thí sinh đăng ký vào các tháng này đông hơn rất nhiều so với những tháng giữa năm, chưa kể các tỉnh thành khác nữa.

"Tôi nghĩ có thể tháng 2 sẽ mở lại các kỳ thi này, đương nhiên còn phụ thuộc phần lớn ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi có thể miễn phí đổi lịch nhưng không hoàn tiền được cho thí sinh. Vì vậy, giải pháp tạm thời đối với những bạn nào cần gấp chứng chỉ cho việc tốt nghiệp hay nộp đơn xin học bổng là sang các quốc gia lân cận để thi."

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Như Ngọc từ Sài Gòn chia sẻ với BBC cô đang chuẩn bị hồ sơ du học và đã đặt lịch thi IELTS tại Hội đồng Anh nhưng lại nhận được thông báo hoãn và cũng không nói cụ thể hoãn tới khi nào.

"Tôi nhận email xong thấy điếng người vì cũng đã chuẩn bị tinh thần, ôn luyện để thi một lần cho xong, đủ những thứ cần thiết để nộp hồ sơ du học."

"Nhưng tự dưng trên trời rơi xuống một cái tin chấn động là tạm hoãn vô thời hạn việc thi IELTS. Hội đồng Anh nói sẽ miễn phí việc đổi lịch thi nhưng chính họ cũng không biết khi nào có lịch lại. Học bổng tôi đăng ký thì sẽ hết hạn nộp vào 15/1/2023, như vậy tôi đâu biết liệu từ đây tới trước thời hạn kia Hội đồng Anh hay IDP có mở cho thi lại chưa, nói chung là không biết hỏi ai, bị động toàn tập,"

"Chưa kể đâu phải thi một lần là đủ điểm mà bên học bổng họ yêu cầu nên đa phần tôi và các bạn mình đăng ký thi liên tiếp hai tuần kế nhau cho chắc nên tổng chi phí chúng tôi đóng là hơn cả 9 triệu bạc. Bây giờ một là chấp nhận mất sáu tháng tới một năm để nộp lại học bổng, hai là phải tính đến đường ra nước ngoài thi và như vậy thì chi phí đội lên rất nhiều, rất phức tạp. Đặc biệt những bạn cấp 3 thì phải có gia đình đi theo, đưa các bạn sang nước ngoài thi chứ đi tự túc đâu được," Ngọc nói.

Vài năm gần đây, nhiều đại học Việt Nam có phương án tuyển sinh bằng điểm IELTS và một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Các chứng chỉ này cũng được sử dụng rộng rãi để công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên.

Vì vậy, một số sinh viên đại học cũng chia sẻ rằng việc không thể thi IELTS trong thời gian tới sẽ khiến việc tốt nghiệp của họ bị trễ vì nhiều trường đòi chứng chỉ IELTS xét duyệt hồ sơ tốt nghiệp.

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

"Đáng ra những vụ hoãn mang tính nghiêm trọng và ảnh hưởng tới hàng ngàn người thì nên báo sớm chứ không phải mai thi tối nay báo hoãn, quay xe phút 89 và khiến cho các thí sinh bị động, trở tay không kịp. Chúng tôi là sinh viên thì việc có tiền thi một lần đã rất vất vả, một kỳ thi tốn hơn 4,5 triệu chứ đâu phải vài trăm nghìn. Bây giờ những bạn muốn nộp học bổng chỉ còn cách ra nước ngoài mà việc này không dễ, với những người có điều kiện thì là cơ hội kết hợp du lịch nhưng với sinh viên dành dụm tiền như tôi thì thua, chỉ biết cầu trời mở thi lại càng sớm càng tốt," Hoàng Minh - sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nói với BBC.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ có thông báo về vấn đề này trong hôm nay.

Theo văn bản của Bộ GD&ĐT ký ngày 8/11, bộ sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Nhiều đơn vị tổ chức thi lý giải việc tạm dừng các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhằm hoàn thiện các thủ tục theo Thông tư 11 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 26/7 về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Theo Thông tư này, các tổ chức, cá nhân chỉ được tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vnexpress dưa tin.

Một số ý kiến khác cho rằng, Bộ Giáo dục đang muốn nắm quyền kiểm soát hơn đối với những kỳ thi này cũng như e ngại về sức ảnh hưởng của nước ngoài thông qua các kỳ thi ngoại ngữ.