Hướng dẫn cách chơi rubik

Nếu đọc 7749 bài hướng dẫn và clip trên youtube mà vẫn chưa từng một lần giải được rubik 3x3x3 thì bạn hãy đọc nốt bài này chia sẻ kinh nghiệm này của mình nhé!

Mục lục

Sau món Jigsaw Puzzle (ghép hình), xoay rubik là trò chơi mà mình mò mẫm tiếp theo. Mình chỉ xoay được khối 3x3x3 thôi, cơ bản nhất. Do đó, bài này không dành cho các cao thủ mà cho người mới chơi rubik mà hơi dừ tuổi như mình.

Lần đầu mình chơi rubik là năm lớp 8. Bạn bè trong lớp chơi nhiều nên mình cũng mua một khối và thử chơi. Cũng trầy trật mãi mới xoay thành công. Bỏ một thời gian dài không xoay, mình quên cách chơi rubik 3x3x3 như thế nào. Mình đã học chơi lại và ghi chép các bước để không quên cách chơi thành bài chia sẻ dưới đây.

Hướng dẫn cách chơi rubik
Hai khối rubik 12 tuổi của mình

Quy ước và kí hiệu để xoay rubik 3x3x3

Để dễ theo dõi, mình giới thiệu đến bạn các quy ước về mặt, ô/viên của khối rubik. Mình dùng theo quy ước tiếng Anh để bạn tra cứu thêm các hướng dẫn nước ngoài khác dễ dàng hơn.

  1. Rubik 3x3x3 là một khối lập phương gồm 6 mặt. Mỗi mặt có một màu và được chia thành 9 ô vuông đều nhau. Chúng ta sẽ quy ước và ký hiệu mỗi mặt như sau:
  1. Mặt đối diện với người xoay là F (Front)
  2. Mặt bên tay phải là R (Right)
  3. Mặt bên tay trái là L (Left)
  4. Mặt bên trên là U (Up)
  5. Mặt đáy là D (Down)
  6. Mặt sau là B (Back)

Minh họa kí hiệu của mặt rubik. Lưu ý quan trọng: Tùy vào cách cầm khối Rubik của bạn, các mặt sẽ được quy ước như trên. Nguồn ảnh: Thuthuatchoi.com

II. Tên gọi các ô của mỗi mặt

Mỗi mặt sẽ có 1 ô trung tâm, 4 ô cạnh và 4 ô góc. Hình bên dưới minh họa trực quan hơn vị trí các ô.

Nguồn ảnh: Thuthuatchoi.com

II. Kí hiệu cách di chuyển cách mặt

Mỗi mặt của khối rubik 3x3x3 được xoay theo các cách: cùng hoặc ngược chiều kim đồng hồ, xoay 90 độ (¼ vòng), xoay 180 độ (xoay 2 lần 90 độ), xoay 3 lần. Quy ước các bước xoay này như sau:

  • Xoay cùng chiều kim đồng hồ: F, L, U, D, B (tên các mặt)
  • Xoay ngược chiều kim đồng hồ: F’, L’, U’, D’, B’ (tên các mặt + dấu ‘ hoặc dùng chữ “i” thường đều được)
  • Xoay 2 lần: F2, L2, U2, D2, B2 (tên các mặt + chữ số tương ứng với số lần xoay). Xoay ngược chiều kim đồng hồ thì tên mặt + dấu ‘ + số lần.

Hướng dẫn cách chơi rubik
Nguồn ảnh: Instructables.com

Tiếp theo là 2 cách giải khối rubik 3x3x3 mà mình đã trải nghiệm:

Trình tự xoay rubik 3x3x3 theo công thức đơn giản

Mình học cách xoay này qua channel youtube Rubik Cube.

Với cách này mình chia thành 7 bước, tương đương với 7 nhiệm vụ cần giải ở mỗi bước. Vì lần đầu chơi, nếu sai ở bước nào, bạn chịu khó quay về bước 1 bắt đầu lại.

Hình này tóm tắt quy trình của cách xoay này. Tuy vậy, mình muốn hướng dẫn chi tiết hơn nên tách ra làm nhiều trường hợp trong 7 bước này. Nguồn ảnh: Thuthuatchoi.com

Bước 1: Nhiệm vụ tạo chữ thập ở mặt U

Chọn màu trắng làm mặt U. Bạn xoay sao cho có được chữ thập màu trắng là được. Bước này tự bạn xoay xở. Cũng không khó lắm đâu.

Lúc bắt đầu…

…Sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Bước 2: Nhiệm vụ giữ chữ thập mặt U + xếp ô trung tâm và ô cạnh trên của F,L,R,B cùng màu

Đầu tiên bạn quan sát và xoay U sao cho ô trung tâm + ô cạnh trên cùng màu ở 2 mặt liên tiếp. Hai mặt không cùng màu bạn xoay theo công thức: R -> U’-> R . Tiếp đó trả ô trung tâm về cho mặt U.

Khi bắt đầu bước 2

Lúc này nhiệm vụ được giải quyết như hình.

Bước 3: Nhiệm vụ full 1 mặt U và 1 tầng mặt F, L, R, B

Bạn quan sát xem ô màu trắng còn lại đang ở đâu. Bạn xoay những ô màu trắng đó về lại mặt U và hoàn thiện full U. Cùng lúc đó bạn cũng hoàn thành được tầng 1 của các mặt F,L,R,B, tạo thành chữ T cùng màu.

Kết thúc bước 3 ta được như hình trên.

Bước 4: Nhiệm vụ giữ full một mặt U – xếp 2 tầng của các mặt F,L,R,B

Tiếp bước 3, bạn chú ý đến chữ T ở các mặt F, L, R, B. Ở bước này bạn chỉ cần thay 2 ô cạnh cho cùng màu với chữ T vừa tạo ở các mặt đó là được.

Quan sát khối rubik lúc này

Đầu tiên, bạn quan sát mặt D, xem thử màu ô trung tâm là màu gì, như hình minh họa là màu vàng. Bạn chọn màu cam (khác màu vàng) xoay đáy D để ô cam ở đáy đối diện với mặt cam như hình.

Màu ô trung tâm đáy lúc này là màu vàng.

Tiếp đến bạn chọn mặt kế mặt cam (ở đây là xanh lá) và xoay theo công thức sau: L -> D -> L’-> trả ô trắng về cho mặt U. Hoặc R -> D’- > R’-> trả ô trắng về cho mặt U. Bạn chọn mặt L hay R tùy vào ô cạnh cần thay thế nằm ở L hay R. Nếu nằm ở mặt R thì bạn chọn công thức xoay R trước.

Thực hiện tương tự lần lượt cho các ô cạnh ở tầng 2 của mặt F,L,R và B. Kết quả sẽ được full tầng 2.

Bước 5: Nhiệm vụ tạo chữ thập ở mặt D

  • Trường hợp 1: Bốn ô cạnh còn lại của chữ thập mặt D đang ở các mặt F,L,R,B.

Bạn chọn một trong 4 mặt F,L,R,B xoay theo thứ tự sau: hạ giữa xuống -> D -> trả giữa về -> D’2 để cho ô cạnh sang trái -> hạ giữa để trả giữa về.

Để ghép tiếp 3 ô còn lại của chữ Thập mặt D, bạn quan sát và chọn mặt tiếp theo trong các mặt F,L,R,B không có ô cạnh dưới cùng màu ô trung tâm (ở đây là màu vàng) của D rồi xoay tương tự như công thức trên.

  • Trường hợp 2: Mặt D có ô trung tâm và 2 ô cạnh tạo thành 1 hàng cùng màu và 2 ô cạnh dưới của các mặt F,L,R,B có cùng màu với ô trung tâm đáy không liền kề nhau.

Hình minh họa trường hợp này.

Đầu tiên, bạn chọn mặt không có màu ô trung tâm D – màu vàng trong 4 mặt F,L,R,B làm mặt chính diện (F) để xoay: R’-> D-> R (trả bên phải về) -> D-> R’-> D2-> rồi trả các ô của mặt U về full. Ta được kết quả như lúc bắt đầu trường hợp 1.

Lúc này bạn chọn trong F,L,R,B mặt không có 2 ô màu vàng liền kề để xoay như công thức ở trường hợp 1.

Bước 6: Nhiệm vụ tạo chữ thập cho 4 mặt F,R,L,B

Bạn xoay mặt D sao cho có 2 mặt liền kề trong F,B,R,L đúng ô màu chữ thập, 2 ô còn lại là sai màu. Bạn chọn mặt sai và xoay theo công thức như bước 5 trường hợp 2 sẽ giải quyết được nhiệm vụ của bước này.

Xoay D cho có 2 mặt liền kề đúng ô màu

Mặt F, L liền kề có ô màu đúng

Sau khi hoàn thành mặt B, R đã đúng màu

Bước 7: Nhiệm vụ hoán đúng 4 ô góc

Trường hợp 4 ô góc dưới không đúng màu thì bạn chọn mặt nào làm R hay L để xoay đều được.

Quan sát các ô góc. Mình minh họa rơi vào trường hợp dưới.

Trường hợp đã có 1 góc dưới đúng màu của 3 mặt (mặt D, F và R/L), bạn chọn mặt có góc đúng làm mặt R và xoay theo công thức: R’-> D’2 -> R trả lại -> D’-> R’ -> trả lại mặt D. Thực hiện tiếp với mặt L, theo công thức: L-> D2 -> trả lại L -> D-> L’ – trả lại mặt D.

Lúc này quan sát bạn thấy 2 góc đã đúng còn 2 góc kia cũng đúng màu nhưng sai vị trí mặt. Bạn chọn mặt đúng hoàn toàn ở tay trái, tay phải là mặt cần xoay cho đúng vị trí. Sau đó thực hiện xoay đồng thời hai bên trái và phải như trên.

Chọn mặt đúng màu hoàn toàn làm mặt trái.

Trường hợp cả 4 ô góc đều đúng màu sai mặt. Bạn chọn mặt có 2 ô màu trung tâm đáy làm mặt phải.

Ở bước này chỉ có cặp công thức xoay này, quan trọng là bạn chọn mặt nào là R mặt nào là L để xoay. Nếu thực hiện công thức 1 lần chưa được, bạn thực hiện thêm lần 2 sẽ giải được nhiệm vụ này.

Xoay đến khi hoàn thiện cả 6 mặt

Một số lưu ý khi chơi rubik 3x3x3

  1. Cách xoay rubik 3x3x3 mình giới thiệu ở trên giúp bạn giải được khối rubik này nhưng không phải là cách giải nhanh để tính thời gian.
  2. Ngoài mặt U và mặt D, các mặt còn lại không cố định, tùy vào từng bước bạn có thể xác định lại.
  3. Một em rubik chất lượng dễ xoay sẽ giúp bạn đỡ nản chí trên hành trình tự học chơi rubik này.

Trên đây là cách mình chơi rubik 3x3x3 theo mình thấy là dễ học nhất. Mình ghi lại trải nghiệm thực tế tự xem youtube tự chơi, tên của kênh mình có nhắc ở đầu bài. Ngoài ra còn tham khảo qua cách chơi của kênh Soi Sáng, áp dụng công thức cho bàn tay trái và bàn tay phải. Mình học theo cách này nhưng chỉ xoay được đúng 1 lần, lần tiếp theo thì sai mãi mà chưa biết cách sửa. Khi nào tìm được cách hay hơn và có thêm kinh nghiệm mình sẽ update thêm trên Ve Giang’s Blog. Chúc bạn chơi rubik thật vui!