Khu di tích Chăm Phong Lệ ở quận Cẩm Lệ được người Chăm xây dựng vào khoảng

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

  • Nóng

  • Mới

  • VIDEO

  • CHỦ ĐỀ

Trong số gần 80 di tích của thành phố Đà Nẵng chỉ có 1 di tích loại hình di tích khảo cổ đó là di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Các chuyên gia nhận định, di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ thực sự là một trung tâm tôn giáo lớn được người Chăm xây dựng và sử dụng lâu dài trong lịch sử, với niên đại ước tính khoảng 1.000 năm tuổi.

Căn cứ theo diện tích phần móng, xác định đây là di tích Chăm thuộc loại lớn nhất của khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng tính đến thời điểm hiện tại. Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực bảo tồn di tích khảo cổ này.

Các chuyên gia đã khai quật được 1 “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết.

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ trong quá khứ là vùng đất được chuyển giao từ vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Champa Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Qua 3 đợt khai quật, xuất lộ nhiều dấu vết kiến trúc Chăm cùng một số hiện vận còn sót lại. Đặc biệt lần đầu tiên, các chuyên gia đã khai quật được 1 “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết. 

Ông Ông Văn Ngọc, ở phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho biết, nếu thành phố triển khai giải tỏa, xây dựng Phong Lệ thành một không gian văn hóa, du lịch thì gia đình ông chấp nhận giải tỏa để nhường đất:

“Người dân ở đây rất tự hào. Phải nói rằng, khi di tích này được công nhận là di tích cấp thành phố sẽ tạo điều kiện cho cuộc sống người dân ở đây phát triển về mặt kinh tế thông qua du lịch”, ông Ông Văn Ngọc nói.

Theo Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt, khu di tích Chăm Phong Lệ sẽ được chia làm 3 khu vực gồm khu vực bảo tồn, khu vực bảo vệ di tích và khu vực phát huy giá trị di tích.

Ông Nguyễn Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho biết, Đề án sẽ là cơ hội, điều kiện góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Thọ Đông bày tỏ: “Việc phát huy giá trị và bảo tồn di tích là một cơ hội rất quý đối với địa phương cũng như tạo ra một tiềm năng, cơ hội về phát triển văn hoá, du lịch trên địa bàn. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình cùng các cấp, cac ngành có liên quan trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của di tích đạt hiệu quả trong thời gian đến”.

Các dấu tích được khai quật thấy ở di chỉ Khảo cổ Chăm Phong Lệ.

Đà Nẵng hiện có gần 80 di tích nhưng chỉ có 1 di tích loại hình di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ. Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, ngay khi phát hiện những hiện vật và dấu tích của di tích và trên cơ sở khai quật khảo cổ Chăm Phong Lệ, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã xây dựng phòng chuyên đề về khai quật khảo cổ Chăm Phong Lệ để giới thiệu cho du khách đến tham quan.

“Hiện nay, Sở Văn hoá và Thể thao thành phố đang lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành về văn hoá, lịch sử. Sau khi có ý kiến khả quan rồi thì sẽ hoàn thiện đề án để trùng tu, tôn tạo khu di tích Chăm Phong Lệ nhằm phát huy khu di tích này trên phương diện giới thiệu về văn hoá, lịch sử của thành phố. Đồng thời, giúp cho sự phát triển du lịch thành phố trong tương lai”, ông Hồ Tấn Tuấn nói./.

Ngày 27/11/2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có quyết định số 4568/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ, thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được xếp hạng là di tích khảo cổ cấp thành phố. Quyết định này sẽ là cơ sở pháp lý cho các hoạt động quản lý, bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.

Ảnh: nguoiquangphianam.com

Di tích Chăm Phong Lệ tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu trên diện tích 500m2 theo Quyết định số 1666/QĐ-BVHTTDL ngày 04/5/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; kết quả khảo cổ cho thấy tại đây là di tích của ít nhất 3 ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, đến nay có niên đại khoảng 1000 năm, đây là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất, đồng thời là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc. Trong đó, có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất [gọi là hố thiêng] lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu. Ngoài ra, trong khuôn viên khu di tích còn có hạng mục Miếu Bà là di tích thời Tự Đức [1862] có giá trị về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian.

Trước yêu cầu về việc bảo tồn di tích, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục gắn với phát huy giá trị di tích góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố và đem lại lợi ích cho nhân dân địa phương; gìn giữ một di tích văn hóa có 1000 năm tuổi, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu thực hiện như sau:

– Đối với công tác bảo vệ chống xâm hại di tích, sau khi có kết quả đánh giá khai quật lần đầu, năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đây [nay là Sở Văn hóa và Thể thao] đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt ranh giới bảo vệ với diện tích 2.653m2 tại Quyết định số 6314/QĐ-UBND ngày 12/9/2013, đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao giao Bảo tàng Điêu khắc Chăm chịu trách nhiệm quản lý di tích.

– Để có kế hoạch triển khai tổng thể công tác khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ, năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 6236/QĐ-UBND ngày 01/11/2017 về việc phê duyệt Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ; theo đó, ngoài ranh giới Khu vực I bảo vệ di tích với diện tích 2.653m2 nêu trên, UBND thành phố thống nhất phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất Mở rộng quy hoạch định hướng bảo tồn phát huy Khu di tích Chăm Phong Lệ với diện tích 17.087m2,bao gồm Khu vực bảo vệ II: diện tích 1.626m2 và Khu vực phục vụ du lịch – phát huy giá trị di tích: diện tích 15.461m2.

– Về nội dung quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích: chia làm 03 khu vực với các chức năng như sau:

+ Khu vực bảo tồn, diện tích 2.653m2 [Khu vực I]: Kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, Miếu Bà, 02 ngôi mộ cổ và hạng mục tường bao bảo vệ, làm mái che cho các khu vực nền móng dễ bị xâm hại bởi thời tiết.

+ Khu vực bảo vệ di tích, diện tích 1.626m2 [Khu vực II]: Quy hoạch các hạng mục hỗ trợ cho di tích gồm Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống [sưu tầm và trưng bày các công cụ, quy trình sản xuất sản phẩm của các ngành nghề của địa phương và các vùng lân cận]. Bố trí lối vào và không gian sân vườn tạo không gian để trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể [lễ hội mục đồng, lễ hội đua thuyền, trưng bày hình ảnh, tư liệu về làng cổ Đà Ly, tổ chức hát hò khoan, hát bội, hát bài chòi…]. Ngoài ra quy hoạch không gian cây xanh tạo vùng đệm bảo vệ di tích.

+ Khu vực phát huy giá trị di tích, diện tích 15.461m2: Quy hoạch các hồ sen, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách đến tham quan, thư giãn, giải trí. Quy hoạch 05 khu dịch vụ, bố trí các khu vực giải khát, bán các sản phẩm truyền thống; quy hoạch khu vực bãi đỗ xe.​

Ngày 05/10/2020, UBND thành phố có Công văn số 6572/UBND-SVHTT về việc chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng công trình, thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố, theo đó, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương đầu tư ở khu vực này thành Bảo tàng Chăm cơ sở 2 và đưa dự án này vào danh mục cần đầu tư trong giai đoạn 2020-2025.

Huân Nguyễn

Bài viết mới cập nhật

Video liên quan

Chủ Đề