Kinh nghiệm chào hàng siêu thị

Nhiều doanh nghiệp than phiền, khó nhất hiện nay là đưa hàng vào hệ thống siêu thị C. Đi đường thẳng" chào hàng theo đúng thủ tục, thế nào cũng nghe bài ca "diện tích giới hạn, hàng mới nhiều, hàng tương tự đã có nên...". Vì vậy, nhiều người phải chọn cách đưa hàng bằng... cửa sau.

Người phụ trách bán hàng vào siêu thị của một trong các công ty dệt may có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam hiện nay, kể: "Xếp tui cứ tự hào sản phẩm chất lượng tốt, tiêu chuẩn ISO, ISA này nọ nhưng chào hàng hoài họ có nhận đâu. Anh tự đi đến từng siêu thị chào hàng, có 2 siêu thị của hệ thống C. nhận lấy hàng rồi, anh đem lên chào phòng mua vẫn không được nhận. Người gật kẻ lắc nhưng kết quả vẫn là không bán được hàng.

Anh bỏ bao thư 500.000 đồng và được một nhân viên phòng mua tư vấn mách nước: "Phải làm thủ tục chào hàng theo đúng quy định của hệ thống nhưng dứt khoát phải tranh thủ tình cảm của những thành viên tham dự cuộc họp xét duyệt. Và chỉ cần 40% đại diện các siêu thị đồng ý là phòng mua sẽ nhận hàng. Anh được cung cấp đầy đủ và chức vụ của những người có quyền quyết định đến việc cho hàng vào hệ thống bao gồm ba chị, một anh tên là...". Đúng như chỉ dẫn, hàng của anh được đưa vào siêu thị, và phong bì cho 6 vị đã "gật đầu" là 1 triệu đồng/người.

Cũng có doanh nghiệp tìm được cách đơn giản hơn nhờ giao hàng qua đại lý. Công ty TT chào hàng siêu thị C. loại sốt mì Ý đến lần thứ 3 cũng không được. Nhưng khi thông qua đại lý thì chỉ vài ngày sau hàng đã có trên kệ. Ông Giang, nhân viên chuyên trách bán hàng vào siêu thị của một công ty xuất nhập khẩu cho biết mỗi lần có hàng mới, muốn được nhận vào bán là ông Giang gọi điện trước cho một chị ở đây và ngay khi đợt hàng đầu tiên vừa bán xong thì cứ phong bì 2% doanh số bán đem đến tận nhà. Những lần trước thì buổi tối ghé nhà hay tiện dịp nào đó đến văn phòng, gặp ở chân cầu thang hay thang máy thì kẹp bì thư trong tờ báo, cuốn sổ tay để trao. Lần sau này thì chị đề nghị trao qua trung gian ở một tiệm bán bánh mì ở Gò Vấp. Điều ông Giang cảm thấy bức xúc hết chịu nổi: "2% doanh số bán khi chi tròn số, thiếu vài trăm ngàn mà "chị cũng gọi điện nhắc khéo".

Tháng này, chỉ tiêu bán sữa của Nhật, nhân viên tiếp thị phụ trách mảng siêu thị của công ty H., là phải đạt được doanh số tối thiểu là 100 triệu đồng. Còn mấy ngày nữa là hết tháng nhưng tổng doanh số bán ra từ các siêu thị cộng lại chỉ mới tròm trèm có 70 triệu đồng. Không đạt doanh số, có nghĩa là tháng này thu nhập của anh từ 2 triệu đồng có thể bị giảm xuống chỉ còn vài trăm ngàn, chưa kể phần chiết khấu bán vượt chỉ tiêu so với tháng trước. Thế là bài cũ xài lại, anh đến gặp các tổ trưởng phụ trách ngành thực phẩm của một số siêu thị, gửi cho người thì món quà, người thì phong bì và năn nỉ: "Anh [chị] lấy thêm hàng giùm em cho đủ chỉ tiêu, phần chiết khấu của số hàng này em để anh [chị] hưởng toàn bộ". Thế là mặc dù hàng của Nhật vẫn còn nằm đầy trên các quầy, nhưng các tổ trưởng ngành hàng vẫn cứ đặt thêm.

Phí giao dịch để bán được hàng trong siêu thị muôn hình vạn trạng. Phụ trách giao dịch với siêu thị của công ty thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu MBA cho biết: Mỗi tháng, công ty tốn khoảng 15 card điện thoại tặng cho các trưởng ngành hàng và nhân viên phụ trách quầy hàng. Với những siêu thị có doanh số cao như siêu thị A., B., C... của hệ thống nói trên thì giá trị quà còn cao hơn nữa".

Chào hàng xong, một thủ tục đều chi hàng tháng khác là chi "giành chỗ treo hàng". Nếu ở hệ thống C. khó khăn nhất là tìm cách "vô" thì ở các hệ thống khác như M., C., B... các doanh nghiệp đều phải chi bồi dưỡng cho nhân viên đứng quầy và phụ trách ngành hàng.

Bà Lam, giám đốc một công ty sản xuất quần áo trẻ em, nói: "Mình chi 500.000 đồng/tháng thì hàng mình luôn ở góc đẹp trên quầy, chi 200.000 đồng/tháng thì ở trên cao hay xuống hơi thấp, còn không chi thì nằm bẹp dúm trong xó". Một nhân viên người cung cấp cá saba cho siêu thị kể về kinh nghiệm xương máu: "Cùng để trong tủ đông, mà hàng của công ty khác thì ngay ở tầm tay, khách nhìn vô là thấy để mua, còn hàng của mình thì dạt vô góc. Mình tìm còn không thấy làm sao khách thấy mà mua. Tôi khiếu nại lên giám đốc siêu thị, hàng được ra "mặt tiền". Nhưng hôm sau thì trở vào góc như cũ. Kết quả là do ý kiến ý có nhiều, nên có lần chẳng biết làm sao, cả lô cá đông lạnh bị trả về vì bị móp méo, máu và nước tứa ra do không được bảo quản tốt".

Theo Sài Gòn Tiếp Thị, làm khó dễ để được bồi dưỡng đã trở thành "vũ khí" của nhiều người có một chút vị trí trong nhiều siêu thị. Họ có thể là trưởng ngành hàng, phụ trách quầy và cả thủ kho, người phụ trách giao nhận hàng hóa. Nhiều người gọi bà thủ kho của siêu thị C. là "sát thủ. Siêu thị gọi hàng rồi, nhưng để hàng vào được trong kho của bà là cả một quá trình. Khi giao hàng, nếu không biết điều là bà săm soi đủ thứ, nào là hàng không đúng quy cách, hàng móp méo hoặc có khi phải chờ từ sáng tới chiều vẫn chưa được nhận hàng. Tội nghiệp cho các nhân viên giao những mặt hàng cần bảo quản lạnh mà không có xe lạnh chuyên dùng như phomai, sữa hoặc rau quả... Phật lòng bà một chút là bà cho "xếp tài" vào giờ chót, có khi phải chở trở về vì chờ lâu quá hàng bị hư hỏng.

Nhưng cũng có khi "kẻ cắp gặp bà già". Công ty K. chuyên giao bánh kẹo cho siêu thị này. Từ khi ký được hợp đồng, những lô kẹo sắp hết hạn dùng thay vì trả lại cho nhà cung cấp thì công ty K. mua lại với giá rẻ như cho rồi xé bao bì và cân cho siêu thị. Một hôm bà thủ kho siêu thị C. phát hiện, thay vì trả lại hàng hoặc yêu cầu công ty giao hàng còn hạn dùng thì bà chỉ nhẹ nhàng yêu cầu hàng mang tới phải còn nguyên trong bao để bà tự xé trước khi cân. Thế là sợ bể "mánh", công ty K. phải thương lượng chi cho bà 30% trên trị giá hàng để được giao kẹo đã xé bao bì như cũ.

Cho đến nay, phí bôi trơn để đưa hàng vào bán và phí thường xuyên mà các doanh nghiệp thống kê thấp nhất là 5% và cao nhất là 14%. Trong đó, có những khoản kê thành phí hàng tháng: mua quà tặng sinh nhật cho nhân viên, phong bì bồi dưỡng hàng tháng, thưởng thêm khi doanh số bán đạt mức cao... và dĩ nhiên không thể thiếu quà tặng trong ngày lễ, tết...


Video liên quan

Chủ Đề