Kinh phí xã hội hóa trong giáo dục tiểu học năm 2024

Mặc dù thành phố luôn xem giáo dục là mục tiêu phát triển hàng đầu, ngân sách dành cho giáo dục luôn được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm (hiện chiếm khoảng 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố), nhưng mỗi khi bước vào năm học mới, vấn đề trường lớp, trang thiết bị dạy và học lại tạo áp lực không nhỏ để bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện của ngành giáo dục thành phố.

Với mong muốn tạo thêm tiền đề thu hút đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy và học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 3776/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Theo đó, quan điểm và định hướng của thành phố trong việc xã hội hóa phát triển giáo dục và đào tạo là nhằm phát huy tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện để toàn xã hội, các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.

Thực hiện xã hội hóa cũng hướng đến đa dạng hóa các loại hình giáo dục, phát triển mạnh các cơ sở giáo dục ngoài công lập, mở rộng liên kết, hợp tác với nước ngoài và phát triển hợp lý cơ sở giáo dục do nước ngoài đầu tư 100% vốn; khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của giáo dục…

Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là thực hiện xây dựng kế hoạch xây trường mầm non theo mô hình xã hội hóa tại các cụm, khu công nghiệp cho con em công nhân; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân đóng góp kinh phí, đất đai để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn. Chuyển các cơ sở giáo dục công lập trung học phổ thông có nguồn thu sự nghiệp và đủ điều kiện sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tài chính...

Tính đến nay, toàn thành phố có hơn 2.710 cơ sở giáo dục đào tạo, hơn hai triệu học sinh, sinh viên. Những năm qua, nguồn kinh phí từ xã hội hóa của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo tăng lên đáng kể. Hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được xây mới, cải tạo sửa chữa, tăng cường đầu tư trang bị cơ sở vật chất… góp phần nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục của thành phố.

Theo thống kê, trong các nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, xây dựng trường lớp (khối công lập), ngân sách nhà nước chiếm khoảng 60%, vốn vay từ quỹ đầu tư và từ các nguồn khác khoảng 15% và vốn xã hội hóa chiếm 25%. Giai đoạn 2016-2022, hệ thống trường lớp ngoài công lập đã thành lập mới 30 trường với 503 lớp, tổng số tiền đầu tư khoảng 440 tỷ đồng. Cùng với đó, ngoài học phí, cha mẹ học sinh đã tự nguyện đóng góp nguồn kinh phí không nhỏ để tài trợ hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa trường, lớp học...

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, xã hội hóa giáo dục tại thành phố chưa tương xứng với tiềm năng và chưa huy động được tổng thể các nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố. Các cơ sở ngoài công lập tuy tăng nhanh về số lượng nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ bé, cơ sở vật chất còn hạn chế, phát triển không đồng đều, chủ yếu tập trung ở nội thành, nơi đông dân cư...

Để thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục thành công, điều quan trọng đầu tiên phải nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xã hội hóa giáo dục đến với các tổ chức, nhân dân. Giải thích rõ việc xã hội hóa giáo dục là hướng phát triển có tính chiến lược lâu dài của Đảng nhằm điều chỉnh được các nhận thức sai lệch, phiến diện và sai lầm về công tác xã hội hóa giáo dục.

Đồng thời, ngành giáo dục phải xây dựng các mô hình điểm về xã hội hóa giáo dục, từ đó nhân rộng ra trên địa bàn; đổi mới về phân bổ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đầu tư của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; ưu tiên các vùng còn khó khăn của thành phố, quan tâm hơn nữa đến việc tạo điều kiện và hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo được học tập…

Trước điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xã hội hóa giáo dục có vai trò rất quan trọng nhằm thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Nghị quyết số 29 đã nêu rõ: “Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư”.

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh: “Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục công lập và có cơ chế hỗ trợ để bảo đảm từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập theo luật định. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị”.

Có thể thấy rằng, xã hội hóa cần được quan tâm đặc biệt khi đây là mắt xích rất quan trọng để thúc đẩy công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước ta.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, công tác xã hội hóa giáo dục đã được thể hiện rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới trường ngoài công lập tại các bậc học, từ đó góp phần giảm tải cho hệ thống trường công lập và chi phí từ ngân sách nhà nước.

Kinh phí xã hội hóa trong giáo dục tiểu học năm 2024

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam (Ảnh: Phạm Minh).

Có thể thấy rằng, số lượng các trường ngoài công lập đang có xu hướng gia tăng mỗi năm. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 – 2023, cả nước có 4.197 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập trong khi đó, năm học 2014-2015, cả nước chỉ có 2.410 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập.

Thực tế cho thấy, các trường ngoài công lập đang ngày càng khẳng định được chất lượng đào tạo khi ngày càng thu hút được nhiều học sinh và phụ huynh lựa chọn. Điều này thể hiện rõ sự phát triển mạnh mẽ của công tác xã hội hóa giáo dục. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế nhưng số lượng trường học vẫn phải đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân nên sự phát triển của các trường ngoài công lập cũng để nhằm san sẻ gánh nặng này.

Một điều đáng mừng là hiện đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn với nguồn lực kinh tế mạnh, tiềm năng đã mở ra hệ thống trường phổ thông liên cấp, trường đại học để đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Đây chính là sự phát triển của xã hội hóa giáo dục khi đã tăng được thêm nhiều trường ngoài công lập tức là thu hút nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, kéo theo sự giảm đi đáng kể chi tiêu công của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay chúng ta vẫn còn áp dụng quan niệm cũ đối với xã hội hóa giáo dục.

Xã hội hóa giáo dục không chỉ còn đơn thuần là hỗ trợ cho nhà nước trong điều kiện ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế mà còn giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu đang ngày càng phát triển của người dân, đi theo đúng quy luật của kinh tế của thị trường.

Khi đời sống cao hơn, người dân tất yếu cũng muốn tìm môi trường học tập tốt và hiện đại hơn cho con em mình. Và mô hình đào tạo của các trường học ngoài công lập đang bị chi phối bởi quy luật tích cực của kinh tế thị trường nên luôn luôn cần đổi mới để tạo ra những giá trị, những cái mới nhất, tốt nhất phục vụ cho người học, ưu thế mà rất ít trường công lập hiện nay có thể đáp ứng được.

“Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, ngoài việc dạy văn hóa còn, phải chú trọng đến việc dạy người. Đây là việc mà rất nhiều trường phổ thông ngoài công lập hiện nay đã và đang thực hiện được”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Bên cạnh cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị hiện đại, các trường phổ thông ngoài công lập hiện nay còn có đội ngũ giáo viên được chọn lọc kỹ lưỡng. Thực tế cũng chỉ ra rằng, phải đầu tư vào nhà trường, vào đội ngũ nhà giáo thì mới có được chất lượng đào tạo thật.

Hơn nữa, xã hội hóa giáo dục cũng làm trong sạch bộ máy bởi ở các trường ngoài công lập, hầu như không tồn tại việc chạy chức, chạy quyền, bớt được nhiều thủ tục có dấu hiệu tiêu cực đang tồn tại trong tuyển dụng, thi tuyển, và các hoạt động quản lý con người, …

Đặc biệt, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, xã hội hóa giáo dục nhằm giúp tăng thêm nguồn lực xã hội cho hệ thống giáo dục để tập trung giải quyết những khó khăn mà nhà nước chưa đủ điều kiện đáp ứng chứ không phải chỉ dành riêng cho những trường xây dựng mới.

Vậy nên, xã hội hóa giáo dục không chỉ chờ những chủ đầu tư có điều kiện xin mở trường mà nhà nước, chủ yếu chính quyền địa phương từ tỉnh/thành đến các quận/huyện căn cứ nguồn lực nhà nước đã đầu tư cho giáo dục và căn cứ nhu cầu cấp bách của giáo dục trên địa bàn mình quản lí để cân đối đưa ra nhu cầu kêu gọi các chủ đầu tư tham gia phát triển giáo dục của địa phương bằng những chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế thu nhập và các điều kiện pháp lý khác.

Điều mấu chốt là chính quyền địa phương ở các quận/huyện, tỉnh/thành phải thực hiện được 2 việc: vừa có trường để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tăng dân số cơ học, vừa phải đáp ứng nhu cầu học phí mà đa số người dân có thể chấp nhận được.

Muốn vậy, địa phương phải có chính sách giao đất sạch cho những nhà đầu tư có điều kiện xây trường nhưng có cam kết mức học phí tối đa của học sinh từng cấp học. Vì khi nhà đầu tư không phải đầu tư vào đất thì kinh phí xây dựng trường chỉ trong một thời gian nhất định sẽ thu hồi được vốn. Và địa phương cùng nhà đầu tư nên tính toán để có mức học phí phù hợp, tuy cao hơn trường công nhưng chắc chắn người dân phải chấp nhận được.

Đây cũng là điều kiện để địa phương bỏ thầu, chọn nhà đầu tư nào có mức học phí thấp nhất mà dân chấp nhận được thì nhà đầu tư đó trúng thầu.

Cần sớm tổng kết lại vai trò của xã hội hóa giáo dục và các trường ngoài công lập

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, trong Nghị quyết 29 có nói đến vấn đề xã hội hóa nhưng chưa nhấn mạnh được vai trò của các trường ngoài công lập, chưa tổng kết một cách khoa học về những mô hình trường cụ thể; chưa có sự hỗ trợ của nhà nước theo từng mô hình trường. Vì vậy, đã đến lúc cần phải tổng kết lại vai trò của xã hội hóa, vai trò của các trường ngoài công lập.

Thầy Tùng Lâm cho rằng, hiện nay, vẫn còn sự cạnh tranh không công bằng giữa các trường công lập và trường ngoài công lập.

Kinh phí xã hội hóa trong giáo dục tiểu học năm 2024

Ảnh minh họa: Phạm Minh.

Trên thực tế, các trường công thường dễ thu hút người học hơn, khiến nhiều phụ huynh phải tranh suất đầu vào bởi ưu thế là có học phí thấp do được nhà nước hỗ trợ. Thế nhưng, nếu cứ chạy theo số lượng như vậy, các trường công lập khó có thể tạo ra nguồn lực có chất lượng cho xã hội. Trong khi đó, có những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập nên phải lựa chọn vào các trường ngoài công lập.

Trong xu hướng phát triển các trường ngoài công lập rất tốt như vậy, ngành Giáo dục cần chú ý đến những đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, dù là trường công hay trường tư, sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước nên phân theo từng mô hình trường để đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh.

Ngoài ra, chính quyền tại từng quận/huyện, tỉnh/thành ở mỗi địa phương nên chỉ đạo, ưu tiên huy động xã hội hóa cho các mô hình trường dễ hấp dẫn các nhà đầu tư như giao đất sạch cho những điểm trường mới mở phục vụ nhu cầu tăng dân số, các khu công nghiệp, khu đô thị mới phát triển; Ưu tiên kêu gọi có sự tham gia đầu tư ở các trường trọng điểm quốc gia, các trường chuyên thành những mô hình giáo dục đạt chuẩn quốc tế mà nhà nước hiện nay đang phải ưu tiên đầu tư.

Thầy Lâm bày tỏ, một điểm đáng mừng là trong dự thảo Luật Thủ đô đã bắt đầu chú ý đến việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các học sinh dù học tập tại trường công lập hay trường ngoài công lập.

Theo đó, dự kiến sẽ chia đều tiền đầu tư của nhà nước theo đầu học sinh chứ không phải theo loại hình trường. Đây là một quan điểm nhân văn và nên được thực hiện ngay cho những trường ngoài công lập đang có sứ mệnh đào tạo, hỗ trợ cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong giai đoạn tới, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm mong rằng, ngành Giáo dục cần có một cách nhìn mới, một cách đầu tư mới, một cách chỉ đạo mới về xã hội hóa để phát huy hiệu quả tối đa có thể mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; cần tiếp tục phát huy từ thực tế của các trường ngoài công lập đang phát triển hiện nay và làm lành mạnh hóa hơn nữa đối với các trường công lập.

Đặc biệt, Nhà nước cần phải coi trọng xã hội hóa giáo dục, coi trọng vai trò của các trường ngoài công lập và tạo những điều kiện cho nó phát triển và phải giám sát chặt chẽ, một cách công khai, công bằng, khách quan bằng cách kiểm định chất lượng giáo dục

Mặt khác, thầy Lâm cho biết thêm, đối với mạng lưới các trường ngoài công lập hiện nay có những trường làm tốt nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép để phát triển nhưng cũng tồn tại những trường ngoài công lập chỉ chú ý đến giá cả chứ chưa chú trọng đến giá trị.

Một bất cập khác là hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương vừa chỉ đạo chuyên môn xong lại vừa đi kiểm tra chất lượng, không khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Do vậy, cần phải chú ý hơn đến công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng của các trường ngoài công lập.