Kinh tế thị trường và mặt trái của kinh tế thị trường

Câu hỏi của những ai quan tâm đến Việt Nam là một Việt Nam tương lai sẽ theo phương án kinh tế nào khi chế độ cộng sản bị sụp đổ? Dĩ nhiên đa số sẽ trả lời là nền kinh tế thị trường như các nước Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ đã thành công trong nền kinh tế thị trường đó.

Kinh tế thị trường được hiểu là nền kinh tế không có sự tham dự của chính quyền; một nền kinh tế mỗi thành viên trong xã hội tự mình làm ra bằng chính bàn tay, khối óc của mình với sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của Con Người; một nền kinh tế mà cung – cầu là nguyên lý định giá cả chứ không phải do chính quyền tham dự vào việc định giá cả.

Trên mặt lý thuyết thì kinh tế thị trường đáp ứng được đòi hỏi của Con Người (được tự do làm kinh tế) và từ cái tự do đó tạo ra những sáng chế mới lạ để phục vụ Con Người. Đây là điểm chính để khuyến khích một nền kinh tế thị trường đồng thời không vi phạm quyền tự do kinh doanh của người dân. Tuy nhiên khi nhìn thực tế của các quốc gia Tây Phương, chúng ta cần phải nhìn rõ mặt trái của nền kinh tế thị trường, để từ đó có cái nhìn chính xác hầu giải quyết vấn đề nếu chúng ta chấp nhận kiểu mẫu kinh tế thị trường cho một Việt Nam dân chủ ở tương lai.

  1. Giá cả theo luật cung và cầu

Theo đúng luật cung – cầu thì nếu sản phẩm tràn ngập thị trường nhiều hơn người tiêu thụ thì giá sẽ rẻ. Ngược lại nhiều người cần sản phẩm nhưng ít người sản xuất thì giá cả sẽ gia tăng. Lý thuyết này chỉ đúng khi lực lượng sản xuất đông đảo để tạo ra sự cạnh tranh giá cả. Trên thực tế thì chuyện cung – cầu này cần phải xem xét lại.

Hãy lấy vài thí dụ chứng minh về chuyện này. Tại Hoa Kỳ, về mặt nhiên liệu cho xe, giá cả xăng có thể lên giá 20 cents hoặc 30 cents trong vòng một ngày. Nhưng khi giá xăng xuống thì không xuống với mức trên mà chỉ xuống vài ba cents. Không thể nào áp dụng luật cung và cầu ở đây. Bởi nhiên liệu tiêu thụ ngày hôm nay và ngày mai không thể nào có sự khác biệt để rồi các hãng xăng mặc sức lên giá như thế.

Lý thuyết cung – cầu này không thể áp dụng cho tất cả mọi ngành, đặc biệt là ngành y tế. Tại sao? Bởi ngành y tế không có cung – cầu. Có nghĩa là người bệnh sẽ chăng bao giờ tăng ngoại trừ trường hợp dịch lan tràn trong xã hội. Chính vì không có cung – cầu mà ngành y tế của Hoa Kỳ được thả lõng để họ muốn tính giá tiền như thế nào thì tính. Cho dù ngành y tế của Hoa Kỳ có xuống giá thì số người bệnh vẫn vậy, không gia tăng cho nên ngành y tế của Hoa Kỳ không có lý do để xuống giá, trái lại luôn luôn tăng giá.

Tại sao cùng một ca mổ cho bệnh nhân, người có bảo hiểm được bảo hiểm thanh toán với giá rẻ còn người không có bảo hiểm trả với giá gấp 5 lần hoặc hơn thế nữa? Thí dụ phòng lab thử nước tiểu tính tiền bệnh nhân có bảo hiểm là $494.36. Tuy nhiên hãng bảo hiểm chỉ thanh toán cho phòng lab với giá là $45.03 và bệnh nhân không cần phải trả sự khác biệt cho phòng lab. Trong khi đó, một bệnh nhân không có bảo hiểm phải trả cho phòng lab với giá là $494.36. Dĩ nhiên phòng lab cho rằng hãng bảo hiểm đem nhiều bệnh nhân đến cho phòng lab cho nên sẽ được giá khoan hồng. Trên thực tế, số người không có bảo hiểm ở Mỹ nhiều hơn số người có bảo hiểm cho nên không thể bảo rằng những người có bảo hiểm sẽ bệnh nhiều hơn những người không có bảo hiểm để hãng bảo hiểm được nhận giá khoan hồng.

Thực tế thì nền kinh tế thị trường đặt lợi nhuận là trên hết. Trong cái lợi nhuận này, ngành y tế muốn tính bao nhiêu tiền mà không cần biết là hợp lý hay không hợp lý. Ngành y tế đã mua chuộc được Quốc Hội Hoa Kỳ để họ ra sức gia tăng giá cả. Tại sao ở những quốc gia phát triển như Châu Âu hay Canada, cùng một ca mổ, số tiền ít hơn so với ca mổ ở Mỹ?

Ngay cả các công ty sản xuất thuốc cũng lên giá mà không có bộ luật nào ngăn cản.

Tháng 8 năm 2015, hãng thuốc Turing mua quyền sản xuất của thuốc Daraprim, một loại thuốc mà những người bị bệnh Sida cần, một loại thuốc đã được bào chế cả 62 năm chứ không phải là thuốc mới.

Tháng 9 năm 2015, CEO của hãng thuốc Turing, ông Martin Shkreli, một người trẻ khoảng 32 tuổi, đã lên giá thuốc này từ 13.50 một viên lên với giá là 750.00 một viên. Nếu tính theo phần trăm gia tăng là trên 5000%.  Tại Anh, viên thuốc này bán giá là 66 cents một viên trong khi tại Mỹ bán giá là 13 đô la 50 cents và bây giờ là 750 đô la tại Mỹ (thời điểm 2015, giá bây giờ người viết chưa biết để kiểm chứng nhưng biết chắc là không rẻ).

Phải chăng đây là hãng thuốc duy nhất tại Hoa Kỳ tăng giá như thế này?

Theo tờ New York Times số ra ngày 4 tháng 10 năm 2015 thì hãng thuốc Vaveant đã lên giá thuốc sau khi mua lại quyền sản xuất các loại thuốc sau đây:

Glumetza giá 519.92 cho một tháng thì giá tăng lên 4643.00 cho một tháng thuốc.

Mephyton giá 9.37 một viên và bị tăng giá là 58.76 một viên.

Edecrin giá 470 được tăng là 4600 (giá một tháng thuốc hay một viên không nói trong bài báo này) trong khoảng thời gian một năm trời từ tháng năm 2014 đến tháng năm 2015.

Vậy thì luật cung – cầu này chưa chắc là có lợi cho xã hội nếu không có sự quan sát và tham dự của chính quyền trong vấn đề giá cả nếu giá cả đi quá đà, làm ảnh hưởng đến tài chính và sức khỏe của người nghèo.

Trong nền kinh tế thị trường này nếu công ty nào không biết quản trị thì sẽ dẫn đến phá sản. Tuy nhiên thực tế luật phá sản là một hình thức để các ông chủ công ty giựt tiền của người khác. Hãy nhìn Tổng Thống Trump hiện giờ, công ty của Trump đã từng khai phá sản nhiều lần nhưng Trump và công ty của ông vẫn giàu. Mỗi khi công ty khai phá sản là giựt nợ của những cá nhân (hoặc công ty) có buôn bán với công ty khai phá sản đó. Và khi giựt xong nợ, công ty đó sinh hoạt bình thường để có lợi tức, lợi tức đó không hề trả lại cho những cá nhân (hay công ty) trước đó đã bị công ty phá sản giựt nợ.

Nếu là một cá nhân làm ăn thương mại, khi phá sản thì mất hết tiền bạc và trở thành người nghèo. Trong khi các công ty lớn khi phá sản thì giựt nợ để làm giàu. Vậy thì nên có luật phá sản cho phép công ty giựt nợ người khác; nhưng khi công ty phục hồi lại, tức là có lợi tức, thì công ty phải trả lại những món nợ đã quỵt trong lúc khai phá sản?

  1. Mua lại những công ty khác

Với kinh tế thị trường, các công ty tìm cách diệt lẫn nhau. Mua một công ty khác cũng là hình thức diệt lẫn nhau. Có điều mua một công ty khác là để thu tóm thị trường và sẽ tăng giá khi mà thị trường chẳng còn công ty nào để cạnh tranh.

Tại Mỹ, một công ty lớn mua một công ty lớn khác thường được một cơ quan chống độc tài thị trường xem xét là có lợi cho người tiêu thụ hay không trước khi chấp nhận cho hai công ty này mua bán với nhau. Đây chỉ là trường hợp cho những công ty lớn còn những công ty lớn mua những công ty nhỏ thì không được chú ý đến nhiều. Chưa kể những công ty lớn mở cửa hàng, bán giá thật rẻ để diệt những cửa hàng tư nhân loại cá nhân. Sau khi cửa hàng tư nhân loại cá nhân bị diệt thì giá cả của công ty lớn sẽ gia tăng, hoặc khi công ty lớn quyết định rút lui ra khỏi địa phương đó, người dân phải đi ở một địa điểm khác xa hơn để mua những nhu yếu cần thiết cho cuộc sống. Công ty Walmart là một thí dụ trong việc tiêu diệt những cửa hàng cá nhân nhỏ ở những thành phố nhỏ.

Kinh tế thị trường xảy ra trường hợp, khi hãng thuốc sản xuất thuốc mới và xin bản quyền thì bản quyền được cho là 20 năm. Sau hai mươi năm đó thì các hãng thuốc khác dùng cùng một công thức để chế tạo thuốc với một cái tên generic với giá rẻ hơn loại thuốc mang tên chính (brand name). Tuy nhiên, để được độc quyền và bán giá cao, những hãng thuốc brand name sẵn sàng trả tiền cho những công ty làm thuốc generic này để họ không sản xuất (hoặc đình chỉ sản xuất ở một thời hạn nào đó) loại thuốc này ra ngoài thị trường để hãng brand name tiếp tục độc quyền bán gia thật cao. Hãng làm thuốc generic này vì quyền lợi, nếu được trả hai triệu hoặc con số tiền nào đó mà không cần phải tốn chi phí nào thì tại sao không lấy tiền và quên chuyện bào chế thuốc generic. Đây là kinh tế thị trường nhưng được toa rập với nhau để làm tổn hại đến tài chính của những người mua là bệnh nhân(1) . Cơ quan quản trị về trao đổi thương mại đã điều tra về vụ này và mong mỏi quốc hội Hoa Kỳ cần đưa ra bộ luật để cấm chuyện này xảy ra ở tương lai bởi thiệt hại người tiêu thụ.

Kinh tế thị trường tạo ra sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng trở nên trầm trọng. Luật thuế luôn luôn nâng đỡ người giàu và người giàu tiếp tục giàu. 1% tổng số dân Mỹ số tiền thu vào gần bằng ¼ số tiền của tổng sản lượng quốc gia(2). Dĩ nhiên có những người cho rằng con số này quá không đúng mà là ít hơn hay nhiều hơn. Dù nằm ở con số nào, những người giàu có ở Mỹ, qua kinh tế thị trường đã càng ngày càng tích trữ sự giàu có trong khi con số 99% phần trăm còn lại thuộc dạng nghèo hoặc trung lưu. Và sự phân biệt giàu – nghèo này càng ngày càng rõ hơn. Chưa kể người giàu có tiền thì sẽ mua chuộc được quốc hội qua những công ty vận động hành lang để có những bộ luật lợi cho người giàu mà không cần biết thiệt hại đến người nghèo ra sao. Ngay cả nhà triệu phú Warren Buffett than phiều là luật thuế hiện giờ ông đóng thuế ít hơn so với cô thư ký của ông. Tức là phần trăm số thuế phải đóng trên đồng lương thu vào của nhà triệu phú này thấp hơn phần trăm đóng thuế của cô thư ký. Vậy thì nền kinh tế thị trường tạo ra công bằng ở đâu?

  1. Dùng tâm lý để bán sản phẩm

Trong nền kinh tế thị trường, lợi nhuận luôn luôn nằm trong đầu óc của người làm thương mại. Trong cái lợi nhuận đó, người làm thương mại tìm đủ mọi cách để sản xuất sản phẩm giá thật thấp và bán giá thật cao để đạt lợi nhuận tối đa cho chính công ty mình hay bản thân mình. Các vị CEO quản trị công ty bằng mọi cách để làm thị trường chứng khoán của công ty mình càng lên cao với mục đích là chính cá nhân vị CEO này nhận được tiền huê hồng mà không cần biết công ty sẽ đi về đâu ở tương lai sau đó. Nếu công ty bị phá sản, vị CEO này vẫn lãnh tiền huê hồng dù rằng công ty bị khai phá sản. Vậy thì chẳng có gì để ràng buộc vị CEO này làm việc trong một tinh thần có trách nhiệm với Con Người.

Chính vì lợi nhuận là điểm chính, để bán được sản phẩm, công ty dùng tâm lý của Con Người để quảng cáo thật nhiều, để mọi người thấy được họ có nhu cầu (giả) mà mua sản phẩm mới. Có gì khác biệt giữa Iphone 5 và Iphone 6? Có gì khác biệt giữa xe đời 2017 và 2018? Vâng! Có sự khác biệt đó nhưng sự khác biệt không nhiều lắm mà là dùng tâm lý để mọi người chạy theo cái tâm lý đó mà thay đổi cái mới mỗi khi sản phẩm mới ra đời. Hoặc dùng tâm lý là sản phẩm được bán hạ giá để thu hút được nhiều người mua. Nhiều người có cả chục đôi giày trong tủ mà có những đôi giày chưa hề được sử dụng.

Kết Luận

Kinh tế thị trường trở thành điểm nóng mà những nước thiếu dân chủ muốn đạt đến đặc biệt là ở VN. Tuy nhiên, chưa chắc kinh tế thị trường giải quyết được vấn nạn của xã hội; trái lại tạo ra vấn nạn giàu-nghèo càng thêm rõ ràng hơn như ở các nước tại Tây Phương mà Mỹ là một thí dụ điển hình.

Lựa chọn nền kinh tế nào cho đất nước ở tương lai là một vấn đề cần phải thảo luận với cái nhìn của nhiều góc cạnh. Nếu có một nền kinh tế mà mọi người được quyền tự do kinh doanh nhưng không làm thiệt hại đến môi trường, đến tài sản của đám đông, đồng thời không lấy hết ¼ tổng sản lượng quốc gia cho chính mình thì đó là nền kinh tế mà một VN tương lai có thể áp dụng được. Nếu theo đuổi nền kinh tế thị trường thì cần phải có một cơ cấu rõ ràng để tránh những mặt trái của nền kinh tế thị trường mà đã nêu ra trong bài viết này.

Vũ Hoàng Nguyên

Tháng 7 năm 2017

Dallas, TX