Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt là gì

        Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là một quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành năng lực hành động tích cực, có liên quan tới kiến thức và thái độ, giúp cá nhân có ý thức về bản thân, giao tiếp, quan hệ xã hội, thực hiện công việc, ứng phó hiệu quả với các yêu cầu thách thức của cuộc sống hàng ngày…

       Vì vậy, ngoài những kiến thức cơ bản, phổ thông về tự nhiên, xã hội mà học sinh được học thì việc giáo dục kĩ năng sống rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển tòan diện. Và, một trong những kĩ năng được quan tâm nhất - là kĩ năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của học sinh THCS. Bởi lẽ, cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Vì thế, từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những từ ngữ mới, tiến bộ thì không ít những từ ngữ tối nghĩa, tục tĩu cũng xuất hiện. Kèm với nó là thái độ giao tiếp của học sinh hiện nay cũng xuống cấp trầm trọng đến mức báo động. Ngôn ngữ giao tiếp của học sinh ngày nay là vấn đề cần phải quan tâm sâu sắc.

             Do đó, được sự phân công của nhà trường, Tổ Văn - Sử - GDCD tổ chức buổi  giao lưu cùng học sinh vào sáng ngày 09/04/2018, với chuyên đề : “Giáo dục cho học sinh kĩ năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp”.

           Nội dung chuyên đề:                                              

                          KĨ NĂNG SỬ DỤNG NGÔN NGỮ TRONG GIAO TIẾP

I.Tầm quan trọng của ngôn ngữ trong giao tiếp:

1.Giá trị của ngôn ngữ trong giao tiếp:

         Giao tiếp là trao đổi , tiếp xúc với nhau, ngôn ngữ là công cụ của giao tiếp , giao tiếp chính là sự xác lập mối quan hệ giữa các  cá nhân , giữa cá nhân với cộng đồng là quá trình kết nối con người với nhau,tạo nên giá trị một cộng đồng cũng như văn hóa của cộng đồng đó. Giao tiếp thể hiện qua quá trình chia sẻ thông tin trao đổi quan điểm nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.Giao tiếp tốt là giao tiếp có văn hóa , trong đó mức độ đánh giá được nhìn nhận qua thái độ , nguyên tắc ứng xử , nghi thức lời nói .Ngôn ngữ là một trong những phương tiện hữu hiệu để đáp ứng được mục đích giao tiếp , nhờ ngôn ngữ mà con người có thể diễn đạt và làm cho người khác hiểu được tư tưởng tình cảm , trạng thái tâm lí và nguyện vọng của mình.Chính vì vậytừ xa xưa, giá trị của ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày cũng đã được khẳng định :"lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" lựa lời có nghĩa là lựa chọn ngôn ngữ trước khi nói , cách lựa chọn ngôn ngữ sẽ giúp chúng ta thành công trong giao tiếp , đem lại mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người, tạo nên tình cảm yêu thương giữa con cái với ông bà , cha mẹ, sự trân trọng ,yêu mến giữa học sinh với thầy cô giáo, sự gắn bó bạn bè thân hữu với nhau. Ngôn từ có sức mạnh rất lớn trong quá trình giao tiếp , một câu an ủi , động viên đúng lúc sẽ xoa dịu nỗi buồn của người khác , một lời khen ngợi có thể là động lực cho ai đó tiếp tục cố gắng . Hơn thế ,Sử dụng  ngôn từ khoa học, chính xác , linh hoạt sẽ  chứng tỏ bản thân là người mạnh mẽ quyết đoán và tăng thêm niềm tin ở người xung quanh.

        Trong quá trình giao tiếp thì cá nhân điều chỉnh , điều khiển hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực xã hội, quan hệ xã hội, phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực và từ đó phần nào tạo nên giá trị của bản thân.       Cùng với hoạt động giao tiếp con người tiếp thu nền văn hóa , xã hội , lịch sử biến những kinh nghiệm đó thành vốn sống. Kinh nghiệm của bản thân hình thành và phát triển trong đời sống tâm lí .Đồng thời góp phần vào đời sống xã hội .Nhiều nhà tâm lí học đã khẳng định: "Nếu không có sự giao tiếp giữa con người với con người thì một đứa trẻ không thể phát triển tâm lí nhân cách và ý thức tốt được" .Vì vậy cần trau dồi những kĩ năng giao tiếp để có thể giao tiếp được tốt hơn. . Nếu con người trong xã hội mà không có giao tiếp thì sẽ không có một xã hội tiến bộ , con người tiến bộ .Nếu cá nhân không giao tiếp với xã hội thì cá nhân đó sẽ không biết phải làm gì để cho phù hợp với những chuẩn mực xã hội, cá nhân đó sẽ rơi vào tình trạng cô đơn, cô lập về tinh thần và đời sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

         Trong  quá trình giao tiếp với mọi người , con người truyền đạt cho nhau những tư tưởng tình cảm, thấu hiểu và có điều kiện tiếp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại , biết cách cư xử như thế nào là phù hợp với chuẩn mực xã hội

2.Thông qua giao tiếp con người hình thành năng lực tự ý thức:

         Trong quá trình giao tiếp , con người nhận thức đánh giá bản thân mình trên cơ sở nhận thức đánh giá của người khác .Theo cách này họ có xu hướng tìm kiếm ở người khác để xem ý kiến của mình có đúng không, có thừa nhận không.Trên cơ sở đó họ có sự điều chỉnh , điều khiển hành vi của mình theo hướng tăng cường hoặc giảm bớt để phù hợp

        Thông qua giao tiếp thì cá nhân tự điều chỉnh , điều khiển hành vi theo mục đích tự giác , từ đó cá nhân mỗi người có khả năng tự giáo dục và tự hoàn thiện bản thân mình

       Cá nhân tự nhận thức về bản thân mình từ bên ngoài đến nội tâm, tâm hồn , những diễn biến tâm lí , giá trị tinh thần của bản thân , vị thế và các quan hệ xã hội

       Khi một cá nhân đã ý thức được thì khi ra xã hội họ thường nhìn nhận và so sánh mình với người khác xem họ hơn người ở điểm nào và yếu hơn họ ở điểm nào để từ đó nỗ lực và phấn đấu phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt yếu kém

II.Thực trạng văn hóa ngôn ngữ giao tiếp trong giới trẻ hiện nay:

     Tiếng Việt là ngôn ngữ  giàu và đẹp, phong phú và độc đáo được hình thành ,phát triển song song với quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa Việt Nam.Ngày nay, Tiếng Việt là công cụ hữu hiệu trong phát triển nền văn hóa Việt  Nam đậm đà bản sắc dân tộc .  Trong thời gian gần đây , nhiều nhà nghiên cứu quan tâm nhiều đến tình hình phát triển của Tiếng việt trong cơ chế thị trường thời mở cửa .trước sự phát triển năng động của cuộc sống, Tiếng Việt buộc phải mở rộng , phát triển vốn từ vựng bằng cách vay mượn hoặc tổ chức lại những yếu tố đã có để tạo ra từ mới .Trong thời gian gần 10 năm trở lại đây vốn từ vựng Tiếng Việt đã tăng lên đáng kể so với trước đó. Cùng với quá trình hội nhập thế giới , sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới .Những từ ngữ, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm , ngữ nghĩa mà trong Tiếng Việt còn thiếu vắng. vì thế từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ .Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh.Tuy nhiên bên cạnh những từ ngữ mới , tiến bộ thì cũng xuất hiện những cách nói, cách viết rất lạ , làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt,không ít những từ ngữ tối nghĩa , thô tục cũng xuất hiện. Việc sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn , ngôn ngữ tuổi teen , tiếng lóng đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống  kèm với nó là thái độ giao tiếp của học sinh hiện nay cũng xuống cấp nghiêm trọng đến mức báo động

       Hiện nay xảy ra vấn đề lệch chuẩn trong  giao tiếp của giới trẻ .Xu hướng lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Một thực trạng cho thấy ngày nay năng lực sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp trong học sinh rất kém , không những sử dụng không đúng chức năng ngôn ngữ mà lối giao tiếp còn bộc lộ sự thô lỗ thiếu lịch sự , tế nhị, thiếu hiếu biết,kém văn hóa ứng xử. Học sinh ngày nay lạm dụng quá nhiều tiếng lóng , tiếng bồi trong giao tiếp , một số sách báo,truyện tranh đan xen Tiếng Anh, Tiếng Việt sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn , giới trẻ thích nhưng rõ ràng chúng ta đã và đang làm nghèo đi Tiếng Việt của mình điều mà trước đây ít thấy . Không thể đổ lỗi cho quá trình hội nhập quốc tế hay sự phát triển công nghệ thông tin tạo cơ hội giao lưu mở rộng .Trước đây , khi nền văn hóa Phương Tây ồ ạt xâm nhập vào nước ta  thông qua các nhà truyền giáo , người Pháp hay người Mỹ có làm cho ngôn ngữ giao tiếp nước ta thay đổi nhưng theo chiều hướng tích cực , bổ sung vào hệ thống từ vựng và làm phong phú thêm Tiếng Việt dựa trên các nguyên tắc chuẩn mực .Còn ngày nay với việc sử dụng ngôn ngữ tùy tiện , cẩu thả , thiếu trách nhiệm của giới trẻ làm cho ngôn ngữ giao tiếp bị xáo trộn , tối nghĩa , dung tục.

       Hiện nay, việc sử dụng tiếng lóng trở thành trào lưu ở giới trẻ , khi sử dụng ngôn ngữ này , các em thường viết tắt hoặc dùng hệ thống kí hiệu , mã hóa để diễn đạt, thậm chí lợi dụng yếu tố đồng âm trong các từ chỉ địa danh hoặc tên riêng để diễn đạt một ý nào đó .Nhiều em còn chế lại tục ngữ, ca dao nhằm mục đích gây cười hoặc chế giễu các bạn .Với sự bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, các em thường xuyên giao tiếp qua mạng xã hội , khi đó các em sử dụng một loại ngôn ngữ được gọi là ngôn ngữ chát, ngôn ngữ tuổi teen ngôn ngữ @ và xã hội mặc nhiên thừa nhận nó như một thứ biệt ngữ dành riêng cho lứa tuổi học trò .Nhiều em có hiện tượng "Sính chữ" khi sử dụng tiếng nước ngoài đan xen với Tiếng Việt .Việc sử dụng ngoại ngữ giao tiếp là tốt nhưng khi sử dụng không đúng cách khiến nó trở nên lố bịch và làm cho người nghe khó chịu, sự lẫn lộn nữa tây, nữa ta , pha tạp lộn xộn khiến cho Tiếng Việt mất đi bản sắc riêng của nó.

      Có thể đưa ra một vài minh chứng rõ ràng về hiện tượng này . thay vì nói đồng ý họ lại dùng "ok" , tình yêu thành "tềnh iu" biến đơn vị ngàn trong tiền tệ thành "K", thay vì nói " Điều ấy có nghĩa lí gì" thì lại nói : " Điều ấy có nghĩa địa gì" Chê bai ai thì gọi là " cùi bắp" , "cục gạch" ,"sến" , lại còn lối bắt chước thành ngữ tạo nên những cụm từ vô nghĩa như  : " chán như con gián" , " ghét như bọ chét" , "nhỏ như con thỏ" hay lối chơi chữ dung tục, khiếm nhã  như " tốc độ bàn thờ" ,  " tranh cúp quan tài" ,"óc chó"

III.Hậu quả của việc sử dụng ngôn ngữ tùy tiện trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay:

     Ngày nay, chúng ta không thể thống kê hết sự khủng hoảng của Tiếng Việt trong giới học sinh-sinh viên ở mọi cấp độ , mọi nơi,mọi lúc. Bước vào khu học tập , bên cầu thang, ngoài hành lang , trong lớp , tường rào, nhà vệ sinh đều ghi những câu , chữ thô tục, khiếm nhã, không chỉ thiếu văn hóa mà còn gây mất mỹ quan lớp học. Rồi một bộ phận học sinh còn thiếu ý thức ngay trong cả lời ăn tiếng nói gây phản cảm đối với người nghe. Đến căn tin , hàng quán hay các phòng học, đâu đâu cũng nghe nói những câu chửi thề, nói tục, nói bậy. Một số học sinh còn vô lễ với thầy cô giáo .Hiện tượng nói năng, phát ngôn bừa bãi của học sinh đã trở thành "bệnh" khó chữa . có thể nói những cách nói năng này đang làm cho Tiếng Việt của chúng ta méo mó hơn bao giờ hết

       Nhiều kiểu nói và viết tùy tiện lâu dần làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt và gây ảnh hưởng  nguy hại đối với văn hóa ứng xử của con người .Có thể nói trong những năm gần đây nhiều từ ngữ tốt đẹp không còn được sử dụng nữa , thay vào đó là những lớp từ mới có kết cấu ngữ pháp lỏng lẻo , ý nghĩa thiếu rõ ràng trong sáng , sử dụng cẩu thả, tùy tiện , từ đó hàm nghĩa cũng không mấy tích cực , xu hướng quái dị , kì quặc trong sử dụng ngôn ngữ đã đi ngược lại với đạo lí truyền thống , thuần phong mỹ tục của dân tộc thể hiện sự sa sút về nhân cách

      Tiếng Việt đang bị nhiễm bẩn bởi nói tục, chửi bậy. Hiện tượng nói tục đang bị lạm dụng đến mức báo động .Việc sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực trong giao tiếp làm nảy sinh bạo lực trong xã hội, bạo lực học đường .Theo thống kê của các cơ quan chức năng , hơn 60% số vụ đánh nhau hiện nay có liên quan đến lời nói

 Chỉ vì lời nói mà nảy sinh mâu thuẫn , dẫn đến nhiều cuộc xung đột quyết liệt để lại hậu quả đáng tiếc , nhiều bài học đau lòng, người thì ra đi mâĩ mãi, kẻ chôn vùi tuổi xuân nơi trại giam với nỗi ân hận muộn màng

III.Một số nguyên tắc cơ bản khi sử dụng ngôn ngữ giao tiếp:

   -Chủ động trong việc chào hỏi, sử dụng ngôn từ có chọn lọc, tôn trọng người nghe, lịch sự nhã nhặn , luôn gọi tên người đối diện, dùng từ xưng hô phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp như : ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè ...ánh mắt trìu mến trong quá trình trò chuyện

     -Kiên trì lắng nghe, tươi cười thân thiện, vui vẻ nhưng chừng mực , biết quản lí cảm xúc của cá nhân

     -Chú ý ngoại hình đúng lúc, đúng chỗ , am hiểu các ngôn ngữ không lời , nắm bắt được mong đợi của người khác , thể hiện sự linh hoạt trong các tình huống giao tiếp

    -Luôn ý tứ trong các các vấn đề cá nhân riêng tư, lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ

    -Trong tình huống giao tiếp có tính chất căng thẳng thì chúng ta phải biết kiềm chế , quản lí cảm xúc của mình.Một người biết kiểm soát cảm xúc thì sẽ góp phần làm giảm căng thẳng , giúp giao tiếp và thương lượng hiệu quả hơn , giải quyết mâu thuẫn một cách hài hòa và mang tính xây dựng hơn , giúp ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn

    -Thường xuyên rèn luyện cách sử dụng ngôn từ .

Thay vì nói : "đừng càu nhàu , la mắng nữa!"  thì hãy nói : hãy nói chuyện với mình một cách nhẹ nhàng đi nhen'" hoặc "bạn giận mình à, cho mình xin lỗi nhé"

    -Sử dụng thêm các từ cảm thán dùng để đệm như : ạ, nhen, nha, nhé, à, ư, hỉ , nhỉ , nhé sẽ làm cho câu nói mềm mại , tăng giá trị biểu đạt và thể hiện tình cảm chân thành của người nói

IV. Các cách sử dụng ngôn từ hiệu quả:

     -Lắng nghe cẩn thận từng câu chữ mà ông bà, cha mẹ, thầy cô,bạn bè dùng là cách cơ bản giúp các em tự luyện kĩ năng giao tiếp bằng cách sử dụng ngôn từ .Thông qua việc lắng nghe các em  có thể rút ra một số kĩ năng cũng như học hỏi thêm cách dùng từ hay để bổ sung vào cẩm nang từ vựng cho riêng mình và có thể dùng nó bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào các em muốn

    -Trong suốt thời gian giao tiếp thay vì bỏ qua những câu , từ , các em không hiểu rõ ,vậy thì tại sao các em không thử đoán nghĩa của nó dựa vào ngữ cảnh mà người giao tiếp với mình đang đề cập . Nếu các em sợ suy đoán của mình là sai thì có thể hỏi lại bằng những câu như :" có phải ý của cô, bác, anh , chị...là ..."

    -Luyện kĩ năng giao tiếp bằng cách tra cứu các từ lạ . Cần học nghĩa của từ trong từ điển , dùng sổ tay để ghi chép nghĩa của các từ mới để làm phong phú thêm vốn từ

   -Luyện kĩ năng giao tiếp bằng cách dành nhiều thời gian để đọc sách, báo , tạp chí

   -Đọc nhiều sẽ tích lũy được nhiều vốn từ phong phú đó chính là lợi thế giúp em bình luận , bàn bạc giao tiếp với người khác

   -Luôn luôn tăng cường , củng cố vốn từ

   -Luyện kĩ năng giao tiếp bằng cách vận dụng từ mới mỗi ngày .Hãy tập vận dụng các từ mới xen kẻ với các từ cũ trong các cuộc đối thoại hàng ngày

V.Trách nhiệm của chúng ta trong việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt:

        Mỗi cá nhân nói và viết cần có ý thức tôn trọng và yêu quý Tiếng Việt

-Có thói quen cẩn trọng cân nhắc , lựa lời khi sử dụng Tiếng Việt để giao tiếp sao cho lời nói phù hợp với đối tượng giao tiếp để đạt hiệu quả cao nhất

-Rèn luyện năng lực nói năng và viết theo đúng chuẩn mực

-Loại bỏ những lời nói thô tục , kệch cỡm , pha tạp, lai căng

-Phải biết cám ơn khi được giúp,  xin lỗi khi nói sai, khi làm phiền người khác

-Phải giao tiếp đúng vai xã hội, đúng tâm lí, tuổi tác , đúng chỗ

-Biết điều tiết âm thanh khi giao tiếp

-Biết cách tiếp nhận từ ngữ nước ngoài phù hợp

-Biết làm cho Tiếng Việt phát triển

VI.Kết luận:

   Mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn sự trong sáng cho Tiếng Việt của mình như nhà thơ Lưu Quang Vũ  Viết

                               "Ôi ,Tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

                                Quên nỗi mình, quên áo mặc cơm ăn

                                Trời xanh quá, môi tôi hồi hộp quá

                                Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình

   Ông cha ta đã nói "nét chữ, nết người", "Lời nói, gói vàng". Viết đúng , nói hay, chọn lời hay , ý đẹp để giao tiếp là biết giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt , là thể hiện ý thức của công dân đối với tiếng nói và chữ viết của dân tộc .Đồng thời thể hiện lòng tự tôn dân tộc đối với Tiếng Việt – một ngôn ngữ phong phú về từ vựng, đẹp về ngữ nghĩa , có khi cùng một nội dung , một vấn đề ta có thể dùng nhiều cách viết , dùng nhiều từ khác nhau nhưng vẫn diễn đạt được nội dung mà mình cần hướng tới . chúng ta cần gìn giữ và bổ sung những vốn từ trong sáng làm đẹp thêm cho tiếng nói , chữ viết của dân tộc mình

   Luôn rèn luyện ngôn ngữ giao tiếp , vận dụng đúng đắn các phương tiện giao tiếp để bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt , đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh , khi nhân cách chưa định hình thì cần phải rèn luyện bản thân theo những chuẩn mực tốt đẹp , trách lệch lạc nhân cách dẫn đến các hành vi sai trái .Như vậy vấn đề văn hóa ngôn ngữ và giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho thế hệ trẻ nhất là học sinh trở thành vấn đề cấp bách , cần có sự chung tay của các ban ngành, các lực lượng xã hội và của người lớn trong gia đình .Trong đó bản thân học sinh chúng ta đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần gìn giữ sự trong sáng của Tiếng Việt , trên cơ sở "Kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị tốt đẹp phù hợp với tinh thần thời đại"

Tham dự buổi giao lưu có lãnh đạo nhà trường, quý thầy cô giáo cùng các em học sinh khối 6. khổi 9.

[Ảnh quang cảnh buổi giao lưu.]

[Ảnh Cô Trần Thị Hiền Diệu – Giáo viên tổ Văn- Sử- GDCD – báo cáo chuyên đề]

Thông qua buổi giao lưu, nhà trường trang bị cho các em một số kĩ năng giao tiếp trong cuộc sống thường ngày, kĩ năng vận dụng ngôn ngữ đúng đối tượng, hoàn cảnh, nội dung giao tiếp nhằm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Video liên quan

Chủ Đề