Lễ hội gắn với phát triển du lịch như thế nào

Bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục... gần đây du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng... để tạo sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ. Phần lớn hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương - nơi lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa và cũng là dấu ấn bản sắc văn hóa tại quốc gia đó. Bởi lẽ, mỗi khu vực trên thế giới có đặc điểm văn hóa khác nhau. Ví dụ, gốc văn hóa phương Đông là nông nghiệp ưa tĩnh, ứng xử với tự nhiên hài hòa, đề cao lối sống cộng đồng, trọng tình nghĩa, ngược lại, gốc văn hóa phương Tây là du mục ưa động, thích chinh phục tự nhiên, đề cao vai trò cá nhân.

Mỗi quốc gia, dân tộc hình thành trên khu vực đó vừa mang đặc điểm văn hóa bao trùm của khu vực nhưng lại có những bản sắc riêng theo quá trình hình thành, sinh sôi, nảy nở. Ở những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nền tảng phát triển phần lớn không dựa vào những đầu tư lớn để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền, mà thường dựa vào nguồn du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc dân tộc. Những nguồn lợi này không tạo ra giá trị lớn cho ngành du lịch, nhưng lại đóng góp đáng kể cho sự phát triển của cộng đồng xã hội. Những quốc gia phát triển mạnh du lịch văn hóa là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, và một số nước thuộc khu vực Nam Mỹ... Và đây cũng là một trong những cơ hội tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ của các tỉnh ở quốc gia Việt Nam và đặc biệt tỉnh Lạng Sơn một địa phương giàu bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán và lễ hội.

1. Phong tục tập quán.

Phong tục, tập quán được xem là lĩnh vực rộng lớn nhất của văn hóa. Ở đâu có con người ở đó có phong tục, tập quán. Phong tục, tập quán tạo nét khác biệt, độc đáo trong các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau, của các di sản văn hóa, các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa và của các sản phẩm du lịch văn hóa của các quốc gia khác nhau. Có rất nhiều quan niệm khác nhau về phong tục, tập quán. Chúng ta có thể lựa chọn cho mình những quan niệm phù hợp để nhận thức đối tượng. Theo từ điển tiếng việt giải thích rằng “Phong tục là thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo”; “Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, được mọi người công nhận và làm theo.” Theo giáo sư Nguyễn Phạm Hùng trong cuốn Văn hóa du lịch đã đề cập rằng: “Phong tục tập quán là những thói quen văn hóa có tính dân tộc và tính lịch sử được hình thành trong đời sống của con người, trở thành những chuẩn mực văn hóa được mọi người thừa nhận và tuân theo. Những chuẩn mực văn hóa đó có thể là những quy phạm xã hội mang tính bắt buộc, hay cũng có thể là những quy ước văn hóa mang tính tự nguyện đối với các thành viên trong một cộng đồng xã hội. Đó là những ứng xử văn hóa của con người đối với tự nhiên, đối với xã hội và đối với chính bản thân mình đã trở thành quen thuộc có tính chuẩn mực được lưu truyền lâu dài trong một cộng đồng xã hội.”

Phong tục, tập quán luôn mang tính lịch sử, tính dân tộc, tính vùng miền và tính giai cấp. Thời đại nào thì phong tục, tập quán ấy. Không có phong tục, tập quán chung cho mọi thời đại. Đây là thước đo văn hóa mang tính lịch sử. Chuẩn mực văn hóa được thể hiện rõ trong phong tục, tập quán được thấy trên tất cả các mặt của đời sống con người. Chỉ xét riêng văn hóa ăn, mặc, ở... con người trong các thời đại khác nhau là hoàn toàn khác nhau. Dân tộc nào thì phong tục, tập quán ấy. Đó là sự khác biệt giữa các văn hóa dân tộc, bởi mỗi dân tộc có điều kiện sống riêng, có đặc điểm chủng tộc riêng, nên thái độ ứng xử văn hóa rất khác nhau. Hay nói cách khác, điều kiện tự nhiên đã chi phối mạnh mẽ những thói quen văn hóa của con người, cho nên chúng ta thấy phong tục, tập quán của người miền xuôi khác với miền núi hay miền biển, người vùng nhiệt đới khác với người ở xứ ôn đới, hàn đới...

* Một số phong tục tập quán tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn

Lạng Sơn, với 7 dân tộc cùng sinh sống đan xen ( trong đó đồng bào Tày, Nùng và Dao là những cư dân chiếm số đông), trải qua hàng nghìn năm lịch sử, qua nhiều thế hệ, họ đã cùng vun đắp nên nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, trong đó phải kể đến các phong tục, tập quán như:

- Tập quán sinh đẻ và nuôi dạy con cái

- Tập quán đặt tên con, tập quán cấp sắc

- Tục lệ cưới xin; ma chay

- Tục mừng sinh nhật

- Tục lệ vào nhà mới

- Tục lệ kết bạn tồng; nhận họ, kết thân, nhận con nuôi

- Tục hát giao duyên

- Tập quán tổ chức bữa ăn, tổ chức gia đình, dòng họ

- Tập quán ứng xử trong dòng họ và ngoài xã hội…

- Tục lễ đón tết nguyên đán,Tết rằm tháng giêng, tết đắp nọi và  các tết trong năm

- Tục thờ cúng tổ tiên, thổ công, táo quân…

2. Lễ hội

Theo từ điển tiếng việt, lễ được hiểu là “nghi thức tiến hành nhằm đánh dấu và kỉ niệm một sự việc, sự kiện có ý nghĩa nào đó”; hội là “cuộc vui cho đông đảo người dự, theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt”. Từ các giải nghĩa này chúng ta có thể hiểu lễ hội là một hoạt động được tổ chức để thể hiện những nghi lễ nhằm tôn vinh thần linh, tôn giáo hay kỉ niệm những sự kiện chính trị văn hóa, xã hội có tính chất thiêng liêng của một cộng đồng xã hội, diễn ra trong một không gian và thời gian cụ thể. Cũng như các lĩnh vực văn hóa khác, lễ hội có tính dân tộc và tính lịch sử.

Lễ hội là một hoạt động văn hóa đặc sắc của tất cả các dân tộc. Nếu như phong tục, tập quán có diện hoạt động, phổ dụng rộng nhất trong đời sống con người, diễn ra trong mọi không gian và thời gian, thì lễ hội lại có diện hoạt động và phổ dụng được xem là hẹp nhất trong đời sống con người, nên nói tới lễ hội là nói tới điểm văn hóa, chứ không phải diện văn hóa như phong tục, tập quán. Nó chỉ diễn ra trong những không gian và thời gian nhất định, có tính chu kì, lập lại. Lễ hội là sự tích tụ cô đọng nhất văn hóa của một dân tộc, một vùng miền. Xét trên một phương diện nhất định lễ hội là những hoạt động cộng đồng đông đảo có tính tôn giáo, tín ngưỡng, thiêng liêng, trang trọng, được diễn ra trong những không gian và thời gian cố định, mang tính lịch sử và tính dân tộc rõ rệt.

Lễ hội và các di tích lịch sử văn hóa là 2 loại di sản văn hóa luôn luôn tồn tại trong sự gắn bó chặt chẽ, hòa hợp với nhau. Có di tích lịch sử - văn hóa thì thường có lễ hội cổ truyền, và lễ hội cổ truyền thường gắn với những di tích lịch sử - văn hóa cụ thể. Thậm chí, sự gắn bó đó thể hiện ra ở ngay tên gọi của lễ hội, khi lễ hội được mang tên của chính di tích lịch sử văn hóa nơi đó diễn ra, như lễ hội Tam Thanh, lễ hội đền Bắc Lệ, lễ hội Ná Nhèm... Phần lớn các lễ hội của các dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn cũng như người Việt được diễn ra tại những địa điểm có di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên có một số lễ hội không gắn với di tích lịch sử văn hóa như lễ hội Lồng thồng, hội Báo slao, hội hát giao duyên... điều này lí giải vì sao, du lịch văn hóa ở Việt Nam và lạng Sơn phổ biến nhất và luôn song hành với nhau là hai hình thức du lịch lễ hội và thăm quan di tích và danh thắng.

* Một số lễ hội tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn

Theo thông kê của ngành VH,TT&DL, trên địa bàn toản tỉnh Lạng sơn có trên 300 lễ hội lớn nhỏ, thuộc các loại hình lễ hội lịch sử, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian. Tuy nhiên, dưới góc độ du lịch cần thiết phải nghiên cứu chọn lọc một số hình thức lễ hội có giá trị phục vụ du lịch sau:

- Lễ hội Đền Tả Phủ- Kỳ Cùng, diễn ra từ 22- 27 tháng Giêng  tại phố Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn. Đặc điểm, ý nghĩa: Thờ Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài, người khai mở phố và chợ Kỳ Lừa vào thế kỷ 17. Có trò thi cướp đầu pháo; nghi lễ rước kiệu, các trò chơi dân gian…

- Lễ hội Chùa Tiên, thời điểm diễn ra là 18 tháng Giêng tại thành phố Lạng Sơn. Đặc điểm, ý nghĩa: Cúng Thần Nông cầu mưa thuận gió hòa, hạnh phúc. Có các trò chơi dân gian như cờ người, múa lân…

- Lễ hội Chùa Tam Thanh, thời điểm diễn ra là 15 tháng Giêng tại thành phố Lạng Sơn. Đặc điểm, ý nghĩa: cầu trời phật ban phước lành được sống bình an, làm ăn được tài được lộc.

- Hội Đền Mẫu Đồng Đăng diễn ra mùng 10 tháng Giêng, trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng huyện Cao Lộc. Là lễ hội cầu tư, Cầu quan, cầu buôn bán phát tài ....sau phần lễ có các hoạt động văn hóa cổ truyền như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao.

- Lễ hội Lồng Tồng, diễn ra trong tháng Giêng, tại các huyện trong tỉnh. Đặc điểm, ý nghĩa: Hội xuống đồng của các dân tộc miền núi phía Bắc để cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no…Tại lễ hội có các trò chơi dân gian và các món ăn làng quê.

Ngoài những lễ hội nổi tiếng đã nêu ở trên thì Xứ Lạng còn vô vàn các loại hình lễ hội như: Đền Bắc Lệ (Hữu Lũng) thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Nga (Cao Lộc), chùa Tân Thanh (Văn Lãng), lễ hội Nàng Hai và lễ hội Lồng thồng Bủng Kham (Tràng Định), lễ hội Phài lừa Văn Mịch (Bình Gia), lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn), lễ hội Trò Ngô (Hữu Lũng)..... Mỗi lễ hội đều có những nét đặc sắc riêng vốn có của từng lễ hội. Ngoài những lễ hội truyền thống đã nêu ở trên, những năm gần đây các cấp chính quyền và ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn tổ chức những lễ hội lịch sử, cách mạng kháng chiến và du lịch như: Lễ hội chiến thắng lịch sử Chi Lăng ( 10/10), lễ hội kỷ niệm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn ( 27/9), và đặc biệt là lễ hội du lịch Mẫu Sơn ( Lộc Bình) nơi có giá trị tài nguyên du lịch văn hóa " Bồng lai thiên cảnh" ít nơi nào có được trên giải đất chứ “ S” Việt nam.

Cũng giống như các lĩnh vực văn hóa khác, chúng ta thấy phong tục, tập quán và lễ hội có vai trò lớn trong phát triển du lịch. Những vai trò đó không chỉ thể hiện một cách trực tiếp mà nhiều khi là gián tiếp vào quá trình phát triển đó, thông qua sự tham gia, có mặt của nó trong những lĩnh vực du lịch như:

Phong tục tập quán và lễ hội góp phần phát triển thị trường du lịch. Nói đến thị trường du lịch là nói đến thị trường nguồn khách, nói đến nhu cầu của khách du lịch. Phong tục, tập quán và lễ hội góp phần phát triển thị trường du lịch, có nghĩa là góp phần kích cầu du lịch và phát triển nguồn khách đến du lịch tại địa phương.

Phong tục, tập quán và lễ hội có khả năng hấp dẫn khách du lịch, bởi nó thể hiện sắc thái riêng biệt của từng dân tộc. Những giá trị của phong tục tập quán góp phần tạo nên những đặc trưng cho sự phát triển du lịch ở một điểm, một vùng, tạo nên sức hút cho du khách.

Đối với du khách,“ là người từ nơi khác đến” nên phong tục, tập quán là các tập tục lạ về cư trú, về tổ chức xã hội, về thói quen ăn uống, sinh hoạt, về kiến trúc, các nét truyền thống trong trang phục dân tộc, phương tiện đi lại, sinh hoạt cộng đồng như cưới xin, tang ma, lễ hội....

Vậy những đối tượng khách nào thì có nhu cầu du lịch phong tục tập quán và lễ hội ở Lạng Sơn ?

Căn cứ vào thực tế phát triển thị trường du lịch của lạng Sơn, xu thế phát triển thị trường khách du lịch Việt Nam và khu vực thì những người ở những vùng đất có văn hóa khác nhau thì họ có xu hướng muốn tìm hiểu, khám phá về văn hóa, phong tục của các vùng miền, đất nước khác họ, theo đó thì sẽ có 02 nguồn khách tiềm năng có khả năng bị hấp dẫn bởi loại hình du lịch này:

Thứ nhất là khách ngoại quốc, đầu tiên phải kể đến là nguồn khách Trung Quốc, đây là nguồn khách truyền thống đến Lạng Sơn bằng đường bộ trực tiếp qua các cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, Hữu Nghị, Chi Ma .v.v…Hàng năm họ sang giao thương, buôn bán, kết hợp du lịch lễ hội, du lịch văn hóa tâm linh... kế tiếp là khách du lịch Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc....họ đến Lạng Sơn theo dòng khách từ các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Quảng Ninh. Họ thuộc đối tượng khách thích tìm hiểu văn hóa lịch sử, thích khám phá các khu vực còn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn các giá trị văn hoá, tự nhiên. Đây là thế mạnh mà du lịch Lạng Sơn cần quan tâm.

Thứ hai là khách nội địa (nguồn khách trong nước): khách nội địa đến Lạng Sơn có thể rất đa dạng thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Đối với loại hình lễ hội thì đối tượng chính có thể là những người lớn tuổi, những người buôn bán kinh doanh đến từ khắp nơi trên cả nước, nhưng nguồn chính vẫn là các nguồn đến từ các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng núi phía Bắc, các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...và từ trong tỉnh. Đối với loại hình phong tục tập quán thì đối tượng có thể là những người khác vùng miền, khác về văn hóa như vùng Đông nam bộ, Tây nam bộ, hay nói cách khác là những du khách thuộc các tỉnh phía Nam nước ta; và phong tục tập quán của Lạng Sơn cũng là loại hình hấp dẫn đối với các du khách là nhà nghiên cứu, nhà khoa học, những người ham hiểu biết...đến từ khắp nơi trong cả nước.

Phong tục tập quán và lễ hội góp phần phát triển các tài nguyên du lịch. Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên và văn hóa lịch sử cùng các thành phần của chúng góp phần khôi phục và phát triển thể lực và trí lực của con người, khả năng lao động và sức khỏe của họ, những tài nguyên này được sử dụng cho nhu cầu trực tiếp và gián tiếp, cho việc sản xuất dịch vụ du lịch.

Theo Luật du lịch Việt Nam năm 2005 thì tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Tài nguyên du lịch tự nhiên: Các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch. Tài nguyên du lịch nhân văn gồm: Truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.

 Theo đó, phong tục tập quán và lễ hội được xác định là một trong những tài nguyên du lịch nhân văn, góp phần phát triển, làm phong phú tài nguyên du lịch. Chính sự phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch đã tạo nên sự phong phú và đa dạng của sản phẩm du lịch. Mà một địa phương, có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, độc đáo, hấp dẫn thì sẽ thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm…

Thực tế cho thấy, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng trong việc tìm kiếm, nghiên cứu và khai thác các nguồn tài nguyên du lịch. Cụ thể như, đã khai thác tài nguyên sinh thái (như Hang gió; Núi Mẫu Sơn; khu bảo tồn tự nhiên Mỏ Rẹ (huyện Bắc Sơn), Hữu Liên (huyện Hữu lũng), suối Đăng Mò, Mỏ mắm, hoa tam giác mạch……) ; khai thác các tài nguyên về danh lam lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa như động Tam Thanh, Nhị Thanh, khu di tích thành nhà Mạc, Núi Phai vệ, Ải Chi Lăng; một số lễ hội lớn như Lễ hội đền Tả phủ- Kỳ cùng; Ná nhèm, Chùa Bắc Nga; khai thác làng văn hóa Quỳnh Sơn, Bắc Sơn…..Tuy nhiên, để tạo ra sự phong phú, đa dạng, độc đáo về các sản phẩm du lịch, qua đó hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Lang Sơn thì các nhà Du lịch cần quan tâm, khai thác rộng hơn về các tài nguyên nhân văn, trong đó kho tàng văn hóa phong tục tập quán và nhiều loại hình lễ hội của anh em các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Phong tục tập quán, lễ hội góp phần phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm có những đặc tính độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo. Thông thường sản phẩm du lịch đặc thù được xây dựng dựa trên sự khác biệt về tài nguyên du lịch (tính duy nhất/đặc sắc/nổi trội của tài nguyên hoặc quy mô, giá trị tài nguyên đối với những tài nguyên cùng loại).

Theo các nhà du lịch nhận định, ở địa phương nào tài nguyên du lịch càng phong phú, độc đáo, có giá trị thì ở địa phương đó sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách. Như vậy có thể nói, phong tục, tập quán và lễ hội là một trong những nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, nó được coi là “ hồn cốt” của một dân tộc hoặc của một địa phương. Việc khai thác các phong tục tập quán và lễ hội, kết hợp với các tài nguyên du lịch khác sẽ giúp địa phương có những sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách du lịch.

Lạng Sơn, với 7 dân tộc cùng sinh sống, tự bao đời đã hun đắp nên một kho tàng phong tục, tập quán tốt đẹp, những lễ hội truyền thống vô cùng đặc sắc. Thế nhưng hiện nay tỉnh chưa khai thác nhiều, một số sản phẩm du lịch của tỉnh Lạng Sơn đôi khi vẫn mang dáng dấp chung của văn hóa các tỉnh miền núi, vùng Việt Bắc.  Chính vì vậy, để du lịch Lạng Sơn ngày một phát triển hơn nữa trong tương lai, ngành du lịch cần dựa vào các yếu tố văn hóa, dựa vào các phong tục tập quán để xây dựng những sản phẩn phẩm du lịch đặc thù riêng có của tỉnh nhà. Cần nghiên cứu tính riêng trong văn hóa dân gian Lạng Sơn (trong đó có các phong tục tập quán) cùng với tài nguyên du lịch khác để “chưng cất” thành các sản phẩm du lịch đặc thù,hấp dẫn. Đó là những sản phẩm du lịch đặc trưng cho Lạng Sơn mà không địa phương nào có được. Sản phẩm du lịch đặc thù này được thổi hồn của văn hóa dân gian sẽ có sức hấp dẫn riêng, có khả năng thúc đẩy toàn bộ sự phát triển du lịch của Lạng Sơn, mang thương hiệu Lạng Sơn. Tính đặc thù, tính chất hấp dẫn sẽ tạo ra khả năng có nguồn thu lớn, tạo khâu đột phá trong phát triển du lịch của địa phương.

Phong tục tập quán và lễ hội, với vai trò là một sản phẩm du lịch, nó sẽ là nền tảng để mở rộng các dịch vụ du lịch, tăng nguồn thu cho địa phương: Khi khách du lịch đến thưởng ngoạn, trải nghiệm các phong tục, tập quán, cũng như tham dự các lễ hội sẽ kéo theo các nhu cầu thiết yếu như đi lại, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm, giải trí…vì vậy đây là nền tảng để phát triển ngành dịch vụ: dịch vụ tour, dịch vụ di chuyển, lưu trú, ẩm thực mua sắm…đặc biệt là sự phát triển mạnh của dịch vụ lưu trú và các loại dịch vụ nhu cầu của khách.

Các ngành dịch vụ phát triển sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng, đặc biệt là lực lượng lao động trong ngành du lịch cũng từng bước được đào tạo hướng đến sự chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại tỉnh nhà.

Phong tục tập quán và lễ hội là một trong những tài nguyên du lịch, mà tài nguyên du lịch lại là một trong những bộ phận quan trọng để hình thành nên các điểm du lịch, bên cạnh các yếu tố về khách du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đội ngũ cán bộ công nhân viên và tổ chức điều hành, quản lý du lịch....Theo định nghĩa của Luật Du lịch thì điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch. Chính vì vậy, căn cứ vào địa điểm phân bố tài nguyên du lịch hay địa điểm diễn ra các phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, các nhà du lịch có thể xây dựng các điểm du lịch, các cụm du lịch, các trung tâm du lịch và các tuyến du lịch. Từ các tuyến điểm này, trong qua trình khai thác sẽ  được lựa chọn sắp xếp thành các tuor du lịch tức là sản phẩm du lịch cụ thể cung cấp cho khách du lịch. Tổ chức lãnh thổ du lịch, xây dựng các điểm, tuyến hợp lý sẽ góp phần hiệu quả cao trong việc khai thác các tài nguyên du lịch nói riêng cũng như trong mọi hoạt động du lịch nói chung.

Đơn cử như tài nguyên Lễ hội, mỗi lễ hội gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tập quán, nghi lễ, văn hóa ứng xử, ẩm thực, tín ngưỡng… căn cứ vào tính đặc sắc của lễ hội và các yếu tố bổ trợ khác, ta có thể xây dựng các điểm du lịch lễ hội, như du lịch lễ hội ĐềnTả phủ- Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn, lễ hội Chùa Bắc Nga, Lộc Bình; lễ hội lồng tồng, Bình gia;lễ hội Phài lừa Văn Mịch ( Bình Gia ), lễ hội Ná Nhèm ( Bắc Sơn ), lễ hội Trò Ngô ( Hữu Lũng )... hoặc xây dựng các điểm du lịch phong tục tập quán như: Tục cưới xin của người Nùng ( Cao Lộc), tập quán canh tác của người Mông đen ( Tràng Định); nghi lễ cấp sắc của người Dao ( Mẫu Sơn)...

Căn cứ vào các điểm du lịch, khu du lịch, các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn liền với hệ thống giao thông và nhu cầu khách du lịch, ta có thể xây dựng thành các tuyến du lịch hợp lý, ví dụ như tuyến du lịch Thành phố Lạng Sơn - Hữu Liên - Bắc Sơn (Tuyến du lịch tổng hợp văn hóa và sinh thái, phục vụ khách tham quan, nghiên cứu) Thời gian dự kiến hành trình toàn tuyến : 2 - 3 ngày; tuyến Thành phố Lạng Sơn - Na Sầm - Thất Khê (theo quốc lộ 4) - Tuyến du lịch chuyên đề văn hóa lịch sử, phục vụ khách tham quan. Thời gian dự kiến hành trình toàn tuyến: 1 - 2 ngày......

Ngoài ra, tài nguyên về lễ hội, phong tục tập quán  cùng là một thành tố góp phần xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, khu vực nội địa, ( như tuyến Lạng Sơn - Hạ Long - Cát Bà - Hải Phòng, theo quốc lộ 4A. Tuyến Lạng Sơn - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng, theo các quốc lộ 1B, quốc lộ 3 và quốc lộ 4A. thậm chí là các tuyến du lịch quốc tế (như tuyến Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị - Quảng Tây (Trung Quốc)... Theo đường bộ hoặc đường sắt liên vận…

Hình ảnh điểm đến là chủ đề được quan tâm của rất nhiều học giả, đa phần các nghiên cứu đều cho rằng hình ảnh điểm đến là một hệ thống các niềm tin, ý tưởng và ấn tượng của du khách về một điểm đến hay là những điều khác biệt thu hút khách du lịch tại điểm đến. Như vậy, hình ảnh điểm đến được tạo thành bởi các yếu tố cảm xúc và nhận thức. Nó bao gồm: những giá trị cốt lõi của tài nguyên tự nhiên và nhân văn của điểm đến để chuyển tải tới du khách một cách thuyết phục qua các kênh thông tin hiệu quả. Hơn nữa, hình ảnh điểm đến cũng có thể được du khách đánh giá thông qua sự đa dạng, tiện ích của các trung tâm thương mại, dịch vụ tuyệt hảo, nơi có môi trường an ninh, an toàn tốt và sự thân thiện của cộng đồng địa phương. Theo các nhà nghiên cứu thì hình ảnh điểm đến được cấu thành bởi nhóm 5 yếu tố sau: Sức hấp dẫn về tài nguyên thiên nhiên; Bản sắc văn hóa đặc trưng; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng du lịch; Môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và những sản phẩm bổ sung.

Dựa vào 5 yếu tố trên, ta thấy phong tục tập quán và lễ hội nằm trong yếu tố thứ 2, đó là bản sắc văn hóa đặc trưng của một địa phương. Chính vì vậy, chúng ta có thể xây dựng hình ảnh du lịch của Lạng Sơn từ nguồn tài nguyên này, đó có thể là không khí náo nhiệt của nghi lễ rước kiệu trong lễ hội Đền Tả phủ- Kỳ Cùng; đó cũng có thể là thái độ chân thành, hiếu khách của các dân tộc Xứ Lạng; sự nề nếp gia phong của gia đình người Tày, Nùng; đó có thể là tục hát giao duyên độc đáo của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng….

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của phong tục, tập quán và lễ hội trong phát triển du lịch hiện nay cần chú trọng một số nội dung sau:

Tỉnh cần chỉ đạo sưu tầm, tập họp các phong tục, tập quán, lễ hội được xem là quan trọng, có giá trị đang tồn tại trong khắp các vùng, miền của tỉnh Lạng Sơn, trên cơ sở đó, chọn lọc để giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, có tính nhân văn cao, loại trừ những phong tục, tập quán có hại, đồng thời tác động để hình thành những phong tục, tập quán phù họp với đời sống, bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới.

Việc sưu tầm các phong tục, tập quán có thể được tiến hành ở nhiều quy mô và phạm vi khác nhau, có thể theo vùng, theo huyện hay những phạm vi nhỏ hơn. Việc tập hợp hóa phong tục, tập quán, lễ hội sẽ giúp cho các cơ quan quản lý du lịch xây dựng kế hoạch phát triển du lịch.

Đối với những phong tục, tập quán, lễ hội có giá trị truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc đã trở thành thuần phong mỹ tục, có tác động tích cực đối với cộng đồng xã hội cần được phát huy vai trò của chúng trong phát triển du lịch nhất là du lịch sinh thái.

Đồng thời, đối với những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời, đã trở thành hủ tục, thậm chí mang màu sắc mê tín dị đoan thì tích cực vận động tuyên truyền để nhân dân nhận thức được và tự giác loại bỏ. Trong những trường họp cần thiết, chính quyền các cấp phải cưỡng chế nhằm loại trừ chúng ra khỏi đòi sống cộng đồng, đồng thời tác động để hình thành những phong tục, tập quán mới.

Các ngành chức năng cần chú trọng đến việc xây dựng quy hoạch kế hoạch các lễ hội trọng điểm để từng bước đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Tích cực quảng bá các lễ hội tiêu biểu mang tính vùng lãnh thổ một cách rộng rãi trong và ngoài nước.

Tích cực liên kết các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh kể cả nước ngoài xây dựng tua tuyến, điểm du lịch nhất là du lịch lễ hội được diễn ra trong dịp mùa xuân hàng năm của tỉnh.

Xứ Lạng - Lạng Sơn là một địa phương mang dấu ấn rõ nét của nền văn hóa phương Đông nông nghiệp. Theo dòng chảy lịch sử, các yếu tố văn hóa kết tinh ở những giá trị vật thể như những công trình kiến trúc nghệ thuật chùa chiền, đền đài, miếu mạo, những di tích khảo cổ học,… và những giá trị phi vật thể như ngôn ngữ, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực, trang phục truyền thống, phong cách ứng xử, giao tiếp,… ngay lập tức đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Ở Lạng Sơn, sự tác động của du lịch đến văn hóa cũng mang cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Du lịch không những giúp mở rộng giá trị sản phẩm văn hóa mà còn giúp bảo tồn, duy trì lâu bền những giá trị văn hóa đang ngày càng bị mai một hoặc bị phá hủy bởi thời gian hay bởi sự lãng quên của người dân bản địa. Nếu không có du lịch, sản phẩm văn hóa chỉ đơn thuần có giá trị lịch sử, nghệ thuật hay khoa học không thể một năm đóng góp một giá trị kinh tế nhất định cho nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, du lịch khi thâm nhập vào cộng đồng lại dễ làm thương mại hóa những giá trị văn hóa bản địa thuần túy. Và trong khi bản sắc chưa được sử dụng sao cho thật hiệu quả để quảng bá, giao lưu văn hóa trong du lịch thì các hình thức pha tạp văn hóa lại lên ngôi. Chính vì vậy, sản phẩm quan trọng của du lịch là du lịch văn hóa.

Ths. Hoàng Thị Hà

Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh

Hội viên Hội di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn