Mất mỹ quan đô thị là gì

Tẩy xóa quảng cáo rao vặt, ra quân lập lại trật tự đô thị… là những hoạt động thường niên của các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị Tuy Hòa.

Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân không lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: HUY PHẠM

Để hè thoáng, sạch đẹp

Khác với những năm trước, từ năm 2022, việc ra quân lập lại trật tự đô thị của lực lượng chức năng TP Tuy Hòa còn gắn với đẩy mạnh quản lý, cấp phép sử dụng vỉa hè có thời hạn theo Quy định 02/2021/QĐ-UBND ngày 8/7/2021 của UBND TP Tuy Hòa. Theo ông Nguyễn Khoa Khang, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, đỗ xe khiến hình ảnh thành phố chưa được đẹp. Để chấn chỉnh, cùng với việc ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường khu vực trung tâm thành phố, lực lượng chức năng còn tiến hành kẻ vạch sơn vàng trên vỉa hè nhằm tạo hành lang dành cho người đi bộ, hình thành những tuyến đường văn minh kiểu mẫu. “Theo đó, bên trong vạch sơn, người dân có thể bày biện hàng hóa kinh doanh, đỗ xe, còn bên ngoài là hành lang dành cho người đi bộ. Sau gần một tháng triển khai, người dân thấy được sự thuận lợi nên đồng tình ủng hộ. Nhiều hộ tự giác dời các vật dụng lấn chiếm và có ý thức dựng xe đúng phần vạch theo quy định. Đường phố nhờ vậy thông thoáng hơn…”, ông Khang nhấn mạnh.

Hè đã bắt đầu thoáng, đường cũng thông nhưng đâu đó trên các trụ điện, tường rào, cây xanh… lại bị dán lên những tờ quảng cáo rao vặt hay đóng lên tấm biển PR dịch vụ… Điều này làm giảm đi không gian xanh sạch đẹp của một đô thị văn minh. Anh Lê Duy, Bí thư Thành đoàn Tuy Hòa, cho biết: Góp sức đảm bảo mỹ quan đô thị, lực lượng thanh niên đã tích cực ra quân tẩy xóa những tờ rơi quảng cáo dán trên trụ điện, cây xanh, tường công viên, sơn lại những mảng tường bị vẽ bẩn bởi những hình ảnh phản cảm… Đây là hoạt động được đơn vị tổ chức định kỳ vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Cùng với đó, Thành đoàn còn trồng thêm cây xanh thay thế những cây chết, ngã đổ công viên. Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của người dân, các đơn vị đóng trên địa bàn thành phố về việc giữ gìn mỹ quan đô thị.

Hiệu ứng tích cực

Cũng theo Bí thư Thành đoàn Tuy Hòa, nhiều người dân đã quen với hoạt động của đoàn thanh niên và nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều hộ mang nước, miếng cọ cùng tham gia tẩy rửa, tự tháo biển quảng cáo đã lỡ đóng lên cây trước nhà… “Nhìn những tuyến đường rợp bóng cây xanh, rộng rãi, sạch sẽ, ai cũng vui. Đó là cách để mỗi đoàn viên, mỗi người dân góp tình yêu của mình làm đẹp thành phố”, anh Lê Duy nói.

Phường 1, phường 2 gần như hoàn thành việc kẻ vạch sơn góp phần vào việc lập lại trật tự vỉa hè nơi đây. Theo UBND phường 1, trên tuyến đường cókẻvạch sơn, các hộ dân buôn bán, kinh doanh sắp xếp hàng hóa gọn gàng và chấp hành việc tháo dỡ các biển báo, quảng cáo, mái che lấn chiếm. Xe cộ cũng được dựng ngay ngắn đúng vạch quy định. Chủ trương này của thành phố đang thật sự góp phần thay đổi bộ mặt đô thị.

Chị Nguyễn Thị Hoài, một hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Tất Thành ởphường 2, cho biết: Trước đây, nhà nọ chen nhà kia, một hộ kinh doanh làm tới 2-3 cái biển quảng cáo, nào là biển trước cửa hàng, biển vẫy để sát lòng đường và biển gắn trên mái hiên, làm mất mỹ quan đô thị. Hiện nay, sau khi chấp hành chủ trương của thành phố, cửa hàng của gia đình tôi thoáng và rộng hơn.

Với du khách Nguyễn Thị Hồng Nga, đến từ Hà Nội, ấn tượng đầu tiên của bà sau 5 năm quay lại TP Tuy Hòa là sầm uất hơn nhưng vẫn xanh, sạch, đẹp. “5 năm trước, ở Tuy Hòa, đường rộng, hè thoáng do ít người, ít xe cộ. Nay tấp nập hơn nhưng đường vẫn rộng, hè vẫn thoáng. Tôi có thể tản bộ trên những con phố nhộn nhịp buôn bán mà không lo chen lấn. Tuy Hòa văn minh và thu hút tôi chính bởi điều này”, bà Nga bộc bạch.

Theo UBND thành phố, Tuy Hòa phấn đấu trở thành đô thị sạch nhất cả nước, thành điểm đến du lịch nghỉ dưỡng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, đảm bảo mỹ quan đô thị thành phố trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng không chỉ của chính quyền các cấp, các hội đoàn thể mà còn của từng người dân thành phố. Vì vậy, bên cạnh thực thi nghiêm các chế tài quy định, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Theo MINH DUYÊN/PYO

Chợ cóc họp ven đường gây mất mỹ quan đô thị, cản trở và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao cho các phương tiện trên đường cũng như người mua, người bán. Thế nhưng, tình trạng này càng nguy hiểm hơn khi có không ít vị trí chợ cóc được họp ngay trên quốc lộ, nơi có mật độ phương tiện cao và được chạy với vận tốc lớn. Tìm hiểu của phóng viên về vấn đề này trên Quốc lộ 1B, đoạn qua địa bàn thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ.

Trên Quốc lộ 1B, đoạn qua UBND xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, có chợ nhưng người dân không vào chợ mà bày bán thành chợ cóc, chợ tạm tự phát

Ngay trên Quốc lộ 1B, đoạn qua phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên, trước cổng siêu thị Aloha. Tại đây, người dân tập trung họp chợ ngay ven đường, những hàng hóa, thực phẩm ngang nhiên bày bán trên vỉa hè, người mua, kẻ bán đứng xuống cả dưới lòng đường. Vào những giờ tan tầm, đây là khu vực có mật độ phương tiện tham gia giao thông khá lớn, chính vì vậy, việc họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã khiến các phương tiện lưu thông qua đây rất khó khăn. Vẫn biết là tiềm ẩn về tai nạn giao thông bất cứ lúc nào, song người bán đều có lý do để biện minh cho việc họp chợ một cách tùy tiện của mình

Một người bán hàng tại đây phân bua: “Cô trồng ra mấy tháng giời mới được quả cà chua, mới được củ cà rốt. Mang ra chợ thành phố thì vào chợ thì không có chỗ. Ra ngoài vỉa hè thì vi phạm hành lang giao thông lại bị đội trật tự đô thị đến thu hàng. Bây giờ chỉ mong muốn bên này có chợ cho người dân buôn bán chứ ngồi đây thì rất nguy hiểm và vi phạm về trật tự an toàn giao thông”.

Cũng trên trục đường Quốc lộ 1B, cách khu vực họp chợ tại cổng siêu thị Aloha chưa đầy 1km, đoạn qua khu đô thị Danko, thuộc phường Chùa Hang, tình trạng người dân lấn chiếm hành lang giao thông bán hàng cũng sôi động không kém. Hàng hóa được bày tại đây chủ yếu là rau, hoa, quả. Nhiều người tiện đâu mua đấy, đây có thể nói như một hình thức tiếp tay cho việc chợ cóc, chợ tạm vẫn có “đất sống”. Điều nguy hiểm, đây là tuyến đường quốc lộ, cho phép phương tiện di chuyển với tốc độ cao. Do vậy, mỗi khi các trường hợp đi xe máy hay là ô tô bất ngờ dừng xe, đậu, đỗ ngay dưới lòng đường để vào mua các sản phẩm nông sản đều tạo ra tình huống bất ngờ, nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông là rất cao.

Một người bán hàng ở khu vực này cho biết: “Biết là nguy hiểm, nhưng vì mưu sinh vẫn phải ngồi đây bán. Vào chợ thì người ta mua chỗ hết rồi. Không ngồi được. Mong muốn có chợ để bán sản phẩm trồng ra”.

Quốc lộ 1B, đoạn qua phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên, trước cổng siêu thị Aloha hàng quán ngang nhiên bày bán

Cũng tương tự, trên Quốc lộ 1B, đoạn qua UBND xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, mặc dù tại đây chính quyền địa phương đã xây dựng một khu chợ quy mô, đầy đủ các gian hàng. Thế nhưng, thay vì vào chợ họp, người dân cố tình mang hàng hóa ra vỉa hè bày bán. Theo thống kê của phóng viên, trên tuyến đường Quốc lộ 1B qua địa bàn thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ, chỉ một đoạn đường chưa đến 5km, đã có 4 đến 5 điểm họp chợ tự phát trên vỉa hè.

Thời gian qua, lãnh đạo UBND thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ đã nhiều lần kiểm tra, xử lý khu vực chợ tự phát trên tuyến Quốc lộ 1B, nhưng vẫn không giải quyết được triệt để. Khi có lực lượng kiểm tra, những người buôn bán ở đây bỏ chạy, khi không có lực lượng chức năng, họ quay lại họp chợ. Điều này đã khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Ông Vi Tân Cảnh, Chủ tịch UBND phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên cho rằng: “Trước mắt, thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông và giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị, chúng tôi chỉ đạo đội trật tự đô thị và nòng cốt là lực lượng công an tiếp tục tuần tra, nhắc nhở và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm để đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị. Về lâu dài, theo tôi về lâu dài, để phân biệt hành lang cho người đi bộ và đường giao thông thì nên xây dựng hệ thống kỹ thuật đô thị để người dân xung quanh không có điều kiện để lấn chiếm để bán hàng. Tiếp nữa là gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức với các lực lượng như công an, bảo vệ tổ dân phố, tổ trưởng dân phố với các tổ chức đoàn thể và những cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn”.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên cho biết thêm: “Về giải pháp lâu dài, chúng tôi sẽ báo cáo thành phố cho thành lập mô hình tập thể dục, đảm bảo môi trường xung quanh sạch sẽ hơn. Thứ 2, cũng đề nghị thành phố cho cắm một biển cấm dừng, đỗ ở các khu vực vi phạm để chúng tôi giải quyết xử lý vi phạm thuận lợi hơn”.

Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND các phường, xã đề xuất: Để không còn tình trạng này diễn ra, bên cạnh việc ra quân giải tỏa và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì mỗi người mua và người bán cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tránh tình trạng mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Trong thời gian tới, các ngành chức năng cùng địa phương sẽ tăng cường kiểm soát để dẹp bớt tình trạng lấn chiếm lòng đường, sau đó sẽ đặt dải phân cách mềm ở giữa đường để hạn chế tình trạng buôn bán tràn ra lòng đường như hiện nay.

Không chỉ gây mất an toàn giao thông, các chợ cóc ven đường còn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và môi trường sống của người dân xung quanh. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp cần quyết liệt trong việc xử phạt nghiêm tình trạng này./.

Chủ Đề