Một số trò chơi trong dạy học THCS

I. LÍ DO CHỌN CHUYÊN ĐỀ

         Bác Hồ  đã nói:    “ Dân ta phải biết sử ta

                            Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

   Vì vậy, để học sinh học tốt được môn lịch sử thì mỗi thầy cô giáo không phải chỉ truyền đạt, giảng giải theo các tài liệu trong SGK, trong sách hướng dẫn, hay tài liệu chuẩn…một cách rập khuôn, máy móc làm cho học sinh học tập một cách thụ động. Nếu chỉ dạy như vậy thì việc dạy và học sẽ diễn ra một cách đơn điệu, tẻ nhạt và kết quả sẽ không cao.

   Yêu cầu hiện nay là phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Vì vậy, trong giờ học giáo viên phải gây hứng thú  học tâp cho học sinh bằng cách lôi cuốn các em vào các trò chơi.

   Trò chơi học tập khác với trò chơi rèn luyện sức khỏe và giải trí, trò chơi học tập nhằm hướng tới sự thông hiểu kiến thức gắn với các nội dung học tập cụ thể của môn học, bài học, lớp học và có những đặc điểm sau:

     - Nội dung trò chơi phải gắn với kiến thức, kĩ năng, thái độ của môn học hoặc một bài học cụ thể.

     - Mỗi trò chơi thường được diễn ra trong không gian và thời gian nhất định của một giờ học.

     - Mọi học sinh đều thu nhận được những nội dung học tập chứa đựng trong trò chơi phù hợp với trình độ và lứa tuổi.

     - Khi giáo viên đưa ra các trò chơi trong giờ học một cách thường xuyên, khoa học sẽ phát huy tính tích cực học tập của học sinh.

     Trong thực tế, qua quá trình giảng dạy tôi nhận thấy việc dạy học lịch sử nhiều học sinh chưa thực sự yêu thích bộ môn lịch sử, giờ học đối với các em là 45 phút tra tấn, nhàm chán, uể oải. Nhiều học sinh chỉ học đối phó tức thời, năng lực tiếp thu còn hạn chế, chưa nắm bắt được các sự kiện lịch sử và hoàn toàn không tái hiện được diễn biến sự kiện lịch sử theo yêu cầu của giáo viên, thậm chí lẫn lộn các sự kiện dẫn đến hiện tượng…

     Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những thực trạng này. Có thể do điều kiện trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn chưa đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy theo phương pháp mới,  hình thức tổ chức dạy học, những kĩ thuật dạy học còn chưa đổi mới……Ngoài ra, sự hạn chế về kĩ năng hợp tác, kĩ năng hoạt động, kĩ năng tổng hợp các sự kiện lịch sử để ghi nhớ có hệ thống nội dung bài học ở học sinh cũng là rào cản lớn cho quá trình đổi mới phương pháp ở đơn vị. Xuất phát từ những thực tế đó, ý tưởng “sử dụng một số trò chơi trong dạy học lịch sử 7 nhằm phát huy tính tích cực của học sinh để  tiết học thêm sinh động ”

II/ THỰC TRẠNG

   1/Thuận lợi:

   - Cơ sở vật chất thiết bị đáp ứng với chuyên đề.

   - Được sự quan tâm của BGH, tổ chuyên môn.

  2/ Khó khăn:

   - Phòng học được trang bị để dạy CNTT còn ít,  nếu áp dụng phải đổi lớp gây khó khăn cho HS và GV.

   -  Đa số HS chú trọng học môn tự nhiên hơn xã hội nên thái độ học tập còn lơ là học đối phó.

III. GIẢI PHÁP

      1/Đối với giáo viên:

   - Chuẩn bị tốt tài liệu, phương tiện, thiết bị dạy học.

   - Dự kiến nội dung, phương pháp, thời gian thích hợp để thực hiện trò chơi.

   - Soạn hệ thống câu hỏi hợp lí để có thể phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.     Người giáo viên tránh hỏi lan man, hỏi vụn vặt mà các câu hỏi phải được chắt lọc và sắp xếp có hệ thống phù hợp với đặc điểm đối tượng tiếp nhận. Các câu hỏi rất đa dạng nhưng đều nhằm khơi gợi hoạt động tự bộc lộ và đồng sáng tạo của học sinh.

   2/ Đối với học sinh: là chuẩn bị nội dung cần tìm hiểu nội dung bài và nội dung hướng dẫn của GV trong tiết trước. Tuy nhiên, việc chuẩn bị của học sinh sẽ không đạt được hiệu quả nếu như thiếu đi vai trò hướng dẫn của người thầy. Giáo viên cần lựa chọn nội dung, vấn đề trọng tâm và phù hợp với từng đối tượng học sinh để yêu cầu các em chuẩn bị. Việc chuẩn bị có thể thực hiện theo nhóm hay cá nhân tùy từng đơn vị kiến thức, việc chuẩn bị của học sinh sẽ quyết định sự thành bại của việc thực hiện các trò chơi trong cả quá trình dạy học.

  3/ Quy trình thực hiện các trò chơi

       3.1.Trò chơi ô chữ:

     Là sự thiết kế một hệ thống ô chữ lịch sử với các ô chữ hàng ngang và một ô chữ hàng dọc. Mỗi ô chữ hàng ngang là một đơn vị kiến thức trong bài học và sẽ có một chữ cái chìa khóa. Mỗi ô chữ hàng ngang có một câu hỏi để học sinh giải đáp. Sau khi giải hết các ô chữ hàng ngang với các chữ cái xuất hiện, học sinh sẽ tìm được ô chữ hàng dọc. Ô chữ hàng dọc sẽ là nội dung kiến thức cơ bản nhất của bài học.

   Thực hiện:

   Trò chơi ô chữ có thể thực hiện để củng cố kiến thức bài cũ khởi động đi vào bài mới hoặc củng cố kiến thức sau mỗi bài học hoặc phần học.

   Người dẫn chương trình của trò chơi có thể là giáo viên hoặc một học sinh của lớp. mỗi lớp được chia thành 2 đến 3 nhóm tùy thuộc vào dung lượng của trò chơi và thời gian tiết học. cụ thể gồm các bước sau đây:

   Bước 1: Người dẫn chương trình trình chiếu các ô chữ, thông qua luật chơi.

    Bước 2: Đại diện mỗi nhóm luân phiên chọn ô chữ, tìm hiểu gợi ý hoặc câu hỏi của từng ô chữ để tìm ra đáp án.

    Bước 3: Sau khi giải đáp các ô chữ, tìm ra ô chữ hàng dọc (ô chữ chìa khóa).

   Bước 4: Người dẫn chương trình thông qua  đáp án.

   Bước 5: Giáo viên nhận xét và tuyên dương nhóm làm tốt.

Ví dụ: Dạy bài: Phong trào Tây Sơn (Phần II Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn)

-Hàng ngang1: có 8 chữ cái: SÔNG TIỀN

-Hàng ngang 2: có 7chữ cái: QUY NHƠN

-Hàng ngang 3: có 7 chữ cái: PHÚ XUÂN

-Hàng ngang 4: có 9 chữ cái: NGUYỄN HUỆ

-Hàng ngang 5: có 10 chữ cái: NGUYỄN NHẠC

-Hàng ngang 6: có 6 chữ cái: MỸ THO

-Hàng ngang 7: có 7 chữ cái: THỚI SƠN

-Hàng ngang 8: có 4 chữ cái: XIÊM

-Hàng ngang 9: có 9 chữ cái: NGUYỄN ÁNH

-Hàng dọc :    THỦY CHIẾN

Bài 26 Quang Trung xây dựng đất nước

Ô CHỮ  : 7 HÀNG CHỮ

HÀNG 1: TÂY SƠN THƯỢNG ĐẠO

HÀNG 2 : GIA ĐỊNH

HÀNG 3: RẠCH GẦM XOÀI MÚT

HÀNG 4: QUANG TRUNG

HÀNG 5: NGỌC HỒI - ĐỐNG ĐA

HÀNG 6 : CHIẾU KHUYẾN NÔNG

HÀNG 7: VIỆN SÙNG CHÍNH

    3.2 Trò chơi “giải mã lịch sử”: hay mảnh ghép lịch sử

   Đây là trò chơi mà giáo viên chuẩn bị các dữ kiện lịch sử, các dữ kiện đó có liên quan đến một sự kiện hay một nhân vật lịch sử được coi là “mật mã”. Mỗi dữ kiện là một câu hỏi gợi ý để học sinh trả lời. Sau khi tìm được các dữ kiện, học sinh sẽ có căn cứ để xác định các dữ kiện đó có liên quan đến một sự kiện hay nhân vật lịch sử của “mật mã.”

Thực hiện:

   Trò chơi này sẽ tạo được hiệu quả khi áp dụng vào phần củng cố bài học hoặc các tiết ôn tập lịch sử. Đối tượng tham gia trò chơi có thể là một cá nhân học sinh hoặc nhóm học sinh. người dẫn chương trình có thể là giáo viên hoặc một đại diện học sinh của lớp.

   + Bước 1: Người dẫn chương trình có thể thực hiện thao tác trình chiếu hoặc dùng bảng phụ có hình một bông hoa, mỗi cánh hoa là một dữ liệu ( câu hỏi) để học sinh trả lời tìm ra đáp án; nhụy hoa là mật mã,

   + Bước 2: Sau đó học sinh thi đua nhau trả lời tất cả các câu hỏi ở từng cánh hoa.Giáo viên cho học sinh tìm mói liên hệ giữa các dữ kiện đó để giải mã ở nhụy hoa.

   + Bước 3: Giáo viên chiếu đáp án lên máy chiếu hoặc hoàn thành bảng phụ.Nhận xét và tuyên dương nhóm, học sinh tích cực trong trò chơi.

   Tùy theo mỗi giáo viên mà biểu tượng của trò chơi có thể không là bông hoa mà là một biểu tượng đặc biệt khác. Nhưng đòi hỏi biểu tượng phải mang tính thẩm mĩ, thu hút được sự chú ý của học sinh.

Ví dụ: Dạy bài” Quang Trung xây dựng đất nước

Phần khởi động cho học  sinh chơi trò chơi mảnh ghép LS có 7 mảnh ghép

Mật mã là tượng đài Quang Trung

HS sẽ lần lượt tìm các mảnh ghép HS nào đoán được mật mã trước là đạt kết quả yêu cầu.

       3/3 Trò chơi “ngôi sao may mắn”:

   Giáo viên soạn các câu hỏi có liên quan nội dung bài học hoặc nội dung quan trọng mà giáo viên cần nhấn mạnh cho học sinh chiếu trên màn chiếu hoặc bảng phụ đã được chuẩn bị với những ngôi sau lớn nhỏ, màu sắc khác nhau hoặc đánh số để học sinh dễ chọn. Mỗi ngôi sao sẽ tương ứng với một câu hỏi.Trong đó sẽ có một ngôi sao may mắn.

   Thực hiện

     Trò chơi này được sử dung ở phần kiểm tra bài cũ cũng vừa ôn tập lại kiến thức cho học sinh trong tiết làm bài tập lịch sử . Giáo viên chia lớp thành 2 đội và mỗi đội chọn người đại diện chơi.

     + Bước 1: Giáo viên chia nhóm, thông qua luật chơi.

     + Bước 2: Học sinh lần lượt chọn ngôi sao để trả lời câu hỏi,mỗi câu trả lời đúng sẽ được 10 điểm, trả lời sai không có điểm, chọn ngay ngôi sao may mắn không có câu hỏi vẫn được 10 điểm và được tiếp tục chọn ngôi sao khác trả lời.

     + Bước 3: Sau khi 2 đội lần lượt chọn hết các ngôi sao. Giáo viên tổng hợp lại số điểm và biểu dương đội chiến thắng, động viên đội thua cố gắng ở lần sau.

   Ví dụ: dạy bài: Làm bài tập lịch sử tuần 9:

*Giáo viên chuẩn bị 7 ngôi sao trong đó có 6 ngôi sao có câu hỏi và một ngôi sao may mắn.

*Giáo viên chia lơp thành 2 đội và mỗi đội cử người đại diện.

* Giáo viên chiếu trên màn chiếu hoặc bảng phụ đã được chuẩn bị với những ngôi sao đã được đánh số thứ tự .Mỗi ngôi sau sẽ tương ứng với một câu hỏi.Trong đó sẽ có một ngôi sao may mắn.

* Sau khi học sinh lần lược trả lời các câu hỏi của từng ngôi sao. Giáo viên tổng hợp biểu dương học sinh.

          3.4 Trò chơi “Thi ghi nhớ sự kiện”:

   Giáo viên chuẩn bị sẵn một sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử và phiếu học tập. Sau đó từ sự kiện hay nhân vật lịch sử đó học sinh tìm các sự kiện liên quan vào phiếu học tập.

   Thực hiện

   Trò chơi này có thể được áp dụng trong quá trình củng cố qua bài học, qua một phần ôn tập, làm bài tập lịch sử  hoặc có thể áp dụng ngay trong quá trình tìm hiểu một phần của bài mới.

   * Áp dụng đối với phần củng cố  và làm bài tập lịch sử

   +Bước 1: Giáo viên chia lớp thành 2 đội và mỗi đội chọn 3 học sinh để chơi còn lại là cổ động viên.

   + Bước 2: Giáo viên nêu ra một sự kiện lịch sử hoặc một nhân vật lịch sử.

   + Bước 3: Giáo viên cho học sinh ghi tất cả các sự kiện có liên quan đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử mà giáo đã cho trong khoảng thời gian nhất định.

   Bước 4: Tổng hợp lại, đội nào ghi được nhiều sự kiện liên quan đúng và nhiều nhất sẽ là đội chiến thắng.Giáo viên nhận xét chung và biểu dương.

Ví dụ 1: Dạy bài:Sự suy sụp của nhà Trần cuối thế kỉ XIV (phần II), sử dụng ở phần củng cố.

*Giáo viên chia lớp thành 2 đội và mỗi đội chọn 3 học sinh.

* Trong thời gian 2 phút, học sinh ghi vào giấy những sự kiện có liên quan đến Hồ Quý Ly.

* Giáo viên yêu cầu học lên dán kết quả của đội mình lên bảng.

* Giáo viên chiếu hoặc đọc kết quả cùng học sinh kiểm tra bài làm của 2 đội. Nhận xét kết thúc trò chơi.

     * Áp dụng đối với một phần của bài mới

   Áp dụng vào phần này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành viên của lớp để có thể ghi nhớ, tái hiện lại một sự kiện lịch sử mà các em đã tìm hiểu qua quá trình soạn bài ở nhà.

  + Bước 1: Giáo viên có thể chia lớp ra từ 3 đến 4 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm đều được phát một phiếu học tập như nhau.

   + Bước 2: Trong thời gian qui định các thành viên nhóm cùng hoạt động, bổ sung hoàn chỉnh các chi tiết của một sự kiện mà giáo viên nêu ra.

   + Bước 3: Sau thời gian qui định, học sinh sẽ dán kết quả của nhóm. So sánh kết quả, tìm ra nhóm thực hiện tốt nhất. Nhóm ghi đầy đủ, chính xác nhất sẽ là nhóm thắng cuộc.

IV BÀI HỌC KINH NGHIỆM

    Để chuyên đề  được thực hiện trong tiết dạy,  bản thân rút ra một số kinh nghiệm như sau:

 + Về cơ sở vật chất : phòng học phải được trang thiết bị để đáp úng dạy học theo CNTT

-+ Về giáo viên: Soạn hệ thống câu hỏi hợp lí để có thể phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, khâu hoạt động nối tiếp rất quan trọng vì GV có hướng dẫn tốt học sinh mới thực hiện đúng yêu cầu đề ra cho tiết học tiếp theo.

 + Về học sinh:  cần tìm hiểu nội dung bài và nội dung hướng dẫn của GV trong tiết trước.

IV/ KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ:

  1/ Kết luận:

“ Học mà chơi, chơi mà học” trong  thực hiện chuyên đề “sử dụng  một số trò chơi trong dạy học lịch sử 7 nhằm phát huy tính tích cực của học sinh để  tiết học thêm sinh động”. Điều này sẽ góp phần mang lại sự hứng thú cho học sinh trong học tập và kết quả học tập được tốt hơn. Từ đó giúp cho giáo viên có thêm những kinh nghiệm quý giá và những kĩ năng tổ chức giờ học mang tính hiệu quả hơn. Đồng thời chuyên đề cũng sẽ gợi ra những ý tưởng mới về việc áp dụng nhiều biện pháp mới lạ nhằm cải thiện hơn nữa phương pháp dạy học lịch sử góp phần thực hiện tốt lời dạy của Bác:                                                                                                “Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”

  2/ Kiến nghi:

          Nhà trường cần trang bị cơ sở vật chất phòng học tốt hơn, trang bị về máy chiếu, ti vi, màn chiếu.... trong mỗi phòng học hoặc trang bị phòng bộ môn để GV có thể áp dụng trong mỗi tiết dạy của mình dễ dàng hơn. Từ đó học sinh  sẽ có thái độ và suy nghĩ không còn xem các môn Lịch sử và Địa Lý là môn phụ.

            Trong quá trình viết và thực hiện chuyên đề với hy vọng chuyên đề sẽ mang đến nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, với góc độ thực tế, chuyên đề vẫn còn nhiều hạn chế về ý tưởng, cách thức tổ chức thực hiện. Rất mong nhận được sự đóng góp của đồng nghiệp để chuyên đề được hoàn thiện hơn.