Năm 1527 là thế kỷ bao nhiêu

Bước sang thế kỷ XVI, nhà Lê bắt đầu suy yếu dần, đặc biệt dưới các triều vua Lê Uy Mục [1505-1509], Lê Tương Dực [1510-1516], nhà nước trung ương sa sút nhanh chóng. Nhà vua và hoàng tộc đua nhau ăn chơi xa xỉ. Sự tàn bạo của ông vua này đã khiến cho một số sứ thần nhà Minh gọi là vua quỷ.

Thời vua Uy Mục, bọn quý tộc ngoại thích kết thành bè cánh lộng hành, giết hại nhiều công thần và tôn thất không cùng phe phái như Thượng thư Đàm Văn Lễ, Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật,… Năm 1509, những người trong hoàng tộc bị thất thế chạy vào Thanh Hóa tập hợp lực lượng kéo về Thăng Long giết Uy Mục và bọn ngoại thích, đưa Lê Oanh, cháu Lê Thành Tông, lên ngôi vua tức là Tương Dực.

Vua Lê Tương Dực [1510-1516] tính tình hung bạo, lại hoang dâm vô độ, tư thông với cả các cung nhân triều trước. Sứ thần nhà Minh nhận xét Tương Dực “nhà vua tính hiếu dâm như tướng lợn, loạn vong không còn lâu nữa”. Lúc bấy giờ, nhiều năm mất mùa, nhân dân đang bị đói khổ, nhưng vua Tương Dực vẫn huy động nhân dân xây dựng nhiều cung điện. Việc xây dựng diễn ra trong nhiều năm hết sức tốn kém, nhân dân vô cùng khổ cực, bọn quý tộc, quan lại ra sức vơ vét của cải của nhân dân. Vua lo ăn chơi xa xỉ, bất lực, mọi quyền hành đều nằm trong tay tướng Trịnh Duy Sản. Năm 1516, Duy Sản giết Tương Dực, lập Quang Trị mới 8 tuổi lên ngôi, chưa được 3 ngày lại giết Quang Trị. Sự chuyên quyền, lộng hành của Trịnh Duy Sản đã đưa đến tình trạng mâu thuẫn trong Vương triều và tranh giành quyền vị, đánh giết lẫn nhau liên tục trong suốt hơn 10 năm trời dưới thời Chiêu Tông. Năm 1516, Trịnh Duy Sản lập Lê Ỷ lên ngôi vua, tức vua Lê Chiêu Tông [1516-1522], có niên hiệu là Quang Thiệu, Thống Nguyên. Chiêu Tông nhu nhược, thiếu quyết đoán, các đại thần, tướng tá trong triều đem quân đánh giết lẫn nhau, tấn công vào cả kinh thành, Chiêu Tông phải bỏ chạy.

Thái Tổ Mạc Đăng Dung [1483-1541].

Lợi dụng sự suy yếu, đổ nát của triều đình trung ương, bọn quan lại địa chủ các địa phương ra sức quấy nhiễu, bóc lột nhân dân. Do đó, đã dẫn đến các cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra ở một số nơi: Cuộc khởi nghĩa ở Kinh Bắc [1511] do Thân Duy Nhạc và Ngô Văn Tống cầm đầu, cuộc khởi nghĩa ở Sơn Tây, Hưng Hóa [năm 1511] do Trần Tuân chỉ huy, cuộc khởi nghĩa ở Nghệ An [năm 1512] của Lê Hy, Trịnh Hưng, cuộc khởi nghĩa ở Hà Tây [năm 1516] của Phùng Chương, cuộc khởi nghĩa Trần Cao ở Đông Triều [Quảng Ninh] kéo dài từ 1516-1517 chiếm cứ cả một vùng Lạng Sơn, Kinh Bắc, Hải Dương. Quân khởi nghĩa ba lần tấn công vào kinh thành, vua phải chạy vào Thanh Hóa. Một số cuộc nổi dậy của nhân dân đã nổ ra ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thuận Hóa trong các năm 1520-1521,... Cho mãi tới năm 1522, các cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân chống lại triều đình phong kiến thối nát mới bị dập tắt.

Năm 1517, Trần Chân thuộc phái Trịnh Tuy đánh bại Nguyễn Hoằng Dụ và nắm giữ binh quyền trong triều. Năm 1518, Chiêu Tông giết Trần Chân, vì vậy phe phái của Chân nổi dậy đánh phá kinh thành Thăng Long, vua Chiêu Tông phải cho người sang Hải Dương mời Mạc Đăng Dung về giúp và trao mọi binh quyền cho ông. Mạc Đăng Dung về Thăng Long đã lợi dụng mâu thuẫn và xung đột giữa các phe phái để diệt trừ dần các thế lực đối lập, tập trung quyền hành vào tay mình. Sau khi diệt trừ bọn Lê Do, Trịnh Tuy, Nguyễn Sư, dụ hàng bọn Hoằng Duy Nhạc, Nguyễn Kinh, Nguyễn Ánh, Mạc Đăng Dung nắm mọi quyền hành. Từ khi giữ chức Thái phó [1521], Mạc Đăng Dung lấn át vua Lê, trừ bỏ những người thân cận nhà vua. Chiêu Tông bỏ trốn lên vùng Sơn Tây, dựa vào các lực lương trung thành với mình chống lại. Mạc Đăng Dung đánh bại vua Chiêu tông rồi cùng các quan trong triều lập Hoàng Đệ Xuân lên ngôi vua, tức Cung Hoàng [niên hiệu Thống Nguyên] [1522- 1527]. Năm 1527, Mạc Đăng Dung bắt Cung Hoàng phải nhường ngôi cho mình, lập ra triều Mạc.

Tương truyền với thanh Đại long đao này, Mạc Đăng Dung đã bình thiên hạ và dựng lên Vương triều Mạc.

Mạc Đăng Dung quê gốc ở xã Cao Đôi, huyện Bình Hà [nay thuộc xã Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương]. Tiên tổ bảy đời là Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên triều Trần. Đến đời thứ tư chuyển về xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương [nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng]. Thủa nhỏ, gia đình Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá. Nhờ có sức khoẻ và giỏi võ mà thi đỗ Lực sỹ. Năm 1508, thời Lê Uy Mục, được sung làm Đô chỉ huy sứ vệ Thần vũ. Trong vòng hơn 10 năm, trải qua ba triều vua, do có công đàn áp các cuộc nổi dậy và dẹp loạn trong triều, Mạc Đăng Dung nhanh chóng được phong đến tước hiệu cao nhất của nhà Lê [Vũ Xuyên bá: năm 1511; Vũ xuyên hầu: năm 1518; Minh quận công: năm 1519; Nhân quốc công: năm 1521; An Hưng vương: năm 1527].

Mở đầu một vương triều mới trong bối cảnh chính trị không thuận lợi, nhà Mạc tập trung củng cố chính quyền và kỷ cương đất nước vốn đã trở nên vô cùng rệu rã bằng cách tổ chức lại bộ máy quan lại. Triều đình nhà Mạc cũng gồm đủ các ban văn võ, đứng đầu là vua. Bộ máy chính quyền của nhà Mạc từ trung ương đến các địa phương được tổ chức theo mô hình một nhà nước quân chủ quan liêu trung ương tập quyền chuyên chế như ở thế kỷ XV. Hệ thống luật pháp hoàn bị của nhà Lê về cơ bản vẫn được duy trì, nhưng vào cuối năm 1528 Mạc Đăng Dung đã giao cho Nguyễn Quốc Hiến xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là các chính sách liên quan đến điền chế, lộc chế. Để có quân đội mạnh và chỉ huy thống nhất, nhà Mạc đã chấn chỉnh binh chế, phiên chế, tổ chức lại lực lượng các vệ, phủ, sở, ty. Nhà Mạc đặt ra 4 vệ Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y, Kim Ngô. Bốn vệ này thống lĩnh toàn bộ quân đội thường trực ở kinh thành và 4 trấn quan trọng [Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây và Kinh Bắc]. Ngoài ra, quân ở các đạo được phiên chế thành các đơn vị trực thuộc vào 5 phủ. Nhà Mạc xây dựng đội ngũ quan lại mới trung thành với triều đại mình, nhà Mạc đã đẩy mạnh chế độ thi cử. Trong suốt thời kỳ trị vì, nhà Mạc đã tổ chức các kỳ thi liên tục, đều đặn ba năm một lần, kể cả khi có chiến tranh với Nam Triều. Năm 1529, tổ chức thi Hội đầu tiên tuyển chọn được 55 tiến sĩ cấp đệ, và đồng tiến sĩ, trong số này có những trí thức tài năng như Trạng nguyên Đỗ Tông, Bảng nhãn Nguyễn Hãng. Trong suốt thời kỳ trị vì [1527-1592] nhà Mạc tổ chức tất cả được 22 kỳ thi Hội, tuyển chọn được 499 tiến sĩ và 13 trạng nguyên.

Chân đèn bằng gốm - một tác phẩm nghệ thuật điển hình của nhà Mạc.

Làm vua được 3 năm, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, lên làm Thái Thượng hoàng. Trong vòng 5 năm đầu, nhà Mạc đã cố gắng đưa tình hình dần đi vào thế ổn định. Mặc dù có thái độ không thiện cảm với triều Mạc nhưng các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư, khi chép các sự kiện trong giai đoạn này đã có nhận xét: “Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về... Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên".

Nếu như chính sách đối nội có một số mặt tích cực, cởi mở, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước về mặt kinh tế và văn hoá, thì chính sách đối ngoại, nhất là trong quan hệ với nhà Minh, nhà Mạc lại tỏ ra hết sức lúng túng. Vương triều Mạc đã phạm phải một sai lầm vô cùng nghiêm trọng là đầu hàng nhục nhã nhà Minh.

Cổng Tây Môn - di tích thành nhà Mạc ở Tuyên Quang.

Lợi dụng tình hình rối loạn ở Đại Việt, nhà Minh thường cho người sang dọa dẫm, sách nhiễu. Lo sợ lực lượng cựu thần nhà Lê và muốn tranh thủ sự ủng hộ của nhà Minh, trước những hành động như thế, nhà Mạc chọn giải pháp thoả hiệp, đem vàng bạc, châu báu đút lót để được yên ổn. Được thể nhà Minh càng lấn tới. Sau khi biết tin các lực lượng ủng hộ triều Lê đã tìm được con trai Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh để tôn lên làm vua, năm 1537, vua Minh sai Cừu Loan và Thượng thư Bộ Binh Mao Bá Ôn đem một đạo quân xuống vùng biên giới phía nam và phao tin sẽ đánh Đại Việt. Trong tình thế bức bách và mong được nhà Minh công nhận để yên tâm đối phó với lực lượng cựu thần nhà Lê, nhà Mạc đã phải đáp ứng những yêu sách của nhà Minh. Năm 1540, Mạc Đăng Dung cùng với 40 viên quan đem sổ sách lên tận cửa Nam Quan để nộp và trả lại nhà Minh đất 5 động vùng Đông Bắc, vốn được sáp nhập vào Đại Việt từ thế kỷ XV. Việc làm này của Mạc Đăng Dung đã gây nên sự bất bình trong nhiều quan lại và dân chúng, khiến nhà Mạc dần dần lâm vào tình thế cô lập và thất bại trong cuộc chiến tranh với Nam triều. Những người ủng hộ triều Lê ngày càng có điều kiện thuận lợi để tập hợp lực lượng chống lại.

Việc nhà Mạc thay thế một nhà Hậu Lê không còn đủ năng lực và bị thiên hạ chán ghét là tất yếu của lịch sử. Nếu dòng họ Mạc không nổi dậy thì các dòng họ thế tộc khác cũng làm điều tương tự trong bối cảnh lúc đó. Thời kỳ thịnh trị của Mạc Thái Tông cho thấy năng lực trị nước của nhà Mạc không kém nhà Lê. Đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định. Theo sử sách, thời Mạc không có một cuộc khởi nghĩa nông dân nào. Điều đó cho thấy nhà Mạc được lòng dân.

Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng.

Trong 65 năm tồn tại và phát triển nhà Mạc đã có những cống hiến nhất định cho lịch sử dân tộc, làm được nhiều việc hợp lòng dân như dẹp tất cả các cuộc nổi loạn cát cứ ở các địa phương, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế thương mại, phát triển ngành nghề thủ công; mở rộng quan hệ kinh tế, văn hoá với nhiều nước châu Á, châu Âu, chăm lo thi cử để tuyển nhân tài. Xã hội Đại Việt thời Mạc đi dần vào thế ổn định…

Chủ Đề