Nghiên cứu ứng dụng công nghệ blockchain trong quản trị logistics và chuỗi cung ứng của Việt Nam

Blockchain hiện đang được nghiên cứu và thử nghiệm để truy xuất và lưu trữ các giao dịch trong chuỗi cung ứng, giúp đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm.

Ý thức của người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng cao. Theo đó, họ có nhu cầu truy xuất được nguồn gốc cho thực phẩm họ muốn tiêu thụ. Vì vậy, việc các nhà sản xuất đưa ra thông tin chi tiết về các mắt xích trong chu trình cung ứng và xác thực cho các thông tin ấy là điều tất yếu.

Hình 1: Doanh thu blockchain theo các ngành, thị trường thế giới: 2017 – 2025 [1]

Nghiên cứu về doanh thu blockchain theo ngành 2017-2025[1] cho thấy chỉ sau ngành tài chính, các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất đang có xu hướng đầu tư vào công nghệ này, đặc biệt là các công ty sản xuất mặt hàng thực phẩm. Blockchain có thể giúp giảm thiểu áp lực của các quy định, chính sách và yêu cầu về an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp này. Trong đó, truy xuất nguồn gốc được coi là chìa khóa giải quyết những vấn đề nêu trên.

Nhiều doanh nghiệp lớn đang ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc

Nestle và Carrefour – tập đoàn siêu thị lớn thứ hai thế giới đã hợp tác sử dụng Blockchain cho dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ sơ sinh vào giữa năm 2019. Emmanuel Delerm, quản lý cấp cao của tập đoàn này cho biết, nhờ vào việc áp dụng blockchain, số lượng sản phẩm sữa Nestle bán ra tại chuỗi siêu thị của họ đã tăng vọt.

Sau thương vụ với Nestle, tập đoàn này cũng bắt đầu áp dụng công nghệ blockchain cho 20 sản phẩm nông sản khác và dự tính tăng lên con số 100 sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, tập trung vào những sản phẩm cần độ an toàn cao, như thực phẩm cho trẻ em và những dòng sản phẩm hữu cơ.

Auchan – tập đoàn bán lẻ của Pháp cũng đang ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi siêu thị của họ. Thử nghiệm ban đầu diễn ra tại Việt Nam giúp truy xuất nguồn gốc lợn, gà và trứng tại TP. HCM đã đem lại kết quả ngoài mong đợi. Hiện nay, nền tảng này đang được Auchan triển khai ở Pháp, và tương lai ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Senegal.

Truy xuất nguồn gốc bằng Blockchain đem lại lợi ích gì cho các nhà sản xuất?

Blockchain là một dạng sổ cái phân tán giúp giải quyết vấn đề các doanh nghiệp vốn đau đầu từ lâu: niềm tin. Hiểu đơn giản, đó là một cuốn sổ cái ghi chép lại những giao dịch. Điều đó có nghĩa, nó bao gồm tất cả các dữ liệu được chia sẻ, xác thực và mã hóa bởi các thành phần trong chuỗi. Vậy xét về khía cạnh kinh doanh, blockchain đem đến lợi ích gì cho các nhà sản xuất?

Việc công khai tất cả các giao dịch trong mạng lưới – bản chất của blockchain là giúp tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Đó là giá trị lớn nhất mà các nhà sản xuất hướng tới. Trong một mạng lưới blockchain, tất cả thành phần trong chuỗi đều có thể nhìn thấy và xác thực thông tin ở bất cứ thời điểm nào.

Hiện nay, ý thức của NTD về việc tiêu dùng thực phẩm an toàn ngày càng nâng cao, nhất là tại những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Theo nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng thực phẩm[2], 10 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của NTD, được xếp theo thứ tự sau đây

Hình 2: Những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng [NTD] [2]

3 yếu tố quan trọng nhất trong 10 yếu tố trên, bao gồm độ tươi, độ an toàn và giá sản phẩm phụ thuộc phần lớn vào nhà sản xuất, các yếu tố còn lại phụ thuộc vào đơn vị bán hàng. Sử dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc có thể giúp nhà sản xuất giải quyết được 3 yếu tố này.

1. Gây dựng lợi thế cạnh tranh bằng việc tạo niềm tin với người tiêu dùng

Bằng việc cung cấp đầy đủ thông tin về các mắt xích trong quy trình cung ứng, nhà sản xuất có thể đem đến cho NTD một cái nhìn toàn diện về nguồn gốc của sản phẩm, giúp đảm bảo yếu tố an toàn cho sản phẩm.

Blockchain có thể theo dõi và truy xuất nguồn gốc của quy trình đầu vào, điều này giúp triệt tiêu gần như 100% khả năng làm giả sản phẩm, kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện giá trị chung của toàn bộ chuỗi cung ứng.

2. Giảm thiểu áp lực về việc chứng minh thực phẩm an toàn

Blockchain cũng tiết kiệm chi phí và giảm thiểu áp lực cho các nhà sản xuất trong việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Để việc kiểm định này thực sự hoạt động, ngân hàng, các công ty con cũng như đối tác liên quan trong quy trình sản xuất cần xác thực thông tin cho các giao dịch trong chuỗi.

3. Giúp quản lý quy trình sản xuất tốt hơn theo thời gian thực

Đối với các nhà sản xuất, Blockchain giúp quản lý toàn bộ quy trình từ nông trại cho đến khi hàng hóa lên kệ theo thời gian thực. Tất cả thông tin từ người nuôi trồng, quá trình chăm sóc, vận chuyển, lưu trữ, chế biến… đều được ghi lại và theo dõi sát sao bằng hệ thống. Điều này giúp các nhà sản xuất kiểm soát tốt hơn những hoạt động trong chuỗi, giảm bớt những nguy cơ thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Blockchain truy xuất thực phẩm như thế nào?

Trong chuỗi quy trình sản xuất thực phẩm gồm rất nhiều tác nhân tham gia như nông dân, nhà phân phối, đơn vị chế biến, nhà bán lẻ… Các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng thủy sản bao gồm:

1. Cung cấp giống: gồm những thông tin về con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh, máy móc… thông tin giao dịch với người nuôi trồng.

2. Nuôi trồng: gồm những thông tin về người nuôi trồng và quá trình nuôi trồng thủy sản, cũng như điều kiện thời tiết, tình trạng vật nuôi, các chế độ phúc lợi…

3. Chế biến: gồm những thông tin về nhà máy, thiết bị, phương pháp chế biến, số lô sản phẩm, giao dịch tài chính giữa đơn vị chế biến và đơn vị phân phối.

4. Phân phối: gồm những thông tin về phương tiện vận chuyển, tuyến đường, điều kiện bảo quản [nhiệt độ, đổ ẩm], thời gian vận chuyển, giao dịch giữa nhà phân phối và nhà bán lẻ.

5. Bán lẻ: thông tin về từng loại mặt hàng, số lượng, chất lượng, điều kiện bảo quản, thời gian trên kệ…

6. Tiêu dùng: Là mắt xích cuối trong chuỗi giá trị, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại được kết nối internet để scan mã QR đính kèm với sản phẩm để xem toàn bộ thông tin liên quan từ nhà cung cấp giống tới nhà bán lẻ.

Hình 3: Một quy trình cung ứng đơn giản với blockchain

Với Blockchain, quy trình cung ứng thực phẩm được công khai cho mọi tác nhân trong chuỗi, từ đó hạn chế tối đa những gian lận trong hoạt động và giao dịch, đảm bảo một môi trường kinh tế minh bạch và an toàn cho mọi thành phần.

Nguồn tham khảo

[1] Tratica. 2018. Blockchain for Enterprises Application.
[2] Cracow University of Economics. 2017. Consumer behaviour at the food market.

Tọa đàm Tiềm năng blockchain Việt Nam và ứng dụng tài chính công nghệ trong doanh nghiệp thực tế. [Ảnh: Tiến Lực/TTXVN]

Chiều 16/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh [Sihub] và Công ty Cổ phần OneBlock Labs tổ chức tọa đàm “Tiềm năng blockchain Việt Nam và ứng dụng tài chính công nghệ trong doanh nghiệp thực tế” và ra mắt ấn phẩm chuyên đề về blockchain đầu tiên tại Việt Nam-Metalook.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cộng đồng blockchain [công nghệ chuỗi khối] Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua, tuy nhiên ứng dụng blockchain còn hạn chế. Hiện blockchain ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số; đây là lĩnh vực Việt Nam và nhiều quốc gia đang “dò đá qua sông” nên phải thận trọng. Doanh nghiệp đừng quá tập trung vào một lĩnh vực [tài chính], mà bỏ quên những tiềm năng ứng dụng khác như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, lĩnh vực hậu cần…

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã có định hướng nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội; trong đó ưu tiên thí điểm cho một vài doanh nghiệp triển khai dự án blockchain khả thi, mang lại lợi ích cho xã hội rõ rệt. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ mới sẽ tạo động lực cho nền kinh tế số phát triển, góp phần phục hồi kinh tế nhanh chóng và có khả năng tạo đà tăng trưởng vượt trội trong những năm tiếp theo.

Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu cùng sự nhạy bén nắm bắt xu hướng mới, rất nhiều ứng dụng blockchain trong doanh nghiệp đã được quan tâm triển khai thời gian qua. MB Bank, Vietcombank… đã công bố một ứng dụng blockchain trong hoạt động giao dịch tài chính; một vài chuỗi cung ứng, lĩnh vực nông nghiệp cũng đang đưa blockchain vào thí điểm…

Tuy nhiên, ngoài một vài dự án crypto [tiền điện tử] và blockchain Việt Nam nổi bật như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, thì phần lớn các ứng dụng blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật.

[Việt Nam có 6 đại diện tham dự Olympic Blockchain Quốc tế] 

Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp trong nước phải có sự đầu tư nghiêm túc về bản chất việc ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả cao thay vì chạy đua theo trào lưu. Những đầu tư không phù hợp với mô hình kinh doanh sẽ tốn kém, thiếu hiệu quả và không phát huy được sức mạnh công nghệ này.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị OneBlock Labs cho rằng ứng dụng blockchain vẫn khá mới với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp cần trang bị kiến thức đủ sâu cả về tài chính, công nghệ lẫn kinh doanh để có thể vận hành hiệu quả mô hình doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho hay bài toán về phát triển nguồn nhân lực vẫn luôn là thách thức lớn cần phải vượt qua, ngoài rào cản pháp lý đang hạn chế tiềm năng phát triển blockchain Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra hạ tầng kỹ thuật là rào cản lớn khi triển khai các ứng dụng blockchain trong doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp có thể lựa chọn những nền tảng blockchain sẵn có để từ đó xây dựng nên những giải pháp kinh doanh hữu hiệu theo mô hình của mình mà không cần phải đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật ban đầu, vốn tốn kém và vô cùng thách thức.

Tại sự kiện này, OneBlock Academy [thành viên của OneBlock Labs] đã ra mắt ấn phẩm Metalook. Đây là ấn phẩm chuyên đề về blockchain đầu tiền tại Việt Nam, phát hành hàng tháng với bản song ngữ Việt-Anh.

Ấn phẩm cung cấp những kiến thức về crypto, blockchain; giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về thị trường tiền tệ kỹ thuật số cũng như các xu hướng công nghệ mới đang diễn ra trên thế giới, đồng thời đưa ra những cảnh báo về rủi ro, thách thức trong lĩnh vực này từ thực tế./.

Tiến Lực [TTXVN/Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề