Nhà tù Phú Quốc xây dựng năm nào

“Địa ngục trần gian”

Qua cửa vào KhuDTLSNhà tù Phú Quốc, sau khi thực hiện nghi thức tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi theo hướng dẫn viên đi dọc con đường hoa đỗ quyên hồng rực. Không ai nghĩ, chỉ vài bước chân nữa, cảnh sắc mềm mại này hoàn toàn biến mất. Qua cánh cửa và hàng rào dây thép gai xiên lỗ chỗ lên nền trời xanh là khu vực nhà tù cũ được tái dựng theo ghi nhớ của các nhân chứng lịch sử. Nhiều người rùng mình khi bước chân vào “địa ngục trần gian” năm xưa. Trại giam Phú Quốc còn gọi là Nhà lao Cây Dừa, nằm trên địa bàn thị trấn An Thới [Phú Quốc, Kiên Giang], được xây dựng từ năm 1953 và tồn tại đến khoảng năm 1973. Với diện tích 400ha, chia thành các khu và phân khu. Giai đoạn cao điểm, nơi đây giam giữ tới 40.000 tù binh. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt, xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động, hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Khoảng 4.000 chiến sĩ cách mạng kiên trung đã bị giết hại tại đây.

Bước qua cánh cổng, cái nóng hầm hập của cả hòn đảo như đổ dồn vào bãi đất trọc toàn những hộp container xếp khối nằm lạnh lùng vô cảm. Những hành rào dây thép gai sắc nhọn, chằng chịt. Mọi người đều cảm nhận sự u ám, nặng nề của nhà tù thực dân, đế quốc khét tiếng tàn bạo trước đây. Bạn Nguyễn Duy Bằng, thành viên trẻ nhất đoàn chúng tôi, hôm đó không còn vẻ trêu đùa mọi người như thường ngày. Cùng với cả đoàn, Bằng chầm chậm bước, chăm chú quan sát khung cảnh xung quanh. Hướng dẫn viên củaCông ty Phú Quốc Today Travel chỉ cho đoàn chúng tôi đi vào gần chiếc container đầu tiên. Đó là một chiếc hộp kín nóng hầm hập được gọi là “chuồng cọp Catso”. Chuồng cọp làm bằng sắt tấm bịt kín bốn mặt, không ánh sáng, thiếu không khí, chỉ cần đứng bên cạnh thôi đã cảm thấy ngột ngạt. Vậy mà nơi đó từng là nơi ăn ở, tiểu tiện, đại tiện của gần chục tù nhân.

Cách đó không xa, trên nền đất nóng, khoảng chục chiếc “chuồng” dây thép gai thít chặt người tù ở những tư thế cố định. Tư thế đó không hẳn nằm, cũng chẳng phải đứng hay ngồi và hơi cử động, gai thép sắc nhọn sẽ cứa vào da thịt. Chỉ nhìn những phiên bản cai ngục tra tấn tù nhân bằng đủ các hình thức tàn bạo, phi nhân tính thôi cũng đủ làm người xem rợn người. Không cần phải có trí tưởng tượng cao siêu, chỉ cần nhìn những tượng người nhỏ bé tái hiện cảnh bị tra tấn bằng đủ hình thức như nấu người bằng chảo gang, ép ván vỡ lồng ngực, đánh bằng đuôi cá đuối, đục và bẻ răng... cũng phần nào thấm thía nỗi đau thể xác đã giày vò những tù nhân của nhà lao Phú Quốc xưa.

Du khách tham quan Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc.

Ý chí “thép” cách mạng

Theo chân hướng dẫn viên, khi tất cả đang chìm sâu vào cảm xúc, chợt cuối đoàn có tiếng người hồ hởi: “Ở đây có cựu tù Phú Quốc”. Tất cả đổ dồn ánh mắt kính trọng về phía cuối hàng và mọi người cùng giãn ra, nhường chỗ cho người đàn ông vừa vào. Đó là cựu chiến binh [CCB] Mai Thanh Hùng, ông đưa các cháu từ xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy [Nam Định] đến thăm khu di tích. CCB từng mang số tù 2124612, bị thương và bị bắt ở Kon Tum tháng 4-1972, kể cho chúng tôi nghe về thời gian ở tù là quãng thời gian đày đọa khủng khiếp. Lúc đó, ngày nào kẻ địch cũng tìm cách tra tấn ông và đồng đội. Ông “bỏ lại” vài chiếc răng do cai ngục tra tấn ở đây. CCB Mai Thanh Hùng, kể: “Bị giam lâu ngày trong chuồng cọp Catso, khi được thả ra ngoài, tù binh không còn nhìn thấy đường vì mắt bị mờ, sức khỏe và tinh thần giảm sút nghiêm trọng. Địch giam tôi 5 ngày trong Casto. Nhưng 5 ngày đó cũng là thời gian tôi nhìn thấy rõ ràng hơn bản lĩnh kiên cường, phẩm chất trung trinh của các chiến sĩ cộng sản”. Tháng 3-1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Hùng mới thoát khỏi “địa ngục trần gian” này. Nhà tù Phú Quốc gợi nhắc những nỗi đau buốt tận xương tủy đến bây giờ, từ khi chưa đến tuổi 20 đến nay gần thất thập, nhưng với ông, đây là địa điểm nhắc nhớ những bài học về lòng kiên trung, tinh thần bất khuất của những người đồng chí, đồng đội, nhắc nhớ về niềm tin thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc...

Được gặp nhân chứng sống ngay tại DTLS Nhà tù Phú Quốc, điều khiến nhiều người trong chúng tôi trầm trồ thán phục những chiến sĩ cách mạng không chỉ ở sự chịu đựng cầm tù, tra tấn mà còn ở ý chí và tinh thần “thép” không thể bị bẻ gãy. Trong tù, họ vẫn kiên cường đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức. Hàng chục cuộc vượt ngục mưu trí, dũng cảm được tiến hành và tiến hành thành công. Cho rằng chuyến tham quan tuy ngắn, nhưng vô cùng ý nghĩa và là điểm không thể bỏ qua khi đến Phú Quốc, bà Lê Thu Hằng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Giản tiện Việt Nam, bày tỏ: “Đến thăm nơi đây là dịp để mỗi người hiểu hơn về lịch sử, truyền thống, về ý chí kiên cương, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Không một thủ đoạn tàn khốc nào của kẻ thù có thể làm lung lay ý chí thép, làm nhụt ý chí quyết tâm chiến đấu để giành độc lập, tự do của các chiến sĩ cách mạng và của cả dân tộc Việt Nam...”.

Bài và ảnh:LAN DỊU

[HBĐT] - Nhà tù Phú Quốc thuộc xã An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được ví như "Địa ngục trần gian” - nơi đây đã ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó chính là ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm và bất khuất của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến chống quân xâm lược.


Những hình thức tra tấn man rợ của kẻ địch được phục dựng tại nhà tù Phú Quốc thuộc xã An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Nhà tù Phú Quốc là một trong những nhà tù dã man nhất thời chiến, được xây dựng từ thời Pháp, rộng khoảng 40 ha, gọi là "Trại Cây Dừa”, giam giữ gần 14 nghìn người. Cuối năm 1955, Ngô Đình Diệm xây dựng một trại giam ở địa điểm Trại Cây Dừa cũ với diện tích 4 ha, chia nhà tù ra thành các khu: Khu nhà giam tù nam, khu nhà giam tù nữ, nhà giam tù phụ lão, đặt tên là "Trại huấn chính Cây Dừa”.

Sử sách ghi lại, năm 1966, chiến tranh leo thang kéo theo số tù binh tăng cao, chính quyền Việt Nam cộng hòa xây dựng thêm một trại giam rộng hơn 400 ha cách trại Cây Dừa cũ 2 km. Tại đây có 12 khu vực, được đánh số từ 1 đến 12. Mỗi khu có 4 phân khu A, B, C, D. Mỗi phân khu có 9 phòng cho tù binh ở, có 2 phòng để phỏng vấn, phạt vạ hoặc biệt giam tù bình. Mỗi khu giam có diện tích 100 m2, giam giữ từ 70 - 120 người. Khu biệt giam diện tích chỉ với 30m2 nhưng cao điểm có lúc chúng giam tới 180 người hoặc hơn. Xung quanh mỗi phân khu có 4 vọng gác được canh chừng 24/24h và 10 vọng gác lưu động. Nhà tù được bao bọc bởi 10 lớp thép gai chằng chịt, xung quanh không có cư dân sinh sống, cách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Hằng ngày có 2 xe tuần tra liên tục quanh khu giam, ban đêm còn có các toán vào vòng rào giới hạn để kiểm soát lưu động. Nhà tù Phú Quốc trở thành trung tâm giam tù binh lớn nhất của Việt Nam cộng hòa, giam giữ tới 40 nghìn binh sĩ và có khoảng 4 nghìn chiến sĩ bị giết hại bằng những đòn tra tấn dã man.

Đến với nhà tù Phú Quốc, qua lời giới thiệu của các hướng dẫn viên và tìm hiểu thực tế, ta có thể cảm nhận được sự man rợ của những hình phạt tra tấn khủng khiếp của cai ngục qua mô hình được phục dựng lại. Một trong các món đòn man rợ nhất phải kể đến đóng đinh. Chúng dùng những chiếc đinh cũ, hoen gỉ dài 3 - 7cm để đóng vào ngón tay, các khớp xương cổ, đầu gối,… sau khi bị đóng đinh, xương của người tù sẽ vỡ vụn ra. Chúng còn dùng đèn cao áp soi vào mắt tù binh đến nổ con ngươi. Chuồng cọp kẽm gai giam phơi tù nhân ngoài trời cả ngày lẫn đêm. Chiếc chuồng nhỏ hẹp không đứng được cũng không ngồi được, cát bên dưới bỏng rát, bên trên thì kẽm gai cứa da thịt. Ngoài ra, chúng còn bắt tù binh lộn đầu vào vỉ sắt đến trầy da, chảy máu... Rất nhiều chiến sĩ đã không thể chịu nổi những trận tra tấn man rợ đó và bỏ mạng nơi đây. Ước khoảng 4.000 chiến sĩ mất mạng và hàng chục ngàn chiến sĩ mang theo thương tật, tàn phế cả đời. Đau đớn và căm phẫn trước sự tàn độc của chúng, các chiến sĩ đã nhiều lần tổ chức vượt ngục. Nổi tiếng nhất là cuộc vượt ngục kỳ tích của hơn 20 chiến sĩ bằng đường hầm [dài 120m, rộng 0,6m] tự đào bằng thìa, miếng sắt trong nhiều tháng gây chấn động.

Tất cả những hình thức tra tấn dã man đến rợn người đã được tái hiện. Anh Đào Minh Tiến [Hà Nội] xúc động cho biết: "Ông nội tôi đã từng bị địch bắt giam và tra tấn tại nhà tù Phú Quốc. Hiện, ông đã gần 80 tuổi, tai bị thủng màng nhĩ do di chứng địch tra tấn để lại và cơ thể lúc nào cũng đau đớn từ trong xương tủy mỗi lúc trái gió, trở trời. Lần này, tôi có điều kiện được thăm lại nhà tù Phú Quốc và thực cảm động, khâm phục thế hệ ông cha. Nghe những lời thuyết trình và quan sát những mô hình được mô phỏng, tôi thấy rợn người. Thấy biết ơn vô cùng những người chiến sĩ cách mạng kiên trung, dũng cảm”.

Năm 1995, khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Nơi đây chính là bức tranh lột tả chân thực nhất về sự tàn bạo, dã man của kẻ địch. Đến nay, chiến tranh đã đi qua, nhưng nhà tù Phú Quốc vẫn là nỗi ám ảnh của những người chiến sĩ cách mạng và du khách tham quan. Đó như một lời nhắc nhở thế hệ sau luôn nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ghi nhớ và biết ơn các chiến sĩ đã không màng khó khăn, gian khổ, hy sinh anh dũng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

 Mai Anh [TTV]

Video liên quan

Chủ Đề