Phát huy những bài học kinh nghiệm của cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là một điển hình về phát huy sức mạnh của nhân dân trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó, sức mạnh nhân dân đóng vai trò quyết định. Và trong cuộc chiến chống Covid-19 lần này, cùng với cả nước, Bình Phước đã phát huy những bài học từ thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là phát huy sức mạnh nhân dân. 

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công [19-8-1945 - 19-8-2021], Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Anh Dũng và Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước Vũ Long Sơn đã chia sẻ cùng BPTV về kinh nghiệm của Bình Phước.

Thời điểm năm 1945, Đảng ta đã rất quan tâm đến xây dựng lực lượng vững mạnh, trong đó lực lượng nhân dân là quan trọng nhất. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng. Trong cuộc chiến chống Covid-19 này, lãnh đạo tỉnh Bình Phước kịp thời đã tạo nên sức mạnh của toàn dân như thế, thưa ông Hà Anh Dũng?

Để giữ vững trận địa sau hơn 20 tháng dịch bệnh mới xuất hiện và hôm nay Bình Phước đang là địa phương an toàn nhất, vững chắc nhất của khu vực miền Đông Nam bộ là nhờ lãnh đạo tỉnh Bình Phước chủ động, linh hoạt hàng loạt các giải pháp phù hợp với thực tiễn, hợp với lòng dân và được triển khai nhanh chóng từ tỉnh đến cơ sở.

Đặc biệt, Tỉnh ủy Bình Phước đã kịp thời ban hành Nghị quyết 05 về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến dịch bệnh Covid-19 để khơi dậy và huy động được sức mạnh toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Nghị quyết thể hiện quan điểm nhất quán là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường trong phòng, chống dịch; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ trên hết, trước hết. Nghị quyết khẳng định rõ, phòng, chống đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hiện nay. 

Nhiệm vụ đó có thể còn kéo dài, có thể rất khó khăn, gian nan do Bình Phước có địa bàn rộng, tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành đang có dịch bùng phát rất nghiêm trọng, tiếp giáp với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, có nhiều khu công nghiệp, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi tiềm lực về mọi mặt còn hạn chế. Để cuộc chiến thắng lợi phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, phải huy động được sự tham gia của toàn dân và nhân dân chính là chủ thể.

Đây là một nghị quyết đặc biệt chưa từng có trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, ban hành trong tình thế khẩn cấp thể hiện quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân Bình Phước. Hai chữ “đặc biệt” ở đây là chuyển Bình Phước từ trạng thái "thời bình" sang "thời chiến" và xác định cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, nhất định thắng lợi. Đây là cuộc chiến của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Một trong những yếu tố quan trọng đem lại thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám là Đảng ta đã biết khơi dậy niềm tin, sức mạnh vô cùng mạnh mẽ của nhân dân qua Lời hiệu triệu, kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy trong cuộc chiến chống Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì tỉnh Bình Phước đã hiệu triệu sức mạnh toàn dân chung sức, đồng lòng, kiên cường chống dịch như thế nào, thưa ông Vũ Long Sơn?

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng ta đã chạm đến trái tim của mỗi người, truyền năng lượng tích cực, quyết tâm, cổ vũ tinh thần lớn lao cho cuộc chiến. 

Đối với tỉnh Bình Phước, ngay sau khi có thư  kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh thì sức nóng của toàn dân hướng về cuộc chiến rất mạnh mẽ. Và mãnh liệt hơn, quyết tâm hơn khi Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy ban hành, đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nguồn lực trong nhân dân cùng chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch bệnh.

Trong toàn tỉnh, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương sáng là các y, bác sĩ, chiến sĩ  lực lượng vũ trang nhân dân và tình nguyện viên không quản ngày đêm gian khổ, hiểm nguy, chấp nhận hy sinh, xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt, tình dân tộc, nghĩa đồng bào đang lan tỏa khắp nơi. Điển hình như đồng bào Hớn Quản làm giường tặng khu cách ly, rất nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên làm đơn xin vào cuộc chiến… Tôi rất xúc động và tự hào để nói rằng: tất cả những gì tinh túy nhất, tốt đẹp nhất trên thế giới này mà Việt Nam ta có được chính là tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Tính đến thời điểm này, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã huy động, tiếp nhận gần 30 tỷ đồng và nhiều tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu từ các tập thể, cá nhân ủng hộ. Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố cũng đã vận động, tiếp nhận, ủng hộ được trên 15 tỷ đồng, cùng nhiều tấn hàng hóa để hỗ trợ cho nhân dân và công tác phòng chống dịch… Toàn tỉnh đến nay đóng góp vào nguồn quỹ phòng chống dịch Covid-19 và mua vắc xin lên đến gần 40 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ tỉnh 9 xe cứu thương, 500 giường bệnh tại khu bệnh viện dã chiến và nhiều trang thiết bị y tế với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.

Niềm tin và kỳ vọng chiến thắng Covid-19 của cá nhân ông Hà Anh Dũng và ông Vũ Long Sơn?

Cuộc chiến phòng chống Covid-19 là cuộc chiến của toàn dân tộc; mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một “pháo đài” chống dịch. Những ngày này, tôi cảm nhận hào khí của Cách mạng Tháng Tám đang lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước, trong trái tim mỗi người. 

Thời gian qua, toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã hy sinh lợi ích trong ngắn hạn để cùng cả tỉnh chống dịch. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh các bác nghỉ hưu dành dụm những đồng lương ít ỏi của mình đến góp sức cho cuộc chiến; những cụ bà lom khom đưa con gà, quả trứng, bó rau, quả bí gởi đến bà con vùng tâm dịch; những trẻ em đập heo đất dành dụm bấy lâu góp sức đẩy lùi dịch bệnh… Thật vô cùng trân quý tình cảm và sự đóng góp, hy sinh mà nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đóng góp cho cuộc chiến... Tôi tin cuộc chiến này sẽ nhanh chóng thành công.

Cuộc chiến chống Covid-19, là cuộc chiến vô cùng khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, mới có thể chiến thắng. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng này, không cho phép ai đứng ngoài cuộc chiến. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, trong Đảng, ngoài Đảng, hễ là người Việt Nam thì chúng ta đoàn kết, cùng đứng lên chống dịch. Mọi người chấp hành tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thông báo của chính quyền địa phương, nhất định chúng ta sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch.

**********

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Với sự quyết liệt, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Bình Phước đang là địa phương an toàn nhất, vững chắc nhất của khu vực miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là. Phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh toàn dân, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, thần tốc hơn nữa để Bình Phước cùng với cả nước làm nên một mùa thu Tháng Tám mới chiến thắng đại dịch, hướng về Tết Độc lập an toàn, bình yên.

Thực hiện: Thanh Nhàn 

Concept: Diệc Quyền

Thiết kế: Xuân Dương - Kim Thoa

Trong hơn một năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Y tế đã cùng với các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước phòng, chống thành công nhiều đợt bùng phát dịch và hiện nay vẫn đang nỗ lực, quyết tâm để tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19, một đại dịch đầy thách thức và chưa từng có trong lịch sử.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 11/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, ngành y tế đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đặc biệt trong hơn một năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành y tế đã cùng với các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước phòng, chống thành công nhiều đợt bùng phát dịch và hiện nay vẫn đang nỗ lực, quyết tâm để tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19, một đại dịch đầy thách thức và chưa từng có trong lịch sử.

Nghị quyết 86 đã được dày công nghiên cứu, xây dựng chi tiết, kỹ lưỡng

Về các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP để cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Nghị quyết này đã được dày công nghiên cứu, xây dựng chi tiết, kỹ lưỡng với sự tham gia ý kiến cụ thể, sâu sát theo từng vấn đề của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí thành viên Chính phủ và Lãnh đạo một số địa phương.

Nội dung Nghị quyết đã nêu rất đầy đủ, cụ thể về bối cảnh tình hình dịch, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; các nguyên nhân, tồn tại, khó khăn, thách thức và đề ra các giải pháp trọng tâm, cấp bách, cấp thiết để giải quyết các vấn đề.

Thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch COVID-19 với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và làm gia tăng tử vong tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Đông Nam Á.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch trước sự lây lan của biến chủng Delta.

Bên cạnh đó, biến chủng Lambda đã xuất hiện gần đây, đã lan rộng đến trên 40 quốc gia; cũng làm gia tăng tử vong và đặc biệt có khả năng kháng vaccine COVID-19.

Dịch đã ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều địa bàn tại TPHCM

Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường.

Đặc biệt, dịch bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số ca mắc rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

"Khả năng tác động, bùng phát của dịch bệnh đã có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt như trong thời gian qua", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói

6 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn chống dịch

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh qua thực tiễn diễn biến tình hình và công tác chống dịch thời gian vừa qua, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm.

Cụ thể, thứ nhất, là công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Sự lãnh đạo trong các cấp ủy rất sát với tình hình thực tế, cụ thể tại một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.

Thứ hai, là sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở phải tham gia trực tiếp, đóng vài trò quan trọng trong phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng.  

Thứ ba, là việc quyết định các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ từ sớm là cần thiết nhưng phải dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế và phát triển kinh tế - xã hội.

Các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng "chặt ngoài lỏng trong" để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội.

Thứ tư, là kiên định các giải pháp chuyên môn kỹ thuật đồng thời chủ động, linh hoạt các giải pháp trong truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp tình hình thực tiễn; nhất là chiến lược về xét nghiệm để phát hiện và nhanh chóng các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng; chủ động các phương án và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao; thường xuyên nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong xét nghiệm, điều trị.

Thứ năm, là chủ động trong công tác hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, nhất là tại cơ sở; chuẩn bị các phương án ở mức cao trong mua sắm, huy động các nguồn lực phòng, chống dịch, không để lúng túng khi dịch bùng phát; đảm bảo việc tổ chức và điều phối hiệu quả nguồn lực [về nhân lực y tế, vật tư, trang thiết bị…]; tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế hỗ trợ các nguồn lực cho phòng, chống dịch, nhất là đối với chiến lược "ngoại giao vaccine".

Thứ sáu, là công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch; kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Bảo đảm an toàn, an ninh y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung ứng vaccine hạn chế và trước mắt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã và đang được đặc biệt quan tâm, thể hiện qua nhiều Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, trong bối cảnh thực tế vẫn còn nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất, nhân lực y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, thời gian tới đây, ngành y tế tiếp tục tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau về công tác y tế đảm bảo hệ thống y tế quốc gia, bảo đảm năng lực, an ninh y tế.

Cụ thể, tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đổi mới phát triển ngành. Sắp xếp bộ máy quản lý, cung ứng dịch vụ y tế tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới căn bản công tác đào tạo, quản lý nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối trong phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực y tế giữa các vùng, các tuyến, giữa đào tạo và sử dụng; tăng cường đầu tư hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển các khu phức hợp y tế, trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế.

Đổi mới công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn, an ninh y tế; nâng cao năng lực chuẩn bị và ứng phó với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về thiên tai, thảm họa và đủ khả năng đáp ứng với các đại dịch.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở, thực hiện các giải pháp đột phá về nhân lực, chuyên môn, cơ chế tài chính, đầu tư cho y tế cơ sở. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh; phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu.

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế; thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước và thiết bị y tế.

Tăng tỷ trọng chi tiêu công cho y tế, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và các nguồn lực cho y tế, ưu tiên phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, vùng nghèo, vùng khó khăn.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân cho y tế; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế./.

Nguồn: [Chinhphu.vn]

Admin

Video liên quan

Chủ Đề