Quy định về hồ sơ vay vốn ngân hàng

Ngân hàng thường xem xét khả năng trả nợ của doanh nghiệp khi quyết định cho vay và thường không giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt. Các khoản vay cần được theo dõi theo thời hạn trả nợ (lịch trả nợ) và đối chiếu với ngân hàng thường xuyên...

Tổng quan về vay vốn ngân hàng

Xét duyệt hồ sơ cho vay

Quy định về hồ sơ vay vốn ngân hàng
Ngân hàng thường xét duyệt hồ sơ cho vay thông qua vốn điều lệ (vốn điều lệ càng cao thì trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp càng cao), thông qua khả năng trả nợ (đánh giá doanh thu các năm trước để xem doanh nghiệp có nguồn thu để trả nợ hay không). Đôi khi các ngân hàng chú trọng doanh thu hơn là vốn điều lệ. Hồ sơ các ngân hàng thường yêu cầu bao gồm:

Tờ khai thuế giá trị gia tăng năm trước: Xem xét doanh thu đã kê khai thuế có đảm bảo nguồn thu để trả nợ không

Khoảng 15 - 20 hoá đơn giá trị gia tăng đầu ra để xác định mức doanh thu trên tờ khai thuế có căn cứ không (thường ngân hàng không yêu cầu 100% hoá đơn mà chỉ cần lấy mẫu 15 - 20 hoá đơn)

Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất (một số ngân hàng chỉ yêu cầu báo cáo tài chính của năm trước)

(Đôi khi nhân viên ngân hàng cũng không yêu cầu hồ sơ quá đầy đủ, họ chỉ cần tài liệu để lưu trữ và báo cáo xét duyệt khoản vay nên một số trường hợp có thể flex được)

Giải ngân khoản vay

Ngân hàng thường không giải ngân vào tài khoản thanh toán hoặc giải ngân bằng tiền mặt cho bạn đâu (tránh trường hợp vay về tiêu dùng không kiểm soát được). Họ sẽ giải ngân thông qua hợp đồng bạn ký và hoá đơn bên bán xuất. 

Nếu bên bán là pháp nhân (doanh nghiệp): Hồ sơ giải ngân thường bao gồm hợp đồng, hoá đơn giá trị gia tăng và hồ sơ bàn giao hàng hoá đã mua

Nếu bên bán là cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh: Hồ sơ giải ngân thường bao gồm hợp đồng, hoá đơn bán hàng (hoá đơn trực tiếp), hồ sơ bàn giao hàng hoá đã mua

Nếu bên bán là cá nhân không kinh doanh (ví dụ bên bán là cá nhân thu gom phế liệu về bán lại cho công ty sản xuất bao bì): Hồ sơ giải ngân thường bao gồm hợp đồng mua hàng, bảng kê thu mua (mẫu 01 theo thông tư 78/2014) và hồ sơ giao nhận hàng đã mua

Trường hợp giải ngân để thanh toán lương (thường áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất hoặc xây lắp có sử dụng nhiều nhân công): Hồ sơ giải ngân thường bao gồm bảng lương, hợp đồng lao động và bảng tính nộp bảo hiểm xã hội kèm theo thông báo kết quả đóng bảo hiểm.

Tuỳ từng ngân hàng mà hồ sơ giải ngân có thể thêm bớt một số tài liệu (ví dụ có ngân hàng không chấp nhận hồ sơ bàn giao giữa thủ kho hai bên mà phải là biên bản bàn giao ký giữa hai giám đốc, trong khi thực tế có mấy khi giám đốc nhận hàng đâu :D)

Hồ sơ vay vốn doanh nghiệp cần lưu giữ

Giấy tờ từ phía ngân hàng thường có đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ. Đúng ra hợp đồng thường phải ký giữa hai bên nhưng bên đi vay thường phải ký trước, sau đó ngân hàng mới trả lại hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ cho bạn.

Hồ sơ kế toán cần lưu giữ bao gồm:

Hợp đồng tín dụng

Đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ 

Lịch trả nợ (hoặc kế hoạch trả nợ)

Đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ có giá trị tương đương chứng từ thanh toán qua ngân hàng (là một điều kiện để khấu trừ và hoàn thuế). Lưu ý tài khoản vay không cần đăng ký với cơ quan thuế hoặc sở kế hoạch và đầu tư (Công văn 4807/TCT-KK ngày 17/10/2017 của Tổng Cục thuế)

Hạch toán kế toán

Khi ngân hàng hoàn thành việc giải ngân khoản vay: Nợ TK331/Có TK341

Định kỳ trả gốc vay: Nợ TK111,112/Có TK341

Trả lãi vay: Nợ TK635/Có TK112 (nếu lãi vay được vốn hoá: Nợ TK241/Có TK112)

Cuối năm, trích trước chi phí lãi vay: Nợ TK635,241/Có TK335

Phân loại khoản vay ngắn và dài hạn, ví dụ: Bạn vay 6 tỷ thời hạn từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2020, mỗi tháng trả 250 triệu thì tại 31/12/2018, khoản vay được phân loại như sau:

Phần gốc phải trả trong năm 2019 được phân loại là vay ngắn hạn: 250 triệu * 12 tháng = 3 tỷ

Phần gốc vay phải trả trong năm 2020 được phân loại là vay dài hạn: 250 triệu * 10 tháng = 2,5 tỷ

(Cách phân loại được quy định tại thông tư 200/2014 của Bộ Tài chính)

Một vài lưu ý về chi phí lãi vay

Thứ nhất, Thuế sẽ loại chi phí lãi vay nếu góp vốn ảo hoặc góp thiếu vốn điều lệ

Dấu hiệu nhận biết việc góp vốn ảo là quỹ tiền mặt lớn, tạm ứng nhiều hoặc cho vay nhiều. Nếu cơ quan thuế thấy một trong ba dấu hiệu trên mà doanh nghiệp bạn lại đi vay thì chi phí lãi vay sẽ bị loại (thông tư 78/2014, thông tư 96/2015). Nếu bạn đăng ký vốn điều lệ thấp để tránh vốn ảo thì ngân hàng lại đánh giá tín nhiệm của bạn thấp khi cho vay. Đây là một khó khăn thường gặp đối với doanh nghiệp mới thành lập cần kế toán có cách xử lý khéo léo tuỳ vào thực tế của mỗi doanh nghiệp

Thứ hai, chi phí lãi vay của bên khác không phải là tổ chức kinh tế 

Vay cá nhân vượt 150% lãi suất cơ bản sẽ bị loại khi tính thuế. Lãi suất cơ bản hiện tại là 9%/năm.

Thứ ba, chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết bị khống chế ở mức 20% * (Lợi nhuận thuần + Chi phí lãi vay + Chi phí khấu hao). Khống chế này được quy định tại nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Nếu gặp vướng mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn

Xem thêm các bài viết tại website: http:\\dailythuetrongdat.com

Quy định về hồ sơ vay vốn ngân hàng

07 điều người dân cần biết khi vay vốn ngân hàng (Ảnh minh họa)

1. Điều kiện vay vốn ngân hàng

Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:

- Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.

Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

- Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.

- Có phương án sử dụng vốn khả thi.

- Có khả năng tài chính để trả nợ.

- Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

2. 06 nhu cầu vốn không được cho vay

Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn:

- Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

- Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.

- Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

- Để mua vàng miếng.

- Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

- Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

+ Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;

+ Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

+ Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

3. Khách hàng được vay ngân hàng bao nhiêu tiền?

Tổ chức tín dụng căn cứ vào phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng để thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay.

4. Khi vay ngân hàng có cần thế chấp tài sản?

- Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận.

Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan.

- Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.

- Khách hàng, bên bảo đảm phải phối hợp với tổ chức tín dụng để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm tiền vay và quy định của pháp luật.

Như vậy, việc có thế chấp tài sản khi vay ngân hàng hay không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa ngân hàng và người đi vay.

5. Hồ sơ đề nghị vay vốn ngân hàng

Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn tại mục (1) và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn.

6. Lãi suất cho vay vốn ngân hàng

- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa.

Các trường hợp Ngân hàng Nhà nước có quy định về lãi suất cho vay tối đa

Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

- Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại;

- Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

- Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

- Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay.

Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

- Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay.

Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.

7. Cách tính lãi khi không trả nợ đúng hạn

Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

- Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

- Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

8. Các loại phí khách hàng phải trả khi vay vốn ngân hàng

Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, gồm:

- Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.

- Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.

- Phí thu xếp cho vay hợp vốn.

- Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu.

- Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

9. Nguyên tắc cung cấp thông tin khi vay vốn ngân hàng

- Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay:

+ Lãi suất cho vay;

+ Nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh;

+ Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn;

+ Lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả;

+ Phương pháp tính lãi tiền vay;

+ Loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay;

+ Các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này.

- Khách hàng cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng:

+ Các tài liệu tại mục (3);

+ Báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay;

+ Các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.

Căn cứ pháp lý: Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Quyết định 312/QĐ-NHNN.

>>> Xem thêm: Tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội được thành lập nhằm mục đích gì? Quy trình bầu tổ trưởng của tổ này được thực hiện như thế nào?

Diễm My

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN