Review Sau khi ly hôn em vẫn còn mặc áo khoác của anh

Nguyên Dã kết hôn cùng ảnh đế Phương Thiệu Nhất được mười năm, cuối cùng lại tới cục dân chính nộp đơn ly hôn, sổ hồng nay thành sổ xanh. Ngày trước kết hôn thì rầm rộ thông báo với thiên hạ, bây giờ ly hôn lại giấu lại giếm, cũng không ai dám hé lời.

Chủ nhà không đọc luyến đồng, nhược thụ, nhược công, đa công, đa thụ, np, incest, thuần H văn.... Không mang tính chất nhận xét nhiều, chủ yếu là giới thiệu cho các bạn biết thui. Sẽ đăng khi đã đọc được 70% truyện trở lên. Hầu hết sẽ có trên wattpa...

Mình đọc liền một mạch hai bộ này trong mấy ngày. Thực ra bình thường cũng không đọc lâu như vậy, nhưng vì bận bịu quá, lại phải đọc từng chương lúc rảnh rỗi. Mà cũng nhờ vậy mà mình cảm nhận truyện tốt hơn hẳn.

Tác giả viết truyện thường có hai lối viết, thứ nhất là những bộ dài hơi, nội dung đồ sộ, nhân vật nhiều, cốt truyện nhiều bí ẩn, cái nọ chồng chất cái kia, âm mưu thủ đoạn… Còn thứ hai, là lối viết tâm lý, sinh hoạt, đời thường, chuyện lông gà vỏ tỏi. Với mình cả hai cách viết đều cuốn hút theo cách riêng, nhưng nếu để nhận xét mình sẽ đánh giá cách viết thứ hai cao hơn một chút. Vì đây là cách viết rất khó, bản thân tác giả phải tinh tế đến nhường nào mới có thể từ vài cảnh sinh hoạt mà viết được một câu truyện cuốn hút cơ chứ? Truyện hào hùng thì dễ đọc rồi, vì nội dung hoành tráng, người đọc bị cuốn vào cảm xúc vỡ òa khi mưu kế này bí ẩn kia được tiết lộ. Thế nhưng viết được chuyện đời thường hay thì khó, vì nó dễ chán, miêu tả không đủ thì không tới, hời hợt mà thành ra cốt truyện theo lại lối mòn.

Bất Vấn Tam Cửu (dưới mình sẽ gọi là chị Chín nhé) là một tác giả mình chưa hề biết, cũng chưa đọc qua tác phẩm nào, thế nhưng sau khi đọc xong hai bộ của chị, mình phải viết review ngay và luôn nếu không cảm xúc và con chữ sẽ tuột đi mất.

Chị Chín viết truyện theo kiểu thứ hai, tức là viết về đời thường, miêu tả khắc họa hành trình tâm lý nhân vật. Có một số đại thần khác mình chưa đọc truyện qua, nên không dám so sánh, thế nhưng truyện của chị Chín thực sự đẳng cấp. Cả “Hình xăm” và “Sau khi ly hôn em vẫn mặc áo khoác của anh” là hai bộ viết về hành trình yêu đương của hai cặp đôi. Hai cặp này đều có nét chung hao hao nhau, chắc vì viết liền nhau nên hơi ảnh hưởng đôi chút, hoặc đấy vốn là hình mẫu của chị Chín. Công nội liễm, chín chắn, hành động cẩn trọng, thụ năng nổ hoạt bát, thẳng thắn, yêu dám nói dám làm.

Truyện của chị Chín, là truyện ấm áp, có chút ngược chút giận điểm xuyết để người đọc cảm nhận rõ cái “tình” của các cặp đôi. Cả hai đôi từ hai bộ truyện đều là những người cũng đã đứng tuổi, đều ngoài 30 rồi. Người ta nói “tam thập nhi lập”, và trong truyện thể hiện rất rõ câu nhận xét này. Nhân vật của chúng ta trải qua cái thời ngông cuồng, ngoài ba mươi, họ biết rõ cái gì quan trọng, biết cái gì cần nâng niu, biết hạ cái tôi xuống, biết dứt khoát, biết thành thật với chính bản thân mình. Nếu thời trẻ, thời đôi mươi người ta yêu nhau vồ vập, yêu mãnh liệt như sóng dâng ngày biển động, thì tình yêu của các “anh già”; xin phép gọi là anh già vì mình cũng chẳng còn trẻ nữa rồi; nó dịu dàng, êm đềm, ấm áp như sóng dập dìu xô bờ cát trong ánh nắng vàng vậy.

“Hình xăm” là hành trình Tiêu Khắc chinh phục trái tim Chu Tội còn “Sau khi ly hôn em vẫn mặc áo khoác của anh” là hành trình hai con người vốn khắc sâu hình ảnh đối phương học cách làm hòa học cách thực sự chung sống với nhau. Cả hai đều là những câu chuyện rất nhẹ nhàng, hoặc là do văn phong mà bản thân mình thấy nhẹ nhàng, nhưng khiến người đọc nguyện chìm đắm vào đó mãi mà thôi.

Nhân vật của chị Chín cũng có một điểm rất giống mẹ đẻ mình, đó là cực kỳ tinh tế, tinh tế đến phát hờn. Dù là công hay thụ, thì người này cũng quan tâm để ý những cử chỉ nhỏ nhất của đối phương, đối phương đang buồn bực hay vui vẻ, chỉ liếc mắt qua là hiểu. Không chỉ vậy còn vô cùng bao dung, che chở người bên cạnh. Bình thường thì công là người đứng ra bảo vệ, che chở cho thụ theo motif cũ, nhưng trong truyện của chị Chín, cả hai bên đều săn sóc cho nhau, như cảnh Nguyên Dã vì Thiệu Nhất là minh tinh mà ngày ngày skincare, bôi bảy bảy bốn chín lớp dưỡng da cho anh. Hay như đoạn Tiêu Khắc vì xua tan nỗi ám ảnh của Chu Tội mà nằm hát ru cho anh cả đêm. Chị Chín lồng ghép những chi tiết nhỏ bé xíu xiu vào, những chuyện sinh hoạt dường như chẳng to lớn gì, nhưng vậy cũng đủ để mình cảm nhận tình yêu giữa các nhân vật đẹp đẽ và sâu đậm nhường nào.

Nhưng ngoài hành động, lời nói, đối đáp của nhân vật cũng được chị Chín trau chuốt cực điểm, chỉ một câu gọi “anh Nhất ơi!” một lời đáp “Ơi!”, hay một câu “Thầy Tiêu bảo vệ anh, đừng sợ”, một tiếng “Ừ” trầm thấp trong cổ họng, khiến trái tim bạn nhũn ra. Vì Tình quá! Mình không dám dùng từ ngọt, vì ngọt nhiều sẽ khé cổ, nhưng sự dịu dàng, tinh tế trong từng câu văn của chị Chín khiến hai thiên truyện tình trở nên khác biệt rất nhiều so với những bộ sủng ngọt khác. Hội thoại được chị Chín viết rất chuẩn, không thừa không thiếu, đúng lúc đúng hoàn cảnh, có lúc khiến câu chuyện trầm lắng lại, có lúc khiến độc giả tủm tỉm cười, nhưng đều duyên dáng lạ kỳ.

Cả Thiệu Nhất cả Chu Tiêu, vốn là những người đàn ông mạnh mẽ, rắn rỏi. Thiệu Nhất lăn lộn giới giải trí hơn hai chục năm, Chu Tiêu thì cũng từng chịu nhiều vấp váp suốt từ khi sinh ra đến giờ. Vậy mà bằng tình yêu, bằng cử chỉ quan tâm, bằng câu nói yêu thương mà Nguyên Dã và Tiêu Khắc đều khiến hai con người ấy thay đổi. Thiệu Nhất vốn điềm đạm, trầm ổn dần dần biết làm nũng, mè nheo với Nguyên Dã, Chu Tội mặt lạnh băng biết mỉm cười, ánh mắt tỏa ra luồng sáng ấm áp khi đọc được tin nhắn của Tiêu Khắc.

Nguyên Dã với Tiêu Khắc cũng thay đổi vì bản thân các anh muốn ở bên người mình yêu nhiều đến như nào. Nguyên Dã, Dã hầu tử, cũng thu liễm lại những lời thẳng thắn mà cay nghiệt vì Thiệu Nhất, vì không muốn rắc rối cho anh. Nếu là Tiêu Khắc của vài năm trước, có lẽ biết được đoạn quá khứ tăm tối của Chu Tội sẽ quay đi không trở lại, nhưng anh lại một lần nữa đến bên Chu Tội, vì anh lỡ yêu Chu Tội mất rồi. Có lẽ “Hình xăm” viết trước, nội dung ngắn hơn, cũng không quá nhiều gập ghềnh nên sự biến đổi của cặp đôi chính không thực sự rõ rệt. Sang “Sau khi ly hôn em vẫn mặc áo khoác của anh” nội dung dài hơi, nhiều chuyện lại kéo đến vài năm liền, thêm cả những phân cảnh quá khứ từ khi hai người mới đôi mươi nên câu chuyện nhiều cảm xúc thăng trầm hơn hẳn. Nếu đọc liền mạch hai bộ ắt hẳn sẽ thấy như một đoạn nhân sinh gặp gỡ, từ ngày phải lòng, tán tỉnh, đến thời gian ở chung, về dưới một nhà, có ngọt ngào có cãi vã, thế nhưng những người có lòng sẽ thực sự ở bên nhau.

Bên cạnh tuyến chính, những nhân vật thần trợ công của hai bộ đều rất đáng yêu. Tiểu Bắc và Tiểu Đào hàng ngày đều nhìn các anh phát cơm chó mà vẫn vui vẻ đến lạ, vì chính bọn họ cũng rất yêu thương những người anh của mình. Họ đều mong các anh sớm về với nhau, vì tình cảm rõ ràng quá rồi, đến mức bọn họ nhìn qua cũng hiểu.

Câu chữ tinh tế duyên dáng, nhân vật dịu dàng, trầm ổn, không khí truyện chậm rãi mà sâu sắc. Cả hai bộ truyện của chị Chín đều khiến mình rất thích, đôi lúc còn phải cảm thán, tinh tế nhường này, hiểu chuyện nhường này, bảo sao nhiều người thích có người yêu lớn tuổi, cảm thấy niềm tin vào tinh yêu khôi phục được đôi chút. Nếu đọc ngược nhiều quá, muốn tìm một bến đỗ cho tâm hồn, muốn cảm nhận được vẻ đẹp hoàn mỹ của tình yêu, thì cứ ghé qua nhà Muối, đọc “Hình xăm” hoặc “Sau khi ly hôn em vẫn mặc áo khoác của anh” và nhớ đọc chậm, thật chậm, để thấm từ câu từng từ, để đắm chìm hoàn toàn vào những áng văn rất “tình” ấy!