Số lượng dnnn cổ phần hóa từ năm 2000 2023

Mục tiêu, nhiệm vụ của cổ phần hóa, thoái vốn DNNN giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ xác định. Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu này, một khối lượng lớn công việc đã và đang chờ đợi bởi các DNNN được cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này hầu hết là các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Nhiều DN thuộc các tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ phải thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020. Ảnh: ST.

Hoàn thành cổ phần hóa 137 DNNN

Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành vào những ngày cuối cùng của năm 2016 và có hiệu lực từ tháng 2/2017. Quyết định này được xem như là tin vui đối với nền kinh tế sau khi trải qua giai đoạn 2011-2015 với nhiều kết quả đạt được thì năm 2016, tiến trình cổ phần hóa DNNN bắt đầu chậm lại. Đáng ghi nhận là Quyết định 58/2016/QĐ-TTg không chỉ đưa ra 4 danh mục phân loại DN với các tiêu chí một cách chung chung, mà đã điểm mặt chỉ tên 240 DN cụ thể. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ cổ phần hóa 137 DNNN bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc [Vinafood 1], Tổng công ty Lương thực Miền Nam [Vinafood 2], Tổng công ty Thuốc lá... và đến cuối năm 2020, sẽ chỉ còn 103 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trong số 137 DN sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa chậm nhất vào cuối năm 2020, bên cạnh 4 DN Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ, 27 DN Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ sau cổ phần hóa thì đáng chú ý nhất là danh mục thứ tư - DN Nhà nước chỉ còn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ với 106 DN. Được biết, có những DN tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ sau 2020 là 0%. Việc thoái vốn tại 106 DN này được xem là cơ hội lớn để các thành phần kinh tế tư nhân được tham gia đầu tư, kiểm soát các DNNN theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.

Nhưng cần phải lưu ý, theo danh sách các DN sẽ cổ phần hóa từ nay tới 2020, có thể thấy đa phần trong số đó là những tập đoàn, tổng công ty lớn. Đơn cử như 4 DN tiến hành cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ có Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam [TKV], Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [Agribank], Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí [thuộc PVN], Công ty TNHH MTV Khoáng sản. Chưa hết, 27 DN mà Nhà nước sẽ nắm 50-65% vốn điều lệ có các ông lớn như VNPT, MobiFone, Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Trung, Nam [thuộc EVN] hay Điện lực Hà Nội, điện lực TP.HCM, Vinafood 1, Vinafood 2,…

Cổ phần hóa là điều không bàn cãi, song rõ ràng, danh sách cổ phần hóa với một loạt "ông lớn" hiện đang nắm giữ nguồn lực khổng lồ của Nhà nước cũng cho thấy, chưa tính tới những trở lực liên quan đến lợi ích nhóm, chỉ riêng một khối lượng công việc rất lớn sẽ phải giải quyết từ nay đến 2020 để đảm bảo hoàn thành việc cổ phần hóa các DN này cũng đã là một thách thức cho việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa.

Băn khoăn về con số 103 DNNN giữ lại sau 2020, trong đó 70% là DNNN của địa phương là quá nhiều, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, Nhà nước nên thu hẹp lại những lĩnh vực tham gia, chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những lĩnh vực mà các DN khác không sẵn sàng đầu tư, còn những lĩnh vực thuần túy thương mại, kinh doanh thì nên trả lại cho thị trường. Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng, việc cổ phần hóa DNNN thành công hay không phụ thuộc vào quyết tâm chính trị, năng lực thực hiện của bộ máy thực hiện và điều này nằm gọn trong tầm tay của Nhà nước, bởi sự cản trở tiến trình này chỉ xuất phát từ chính chủ sở hữu DNNN và bản thân DNNN mà thôi.

Chú trọng chất lượng, hiệu quả cổ phần hóa

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, trong báo cáo về tái cơ cấu DNNN năm 2016 và quý I/2017, Bộ Tài chính cũng nhận định, tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra do các đơn vị đang thực hiện xây dựng lộ trình, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị DN. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Để thực hiện mục tiêu cổ phần hóa các DN lớn, cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020" với nhiều mục tiêu được đề ra. Trong đó, mục tiêu quan trọng là sẽ thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Tại đề án này, bên cạnh tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại DN; sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại DNNN và DN có vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.

Đánh giá về triển vọng hoàn thành kế hoạch 2016-2020, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Quyết định 58/2016/QĐ-TTg đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn. Với 137 DN phải cổ phần hóa từ nay đến 2020, các bộ, ngành, địa phương có chức năng quản lý DN nào thì phải có nhiệm vụ lập phương án cổ phần hóa để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các giải pháp đã mềm hơn khi đã bỏ một loạt các giới hạn về cổ đông chiến lược, không nhất thiết phải bán cổ phần ngay lần đầu, không nhất thiết phải bán đúng giá quy định mà có thể giảm giá… "Tất cả những điều đó cho thấy, có thể cổ phần chưa bán hết nhưng cổ phần hóa sẽ được triển khai ở mức độ khác nhau", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương từng cho rằng, về số lượng, hoàn toàn có khả năng nhanh chóng chuyển 137 DNNN thành công ty cổ phần trong giai đoạn 2016-2020. Cơ sở được ông Hiếu dẫn chứng chính là việc từ 2003-2006, cả nước đã từng cổ phần hóa gần 2.700 DN, đạt trung bình 670 DN/năm. Sự phát triển của thị trường chứng khoán, việc đổi mới cơ chế cổ phần hóa, đồng thời, sự quyết tâm hoàn thành kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ đã và sẽ tác động rất lớn đến kết quả thực hiện. Song ông Hiếu cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng không nằm ở số lượng DN chuyển đổi, mà là đóng góp thực sự tích cực và hiệu quả của cổ phần hóa và cải cách DNNN vào tái cơ cấu kinh tế cũng như sự phát triển chung của đất nước. Do đó, trong giai đoạn 2016-2020 cần có các giải pháp căn bản hơn như cải thiện quản trị DNNN theo chuẩn mực quốc tế, áp đặt kỷ luật thị trường và kỷ luật tài chính đối với DNNN; thay đổi căn bản cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước, loại bỏ những ưu đãi, lợi thế của DNNN…

Chủ Đề