Sử dụng công nghệ cao trong sản xuất để giảm chi phí năng lượng tiết kiệm nguyên liệu

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, thì các giải pháp về công nghệ mới cũng cần được áp dụng để nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng, đẩy lùi các công nghệ cũ.

Tại Diễn đàn “Năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8/2019 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện nay các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng [LPG] từ năm 2023.

Cụ thể, Thứ trưởng cho biết, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm. Với kịch bản tăng trưởng này, thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh điện.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, vào khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,5% trong giai đoạn 2026-2030 [trong khi có thời điểm trước đây tăng trưởng tới hơn 12%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng trung bình là 11%] nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng

Tính đến nay, hệ thống điện Việt Nam có khoảng 54.000MW điện bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000MW công suất nguồn điện.

Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu phụ thuộc từ bên ngoài...

Do đó, trong bối cảnh hiện nay khi Quốc hội đã thông qua chủ trương tạm dừng các dự án điện hạt nhân; Các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết; Tiềm năng, trữ dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn do giá thành còn cao... thì việc thúc đẩy các hoạt động, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong ngay thời gian trước mắt, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững [Bộ Công Thương] cho biết, theo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đến năm 2030, sẽ phấn đấu giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018: ngành thép từ 5-16,5%; hóa chất hơn 10%; xi măng gần 11%; nhựa từ 21,55 – 24,81%... Đối với các khu, cụm công nghiệp, sẽ có từ 70-90% máy móc được tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

“Hiện nay, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Do đó, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%”, ông Trịnh Quốc Vũ thông tin.

Tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, so với mức trung bình của thế giới, tiêu thụ năng lượng Việt Nam chỉ bằng khoảng 30-35%, tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 60%. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, vấn đề sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng mới là điều cần được quan tâm đặc biệt.

Hiện nay ở Việt Nam, năng suất lao động những năm gần đây đạt gần 10.000 USD, chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia... Trong khi đó, tốc độ tăng sử dụng điện quốc gia của Việt Nam trong thập niên qua luôn cao hơn 2-3 lần tốc độ tăng năng suất lao động.

Trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có thể gây ra tăng mạnh đầu tư “công nghệ cũ - tốn năng lượng”, rồi đô thị hóa, biến đổi khí hậu... cũng tạo áp lực lên việc cung ứng điện, ông Thiên nói.

“Do vậy, cần có cách tiếp cận mới về sử dụng năng lượng. Phải điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng [điện] cả từ phía cầu sử dụng, bằng giá bán, tiết kiệm điện...”, ông Thiên nhấn mạnh.

Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, thì các giải pháp về công nghệ mới cũng cần được áp dụng để nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng, đẩy lùi các công nghệ cũ.

Ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hôi tự động hóa cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận lại việc sử dụng năng lượng để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung.

Hiện nay, khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng [dân dụng, công cộng…] chỉ cần tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn led... sẽ tiết kiệm tương đương việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000MW.

Hay với điều hòa nhiệt độ, với khoảng 10 triệu chiếc điều hòa trên cả nước, nếu có công nghệ mới đưa vào để tiết kiệm được khoảng 10% lượng điện cũng tiết kiệm con số tương đối lớn... Việc sử dụng nhiệt độ thấp [18-22 độ C] không chỉ chênh lệch với ngoài trời ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây lãng phí tài nguyên năng lượng điện.

“Ngay các chương trình nghiên cứu khoa học về sử dụng năng lượng hiệu quả hiện còn ít, thậm chí chất lượng còn yếu kém. Các đề tài nghiên cứu cấp bộ, ngành, cấp cơ sở cũng rất ít đề tài nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả. Thời gian tới có thể đẩy mạnh vấn đề này hơn”, ông Nguyễn Quân nói.

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ mới trong việc tiết kiệm năng lượng, ông Vũ Trung Dũng - Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết hiện nay, Hòa Phát đang áp dụng phương pháp tận dụng hơi quá nhiệt cho việc nấu ăn cho các bếp ăn. Việc tận dụng hơi này giúp an toàn trong quá trình vận hành, nấu nướng, không gây cháy nổ; trong khi đó đầu tư thiết bị ít; giảm chi phí cho việc sử dụng khí gas trong các bếp ăn.

Qua thống kê, một tháng có thể tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng so với việc phải sử dụng khí gas, đại diện Công ty chia sẻ.

Cùng với đó, đưa ra những giải pháp tiết kiệm năng lượng, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, cần xác định khu vực sản xuất công nghiệp tiếp tục là đối tượng cần nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng hơn nữa nhằm đạt được kỳ vọng giảm hệ số đàn hồi năng lượng.

Theo ông Vũ, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua việc triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật, tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường như giao thông vận tải và xây dựng.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã tiến hành nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô dưới 50.000 tấn/năm”. Đây là nhiệm vụ thuộc Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô chủ trì thực hiện.

Những nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025, là phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam theo hướng bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ tân tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng.

Đối với các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp có quy mô dưới 50.000 tấn/năm, thiết bị chủ yếu được sản xuất từ năm 2000 trở về trước. Tuy thường xuyên được cải tạo, tu bổ, nhưng nhiều công đoạn vẫn hoạt động bán tự động, vận hành dây chuyền sản xuất được thực hiện theo kinh nghiệm của người vận hành, thiếu sự chuẩn hóa và ban hành các quy trình vận hành chi tiết. Đặc biệt là đối với mỗi thiết bị cụ thể có độ ổn định vận hành không cao, do đó gặp khó khăn trong việc duy trì công năng ổn định, không kịp thời điều chỉnh dẫn đến mất ổn định về chất lượng sản phẩm, thất thoát nguyên vật liệu, tiêu hao năng lượng lớn. Để giải quyết được bài toán nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất, vệ sinh an toàn và bảo vệ môi trường, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải triển khai đồng bộ, kết hợp các giải pháp kỹ thuật và quản lý, kiểm soát công nghệ khả thi, hiệu quả.

Khảo sát phân loại chất lượng nguyên liệu tại Mục sơn

Với mục tiêu của Nhiệm vụ là xây dựng được một số giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng trong quá trình sản xuất tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô dưới 50.000 tấn/năm, sau thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá thực trạng vận hành sản xuất tại 08 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp điển hình trong nước, đã đánh giá hiện trạng sử dụng nguyên liệu, năng lượng và quản lý sản xuất, từ đó xây dựng, đề xuất được 13 giải pháp về kỹ thuật và 03 giải pháp về quản lý vận hành, giúp các doanh nghiệp sản xuất sử dụng hiệu quả nguyên liệu, năng lượng.

Hội đồng khoa học và công nghệ Bộ Công Thương nghiệm thu nhiệm vụ

Một trong những giải pháp kỹ thuật, quản lý đã được triển khai áp dụng tại Công ty cổ phần Giấy Mục Sơn [công suất 42.000 tấn/năm], như sử dụng xơ sợi trung bình làm lớp mặt của giấy testliner; sử dụng chế độ nghiền phù hợp; sử dụng cô đặc dạng đĩa thay cho cô đặc lưới nghiêng; sử dụng kết hợp keo chống thấm bề mặt với AKD; sử dụng sàng thải đuôi T2D để xử lý bột thải đuôi sau sàng thô; tận dụng triệt để nước làm kín, làm mát; bảo ôn đường ống; xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm; hướng dẫn phân tích và quy trình vận hành máy móc thiết bị. Kết quả bước đầu đem lại cho doanh nghiệp là sản xuất ổn định, nâng cao năng suất và chất lượng giấy bao bì công nghiệp; hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu hóa chất phụ gia trong quá trình áp dụng giải pháp như: sử dụng xơ sợi trung bình cho lớp mặt, kết hợp với điều kiện nghiền, cô đặc dạng đĩa chi phí giảm 305.712 VNĐ/tấn sản phẩm; chi phí hóa chất: màu giảm 23.220 VNĐ/tấn sản phẩm, chống thấm giảm 4.500 VNĐ/tấn sản phẩm; hiệu quả sử dụng năng lượng giảm khoảng 44.231 VNĐ/tấn sản phẩm khi sử dụng sàng thải đuôi T2D, bảo ôn đường ống hơi, sử dụng nước làm kín, làm mát [tổng chi phí giảm khoảng 6-7%]. Ngoài ra vấn đề về môi trường mang lại hiệu quả rõ rệt sau khi áp dụng giải pháp thể hiện qua thông số nước thải như: COD: 8mg/l; BOD5: 6,4 mg/l; độ màu: 99,25 Pt-Co; pH nước thải 7,6. Hệ thống chuẩn bị bột và năng suất máy xeo đạt 96% so với năng suất thiết kế. Các giải pháp quản lý giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc quản lý sản xuất, phân loại sản phẩm ngay từ công đoạn cắt cuộn lại, giảm thiểu thời gian dừng máy do các sự cố [tắc sàng.v.v], nâng cao công suất chạy máy.

 “Đây là một trong những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được thực hiện từ khảo sát, đánh giá, nghiên cứu , đến ứng dụng thực tế doanh nghiệp. Với mục tiêu đưa ra được các giải pháp kỹ thuật, quản lý cần thiết và khả thi áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất bao bì công nghiệp quy mô dưới 50.000 tấn/năm, mặc dù đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 trong thời gian thực hiện nhiệm vụ KHCN, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp ứng dụng là Công ty cổ phần Giấy Mục Sơn, mà nhóm đã hoàn thành tốt được nhiệm vụ”, chủ nhiệm nhiệm vụ KS. Nguyễn Đình Hải cho biết.

Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí đánh giá cao kết quả thực hiện Nhiệm vụ và những nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Sản phẩm của Nhiệm vụ đầy đủ về chủng loại, số lượng, khối lượng so với hợp đồng đã ký kết với Bộ Công Thương. Đặc biệt, một trong những kết quả của Nhiệm vụ đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất và được doanh nghiệp đánh giá có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị tiếp tục hoàn tất các thủ tục và sớm đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Công nghiệp Giấy.

Dương Xuân Diêu - Vụ Khoa học và Công nghệ

Video liên quan

Chủ Đề