Tại sao căng thẳng lại đau bụng

Stress là gì?

Stress là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác động nào đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Hay nói cách khác, stress là khả năng đương đầu với các biến cố trong cuộc sống.

Yếu tố thuận lợi gây stress:

- Môi trường bên ngoài: Thời tiết, tiếng ồn, giao thông, bụi, và sự ô nhiễm…

- Những căng thẳng từ xã hội và gia đình: Thời hạn của công việc phải hoàn thành, các vấn đề tài chính, công việc, các bài trình bày, mâu thuẫu, yêu cầu về thời gian và sự tập trung sức lực vào công việc hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè…

- Các vấn đề về thể chất: Thay đổi cơ thể, ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng…

- Loại hình thần kinh của bạn: Đôi khi, cách chúng ta suy nghĩ hay phiên giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra đem đến cho chính mình rất nhiều căng thẳng. Thường đó là những suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ: nếu trượt đại học, tương lai của tôi thật mù mịt; Nếu tôi không làm được thì mọi người sẽ cười chê tôi…

Stress có thể ảnh hưởng tới các bệnh đường tiêu hóa.

Các loại hình stress

Stress có thể ảnh hưởng đến bạn ở cả hai hình thức: ngay tức khắc [stress cấp tính] và theo thời gian [stress mạn tính]

Stress cấp tính [ngắn hạn] là sự phản ứng lại trong chốc lát của cơ thể đến bất kỳ trạng thái nào mà có vẻ như cực kỳ khắt khe và nguy hiểm. Mức độ stress của bạn còn phụ thuộc vào stress dữ dội như thế nào, lần cuối cùng trong bao lâu và bạn đối phó với tình trạng đó ra sao.

Hầu như qua một thời gian, cơ thể bạn nhanh chóng được hồi phục do stress cấp tính. Nhưng căng thẳng có thể gây ra nhiều vấn đề nếu nó xảy ra quá thường xuyên hoặc nếu cơ thể bạn không có khả năng để hồi phục. Với những người có vấn đề về tim, stress cấp tính có thể gây ra sự bất thường ở nhịp đập của tim [chứng loạn nhịp tim] hay thậm chí suy tim.

Stress mãn tính [dài hạn] gây ra bởi tình trạng căng thẳng hoặc các sự kiện kéo dài trong một thời gian dài. Điều này có thể bao gồm: có một công việc khó khăn hay đối phó với các dấu hiệu của bệnh mạn tính. Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe trước đó, thì stress có thể làm nó tồi tệ hơn.

Tác động của stress tới hệ tiêu hóa

Tác động của stress tới hệ tiêu hóa không chỉ dừng lại ở khó tiêu. Hệ tiêu hóa cực kỳ nhạy cảm với tâm trạng của con người. Stress  có thể khiến bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu, hơi thở hôi, rối loạn chức năng đại tràng. Trong đó, stress đóng vai trò lớn trong nhiều vấn đề về hội chứng rối loạn chức năng dạ dày ruột như: Hội chứng ruột kích thích [IBS], trào ngược dạ dày thực quản [GERD]…

Dạ dày và ruột thực chất có nhiều tế bào thần kinh hơn toàn bộ cột sống, do đó các bác sĩ coi hệ tiêu hóa là một “bộ não nhỏ”. Một xa lộ các dây thần kinh nối trực tiếp từ não tới hệ tiêu hóa, và thông tin được truyền đi hai chiều. Serotonin là một hormone rất quan trọng kiểm soát tâm trạng con người. Điều đáng chú ý là 95% hormone serotonin này nằm trong hệ tiêu hóa chứ không phải não.

Khi bị stress nặng, não sản sinh ra các hormone làm ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hóa, đồng thời sinh ra các steroid và andrenaline phục vụ cho việc chống chọi lại stress. Đôi khi các hormone này ảnh hưởng tới tâm trạng của bạn, làm cho bạn không muốn ăn gì khi bị stress. Một số trường hợp lại kích thích cơn đói của bạn, làm cho bạn cảm thấy thèm ăn khi bị stress. Mỗi người có mức độ và cách thức phản ứng khác nhau với stress, tuy nhiên có một số ảnh hưởng chung mà stress tác động lên hệ tiêu hóa.

Nếu bạn có các vấn đề về dạ dày, như bệnh trào ngược dạ dày, bệnh viêm loét dạ dày, chứng ruột bị kích thích, stress có thể làm cho triệu chứng xấu đi.

Trên thực tế, hệ thần kinh trung ương của cơ thể kiểm soát quá trình tiêu hóa. Nếu bạn quá căng thẳng, hệ thần kinh trung ương sẽ ngừng lưu thông máu và gây co cơ, khó tiêu.

Stress có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương [nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa], ảnh hưởng tới nhu động ruột, ợ nóng, cản trở miễn dịch của đường ruột. Ngoài ra, stress còn góp phần gây ra các vấn đề về tiêu hóa sau: Khó tiêu, trào ngược dạ dày, loét dạ dày-tá tràng, viêm đại tràng và bệnh Crohn…

Làm sao phòng ngừa các tác hại do stress?

Bất cứ một sang chấn tâm lý [stress] nào cũng có hai mặt. Phần tích cực sẽ thúc đẩy sự phát triển của con người, làm con người rắn rỏi, vững vàng trong cuộc sống. Phần tiêu cực ảnh hưởng rất lớn sức khoẻ nói chung và đặc biệt là hệ tiêu hoá nói riêng.

Để loại trừ stress bạn nên thực hiện như sau: Hạn chế những yếu tố thuận lợi có thể gây nên stress; Giữ cho thái độ và suy nghĩ đúng đắn. Điều quan trọng là thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng những ý nghĩ tích cực, vì căng thẳng tâm lý là do những suy nghĩ tạo nên theo cách nhận thức hoàn cảnh của mỗi người. Chúng ta hành động và cảm nhận theo những gì chúng ta nghĩ; Hãy thay đổi cách nghĩ của bạn; Hiểu đúng vấn đề sẽ giúp bạn loại bỏ được những nỗi lo sợ, lo âu, oán giận, trầm cảm, buồn bã… mà hậu quả là căng thẳng tâm lý; Một chế độ ăn uống đầy đủ giàu chất dinh dưỡng như vitamin B1, B3 [niacin], B5, B6 và B12, C, E và D, axit folic [trong lá rau xanh], biotin, sắt, magiê, mangan, phôtpho, kali, selen, kẽm, protein, chất béo và tinh bột; Nghỉ ngơi hoàn toàn chủ yếu bằng cách thư giãn thực sự; Mỗi ngày tập luyện thể dục thể thao. Chạy hoặc đi bộ 30 phút mỗi ngày, bơi lội…

Nếu thực hiện những điều trên mà vẫn không hết căng thẳng, bạn nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị.

Nếu bạn bị các vấn đề về tiêu hóa như hội chứng kích thích ruột, viêm loét dạ dày đồng thời thường xuyên bị stress, hãy sử dụng thuốc an thần để giúp bạn giảm bớt mức độ và ảnh hưởng của stress tới hệ tiêu hóa; Giảm tiết axit để tránh gây đau và loét đường tiêu hóa; Tăng cường miễn dịch và sức đề kháng của hệ tiêu hoá. Tuy nhiên dùng thuốc hướng thần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.


ThS. BS. Đinh Hữu Uân

Căng thẳng thần kinh khiến nhiều chị em bị đại tràng co thắt. Bệnh khi nặng, khi bớt nên có cảm giác như "giả vờ"

Chị Hà Thị B [45 tuổi, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An] phàn nàn vì bị rối loạn tiêu hóa trong nhiều năm, bụng thường trướng, đau âm ỉ...

Đặc biệt khi lo lắng, chị lại đau quặn bụng, những cơn đau kéo đến dồn dập, “đau như đau đẻ”, sau khi đi ngoài được thì đỡ hơn.

Bị bệnh mấy năm liền, chị B. chữa đủ các loại thuốc Đông y, Tây y đều không khỏi. Cách đây 5 tháng, chị đi nội soi đại tràng ở bệnh viện tỉnh và kết quả không có tổn thương trong đại trực tràng.

Kết quả hội chẩn kết luận chị bị hội chứng ruột kích thích  và được bác sĩ kê đơn điều trị. Chị uống thuốc có đỡ, nhưng mỗi lần có vấn đề gì lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, chị lại bị đau bụng, đi ngoài như trước.

Chia sẻ về trường hợp của chị B, PGS. TS. BSCC Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Tiêu hóa, Gan mật, cho biết: "Bệnh hội chứng ruột kích thích không chữa khỏi được hoàn toàn, nhưng nếu phát hiện đúng bệnh, uống thuốc đúng hướng dẫn, đồng thời điều chỉnh lối sống khoa học, phù hợp thì có thể giảm các triệu chứng, cải thiện được chất lượng cuộc sống của bệnh nhân".

Với chị B, bác sĩ Thắng khuyên nên cố gắng giảm bớt lo lắng, tránh mất ngủ kéo dài, điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập thể thao nhẹ nhàng phù hợp sức khỏe.

Nguyên nhân khiến hội chứng ruột kích thích nặng hơn có thể do căng thẳng - Bác sĩ Thắng cho biết.

Trái ngược với trường hợp “cứ gặp lo lắng là đau bụng, đi ngoài” như chị B, chị Vũ Thị H. [Hà Nội] mỗi khi căng thẳng là bị táo bón trầm trọng, có khi 7 ngày mới đi ngoài 1 lần, rất đau đớn, khổ sở. Hai năm qua, chị đã đi chữa khắp nơi, uống đủ các loại thuốc cũng không khỏi.

Điều khiến chị lo lắng nhất là bác sĩ không xác định được nguyên nhân khiến chị bị táo bón nặng và lâu như vậy, nội soi trực tràng cũng không thấy có tổn thương.

Trên thực tế có không ít trẻ em lo lắng về kết quả học tập kém, bị mắng mỏ nhiều, sợ đi học, cứ đến giờ học là đau bụng quằn quại.

Bác sĩ Thắng cho rằng, những đối tượng trên đều nằm trong nhóm bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích, theo các thể bệnh khác nhau. Điểm chung của họ là đều bị đau bụng, đi ngoài táo hoặc lỏng, nhưng không tìm thấy tổn thương trong ruột. Người bệnh có cảm giác như “đau giả vờ”.

“Người bị ruột kích thích thường rơi vào tình trạng luẩn quẩn: bị căng thẳng dẫn đến ruột kích thích, chữa mãi không khỏi, thậm chí không tìm ra bệnh, lúc nào cũng lo lắng, càng lo bao nhiêu thì bệnh càng nặng bấy nhiêu” – Bác sĩ Nguyễn Duy Thắng nói.

Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích gấp 2 lần nam giới 

Trục thần kinh não - ruột có hàng trăm triệu tế bào thần kinh. Khi thần kinh bị kích thích, thì tác động đến sự co bóp ở đại tràng, theo 2 cách. Cách thứ nhất là đại tràng thắt lại, dẫn đến táo bón. Cách thứ hai là đại tràng hoạt động co bóp quá nhiều, đẩy phân ra liên tục, dẫn đến tiêu chảy.

PGS.TS.BSCC Nguyễn Duy Thắng

Theo các bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa, 15% - 20% dân số trên thế giới mắc chứng ruột kích thích. Con số này ở Việt Nam chưa được thống kê đầy đủ, tuy nhiên, những người đang sống chung với ruột kích thích mà không biết có thể chiếm tỷ lệ còn cao hơn.

Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, phụ nữ mắc ruột kích thích nhiều hơn nam giới từ 2 – 3 lần. Nguyên nhân có thể do phụ nữ gặp nhiều vấn đề về tâm lý hơn.

“Stress tinh thần là nguyên nhân khiến nhiều chị em mắc ruột kích thích” – Bác sĩ Nguyễn Duy Thắng cho biết.

Theo vị bác sĩ có trên 40 năm công tác và điều trị các bệnh nội khoa tiêu hóa, phụ nữ thường gặp phải nhiều vấn đề khiến họ stress, căng thẳng. “Không chỉ lo lắng vì áp lực công việc, chị em còn trách nhiệm lớn với gia đình, chăm con, đưa đón con đi học, lo đối nội đối ngoại... Có thể nói phụ nữ stress tinh thần gấp đôi nam giới. Với người nào có đường ruột nhạy cảm, khi stress như vậy họ dễ mắc ruột kích thích”.

“Tuy nhiên, chị em nên hiểu rằng hội chứng này không phải bệnh hiểm nghèo, nếu điều chỉnh thì có thể sống chung với nó, tâm lý nhẹ nhàng hơn, sẽ chóng khỏi bệnh hơn” – Bác sĩ Thắng lưu ý.

Nếu với những người bị ruột kích thích do stress nặng, trầm cảm, các bác sĩ có thể kê đơn một loại thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, điều chỉnh lối sống, tập luyện nhẹ nhàng để cải thiện tâm trạng... vẫn là những giải pháp hiệu quả, không có tác dụng phụ.

Chữa bệnh hiệu quả nhờ tập luyện

Nhiều người học cách trấn tĩnh bản thân nhờ ngồi thiền, nghe nhạc, hít thở sâu hay những phương pháp thư giãn khác. Nghiên cứu cho thấy những liệu pháp này rất có tác dụng làm giảm cơn đau, tiêu chảy hay táo bón. Bạn có thể thường xuyên luyện tập, thư giãn ở bất kỳ nơi nào.

Người bị ruột kích thích không thích vận động đặc biệt khi triệu chứng bộc phát. Tuy nhiên, hoạt động thể chất hỗ trợ tiêu hóa, giảm căng thẳng, và tạo cảm giác hạnh phúc. Do đó, trước tiên, hãy chọn những hoạt động ít ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và đi vệ sinh trước khi tập. Người bệnh nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi tập luyện.

Video liên quan

Chủ Đề