Tại sao gọi là hồ gươm

Tại sao gọi là hồ gươm
Hồ Gươm là một danh thắng đẹp, nằm giữa trung tâm Thủ đô tráng lệ, cảnh sắc hữu tình nổi tiếng thơ mộng của Hà Nội 36 phố phường. Không những thế, Hồ Gươm còn là Hồ thiêng gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần. Từ xưa tới nay, vẻ đẹp thiêng liêng của Hồ Gươm đã làm say mê, ngây ngất bao lớp thi nhân, bao tâm hồn nghệ sĩ, làm du khách bốn phương không khỏi trầm trồ.

Hồ có tổng diện tích 12ha, là hồ nước ngọt tự nhiên của Thành phố. Hồ Gươm kéo dài 700m theo hướng Nam Bắc và rộng 200m hướng Đông Tây. Mặt hồ xanh biếc, bình lặng và trầm tư nằm giữa những khu phố cổ, những con đường tấp nập, mở ra một khoảng không thoáng đãng cho những sinh hoạt văn hóa của mọi người khi đến với Hồ Gươm. Ngoài ra, hồ còn gắn liền với các công trình kiến trúc nổi tiếng khác như: Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút…

Hồ Gươm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ… với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu.

Hồ Gươm có thể còn nhiều tuổi hơn cả kinh thành Thăng Long xưa. Lùi lại lịch sử để khám phá sự hình thành của Hồ Gươm, căn cứ vào bản đồ Hồng Đức (1490) và cả các tấm bản đồ sau này như: “Trung đô sơn xuyên hình thắng chi đồ” vẽ nǎm Cảnh Hưng 31 (1770), “Trung đô Thǎng Long thành nhất phủ nhị huyện đồ” (thế kỷ thứ XVII), “Thǎng Long thành Phụng thiên nhất phủ nhị huyện” nǎm Gia Long thứ chín (1810) thì Hồ Gươm lúc ấy chưa hình thành, nó là một nhánh cụt của sông Hồng. Không biết sau đó hồ được hình thành từ thời gian nào, đến tấm bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ nǎm Minh Mạng thứ 12 (1831) thì Hồ Gươm đã gần như ngày nay.

Trước kia hồ có tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh ngắt quanh năm). Cái tên hồ Hoàn Kiếm mới có từ thời Lê. Tương truyền Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có mò được một lưỡi kiếm dưới sông, lại tìm được cái chuôi ngoài ruộng. Lưỡi lắp vào chuôi vừa khít. Lê Lợi đem kiếm báu dưới cờ kháng chiến suốt mười năm đánh đuổi giặc Minh. Giải phóng đất nước, nhà vua đóng đô ở Thăng Long cũ và gọi là Đông Kinh. Một buổi, vua dạo thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng gặp một con rùa vàng lớn nhô lên mặt nước. Rùa nói: “Xin nhà vua trả kiếm thần cho Long Vương”. Kiếm vừa rút khỏi vỏ đã vút bay về phía rùa, rùa ngậm lấy và lặn biến mất. Từ sự tích này mà hồ Lục Thủy đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (hồ trả Gươm hay gọi tắt là hồ Gươm). Truyền thuyết đã thể hiện tư tưởng “đem chí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn” của dân tộc ta, đó là một bằng chứng cho lòng yêu hòa bình thiết tha của người Việt Nam, của Thǎng Long – Hà Nội. Đất nước của chúng ta từ xa xưa tới nay lúc nào cũng muốn hòa bình, nhưng nếu có ngoại xâm thì gươm của Thần linh nước Nam, lại được trao cho một dân tộc anh hùng bất khuất để bảo vệ toàn vẹn bờ cõi.

Vào thời Trần, thủy quân thường chiến tập trận ở hồ cho Chúa ngự trên lầu Ngũ Long xem, nên gọi là hồ Thủy Quân. Đến cuối thế kỷ XVI, chúa Trịnh dựng Phủ chúa với nhiều lâu đài, cung điện xây dựng bên bờ phía Tây của hồ, lúc này nhìn từ Phủ chúa ra hồ, phía hồ trên gọi là hồ Tả Vọng (nhìn từ bên trái) và phía hồ dưới gọi là hồ Hữu Vọng (nhìn từ bên phải). Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội, hồ Hữu Vọng đã bị chúng cho san lấp hết để mở mang phố phường, chỉ còn lại hồ Tả Vọng chính là hồ Gươm ngày nay. Cho dù vua chúa đặt tên gì thì đặt, nhưng dân chỉ quen gọi hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.

Hồ Gươm từ lâu đã đi cùng lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam và gắn liền với cuộc sống tinh thần của bao người dân Thủ đô, du khách nước ngoài. Nhà thơ Hy Lạp Ludemit phải sững sờ thốt lên “Hồ Gươm như chiếc lẵng hoa xinh xắn, đặt giữa lòng thành phố đẹp như thơ”. Một nhà báo nước ngoài có tên là Anian Xơn lại có một cái nhìn rất thực tiễn về cuộc sống và cũng rất hình tượng: “Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội – Việt Nam như một chiếc đèn kéo quân khổng lồ. Người và xe lướt theo nhau vội vã, hối hả bằng một lực đẩy cuộc sống vô hình. Hồ Gươm – chiếc đèn kéo quân ấy cứ quay mãi, quay mãi theo dòng chảy thời gian vô cùng tận…”. Hay, kiến trúc sư trưởng của một thành phố ở tận phía tây Australia đến Hà Nội lại có một cái nhìn khác: “… hồ Gươm là chiếc máy điều hòa nhiệt độ thiên nhiên vô giá, nếu ta biết giữ gìn”. Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội, là lá phổi khổng lồ lọc cho không khí Thủ đô trong lành.

Còn người sở tại, thần thơ Nguyễn Văn Siêu viết bài thơ tứ tuyệt:

Nhất trản trung phù địa

Trường lưu đảo tải thiên

Ngư châu xuân tống khác

Hồi trạo túc hoa biên

Tạm dịch:

Đất nổi giữa lòng một chén

Nước dài trở lật trời qua

Thuyền cá ngày xuân tiễn khách

 Quay chèo về ngủ bên hoa.

Hay theo sách Nghìn năm còn lại, NXB Hà Nội 1996, tr.153 của nhà văn Băng Sơn, nhà văn viết: “Hồ Gươm là một đóa phù dung say lòng! “Cái thứ hoa sáng trắng tinh như trinh nữ, trưa phớt hồng màu má ửng men rượu nếp, chiều đỏ thẫm như cây nến hồng đêm hợp cẩn, và khi hoàng hôn lan tỏa thì phù dung hoa ấy âu sầu buồn bã, nằm quanh gốc thành những nắm bông tím đậm của tàn rơi…”. Một cách vi von thật đáng yêu rất lẳng tình đời ấy của Băng Sơn đối với hồ Gươm.

 Hồ Gươm đẹp và duyên dáng, với hàng ngàn cây xanh tỏa bóng bên hồ, bốn mùa điểm hoa. Đón mùa hạ có hoa gạo đỏ tươi trước đền Ngọc Sơn, tháng năm hoa phượng cháy đỏ rực xen giữa những bằng lăng mang hoa màu tím Huế, Hồ điệp vàng tươi dưới nắng hè một bức tranh đầy màu sắc và lên thơ. Vào thời điểm đón xuân về, hồ Gươm nổi lên một rừng đào, rừng cúc. Bước đi nào cũng gặp hoa: Hồng đỏ, hồng vàng, hồng trắng, hồng xanh… điểm xuyết giữa những bãi cỏ xanh rờn, những bồn hoa, luống hoa bên hồ. Những hàng cây cổ thụ trăm năm gốc chồi lên sần sùi, rễ phụ buông thõng lãng đãng. Cây lộc vừng chín gốc ngả ra mặt nước hồ la đà soi bóng, cành gầy guộc rung rinh. Rặng liễu nghiêng mình soi bóng bên hồ. Mùa Thu, Đông, những hàng liễu thướt tha xõa mớ tóc dài cho gió trời lay động và mưa xuân trong làn sương mờ ảo. Quả là một cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú, đặc biệt nó lại ở chốn phố thị ồn ào.

Nằm giữa trung tâm hồ là tháp Rùa, hình ảnh tháp Rùa đã in sâu vào tiềm thức người dân Hà Nội nên trở thành một di sản không thể mất, nó đã nhập hài hòa trong toàn cảnh bố cục của Hồ Gươm. Tháp Rùa được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886, chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Tháp hình chữ nhật. Tầng một: chiều dài 6,28 mét (của 2 mặt hướng Đông và Tây), mỗi mặt có 3 cửa. Chiều rộng 4,54 mét, mỗi mặt có 2 cửa. Các cửa đều được xây cuốn, đỉnh thuôn nhọn. Tầng hai: chiều dài 4,8 mét, rộng 3,64 mét và có kiến trúc giống như tầng một. Tầng ba: chiều dài 2,97 mét, rộng 1,9 mét. Tầng này chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, đường kính 0,68 mét, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa). Tầng đỉnh có nét giống một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2 mét. Tháp Rùa ngoài giá trị là một công trình thẩm mỹ còn là nơi cho rùa phơi nắng và đẻ trứng. Khi nói đến hồ Gươm, chúng ta không thể không nhắc đến loại rùa mà giới khoa học đặt tên là Rafetus leloii. Rùa hồ Gươm gồm có bốn cá thể, trong đó một cá thể còn sống trong hồ (năm 2011 được thành phố Hà Nội trục vớt để chữa trị vết thương trên thân rùa) và ba cá thể đã chết (một được lưu trong đền Ngọc Sơn, một lưu trong kho của Bảo tàng Hà Nội và một đã bị giết thịt năm 1962 – 1963 khi bò lên vườn hoa Chí Linh). Rùa hồ Gươm là loài rùa lớn, là di sản vô giá gắn với những truyền thuyết lịch sử và văn hóa linh thiêng từ hàng ngàn năm nay, hiện rùa hồ Gươm thuộc diện động vật quý hiếm đang được Nhà nước bảo vệ.

Danh thắng hồ Gươm cùng với hàng loạt các di tích lịch sử – văn hóa có giá trị như đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, tượng vua Lê… đã trở thành  tụ điểm văn hoá, du lịch ấn tượng. Ngày Tết và những dịp lễ trọng đại của Hà Nội, của đất nước; nhân dân bốn phương đều về Hồ Gươm để chào đón năm mới, tham gia các sự kiện lịch sử. Du khách nước ngoài đến Việt Nam, không ai là không đến Hồ Gươm. Nữ văn sĩ Cộng hòa Liên bang Đức Annaliese Wulf  đã dành cả trang sách để tả về hồ Gươm, ca ngợi hồ Gươm hết lời, còn có một lời khuyên những ai đến Hà Nội – Việt Nam rằng: “Ai chưa một lần tới hồ, dạo quanh hồ, ngắm phong cảnh hồ, chưa nghe huyền thoại về rùa, coi như chưa đến Hà Nội, chưa đến Việt Nam”. Hồ Gươm không chỉ là một danh thắng của Thăng Long – Hà Nội mà còn là một trung tâm của một vùng văn hóa rất đặc biệt của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Bởi vậy, danh lam thắng cảnh hồ Gươm luôn là đề tài ngợi ca, là nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận của những thi nhân, nhạc sĩ và văn nghệ sĩ trong nhiều thời kỳ, là nơi thu hút sự chú ý, tham quan, vãn cảnh của người dân không những thời nay mà còn từ thời xa xưa. Cảm tác trước cảnh đẹp của Hồ Gươm, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải khi xưa đã viết:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn

Đài Nghiên tháp Bút chưa mòn

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

Ai đã từng một lần thong thả dạo vòng quanh hồ Gươm trên những con đường rợp bóng mát, và nghe những khúc hát về Hà Nội: “Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội. Ôi Hồ Gươm xao xuyến trong trái tim tôi…”. Hay “Xanh xanh quá bầu trời Hà Nội/Hồ Gươm xanh hay mắt em xanh”… sẽ cảm nhận được một sự diệu kỳ, một khoảng khắc sâu thẳm chợt đến của tâm hồn, ký ức Hà Nội như ùa về làm xao xuyến trái tim mỗi người Việt Nam.

Hồ Gươm là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất và lòng người. Là nguồn cảm hứng cho bao thi nhân, nghệ sĩ sáng tác những bài thơ, bản nhạc, tranh ảnh ngợi ca vẻ đẹp của Hồ Gươm ở những khía cạnh, thời điểm lịch sử khác nhau, nhưng vẫn không thể nào diễn tả hết tầm vóc, cốt cách, dáng vẻ văn hóa lâu đời của nó. Hồ Gươm mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của người Việt Nam ta, thân quen mà vẫn còn nhiều điều ta chưa khám phá hết.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Hồ-Gươm.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: ho guom.docx”]

Hits: 42892