Tham luận xây dựng trường chuẩn Quốc gia mức độ 2

 PHÒNG GD & ĐT MANG THÍT                                                                     CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG TIỂU HỌC LONG MỸ                                                                      Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BÁO CÁO THÀNH TÍCH
Về việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2

- Họ và Tên: Lưu Trí Dũng                    

- Sinh ngày 10 tháng 10 năm 1972                              Giới tính: Nam

- Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Long Mỹ

- Chức vụ : Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Mỹ.

 I. TÌNH HÌNH CHUNG CỦA NHÀ TRƯỜNG.

Trường tiểu học Long Mỹ được công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 từ năm học 2009. Kể từ khi được công nhận trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch củng cố giữ vững thành quả của một trường chuẩn quốc gia, từng bước phát triển nâng cao chất lượng dạy học, tu bổ cơ sở vật chất để hoàn thiện dần cho việc xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

1.Thuận lợi:

- Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác giáo dục nói chung, xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia nói riêng của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Long Mỹ, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể trên địa bàn .

- Ban đại diện cha mẹ học sinh luôn góp phần tích cực trong việc xây trường đạt chuẩn Quốc gia trong từng giai đoạn.

- Có sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, sự phối hợp có hiệu quả của Ban chấp hành Công đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội trong trường để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của Chi bộ, của chính quyền, của Công đoàn đề ra.

- Tập thể hội đồng sư phạm đoàn kết, nhất trí, có tinh thần trách nhiệm với mọi công tác được nhà trường phân công, đóng góp công sức để xây dựng nhà trường ngày một khang trang, thân thiện, vững mạnh.

2.Khó khăn:

- Một bộ phận cha mẹ học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ít quan tâm đến học tập, rèn luyện và phối hợp giáo dục con em cùng với nhà trường.

- Một số học sinh khuyết tật và khiếm khuyết ở các dạng nên việc giáo dục hòa nhập gặp khó khăn.

- Phòng học diện tích hẹp, bàn ghế 2 chỗ nên trở ngại trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

- Một số giáo viên tuổi lớn nên việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

- Trang thiết bị dạy học, bàn ghế còn thiếu, các phòng chức năng chưa có trang thiết bị bên trong, ngoài sân, cây xanh chưa có nhiều bóng mát.

- Chưa có nhà Đa năng, phòng thường trực và nhà để xe cho giáo viên.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, bản thân tôi đã thực hiện những việc làm để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 như sau:

II. NHỮNG VIỆC LÀM CỤ THỂ:

1. Công tác tuyên truyền nhận thức và phối kết hợp:

Như ta biết “Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”; chủ trương xây dựng trường chuẩn Quốc gia không những là của những người làm công tác giáo dục mà nó còn là của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; của cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội.... Mặc dầu trong Chi bộ, trong Hội nghị CBVC đều nhất trí cao với chủ trương Chi bộ và kế hoạch nhà trường nhưng tôi cảm thấy là kế hoạch đưa ra vẫn còn áp đặt, một số thành viên vẫn lo sợ khi nhà trường chưa hội tụ đủ các tiêu chí của trường Chuẩn. Nên trong các cuộc họp Chi bộ, họp hội đồng Tôi đều phân tích cho số giáo viên có tư tưởng chưa thông về việc nâng cao chất lượng của giáo viên, nâng cao chất lượng của học sinh là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong nhà trường theo sự phát triển của xã hội không chỉ các trường Chuẩn mà việc này là trách nhiệm, lương tâm nhà giáo. Nếu như chỉ dừng lại công tác tuyên truyền này trong nhà trường, thiếu sự tuyên truyền đến các tổ chức khác và nhân dân. Điều đó, dễ dẫn đến tính đồng thuận không cao giữa nhà trường và xã hội khi triển khai các biện pháp thực hiện chủ trương xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng trường chuẩn ngoài nhà trường thông qua các hoạt động như: phát biểu trong các lần họp Hội đồng Nhân dân, họp Đảng bộ, họp sơ tổng kết của UBND xã, họp Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh đầu năm, cuối năm...

Kinh nghiệm cho thấy, trong tham luận hay phát biểu cần hạn chế kể lể dài dòng về công việc đã làm hay báo cáo thành tích suông, mà là đi vào các công việc cụ thể mà nhà trường cần địa phương quan tâm giải quyết (cần chú trọng giải thích vì sao phải làm như vậy? Làm thế có lợi gì cho phong trào giáo dục địa phương? Hiện nay trường như thế nào? cần phải phấn đấu và đầu tư ra sao? đề xuất thực hiện về những vấn đề đã nêu. Có thế thì người nghe dễ hiểu hơn và đồng thuận cao hơn trong thực hiện.

2. Công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo:

Trong công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, bản thân hiệu trưởng là thành viên trong Hội đồng giáo dục và Ban xây dựng trường chuẩn Quốc gia của địa phương, là cán bộ quản lí trực thuộc Phòng GD&ĐT; vì là người trực tiếp với thực tế nhà trường, nên trong lĩnh vực giáo dục xây dựng trường chuẩn Quốc gia, không ai hiểu và nắm rõ nội dung xây dựng trường chuẩn của đơn vị mình hơn bản thân người hiệu trưởng. Chính vì vậy, tôi thực thi nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn Quốc gia, phải luôn xem mình như là một cán bộ giúp việc của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo; phải có ý kiến, tham mưu, đề xuất phương án để lãnh đạo địa phương và Phòng Giáo dục và Đào taọ quyết định các vấn đề về xây dựng trường chuẩn ngoài khả năng giải quyết của mình.

Ngoài việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương, tôi còn tích cực tham mưu cho lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất: Xây nhà xe giáo viên, phòng thường trực, sửa chữa chỉnh trang lại trường sở...Ngoài ra, để đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp 2 buổi/ngày, đầy đủ các nhân viên theo quy định, bản thân tôi qua mỗi lần duyệt kế hoạch phát triển trường lớp chú trọng tham mưu về tiêu chí số lượng cán bộ, nhân viên và tỷ lệ giáo viên hiện có của trường để lãnh đạo phòng xem xét chủ động điều động con người.

Tóm lại, trong triển khai xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, nhiệm vụ tham mưu của hiệu trưởng có vai trò quan trọng. Việc tham mưu càng tích cực sẽ giúp cho lãnh đạo địa phương và ngành có sự quan tâm hơn, chỉ đạo càng sát sao hơn và trường có điều kiện thuận lợi hơn trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

3. Công tác huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia xây dựng nhà trường:

Để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, ngoài việc nỗ lực chủ quan của thầy và trò nhà trường, sự lãnh đạo của ngành chủ quản cấp trên, chủ trương xã hội hóa giáo dục trong việc xây dựng và phát triển nhà trường là yếu tố vô cùng quan trọng. Xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2, trong công tác xã hội hóa giáo dục, nhà trường đã tập trung vào các lực lượng xã hội với nhiều nhóm đối tượng khác nhau để huy động, gồm:

- Lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp (lực lượng quan trọng quyết định sự đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường và cũng là lực lượng tạo cơ chế và tạo điều kiện cho việc XHHGD triển khai thuận lợi).

- Gia đình, cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh (lực lượng có nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích trực tiếp cùng chia sẻ với nhà trường và cũng là lực lượng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh).

- Các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Khuyến học,…

- Tổ chức họp phụ huynh toàn trường tuyên truyền vận động.

 - Chọn những phụ huynh có tâm huyết quan tâm đến việc học tập của con mình vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường..

- Tổ chức họp Ban đại diện CMHS của trường, thông qua kế hoạch hỗ trợ nhà trường trong việc đóng góp xây dựng, hỗ trợ các hoạt động dạy học.

4. Công tác xây dựng đội ngũ giáo viên:

- Quán triệt tư tưởng trong CB-GV-NV chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng chuyên môn bằng cách thực hiện tốt các quy chế, quy định và các phương án chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT.

Ngoài ra cần thực hiện tốt các biện pháp như đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt trên cơ sở đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi phương pháp dạy học như phương pháp "Bàn tay nặn bột", áp dụng mô hình quản lý học sinh theo mô hình trường học mới; tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn giao lưu với trường bạn, tham gia thi giáo viên dạy giỏi, làm và sử dụng đồ dùng dạy học, tổ chức các chuyên đề, thao giảng - hội giảng; bồi dưỡng về Tin học, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy một cách hiệu quả, thiết thực.Trang bị tốt sách giáo khoa, sách tham khảo cho giáo viên; đẩy mạnh công tác kiểm tra… Phát huy năng lực của mọi giáo viên bằng cách giao nhiệm vụ tạo cơ hội cho họ thể hiện, động viên khích lệ kịp thời (nêu gương, khen thưởng) để họ sẵn sàng bộc lộ hết khả năng của từng cá nhân vào công việc của tập thể.

  Ngược lại cũng cần giúp đỡ bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho những giáo viên còn hạn chế về năng lực chuyên môn như giao nhiệm vụ đồng thời phân công giáo viên có năng lực chuyên môn đôn đốc góp ý.

- Đổi mới tư duy trong công tác dạy học, các mối quan hệ.

- Ổn định số lượng giáo viên trong nhà trường đủ 1,5 theo định biên lớp học 2 buổi/ngày; tham mưu các cấp bố trí đủ giáo viên chuyên, nhân viên theo quy định.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên, chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên giỏi các cấp. Xác định mục tiêu công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên có tầm quan trọng chiến lược, có tính chất quyết định chất lượng giáo dục và dạy học trong nhà trường, bởi lẽ, lao động sư phạm là lao động sáng tạo, đòi hỏi người giáo viên phải có kiến thức sâu và toàn diện, luôn bổ sung cái mới nhằm hoàn thiện nghệ thuật sư phạm. Tính đa dạng, phong phú của hoạt động giảng dạy - giáo dục đòi hỏi người lãnh đạo nhà trường phải thường xuyên chú ý đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận và nghiệp vụ cho giáo viên.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng kĩ năng về sử dụng vi tính, trang Website của nhà trường. Giao cho giáo viên Tin học phụ trách. Đây là điều kiện thuận lợi để giáo viên trao đổi các thông tin giữa các thành viên trong nhà trường, giảm các cuộc họp có nội dung ít, qua đó, mỗi giáo viên có thể trao đổi, góp ý lẫn nhau dễ dàng hơn.

- Thường xuyên trau dồi ý thức trách nhiệm cho CB-GV-NV có thái độ tốt trước công việc được giao.

 - Quán triệt việc ý thức chấp hành sự điều động của tổ chức.

- Tăng cường xây dựng khối đoàn kết trong nội bộ làm tốt công tác khen thưởng, động viên thăm hỏi.

- Tăng cường xây dựng và củng cố các tổ chức đoàn thể trong nhà trường. Phân công các đồng chí Đảng viên là giáo viên làm cán bộ cốt cán trong các tổ chức đoàn thể, …

5. Công tác nâng cao chất lượng giáo dục:

- Thống nhất kế hoạch chương trình dạy học các lớp 2 buổi/ngày, tổ chức dạy để không còn học sinh yếu, giúp học sinh nắm vững kiến thức, kĩ năng ở trình độ chuẩn ngay tại lớp học, không cần phải học ở nhà. Ngay từ đầu năm học, nhà trường xác định cho giáo viên, học buổi thứ hai không nhằm mục đích rèn luyện thêm kỹ năng nhiều bài tập của môn Toán, Tiếng Việt mà chủ yếu cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tăng cường thể lực, phát triển năng khiếu, sinh hoạt tập thể và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ngay tại trường để các em vui hơn, khỏe hơn, vui chơi nhiều hơn, yêu trường, yêu lớp, yêu bạn bè.

- Mỗi giáo viên chủ nhiệm phải đổi mới phương pháp dạy học; coi trọng vai trò chủ thể của học sinh trong quá trình nhận thức, tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân, tạo cơ hội tối đa cho học sinh qua dạy học phân hóa, dạy học tích hợp. Trong các buổi dự giờ, chúng tôi chú ý đến nội dung bài học, giáo viên phải thiết kế thành các hoạt động học tập nhẹ nhàng, tự nhiên, vui vẻ trong không khí thân thiện, cùng hợp tác.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh phải đảm bảo qui chế, (Thông tư 30& Thông tư 22 sửa đổi bổ sung cho TT30) của Bộ giáo dục nhưng phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, tránh  căng thẳng, nặng nề. Thông qua kết quả để đánh giá chất lượng học sinh thúc đẩy được các tổ chuyên môn sinh hoạt với nhiều nội dung thiết thực, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dạy - học, kĩ năng trình bày bài làm cũng như chữ viết của học sinh được nâng lên rõ rệt, làm minh chứng để động viên khen thưởng giáo viên, học sinh kịp thời.

- Triển khai và xây dựng thực hiện kế hoạch tổ chức các hội thi trong năm như: “ Vở sạch, Chữ đẹp”, “Mỹ thuật”; “Kể chuyện Bác Hồ”; “ Violympic Toán”…, tăng cường sinh hoạt câu lạc bộ Tiếng Anh, Âm nhạc,TDTT, Mỹ thuật, Tin học và các môn năng khiếu khác; các môn thi trong Hội khỏe Phù Đổng như: bóng đá Mini, điền kinh, bơi lội,…

6. Gắn việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia với việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực:

- Ban chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gồm: Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp làm trưởng ban, đồng chí Chủ tịch Công đoàn là phó trưởng ban, các thành viên gồm đại diện các tổ chức Công đoàn, Hội đồng trường, đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên Tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm lớp để tổ chức và theo dõi đánh giá phong trào thi đua.

- Ban chỉ đạo quán triệt chủ trương, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

- Phân công thành viên trong ban chỉ đạo phụ trách từng nội dung.

- Mỗi tổ có kế hoạch hành động, tổ chức thảo luận nội dung, biện pháp thực hiện và đăng ký thi đua trong Hội nghị Nhà giáo và người lao động.

- Mỗi lớp tổ chức đăng ký thi đua ngay từ đầu năm học và được dán công khai.

- Tại các cuộc họp với lãnh đạo Đảng ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể trong xã như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Khuyến học và Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường. Trường đã giới thiệu các văn bản và kế hoạch xây dựng THTT-HSTC của trường trong năm học và để tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để tuyên truyền sâu rộng chủ trương này đến các lực lượng xã hội; Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đã đề ra chủ trương vận động cha mẹ học sinh xây dựng gia đình thân thiện gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa.

 - Cuộc họp các tổ trưởng chuyên môn nhằm xây dựng chuyên đề “thân thiện trong giảng dạy và trong công tác chủ nhiệm” để thực hiện tốt “dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập”.

- Trên cơ sở kế hoạch chung, Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách thực hiện nhằm thống nhất nội dung, yêu cầu chỉ đạo.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn lớp mình thực hiện các tiêu chuẩn quy định trong phạm vi lớp phụ trách.

- Tổ chức cho giáo viên phụ trách lớp, Chi đội trưởng, Chủ tịch hội đồng tự quản ký dưới cờ, đăng ký thi đua thực hiện tốt phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”

- Các bộ phận công tác, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định có kế hoạch phối hợp với nhà trường thực hiện theo kế hoạch trên.

 - Cuối học kỳ I, cuối năm học, các lớp, ban chỉ đạo sơ kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm thực hiện cho học kỳ II và những năm học tiếp theo. Nhà trường Có các hình thức thi đua khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể hoàn thành Xuất sắc phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”

7. Công tác xã hội hoá giáo dục trong xây dựng cơ sở vật chất :

- Bằng nguồn kinh phí tự chủ, nhà trường đã hoàn thành việc trang trí các khẩu hiệu trực quan, trang trí bên trong phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học.

- Huy động các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, phụ huynh trồng cây bóng mát sân trường và xung quanh trường.

 Nhận thức được xã hội hoá giáo dục có tầm quan trọng thiết thực trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Muốn nhà trường phát triển cần có sự đóng góp, tác động từ nhiều phía, đó là nhà trường, gia đình, và xã hội hay nói cách khác là lôi kéo gia đình và xã hội tham gia góp phần vào việc xây dựng nhà trường ngày một phát triển hơn. Xã hội hóa giáo dục không chỉ là công việc của ngành giáo dục mà là sự nghiệp của toàn dân, của mọi tổ chức kinh tế, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Xã hội hóa giáo dục không những là một giải pháp ngắn hạn trong lúc ngân sách nhà nước dành cho giáo dục còn hạn hẹp mà là một giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược. Xã hội hóa giáo dục nhằm đến thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, nhằm làm cho không chỉ thế hệ trẻ mà là mọi người dân được hưởng các quyền lợi mà giáo dục đem đến; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân, mọi tổ chức chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội phát huy cao nhất chức năng và trách nhiệm của mình đóng góp cho cho sự nghiệp giáo dục.

III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:

- 100% CBGV NV ổn định tư tưởng chấp hành tốt mọi kế hoạch của các cấp.

- Đoàn kết nội bộ tốt, các mối quan hệ rất hài hoà, thân thiện.

- 100% GV có trình độ trên chuẩn.

- 80% (16/20) Giáo viên giỏi ở cấp huyện, cấp tỉnh, 20% GVG cấp trường.

- Chất lượng học sinh được duy trì và ngày càng nâng lên một cách vững chắc. Nhiều học sinh tham gia giao lưu cấp huyện, cấp tỉnh.

- Nhà trường có các phương tiện dạy học hiện đại, có phòng dạy Ngoại ngữ, phòng Âm nhạc, phòng dạy Tin học. Lớp học đủ ánh sáng, có bảng chống loá, đủ bàn ghế chắc chắn, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

- Có nhân viên y tế và phòng y tế có đủ cơ số thuốc theo quy định; có đủ nước uống, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh, cho HS.

- Có đủ nhà vệ sinh riêng cho giáo viên và học sinh (riêng nam, nữ). Nhà vệ sinh an toàn, thuận tiện, đảm bảo đủ nước sạch và thường xuyên dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ.

-Trường tổ chức học 2 buổi/ ngày, có bán trú cho học sinh. Giáo viên thực hiện dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình và theo thông tư 30/TT-BGDĐT và TT 22/BGDĐT.

- Học sinh lên lớp và hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm đề đạt tỉ lệ 100%.

- Hiệu quả đào tạo sau 5 năm đạt 100%

- Học sinh được giáo dục các kĩ năng sống: Các kĩ năng giao tiếp, quan hệ giữa các cá nhân; kĩ năng tự nhận thức; các kĩ năng ra quyết định, suy xét và giải quyết vấn đề; kĩ năng đặt mục tiêu; kĩ năng ứng phó, kiềm chế; kĩ năng hợp tác và làm việc theo nhóm. Các em được trải nghiệm các kĩ năng sống thông qua các hoạt động học tập, hoạt động tập thể và hoạt động giáo dục NGLL. Được rèn luyện kĩ năng sống thông qua rèn ý thức chấp hành tốt luật lệ giao thông; biết tự chăm sóc sức khoẻ; biết giữ gìn vệ sinh, biết sống khoẻ mạnh và an toàn. Rèn luyện cách tự phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác. HS được GD kĩ năng sống thông qua rèn luyện và thực hiện các quy định về cách ứng xử có văn hóa, đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau. Không có hiện tượng kì thị, vi phạm về giới, bạo lực trong trường.

- Công tác xã hội hóa đạt được số tiền trong 5 năm trên 250 triệu đồng.

Với những thành quả mà nhà trường phấn đấu trong 5 năm trường đều đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và đã được UBND tỉnh về kiểm tra, công nhận trường tiểu học Long Mỹ đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 vào tháng 8 năm 2016.

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

Qua 5 năm nỗ lực trong công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia bản thân tôi rút ra được những kinh nghiệm như sau:

- Phải quán triệt công tác chính trị tư tưởng, khơi dậy truyền thống của nhà trường trong đội ngũ cán bộ công chức của đơn vị, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao, làm cho mọi thành viên trong nhà trường đều có tinh thần trách nhiệm đem hết sức lực và trí tuệ của mình vào việc xây dựng trường.

- Phải xây dựng kế hoạch có định hướng lâu dài, kế hoạch đề ra phải hết sức cụ thể, sát với đặc điểm tình hình nhà trường, kế hoạch thực hiện phải ước lượng được thời gian hoàn thành các tiêu chuẩn và phải thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh để đảm bảo kế hoạch được thực hiện tốt.

 - Phải tiên phong gương mẫu trong mọi phong trào để xây dựng được khối đoàn kết tập thể biết phát huy nội lực, có tinh thần tự giác thi đua, lao động, học tập vươn lên đạt mục đích phát triển giáo dục.

- Phải biết tận dụng sức mạnh nội lực, lôi kéo huy động sức mạnh ngoại lực cùng phối hợp chăm lo, đầu tư cho giáo dục.

- Phải tham mưu kịp thời, nội dung có trọng tâm, khi tham mưu các cấp luôn có giải pháp thực hiện mang tính khả thi cao.

- Phải phát huy cao tính chủ động sáng tạo đổi mới phương pháp dạy học, tham gia nhiệt tình có trách nhiệm vào các hoạt động giáo dục học sinh sao cho thật sự là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

V. ĐỀ NGHỊ:

Mặc dù nhà trường đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều hạn mục cần phải có sự hỗ trợ và đầu tư của các cấp lãnh đạo để nhà trường có điều kiện duy trì trường chuẩn Quốc gia mức 2 đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục trong những năm tiếp theo như sau:

* Phòng Giáo dục Đào tạo:

        -  Đầu tư xây dựng thêm các phòng chức năng, nhà đa năng, các phòng học và sửa chữa, nâng cấp các trang thiết bị trong các phòng học để đảm bảo nhu cầu phát triển của nhà trường trong nhưng năm tiếp theo.

        - Nâng cấp sửa chữa nhà vệ sinh của học sinh và của giáo viên.

            * Đảng ủy, UBND:

        -  Huy hoạch mở rộng thêm diện tích đất 1000m2 để có mặt bằng xây dựng thêm các phòng chức năng và các phòng học theo kế hoạch đề ra.

        - Tích cực tham mưu với UBND huyện trong việc tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường.

        - Quản lý hộ khẩu chặt chẽ hơn để nhà trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh và phổ cập giáo dục tiểu học ở địa phương.

          Trên đây là những công việc mà bản thân đã thực hiện trong những năm qua để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt mức độ 2. Rất mong được sự đóng góp của quí lãnh đạo và các bạn đồng nghiệp để trong thời gian tới bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó./.

Nơi nhận:

- PGD (b/c);                                                                                                         Người viết

- SGD ( b/c);

- Lưu.                                                                                          

                                                                                                                   Lưu Trí Dũng