Thẩm quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tranh chấp dân sự

Lê Thanh Hải (Tòa án nhân dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam )- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD đất) được xác định là Quyết định hành chính theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 và tại khoản 1, 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính (hướng dẫn tại mục 1 phần I Giải đáp số 02/GĐ-TA ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao).

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất (có yêu cầu hủy GCNQSD đất) cũng như giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến đối tượng khởi kiện quyết định hành chính là GCNQSD đất thì có những bất cập liên quan đến hoạt động tố tụng của cơ quan ban hành GCNQSD đất (cụ thể là Ủy ban nhân dân huyện và tỉnh) với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong vụ án dân sự) và người bị kiện (trong vụ án hành chính).

Theo quy định tại khoản 4 điều 57 của Luật tố tụng hành chính quy định quyền, nghĩa vụ của người bị kiện là “Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện”. Đồng thời tại điểm e khoản 1 điều 143 của Luật tố tụng hành chính thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi người bị kiện huỷ bỏ quyết định hành chính. Với quy định này thì trong quá trình giải quyết vụ án tài Tòa án, cơ quan đã ban hành GCNQSD đất có quyền hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người sử dụng đất khi bị khởi kiện.

Tuy nhiên, theo điểm d khoản 2 điều 106 của Luật đất đai năm 2013 quy định đối với trường hợp“Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.” Và khoản 3 điều 106 của Luật đất đai năm 2013 quy định “Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai”. Như vậy, trường hợp GCNQSD đất mà cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì trước khi thu hồi hoặc hủy bỏ bắt buộc phải qua thủ tục có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai mới được thu hồi, hủy bỏ.

Thực tiễn xét xử tại Tòa án đối với những GCNQSD đất bị khởi kiện thì thường không có hoạt động thanh tra để kết luận mà Tòa án thu thập chứng cứ và quyết định. Do đó, với quy định này thì trong quá trình tố tụng tại Tòa án, cơ quan đã ban hành GCNQSD đất không thể hủy Quyết định hành chính là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thu hồi được nên thường chờ Tòa án tuyên hủy Quyết định ban hành GCNQSD đất rồi mới căn cứ vào bản án để thu hồi GCNQSD đất. Điều này đã dẫn đến mâu thuẫn, trong các quy định của pháp luật về quyền của cơ quan cấp GCNQSD đất khi tham gia tố tụng tại Tòa án.

Kiến nghị và đề xuất

Từ những quy định của pháp luật như đã phân tích trên, đối với những trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 điều 106 của Luật đất đai năm 2013 thì cơ quan đã ban hành GCNQSD đất không thể tự mình quyết định thu hồi hay hủy bỏ GCNQSD đất mà mình phát hiện bị sai. Do đó, cần phải có sự sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thu hồi, hủy bỏ GCNQSD đất để có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật đất đai, Luật tố tụng hành chính và Bộ luật tố tụng dân sự nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động và quyền tự quyết định của cơ quan ban hành GCNQSD đất trong quá trình quản lý đất đai.

Nguồn: Tạp chí  điện tử Tòa án nhân dân

Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, nhất là các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian gần đây, xảy ra nhiều trường hợp đương sự yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo hướng dẫn tại mục 1 Phần I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016của Tòa án nhân dân tối cao về Giải đáp nghiệp vụthì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định cá biệt. Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Luật quy định “Tòa án có quyền” có nghĩa là Tòa án có thể hủy hoặc không hủy quyết định cá biệt. Theo logic, việc hủy hay không hủy quyết định cá biệt là kết quả của quá trình Tòa án xem xét, đánh giá quyết định cá biệt đó cùng với việc giải quyết vụ án. Vấn đề đặt ra là tùy từng trường hợp, Tòa án có thể xem xét hoặc không xem xét đến quyết định cá biệt. Thông thường, khi có yêu cầu của đương sự (hợp lệ) thì Tòa án xem xét đến quyết định cá biệt. Lúc này, Tòa sẽ xác định thẩm quyền giải quyết, tiến hành các thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ để cuối cùng đưa ra hủy hay không hủy quyết định đó. Đối với vụ án tranh chấp dân sự do Tòa án cấp huyện thụ lý, đương sự có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án cấp huyện chuyển đến Tòa án cấp tỉnh để giải quyết theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 BLTTDS. Tuy vậy, còn có trường hợp cá biệt theo hướng dẫn tại Điều 2, mục II Công văn số 64/TANDTC-PCngày 3/4/2019của Tòa án nhân dân tối caođó là“…khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất mà hợp đồng đó bị vô hiệu, nhưng người nhận chuyển quyền đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã được xác nhận nội dung biến động thì không đưa cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy tham gia tố tụng và không cần phải tuyên hủy giấy chứng nhận cấp cho người nhận chuyển nhượng. Khi Tòa án tuyên hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất vô hiệu thì Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án để giải quyết điều chỉnh biến động hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với kết quả giải quyết của Tòa án”.  

Trường hợp không xem xét đến quyết định cá biệt, Tòa án cấp huyện sẽ giữ lại vụ án để giải quyết. Vụ án sau đây là một ví dụ: 

Theo đơn khởi kiện và lời khai tại tòa, nguyên đơn là bà T trình bày: Gia đình bà có thửa đất được UBND huyện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu năm 2001, diện tích được cấp là 1.350 m2. Đến năm 2008 bà T tự kê khai lại và được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích được cấp 1.500m2 (tăng 150m2 so với giấy cũ). Nguồn gốc thửa đất là do hợp tác xã giao cho bố bà từ năm 1979, khi giao đất không có giấy tờ gì, không được cắm mốc. Năm 1980 vợ chồng bà T ra ở riêng trên đất này, khi đó trên đất có dãy bạch đàn của ông L, bà T hỏi mua dãy bạch đàn nhưng ông L không bán, sau này ông L đổi dãy bạch đàn cho ông N. Năm 2012, bà T xây tường bao khu đất nhưng ông N không đồng ý cho xây tường bao cả dãy bạch đàn nên bà T xây thụt lại, hai bên xảy ra tranh chấp đối với phần diện tích đất có dãy bạch đàn. Bà T yêu cầu ông N trả lại bà diện tích đất có dãy bạch đàn. Quá trình chuẩn bị xét xử, ông N không đề nghị hủy giấy chứng nhận đã cấp năm 2008 cho bà T, đến phiên tòa ông mới có yêu cầu. Tòa án đánh giá việc cấp giấy chứng nhận cho bà T năm 2008 không đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử tuyên bác yêu cầu của bà T nhưng không xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có ý kiến cho rằng việc Tòa án không xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giữ lại vụ án để xét xử là có căn cứ vì ông N đến phiên tòa mới có yêu cầu. Mặt khác việc Tòa án không tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp năm 2008 cho bà T không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông N và ông N có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định đó trong vụ án hành chính khác.

Theo quan điểm của tác giả, việc Tòa án cấp huyện giữ lại vụ án nêu trên để giải quyết là không đảm bảo. Bỡi lẽ, quy định tại khoản 1 Điều 34 BLTTDS cần được hiểu một cách rộng rãi là ngay cả khi các đương sự không có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án vẫn phải xem xét và có quyền hủy quyết định đó với điều kiện là quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.  Trường hợp trên rõ ràng có căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà T được cấp trái quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn nhưng không được Tòa án xem xét hủy quyết định cá biệt. Việc làm đó trái với hướng dẫntại Mục 7 Công văn số 89/TANDTC- PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao đó là: “...đối với tranh chấp liên quan đến ranh giới đất bị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn, nếu thấy cần thiết phải xem xét việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Tuy vậy, trường hợp thế nào là “cần thiết phải xem xét” còn có cách hiểu khác nhau, cần được đánh giá toàn diện. Theo tác giả, không phải vụ án nào liên quan đến yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng phải xem xét chuyển vụ án lên Tòa án cấp tỉnh. Trong điều kiện hiện nay, đối với các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý mà có căn cứ xác định quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làtrái pháp luật và phải hủy mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án nhân dân cấp huyện phải xem xétvà phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Ngược lại, đối với trường hợp qua xác minh giải quyết vụ án mà thấy không có căn cứ hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án cấp huyện tiếp tục giải quyết vụ án là phù hợp với quy định của pháp luật . /.

Nguyễn Thị Hồng Nhung - Viện KSND huyện Hiệp Hòa


Page 2

L đang đi bẫy chim về nuôi thì gặp anh T đang dừng xe bên đường đi vệ sinh, L nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại của anh T nên đã tiến lại gần chỗ anh T. Lúc này T chủ động hỏi L “Đi đầu về thế?”. L đáp “em đi tìm bò, con bò nhà em ở trên rừng không đi được, em đi tìm mấy ngày hôm nay mới thấy”. T nói “chắc bị rắn cắn rồi”. L trả lời “vâng, chắc là bị rắn cắn, điện thoại của em hết pin, anh có điện thoại không cho em mượn em gọi một cuộc cho người nhà em đến mang bò về”. T trả lời “thế có cần anh chở về hộ không?”. Vừa nói T vừa mở khóa điện thoại đưa cho L mượn chiếc điện thoại cảm ứng giá trị khoảng 4.800.000 đồng và bảo: "đây, tay anh đang bẩn mày cầm lấy mà bấm số”. L cầm máy điện thoại của T và bấm số gọi cho ai đó, T chỉ nghe thấy tiếng chuông nhưng không thấy có ai nghe máy, một lát sau T tranh thủ cúi xuống chỉnh lại xe phân vì xe bị nghiêng về một bên. Nhân lúc T cúi xuống chỉnh lại xe, không để ý, L lùi lại hai, ba bước rồi cầm điện thoại của T bỏ chạy. T phát hiện hô hoán “cướp, cướp” và đuổi theo L nhưng không kịp. L chạy được một đoạn thì không thấy T đuổi nữa nên đi về nhà. Đến ngày hôm sau, L đang bán chiếc điện thoại ở cửa hàng điện thoại thì bị Công an mời về trụ sở để làm việc.

Từ nội dung vụ án như trên, hiện có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất:L khai có ý định chiếm đoạt tài sản của T từ trước nên nói dối với T là mượn điện thoại của T để gọi cho gia đình nhưng thực chất L không gọi mà nói vậy để T tin tưởng giao điện thoại cho L sẽ chiếm đoạt. Như vậy,  ý thức chiếm đoạt của L nảy sinh từ trước khi được T giao tài sản cho  nên hành vi của L có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 BLHS.

Quan điểm thứ hai: Hành vi của L đã đủ yếu tố cấu thành tội “cướp giật tài sản” quy định tại Điều 171 BLHS, vì:

Thứ nhất, L khai có ý định chiếm đoạt tài sản của T từ trước nên nói dối với T là mượn điện thoại để gọi cho gia đình nhưng thực chất L không gọi mà nói vậy để T tin tưởng giao điện thoại cho L sẽ chiếm đoạt nên lúc đầu hành vi của L có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi T đưa điện thoại cho L thì L ngaylập tức thực hiện hành vi nhanh chóng lấy tài sản, nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Hành vi này đã thoả mãn dấu hiệu của tội cướp giật tài sản là “nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát”.

Thứ hai, hành vi của L thực hiện là lỗi cố ý trực tiếp, nhận thức rõ về hành vi phạm tội và mong muốn thực hiện tội phạm đó. Ngay từ khi nhìn thấy anh T thì L đã nghĩ ra việc mượn điện thoại để chiếm đoạt, mục đích này thể hiện rõ hơn khi L tiếp cận được điện thoại của anh T, lợi dụng anh T sơ hở, L nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Tất cả các hành vi gian dối giả vờ mượn điện thoại đều là thủ đoạn của L để tiếp cận tài sản và lợi dụng lúc sơ hở của chủ sở hữu là thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Việc lấy tài sản hoàn toàn ngang nhiên trước sự quản lý của chủ sở hữu.

Thứ ba, chủ sở hữu tài sản là anh T hoàn toàn có khả năng quản lý trực tiếp đối với tài sản và thực tế là chưa thực hiện việc bàn giao tài sản cho L. Việc đưa tài sản cho L chỉ là hoạt động “cho mượn”, điện thoại bình thường, tuy nhiên hành vi đó chủ sở hữu đã vô tình để sơ hở tài sản và L đã lợi dụng sơ hở đó để chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi xin trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc./.

Nguyễn Quỳnh Anh- Viện KSND huyện Lạng Giang