Thẳng như ruột ngựa ý nghĩa là gì

Khi nói về tính tình của một con người bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, không lắt léo, không giấu diếm giữ kín những điều suy nghĩ, những tâm tư riêng của mình, dân gian ta hay dùng thành ngữ "thẳng ruột ngựa" hoặc "thẳng như ruột ngựa" để diễn tả.

Con ngựa trong tranh của danh họa Tề Bạch Thạch - Ảnh: Internet

Nhưng sao lại nói "thẳng như ruột ngựa" mà không nói "thẳng như ruột bò", "thẳng như ruột trâu" hay "thẳng như ruột lợn"... ? Ruột ngựa mà thẳng thì chúng ăn uống, tiêu hóa thế nào?

Thành ngữ “thẳng [như] ruột ngựa” được hình thành nhờ vào sự quan sát con vật nuôi quen thuộc, dùng để kéo xe thồ, chở, dùng làm phương tiện chiến đấu cho các hiệp sĩ, các đội quân [đội kỵ binh] ngày xưa. Ngựa là con vật ăn cỏ như trâu bò, nhưng bộ máy tiêu hóa của ngựa lại khác rất xa với trâu bò. Dạ dày ngựa thuộc loại dạ dày đơn, không tiêu hóa được nhiều chất xơ cứng. Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày, gọi là manh tràng, cũng dài và rất lớn. Đoạn này là một ống dài tới một mét, thẳng và to với đường kính 15-25cm. Quá trình tiêu hóa chủ yếu diễn ra ở đây chứ không phải ở dạ dày. Có lẽ dựa vào cơ sở giải phẫu nội tạng của ngựa và căn cứ vào những điều thu nhận được bằng quan sát trực quan mà trong nhận thức của người Việt, ruột ngựa được xem là một đối chứng về tính chất thẳng, trái với cong queo, ngoằn ngoèo vốn là đặc điểm của ruột các con vật nói chung. Thoạt đầu phép so sánh “thẳng [như] ruột ngựa” chắc là chỉ miêu tả tính chất hình thể, vật thể mà con người có thể thấy được, quan sát được. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, ruột hay bụng, lòng, dạ, đều có ý nghĩa biểu trưng cho tình cảm, tâm tư, suy nghĩ, nhận thức của con người. Ta thấy còn có các câu, như: ruột đau như cắt, bầm gan tím ruột, nóng gan nóng ruột, [đau] đứt từng khúc ruột, ruột để ngoài da…

Chính nhờ vào tính biểu trưng của ruột theo quan niệm của người Việt mà thành ngữ “thẳng [như] ruột ngựa” được “cấp” thêm một nét nghĩa mới. Thành ngữ này được chuyển từ ý nghĩa miêu tả đặc điểm, tính chất cụ thể bề ngoài trực quan đến ý nghĩa biểu thị tính tình con người hoặc tính chất hình tượng thuộc phạm vi tinh thần. Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ “thẳng như [ruột] ngựa” thường được dùng để chỉ sự bộc trực ngay thẳng, thật thà của tính cách con người. Trong cách đối xử, người có tính thẳng ruột ngựa được xem là người hiền lành, không có ác tâm, không lắt léo, không tính toán vòng vo, không so đo hơn thiệt. Ví dụ:

“Anh Phan có tính thật thà, thẳng như ruột ngựa, cứ nghĩ gì nói nấy. Nhiều lúc làm bà con cười nôn ruột” [Tổng tập văn học Việt Nam].

“Triều đình và các quan ta có lẽ không biết cái thâm ý ấy, cứ thẳng ruột ngựa mà đối xử” [Chu Thiên, Bóng nước hồ Gươm].

Trong nhiều trường hợp, thành ngữ thẳng ruột ngựa được dùng để chỉ tính chất mộc mạc, dung dị và chân phương. Thí dụ:

“Nếu thơ Thái và thơ Mường bay bướm thì thơ Mèo thẳng ruột ngựa, không bóng gió” [Báo Văn Nghệ]

Vậy là, theo đánh giá của người đời, đặc tính thẳng ruột ngựa được xem là tốt, tích cực, đáng yêu, dễ cảm thông. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những gì trái với tính chất thẳng ruột ngựa đều xấu, đều tiêu cực. Thực ra, người Việt trong nhiều cảnh huống, nhiều trường hợp chỉ dùng thành ngữ “thẳng ruột ngựa” để xác định tính của của con người, tính chất sự vật đối lập với sự kín đáo, tế nhị, bóng bẩy, hoa lá và những tính chất đa dạng khác trong cuộc sống.

Đôi khi người ta dùng thành ngữ thẳng [như] ruột ngựa đồng nghĩa với thành ngữ “ruột để ngoài da” với dụng ý chê trách sự phơi bày dễ dãi, sự bộc bạch tất cả mọi điều nghĩ suy, cũng như mọi tâm tư nguyện vọng sâu kín của mình cho người khác biết một cách không cần thiết. Thí dụ: “Bà cứ cái lối nói thẳng ruột ngựa như thế thì con cháu có ngày vạ lây đó”, "Đến nhà cô ấy, cậu nhớ cẩn thận khi nói năng. Chứ vẫn cái tính thẳng ruột ngựa như mọi lần là không ổn đâu"... Dẫu vậy, những con người có tính tình thẳng ruột ngựa vẫn được coi là người chân thật, mộc mạc, ngay thẳng và hành vi bộc bạch, giãi bày ý nghĩ tình cảm theo lối thẳng ruột ngựa có thể gây ra những điều phiền toái nào đó, nhưng cũng có thể thông cảm và thể tất được. Chính những người nói năng "thẳng ruột ngựa", nghĩ gì nói nấy lại dễ gây được thiện cảm [bởi sự bộc trực đáng yêu], còn hơn là ai đó thích "con cà con kê", thích diễn giải dài dòng, "vòng vo tam quốc".

PGS-TS Phạm Văn Tình

‘Thẳng như ruột ngựa’ - câu thành ngữ ngắn gọn, súc tích nói lên đức tính tốt đẹp của con người

[VOH] - ‘Thẳng như ruột ngựa’ có nghĩa là gì? Một người có tính cách ‘thẳng như ruột ngựa’ sẽ được yêu mến hay bị xa lánh? Cùng tìm hiểu những nội dung này qua bài viết dưới đây.

Dân gian ta có vô vàn câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về đức tính, phẩm chất của con người. Nói đến tính tình thẳng thắn, thật thà, bộc trực, chúng ta nghĩ ngay đến câu thành ngữ “thẳng như ruột ngựa”. 

1. “Thẳng như ruột ngựa” có nghĩa là gì? 

Câu thành ngữ “thẳng như ruột ngựa” ám chỉ những người có tính cách ngay thẳng, bộc trực, thẳng thắn, nghĩ gì nói đấy, không toan tính, giấu diếm những suy nghĩ trong lòng. Đây được coi là một đức tính tốt của người Việt và là một trong những yếu tố dẫn đến thành công. 

Sở dĩ, câu thành ngữ trên ví von với “ruột ngựa” mà không phải ruột của con vật khác vì ngựa là loài động vật ăn cỏ nhưng bộ máy tiêu hóa của nó lại khác xa với động vật như trâu, bò. 

Ruột của ngựa dài 22m, tuy không bằng ruột của trâu, bò nhưng manh tràng của ngựa dài tới 1m, đường kính khoảng 15-25cm, có kích thước rất lớn giống như một chiếc ống thẳng, to, có thể đựng được 30 lít nước. Chính vì manh tràng được xếp thành một túi thẳng trong khoang bụng của ngựa và có kích thước khá to nên mọi người thường nói “thẳng như ruột ngựa” là như vậy. 

Cuộc sống hiện nay luôn đầy rẫy những toan tính, mưu mô, không thể đánh giá được gì qua vẻ bề ngoài của con người. Vì vậy đức tính thật thà, thẳng thắn luôn được đề cao và coi trọng. 

Câu thành ngữ “thẳng như ruột ngựa” không chỉ ca ngợi đức tính thẳng thắn, bộc trực mà còn là bài học sâu sắc, thấm thía gửi tới mọi người, nhắc nhở chúng ta cần phải giữ một tâm hồn lương thiện, thật thà, hiền lành, có vậy thành công và bình yên sẽ mỉm cười với ta. 

Xem thêm: Ăn cây nào, rào cây ấy: chỉ cần sống ích kỷ, bạn đã tự ‘cô lập’ bản thân!

2. Người có tính cách “thẳng như ruột ngựa” là tốt hay xấu?

“Thẳng như ruột ngựa” nói về đức tính thật thà, thẳng thắn - một đức tính tốt đẹp cần có ở mỗi người. Người có tính cách “thẳng như ruột ngựa” được xem là người hiền lành, không mưu mô, lắt léo, luôn tạo được thiện cảm với người khác. 

Người ngay thẳng, bộc trực luôn thẳng thắn nêu ra quan điểm, ý kiến của mình trước đám đông, kể cả ý kiến đó hoàn toàn trái ngược với mọi người. Họ mộc mạc, thật thà và không bị chi phối bởi những thứ xung quanh. Những người như vậy thường rất dễ được yêu quý và tin tưởng. 

Tuy “thẳng như ruột ngựa” là một đức tính tốt nhưng trái với tính cách thẳng thắn, bộc trực cũng không phải là xấu. Nhiều người tốt bụng, thật thà nhưng họ vẫn rất tế nhị, kín đáo và khéo léo, luôn suy nghĩ chu toàn trước khi nói chuyện. 

Ngược lại, có nhiều người vì tính cách “thẳng như ruột ngựa” mà đôi khi vô ý vô tứ nói thẳng ra mọi thứ, bộp chộp, nghĩ gì nói nấy khiến người khác khó chịu vì “sự thật mất lòng”. Chính vì vậy mà người ta thường nói câu “thẳng như ruột ngựa” cũng tương đồng với câu thành ngữ “ruột để ngoài da”.

Trong công việc, nhưng người bộc trực thường không cẩn thận, tỉ mỉ và dễ xảy ra sai sót khi xử lý công việc. Giả dụ bạn phải gặp đối tác kinh doanh, việc trao đổi bàn bạc cần có sự khéo léo và tinh tế, mọi lời nói đều phải suy nghĩ thấu đáo, nếu bạn cứ “thẳng như ruột ngựa”, thật thà nghĩ gì nói đấy thì sẽ công việc sẽ không được thuận lợi, suôn sẻ. 

Nhiều khi trong những cuộc trò chuyện, chúng ta đừng vì tính cách thẳng thắn mà không suy nghĩ trước khi nói, bởi điều đấy sẽ đưa bạn vào tình huống khó xử hơn và mọi người cũng không đánh giá cao về phẩm chất của bạn. Chúng ta ngay thẳng, thật thà, bộc trực nhưng cũng phải biết tinh tế và khéo léo. Nếu biết điều chỉnh và hòa hợp hai điều đó thì bạn sẽ được sự yêu quý và kính trọng của mọi người. 

3. Một số câu ca dao, tục ngữ nói về đức tính ngay thẳng, trung trực, tính cách “thẳng như ruột ngựa” 

Tính cách thật thà, bộc trực là một đức tính được đề cao trong xã hội. Ngoài câu “thẳng như ruột ngựa” thì kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam còn vô vàn các câu nói khác thể hiện tính thẳng thắn, bộc trực. 

  1. Ruột ngựa, phổi bò
  2. Ruột để ngoài da
  3. Thẳng mực tàu đau lòng gỗ
  4. Mất lòng trước, được lòng sau
  5. Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng
  6. Ăn ngay nói thẳng
  7. Ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành
  1. Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng
  2. Thật thà ma vật không chết.
  3. Trung thực, thật thà thường thua thiệt.
  4. Thật thà là cha dại
  5. Mật ngọt chết ruồi. 
  6. Một lần bất tín, vạn lần bất tin
  7. Của phi nghĩa có giàu đâu,
    Ở cho ngay thật, giàu sau mới bền
  8. Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
    Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy
  9. Nhà nghèo yêu kẻ thật thà
    Nhà quan yêu kẻ giàu ra nịnh thần
  10. Những người tính nết thật thà
    Đi đâu cũng được người ta tin dùng
  11. Tu thân rồi mới tề gia
    Lòng ngay nói thật gian tà mặc ai
  12. Người gian thì sợ người ngay,
    Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo.
  13. Sông sâu còn có kẻ dò
    Nào ai lấy thước mà đo lòng người

Xem thêm: 58 câu ca dao tục ngữ về tôn trọng sự thật, căn dặn sống làm người chính trực

Lê-nin đã từng nói: “Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè”. Thật vậy, dù trong môi trường nào, hoàn cảnh nào thì niềm tin, chữ tín vẫn luôn là nền tảng vững chắc cho mọi mối quan hệ. Vì vậy mà những người có tính cách ngay thẳng, “thẳng như ruột ngựa” luôn nhận được sự yêu quý, tin tưởng của bạn bè và có được sự kính trọng từ mọi người.

Người có tính cách thẳng thắn, thật thà luôn dễ dàng đạt được thành công và hạnh phúc hơn những người mưu mô, toan tính, gian xảo. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về ý nghĩa của câu thành ngữ “thẳng như ruột ngựa” và rút ra được những bài học sâu sắc cho chính bản thân mình!

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Video liên quan

Chủ Đề