Tỉnh Bắc Kạn có bao nhiêu dân tộc?

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ, rộng 4.859 km2. Phía Bắc tỉnh giáp Cao Bằng; phía Đông giáp Lạng Sơn; phía Nam Thái Nguyên; phía Tây giáp Tuyên Quang. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính với thành phố Bắc Kạn và các huyện Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm.

Theo Cổng thông tin Bắc Kạn, người dân tộc Tày đông nhất tỉnh với 165.000 người, chiếm hơn 50%; tiếp đó là dân tộc Dao hơn 17%, dân tộc Kinh gần 12%, dân tộc Nùng hơn 9%... Mật độ dân số tỉnh này là 65 người/km2.

Bắc Kạn là tỉnh nội địa, ở vị trí trung tâm các tỉnh thuộc khu Việt Bắc cũ, phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng; thị xã tỉnh lỵ cách Thủ đô Hà Nội 170 km theo đường Quốc lộ 3. Quốc lộ 3 qua tỉnh dài 123,5 km là đường giao thông quan trọng nhất tỉnh để giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh bạn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các tuyến đường: Quốc lộ 279 từ Lạng San - huyện Na Rì, qua huyện Ngân Sơn, huyện Ba Bể, sang tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang; Quốc lộ 3B từ Xuất Hoá - thị xã Bắc Kạn, qua Na Rì, sang huyện Tràng Định - tỉnh Lạng Sơn.

Với chế độ nhiệt đới gió mùa, một năm ở Bắc Kạn có hai mùa rõ rệt: mùa mưa nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 70 - 80% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 20 – 25% tổng lượng mưa trong năm, tháng mưa ít nhất là tháng 12.

Do ảnh hưởng của vị trí địa lý, địa hình, địa mạo nên khí hậu Bắc Kạn có những nét đặc trưng như: nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20 - 220C, nhiệt độ thấp tuyệt đối -0,10C ở thị xã Bắc Kạn và -0,60C ở Ba Bể, -20C ở Ngân Sơn, gây băng giá ảnh hưởng lớn đến cây trồng, vật nuôi.

Độ ẩm trung bình trên toàn tỉnh là 84%. Bắc Kạn có lượng mưa thấp so với các tỉnh Đông Bắc do bị che chắn bởi cánh cung Ngân Sơn ở phía Đông Bắc và cánh cung Sông Gâm ở phía Tây Nam.

Bắc Kạn có địa hình phân dị lớn do điều kiện tự nhiên tạo bởi cánh cung Ngân Sơn – Yên Lạc ở phía Đông Bắc và cánh cung sông Gâm ở phía Tây Nam nên hình thành các vùng khác biệt về khí hậu. Toàn tỉnh có độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao nhất có đỉnh 1.640 m thuộc dãy Nam Khiếu Thượng. Độ cao bình quân toàn tỉnh từ 500 - 600 m, nơi thấp nhất 40 m thuộc khu vực xã Quảng Chu [Chợ Mới]. Vùng núi đá vôi lớn của tỉnh ở huyện Ba Bể và huyện Na Rì còn tiềm ẩn nhiều nguồn gen động vật quý hiếm và nhiều hang động để phát triển du lịch. Hệ thống núi phía Đông là phần cuối của cánh cung Ngân Sơn – Yên Lạc, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, không có những thung lũng phù sa rộng, phát triển nông nghiệp khó khăn.

Theo kết quả điều tra ngày 1/4/1999, tỉnh Bắc Kạn có 275.165 người. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động là 152.928 người, chiếm 55,57% dân số. Trên địa bàn tỉnh có 23 dân tộc, đông nhất là dân tộc Tày có 149.459 người, chiếm 54,3%; dân tộc Kinh có 36.587 người, chiếm 13,3%; dân tộc Dao có 45.421 người, chiếm 16,5%; dân tộc Nùng có 26.066 người, chiếm 5,4% và các dân tộc khác chiếm 1%.

Kết quả điều tra cho thấy Bắc Kạn có những loại đất chính sau: đất feralit màu vàng nhạt trên núi trung bình [FH] chiếm 13,38% diện tích, phân bố trên tất cả các đỉnh núi cao trên 700 m, trên nền đá mắcma axit kết tinh chua, đá trầm tích và biến chất. Tầng đất mỏng, đá nổi nhiều, đất ẩm và có tầng thảm mục khá dày. Đất feralit điển hình vùng đồi núi và núi thấp [Ff – Fk]: chiếm 71,62% diện tích, phân bố tập trung ở Ba Bể, bắc Chợ Đồn và Na Rì [Khu vực Kim Hỷ]… Khu vực núi đá vôi thường rất ít đất trong các hang hốc, tầng đất mỏng màu đen, đất rất tốt.

Nói chung, cùng với khí hậu thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đất đai trong tỉnh còn khá tốt và là cơ sở quan trọng để phát triển nông – lâm nghiệp. Đất nông nghiệp có 30.509 ha, chiếm 6,28% diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp có rừng 301.722 ha, chiếm 62,1% diện tích tự nhiên, nhiều nơi tầng đất dầy, đất đồi núi có lượng mùn cao thuận tiện cho sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.

Diện tích rừng tự nhiên của Bắc Kạn vào loại lớn nhất trong các tỉnh vùng Đông Bắc [95,3% diện tích]. Tài nguyên rừng của tỉnh khá đa dạng, phong phú. Ngoài khả năng cung cấp gỗ, tre, nứa còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, có giá trị và được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen thực vật của vùng Đông Bắc.

Về động vật, hiện nay tập trung ở khu vực đá Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì, Cao Sơn thuộc huyện Bạch Thông, Bản Thi thuộc huyện Chợ Đồn và hồ Ba Bể. Hệ động vật của tỉnh Bắc Kạn có giá trị tự bảo tồn nguồn gen cao với nhiều loại đặc hữu và quý hiếm.

Về thực vật, qua điều tra cho thấy tỉnh Bắc Kạn có 280 loài thực vật, trong đó có 300 loài gỗ, 300 loài cây thuốc, 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam.

Là một tỉnh miền núi, có địa hình chia cắt phức tạp, đất có độ dốc lớn, lại là vùng đầu nguồn của nhiều hệ sông, suối… nên Bắc Kạn có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh trong khu vực. Với sự hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu, Bắc Kạn có thế mạnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để sớm hình thành nên các vùng nguyên liệu hàng hoá. Bắc Kạn có lợi thế về phát triển thuỷ lợi và thuỷ điện nhỏ, nhưng có trở ngại lớn là nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt còn rất hạn chế… Cần có kế hoạch cụ thể về xây dựng và bảo vệ rừng đầu nguồn để giảm bớt trở ngại trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Lãnh thổ Bắc Kạn nằm trong hai kiểu kiến trúc địa chất có chế độ địa động khác nhau và do đó tạo nên bức tranh khoáng sản rất đặc trưng. Ở phía Tây sông Cầu là các thành trầm tích cổ hơn tạo nên một kiến trúc dương rõ nét được gọi là phức nếp lồi Lô Gâm, ở đó tập trung hầu hết các mỏ chì, kẽm. Ở phía Đông sông Cầu là các thành trầm tích trẻ hơn tạo nên kiến trúc âm được gọi là võng nguồn Rift nội lục sông Hiến, ở đó tập trung hầu hết các mỏ vàng. Chì, kẽm và vàng là những loại khoáng sản có tiềm năng nhất của Bắc Kạn.

Vàng là khoáng sản có giá trị kinh tế của tỉnh với hai mỏ vàng gốc Pác Lạng ở Ngân Sơn và Khau Âu ở Chợ Mới. Tuy nhiên, mức độ điều tra khảo sát địa chất còn rất thấp. Muốn đưa các mỏ này vào khai thác công nghiệp thì nhất thiết phải có đầu tư thăm dò xác định trữ lượng tin cậy để tổ chức khai thác. Tỉnh Bắc Kạn cần thiết phải tổ chức liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác nguồn tài nguyên có giá trị này.

Tỉnh cũng có các khoáng sản khác như sắt, mănggan, ăngtimon, vật liệu xây dựng và đá quý. Tùy theo nhu cầu thực tế của thị trường mà tỉnh sẽ có những công tác thăm dò và khai thác phù hợp.

Theo kết quả nghiên cứu của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bắc Kạn có cấu tạo địa chất khá phức tạp. Trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu kiểu kiến trúc địa chất. Hệ thống núi thấp và trung bình thuộc cánh cung sông Gâm có các loại đá xâm nhập granít, rhyonít, granít haimica và các loại phiến biến chất, thạch anh quắczít, đá sừng… Cánh cung Ngân Sơn có các loại granít, rhyonít, phiến sét, thạch anh, đá vôi… Khối núi đá vôi Kim Hỷ có tuổi cácbon – pecmi màu xám trắng có cấu tạo kiểu khối, hiểm trở và những biến chất khu vực. Vùng núi thấp phía nam tỉnh là nơi quy tụ nhiều dãy núi cánh cung, nên có nhiều loại đá trầm tích có kết cấu hạt mịn, hạt thô và đá mắcma.

- Động Nàng Tiên - Thắng cảnh tự nhiên với vẻ đẹp huyền bí

Từ Thủ đô Hà Nội ngược Quốc lộ 3 tới địa phận Thác Giềng [thị xã Bắc Kạn] rồi rẽ phải, băng qua dải đèo Áng Toòng quanh co uốn lượn, du khách sẽ đến với huyện vùng cao Na Rỳ của tỉnh Bắc Kạn. 

Thị trấn Yến Lạc nằm gọn trong một một thung lũng bốn bề bao bọc bởi những dãy núi cao. Nơi đây bốn mùa khí hậu ôn hòa. Dòng sông Bắc Giang tự ngàn xưa vẫn hiền hòa tuôn chảy tô điểm thêm cho nét đẹp yên bình của thị trấn vùng cao này. Từ thị trấn Yến Lạc đi chừng 5 km sẽ đến núi Phja Trạng [núi đá voi]. Dưới chân núi, cách bờ một con suối mang tên Khuổi Hai [suối trăng] khoảng 150 m có một khu động đá tự nhiên với vẻ đẹp kì thú, đầy huyền bí - động Nàng Tiên.

Động Nàng Tiên ăn sâu vào lòng núi khoảng 60 m, có độ cao từ 30 - 50 m. Bước vào trong động, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét đẹp đầy hấp dẫn của tự nhiên. Trong bóng tối, cả khu động lấp lánh những ánh lân tinh huyền ảo từ các nhũ đá, cột đá và măng đá. Tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây các cảnh đẹp hấp dẫn, lạ mắt trông giống như: Rồng bay, phượng múa, buồng tiên nữ, những thửa ruộng bậc thang có dòng nước trong mát chảy quanh gọi là ruộng tiên, suối tiên. Động còn thông với nhiều hang nhỏ xung quanh làm cho nơi đây thêm bí ẩn và đầy thơ mộng.

Từ xa xưa, động Nàng Tiên đã đi vào tâm linh của người dân vùng cao Na Rỳ Bắc Kạn. Tự bao đời đã lưu truyền một câu chuyện kể vể sự tích của khu động Nàng Tiên. Truyện kể rằng, thuở xưa, có bảy nàng tiên xuống tắm mát, vãn cảnh tại con suối dưới chân núi Phja Trạng. Mải mê hái hoa, bắt bướm, vui say cảnh đẹp nên trời tối lúc nào không biết, các nàng tiên không kịp bay về trời. Đêm đến, dưới ánh trăng có người trần thế đến mò cua, bắt ốc. Các nàng tiên vội vã lên bìa rừng ẩn nấp. Từ trên cao nhìn xuống, thương tình, Ông Trời đã đã tạo ra động này để các nàng tiên trú ngụ qua đêm. Dòng suối các nàng tiên xuống tắm được người trần thế gọi tên là Khuổi Hai [Suối Trăng], còn động nơi các nàng tiên nghỉ đêm gọi là Động Nàng Tiên. Câu chuyện đầy thần bí cùng với hai tên gọi đó đã được dân gian lưu truyền cho tới ngày nay.

Ngoài câu chuyện về sự tích động Nàng Tiên, người dân xã Lương Hạ [huyện Na Rỳ] còn lưu truyền một câu chuyện khác gắn với động Nàng Tiên. Truyện kể rằng “khi bảy nàng tiên đang ở trong động, có một ông tổ họ Lý đã vác búa lên rừng tìm cây để làm bắp cày. Lúc đi qua động thấy các Nàng Tiên đang ngồi chơi cờ, phần vì ham mê cờ, phần do sự quyến rũ bởi sắc đẹp của các nàng tiên, ông họ Lý lấy cán búa ngồi xem các nàng tiên đánh cờ. Chắc xem đánh cờ thì ít mà ngắm các cô tiên thì nhiều nên trời tối mà không biết trở về nhà. Ở nhà mọi người đi tìm suốt ngày này qua tháng khác đều không thấy nên đã làm ma đưa tang. Còn ông tổ họ Lý sau khi xem hết ván cờ, vác búa ra về thì cán búa đã bị mối xông. Về đến nhà, thấy rất đông người, hỏi ra mới biết gia đình đã làm ma đưa tang ông vừa tròn ba năm, hôm ông về đúng ngày mãn tang”.

Động Nàng Tiên - Thắng cảnh thiên nhiên kì thú của huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn đã được người xưa thêu dệt nên những truyền thuyết đầy li kì, thần bí và hấp dẫn như thế. Người dân vùng cao Na Rỳ, Bắc Kạn tự hào và gắn bó biết bao với thắng cảnh tuyệt vời mà tạo hóa đã dành cho quê hương mình. Năm 1999, động Nàng Tiên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.

Hãy một lần đến với vùng cao Na Rỳ, Bắc Kạn, đến thăm động Nàng Tiên với vẻ đẹp đầy huyền bí để thưởng thức trọn vẹn kiệt tác của tự nhiên ban tặng cho vùng đất này.

- Động Hua Mạ - một hang động thiên nhiên hùng vĩ

Động Hua Mạ

Ba Bể là một nơi du lịch thật lý tưởng đối với du khách, lướt thuyền êm ả.Cách hồ Ba Bể 6 km đi về phía Tây nam là Động Hua Mạ nằm trong quần thể danh thắng của Hồ Ba Bể, thuộc khu vực xã Quảng Khê, huyện Ba Bể [Bắc Kạn], một hang động tự nhiên thật tuyệt vời và hấp dẫn.

Du khách phải leo núi 300 m để đến Động Hua Mạ. Cửa động rộng 3 m, cao 5 m. Khi bước chân vào tới động du khách sẽ được thưởng thức không khí thật trong lành và mát mẻ, với những nhũ đá muôn hình vạn trạng thật huyền ảo lung linh làm mê lòng du khách.

Động Hua Mạ được người dân biết đến từ rất lâu đời. Truyền thuyết kể rằng: Một lần nhà vua vi hành gần khu vực động, ngựa không thể qua được suối. Nhà vua bèn xuống ngựa hỏi bà con dân bản thì được biết đây là khu vực “Lèo Pjèn” có nghĩa là nơi ma thiêng nước độc. Cứ đến tối ở trong hang thường phát ra tiếng kêu khóc thảm thiết đó là hồn ma của những người dân lương thiện bị giặc giết.

Nghe kể vậy, nhà vua bèn sai quân lính lập chùa tại hang Thẩm Thinh để nhờ Đức Phật giải oan cho những oan hồn được siêu thoát về chốn thiên đường. Sau khi lập ngôi chùa này người dân không còn nghe thấy tiếng kêu than nữa. Và cho đến ngày nay người dân thường gọi là Động Hua Mạ có nghĩa là đầu ngựa.

Những nhũ đá với nhiều dáng vẻ thật kỳ diệu, loại hình tháp bút, hình bông hoa sen… các nhũ đá màu trắng, màu đen, ánh lên với những sắc màu lung linh thật huyền ảo bao trùm khắp cả hang động. Đặc biệt lòng hang rất rộng khoảng 1ha, vòm hang cao khoảng 10 m, chiều sâu 500 m tạo ra một không gian thoáng mát, với những luồng gió luồn thổi vào hang làm cho du khách nghỉ ngơi trong những ngày hè nóng bức.

Đến tham quan thắng cảnh Hồ Ba Bể du khách sẽ không thể không ghé thăm Động Hua Mạ, một hang động thật tuyệt vời cho khách du lịch trong và ngoài nước.

- Hồ Ba Bể - viên ngọc xanh giữa rừng Đông Bắc

Chèo thuyền trên Hồ Ba Bể

Tỉnh Bắc Kạn được thiên nhiên ban tặng cho một danh lam thắng cảnh là Hồ Ba Bể. Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ có diện tích rộng 500 ha, nằm trong khu vực vườn quốc gia Ba Bể, có hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống, trong hồ có 49 loài cá nước ngọt. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN và đang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Hồ Ba Bể theo tiếng địa phương là "Slam Pé" [nghĩa là ba hồ] gồm Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Từ núi cao nhìn xuống, hồ Ba Bể lọt thỏm giữa dãy núi đá vôi. Hồ co lại và bị kẹp giữa các vách đá dựng đứng. Mặt hồ trải dài 8 km, rộng từ 200 m đến 1 km, độ sâu trung bình 17 - 23 m, nơi sâu nhất là 29 m.

Ba Bể càng đẹp hơn bởi tài nguyên rừng phong phú, đa dạng. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phát hiện trong lòng hồ có nhiều loài cá nước ngọt đặc trưng của vùng đông bắc Việt Nam, trong đó có các loài quý hiếm như cá chép kính, dầm xanh, anh vũ và cá lăng.

Về cảnh quan, địa chất, đây là khu vực thể hiện rõ rệt dấu ấn lịch sử của các thời kỳ hình thành vỏ trái đất. Về địa chất địa mạo, đây là vùng đá vôi cổ rộng lớn, có đặc điểm kiến tạo rất đặc biệt. Vài năm gần đây, Viện địa chất phối hợp với Hội địa chất Bỉ đã tiến hành nghiên cứu vùng đá vôi Hồ Ba Bể. Họ khẳng định đây là vùng đá vôi có niên đại 450 triệu năm. Ðiều kỳ thú là trong quá trình biến đổi địa chất, đá vôi đã biến thành những mảng đá hoa cương.

Theo các nhà địa chất thì việc đá vôi trở thành đá hoa cương là điều vô cùng độc đáo và hiếm thấy. Giữa một vùng núi đá vôi lại có một cái hồ lớn, thật kỳ diệu. Đáy hồ có một lớp đất sét dày tới 200 m bịt kín, chính địa tầng sét này không cho nước thoát xuống và hồ được hình thành như vậy. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc làm say lòng những du khách tới nơi đây.

Xuôi dòng sông Năng hướng về hồ Ba Bể. Đôi bờ của dòng sông là những vách núi đá vôi dựng đứng với bao điều kỳ lạ trong những câu chuyện cổ tích kể về biến cố của thiên nhiên để tạo ra hồ Ba Bể - một viên ngọc xanh giữa rừng đông bắc.

Dòng sông Năng xuyên qua khối núi đá vôi Lũng Nham tạo ra động Puông dài 300 m, cao hơn 30 m với nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng, huyền ảo và lung linh. Những đợt bào mòn hàng triệu năm của con sông thời gian vào dãy núi đá vôi đã tạo nên một chiếc động kỳ bí trong một chiếc hồ lạ kỳ. Dòng sông uốn mình thơ mộng qua những khúc quanh hẹp trong lòng hang, luồn dưới những rèm thạch nhũ đá đẹp lạ lùng.

Nhằm khai thác và phát huy hiệu quả loại hình du lịch sinh thái và đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của khách du lịch ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Bể đã từng bước xây dựng hệ thống nhà nghỉ cùng các cơ sở dịch vụ như các trung tâm giải trí, nhà hàng ẩm thực với đội ngũ nhân viên nhiệt tình chu đáo. Công tác đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch được quan tâm chú trọng. Hàng năm, tại đây nhân viên đều được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên, nghiệp vụ buồng, bàn, bar. v.v Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu, điểm du lịch luôn được quan tâm đầu tư. 

Du khách đến với Vườn quốc gia Ba Bể không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được tìm hiểu về các giá trị văn hóa và khoa học với đội đội ngũ thuyết minh hướng dẫn viên am hiểu về Ba Bể và văn hoá truyền thống tại bản địa.

Những ngày nắng đẹp, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc làm mê lòng những du khách khó tính. Mặt nước hồ phẳng lặng, lúc nào cũng xanh trong như một tấm gương in đậm bóng núi, mây trời. Lãng mạn hơn, trên hồ thường xuất hiện những cô gái Tày trong bộ đồ màu đen tay khua nhẹ mái chèo đưa đón khách đi về trên những chiếc thuyền độc mộc. Họ chính là những hướng dẫn viên không chuyên nhiệt tình và đầy hiểu biết, đem lại cho bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong cuộc hành trình khám phá vùng đất thiên nhiên hoang sơ này.

Đến với Vườn quốc gia Ba Bể du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được khám phá các nét văn hóa truyền thống nơi đây.

Với câu hát then, cây đàn tính luôn là niềm tự hào của người Tày ở vùng Ba Bể, là hồn thiêng trong tâm khảm của một tộc người có số dân đông nhất vùng Việt Bắc.

Ba Bể còn là nơi ẩn chứa kho tàng văn hoá nghệ thuật truyền thống lâu đời với cộng đồng cư dân các dân tộc sinh sống quanh hồ với những truyền thuyết phong phú và độc đáo: 

Nếu muốn, bạn sẽ được người dân hiếu khách nơi đây mời về nhà, cùng tham gia sinh hoạt trong đời sống hằng ngày với bà con dân tộc, cùng uống chén rượu ngô cay nồng nhắm với những thịt lợn mọi nướng được lấy từ gác bếp xuống để đãi khách quý.

Các bản nhà sàn chênh vênh bên sườn núi của người dân tộc Tày, những nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Dao, Mông, các làn điệu dân ca như hát then, si, lượn, múa khèn; các lễ hội truyền thống như hội Lồng Tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ... đã tạo sự hấp dẫn với du khách.

Cộng đồng dân cư sống trong khu vực hồ Ba Bể có khoảng gần 3.000 người thuộc các dân tộc Tày, Dao, H’Mông và Kinh sinh sống trong 10 thôn bản ở Vườn quốc gia, trong đó khoảng 58% là người Tày.

Hơn 2.000 năm qua, cư dân người Tày đã định cư tại nơi này và trở thành tộc người chiếm đa số ở Ba Bể. Người Nùng, người Dao đến cư ngụ khoảng 100 năm về trước. Trong khi đó, người Kinh và người Mông chỉ mới di cư đến.

Từ lâu, người Tày ở các khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam có truyền thống canh tác lúa nước dọc theo các thung lũng, ven sông, suối đồng thời họ cũng canh tác nhiều mùa vụ khác. Lịch mùa vụ được đánh dấu bằng lễ hội “Lồng Tồng” – Lễ hội xuống đồng. Thông thường, cư dân người Tày ở tại những dải đất thấp dọc theo sông, suối; cư dân người Dao cư ngụ lưng chừng núi, cư dân người Mông sinh sống trên các vùng núi cao.

Ðối với du khách lần đầu tiên tới, quần thể rừng quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn luôn ẩn chứa những điều kỳ bí hoang sơ qua những câu chuyện kể mang màu sắc huyền thoại. Du khách có thể cùng sinh sống với người bản địa, ngủ ở nhà sàn và tìm hiểu khám phá những nét văn hóa đặc trưng của cư dân nơi đây. Đây cũng là nơi mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, sinh vật và địa chất có thể đến để tìm hiểu và nghiên cứu. Tại đây người ta có thể biết đến sự những nét văn hóa tương đồng của người Tày, người Thái, người Nùng. Theo truyền thống, cả người Tày và người Nùng xây dựng nhà sàn của mình bằng 4 đến 7 hàng cột đỡ, tạo thành hai khu vực rõ rệt, phần bên trên sàn làm nơi tiếp khách, bếp đun và nơi ở; phần dưới gầm sàn làm nơi cất giữ nông cụ và chuồng nuôi gia xúc, gia cầm. Thông thường, mái nhà sàn có kết cấu hai mái hoặc bốn mái được làm bằng rạ, lá cọ. Kiểu nhà sàn được lợp bằng ngói rất phổ biến ở Ba Bể.

Cả một phức hệ bao gồm hồ, sông, suối, núi rừng, hang động đã giữ cho nước hồ Ba Bể có nhiệt độ trung bình cả năm 220C ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè để Ba Bể là nơi nghỉ ngơi du ngoạn lý tưởng 4 mùa của khách thập phương.

Thác Đầu Đẳng

Thác Đầu Đẳng hùng vĩ dài tới hơn 1.000 m, tạo thành ba bậc, bậc trên chênh với bậc dưới từ 3 đến 4 m theo chiều dài đã tạo cho Ba Bể thêm nét hoang sơ đầy lãng mạn.

Đã bao đời nay, khi nói đến thắng cảnh nổi tiếng này người ta không thể không nhắc đến hình ảnh tuyệt vời của các cô gái Tày xinh đẹp:

"Bắc Kạn có suối đãi vàng, Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh".

Với lịch sử phát triển địa chất lâu dài có những nét đặc sắc về địa chất - địa mạo cũng như cảnh quan, Vườn quốc gia Ba Bể thực sự là một kỳ quan, xứng đáng là di sản thiên nhiên của thế giới.

- Chợ tình Xuân Dương – Ngày hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn

Chợ tình Xuân Dương

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp cuối tháng ba âm lịch, đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Na Rỳ tỉnh Bắc Kạn lại náo nức mong chờ một ngày hội lớn của quê hương mình - ngày hội chợ tình Xuân Dương. Phiên chợ đặc biệt chỉ diễn ra vào một ngày duy nhất trong năm: ngày 25 tháng 03 âm lịch.

Từ sáng sớm tinh sương, trên khắp mọi nẻo đường của núi rừng đã thấp thoáng bóng người tìm đến hội. Đồng bào các dân tộc từ các bản làng lặn lội tới đây không phải để mong chờ sẽ bán hay mua được thứ hàng hóa cần thiết cho mình nhưng ai cũng náo nức trong lòng. Có lẽ là bởi ai ai khi đến với chợ tình Xuân Dương đều đã hiểu được ý nghĩa sâu sắc của phiên chợ duy nhất trong năm này. Nét đặc biệt mang tính truyền thống từ xa xưa của phiên chợ tình ở Xuân Dương là chợ họp không có người mua, người bán. Những người đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa, trao đổi tâm tình.

Truyền thống đặc biệt đó của chợ tình Xuân Dương được bắt nguồn từ một câu chuyện xa xưa của đồng bào dân tộc nơi đây. Truyện kể rằng, ngày xưa, tại vùng đất họp chợ bây giờ, có đôi vợ chồng nghèo thương yêu nhau nhất mực. Một ngày nọ, hai vợ chồng cùng làm đồng, chồng cuốc cuối ruộng, vợ phát cỏ nơi đầu ruộng. Một viên quan đi qua thấy người phụ nữ đẹp đã cho quân bắt nàng mang đi. Người vợ chống cự, kêu cứu thảm thiết nhưng do thửa ruộng quá dài, người chồng không nghe thấy. Nhiều năm sau, người vợ tìm về gặp lại chồng cũ. Lúc ấy, mỗi người đã có một gia đình riêng của mình, không thể tính đến chuyện hàn gắn, họ chỉ còn biết ôm nhau khóc. Dân làng biết chuyện ai nấy đều cảm động. Và từ đó, không ai hẹn trước nhưng cứ vào ngày 25/03 âm lịch hàng năm, những đôi trai gái lỡ duyên lại tìm đến Nà Lỳ [ruộng dài] để gặp lại nhau, ôn lại chuyện xưa. Để rồi sau ngày duy nhất trong năm ấy, họ lại mỗi người mỗi ngả, trở về với cuộc sống riêng của mình, hẹn ngày này sang năm tái ngộ. Tháng tiếp tháng, năm qua năm, nơi đây đã hình thành nên một phiên chợ đặc biệt như thế…

Năm tháng trôi qua, bên bếp lửa nhà sàn, các thế hệ đồng bào dân tộc vùng cao Na Rỳ đã  tiếp truyền lại cho nhau câu chuyện tình nghĩa vợ chồng đầy cảm động. Và đó cũng là ngọn lửa âm ỉ cháy giúp lưu giữ đến muôn đời nét văn hóa truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc vùng cao Na Rỳ.

Ngày nay, hoạt động giao thông đã thuận lợi, Chợ tình Xuân Dương không chỉ đón đồng bào dân tộc nơi đây tìm đến với hội chợ để chia sẻ tâm tình mà hội chợ còn thu hút được sự quan tâm của du khách từ khắp các địa phương trong cả nước. Họ đến đây với mong muốn tìm hiểu truyền thống của lễ hội, chứng kiến các sinh hoạt trong ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.

Người đến với ngày hội chợ tình Xuân Dương sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc của người vùng cao như cơm lam, thắng cố, mèn mén, thịt treo, bánh dầy ngô…, được chiêm ngưỡng nét đẹp từ các bộ trang phục của đồng bào dân tộc: Những chiếc áo chàm của người Tày, Nùng, những bộ váy áo thêu tay sặc sỡ sắc màu của người H’Mông nổi bật giữa núi rừng…Chợ còn nhộn nhịp với những sinh hoạt văn hóa đậm chất dân gian như : Múa khèn, tung còn, hát sli, hát lượn, các trò chơi đẩy gậy, kéo co…

Chợ tình Xuân Dương, ngày hội văn hóa lớn của đồng bào dân tộc vùng cao Na Rỳ, Bắc Kạn đang ngày càng được chính quyền tỉnh Bắc Kạn quan tâm. Năm 2009, chợ tình Xuân Dương đã vinh dự được UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất chọn là nơi diễn ra buổi Lễ công bố “Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam” nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Chợ tình Xuân Dương - nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Na Rỳ tỉnh Bắc Kạn còn làm say lòng biết bao thế hệ đồng bào nơi đây và thu hút sự viếng thăm của nhiều du khách trên khắp mọi miền đất nước mỗi lần “đến hẹn lại lên” ngày 25 tháng 03 âm lịch…

Hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, đang được UNESCO xem xét công nhận là Di sản thiên nhiên, là thắng cảnh đẹp nhất của tỉnh Bắc Kạn với một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Nơi đây đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan. Đến hẹn lại lên, cứ ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội xuân Ba Bể lại được tổ chức tưng bừng tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Đây là Lễ hội truyền thống đầu năm, thể hiện những nét văn hoá đặc trưng của người dân địa phương.

Vào ngày hội, mỗi xã, thị trấn trong huyện Ba Bể đều dựng trại và bày bán đủ thứ đặc sản của địa phương mình. Vải thổ cẩm, quần áo dân tộc, nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, rượu ngô, măng khô, thậm chí cả khoai, sắn, bí ngô, đỗ mèo dân dã cũng được bày ở bàn giới thiệu đặc sản địa phương.

Sáng ngày mùng Mười, lễ hội chính thức khai mạc. Mở đầu là màn dâng lễ của 16 xã. Lễ vật của các xã chỉ đơn giản có xôi, gà, nải chuối, bánh khảo và một chai rượu ngô. Mười sáu mâm lễ này được các thôn nữ kính cẩn dâng lên thần núi, thần sông, thần hồ để cầu một năm bình an với mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Lễ hội xuân Ba Bể

Sau tiếng trống khai hội, các tiết mục văn nghệ chào mừng với những câu sli, điệu lượn, lời hát then, tiếng đàn tính… làm say lòng du khách bởi sự hấp dẫn kỳ diệu, đượm bản sắc văn hoá vùng cao. Đã thành lệ, lễ hội năm nào cũng là nơi phô diễn những bản sắc dân tộc của đồng bào địa phương với nhiều trò chơi hấp dẫn như: đua thuyền độc mộc, ném còn, đấu võ dân tộc, bắn cung và biểu diễn múa, hát truyền thống của các dân tộc…, thu hút nhiều bà con các dân tộc trong vùng đến vui chơi. Lễ hội cũng giúp cho khách thập phương hiểu thêm về con người và truyền thống văn hoá nơi đây.

Lễ hội xuân Ba Bể diễn ra bên hồ nước mênh mông, xanh biếc. Nước tràn ra các thung lũng tươi mát với những rừng tre nứa và cây lấy gỗ, nhiều loại cây và hoa phong lan, với tiếng chim hót ríu ran, tiếng hươu, nai, gấu và hàng đàn khỉ đi lại trong các bìa rừng rậm.

Đến với lễ hội mùa Xuân, du khách còn được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt vời của hồ Ba Bể - “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn. Du khách còn có thể đi du lịch trên hồ bằng thuyền để ngắm cảnh hồ, thả mình giữa những rừng cây chen đá, lá chen hoa, đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên kỳ thú mà tạo hóa đã đặc biệt ban tặng cho con người nơi đây… Mặc dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng Lễ hội xuân Ba Bể đã thu hút hàng vạn du khách tới tham dự. Mỗi năm phong tục lễ hội càng thêm phong phú nhưng những nét văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn.

- Lễ hội Lồng Tồng ở huyện Na Rì

Lễ hội Lồng Tồng

Trên những thửa ruộng bậc thang thuộc xã Lam Sơn, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, cứ vào ngày mồng 8 tết âm lịch hàng năm, lại diễn ra một lễ hội của đồng bào Tày, Nùng mang tên "Lễ hội Lồng Tồng".

Những người dân sở tại sẽ dâng lên những mâm cỗ do chính tay mình tự làm, bao gồm tám mâm, tám chén, tám đôi đũa cùng tám chai rượu. Nắng mưa cũng mặc, lễ hội vẫn cứ diễn ra, mâm cỗ vẫn cứ dâng lên vì trên mỗi mâm đã có những chiếc ô che sẵn. Chủ hội sẽ đích thân làm lễ cúng Thần nông - vị thần cai quản ruộng đồng, làng bản để cầu ấm no, sức khỏe và hạnh phúc cho mọi người dân trong bản.

Xã Lam Sơn, nơi diễn ra lễ phục dựng hội Lồng Tồng còn vui hơn cả Tết bởi sự nhộn nhịp của đêm trước lễ hội. Mười thôn, bản náo nức chuẩn bị cỗ. Đã ít nhiều biết đến ẩm thực của các dân tộc miền núi phía Bắc qua sách báo và những ngày hội nhưng khách du lịch vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi sự khéo léo và tinh tế trong chế biến món ăn và nâng sự bình dị của từng món ăn lên hàng nghệ thuật khi gắn vào đó những ý niệm, những so sánh trong sự tương quan giữa âm và dương, trời và đất của người dân Na Rì. Lễ rước cỗ mở đầu cho Lễ hội Lồng Tồng diễn ra tại khu đất trống ở bản Pjo xã Lam Sơn khiến người ta nghĩ đến lễ dâng bánh chưng bánh dày của Lang Liêu thủa trước. Trang trọng và đầy ắp hương xuân, mỗi mâm cỗ là một tác phẩm nghệ thuật của nấu nướng và sắp đặt. Chỉ với một loại nếp nương, người dân Na Rì đã chế biến được 8-10 món bánh trên mâm cỗ, từ bánh dày, bánh chưng, xôi mật, xôi ngũ sắc ... đến các loại bánh phỏng nhào mật đủ cả vuông, tròn, sao năm cánh .v.v. Rồi chuối, dứa, và các loại hoa rừng, mùa nào thức đấy, mâm cỗ đầu xuân của ngày hội xuống đồng cũng là mâm cỗ đủ cả sản vật của 12 tháng với ước mong về một sự no đủ.

Giờ khai hội, cây cột tung còn được trang trí bằng những tua rua vải sặc sỡ với những quả còn được chuẩn bị sẵn sẽ trở thành trung tâm của lễ hội sau khi ông chủ hội tung quả còn đầu tiên lên. Nam nữ xúm lại bên ném, bên bắt còn. Đó cũng là một kiểu trao gửi tình cảm của thanh niên vùng núi hiếm hoi còn sót lại đến ngày nay. Sau đó là chương trình hát sli lượn giao duyên, múa sư tử, biểu diễn đao thuật, hội cờ tướng [bàn cờ được ghép bằng những mảnh cây vầu], đám kéo co [đội nào thắng thì coi như năm đó được mùa]... khiến lễ hội trở thành một dịp cho người dân bản trổ tài góp vui...

Đặc sản - Sản phẩm nổi tiếng:

Thử rượu ngô Ba Bể

Nhắc đến rượu, người ta hình dung ngay đến một loại đồ uống đầy sức quyến rũ, không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt Nam tự bao đời nay. Nào rượu làng Vân, rượu Cần, rượu nếp... Mỗi loại đều có một phong vị riêng, mang một dấu ấn riêng của vùng đất đã sản sinh ra nó.

Chẳng thế mà khi nhắc đến mảnh đất phương Nam, người ta không thể không nhắc đến rượu Sim Phú Quốc, rượu Bến Lức Gò Đen, rượu Bàu Đá - Bình Định. Cũng như khi ghé thăm mảnh đất Tây Bắc, người ta không thể quên thưởng thức rượu San Lung [Lào Cai], rượu Táp Lá [Cao Bằng], rượu Mẫu Sơn [Lạng Sơn] và nhất là rượu ngô Ba Bể - một đặc sản của vùng đất Bắc Kạn.

- Mứt mận - một đặc sản hấp dẫn của tỉnh Bắc Kạn

Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân coi là đặc sản vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình.

Mứt mận, đặc sản của Bắc Kạn

Chế biến mứt mận rất cầu kỳ, trước tiên phải chọn loại mận chát và đắng, rồi sau đó phải khía từng quả mận để khi nấu mận ngấm đường. Khi đã khía mận thật mỏng ngâm xuống chậu nước lã, những cánh mận được khía nở ra như một bông hoa rừng thật đẹp. Muốn mận vừa dai vừa mềm và không bị chát thì cứ 5 kg mận ngâm 1 lạng vôi và nước lã trong 3 ngày. Cuối cùng cho mận vào nồi nấu với đường, nếu 1 kg mận thì phải cần 3 kg đường phên cát xanh. Nấu mứt mận cũng rất lâu 5 tiếng đồng hồ mới xong một mẻ mận. Sau đó đem đi phơi ngoài nắng tầm 4 nắng là đóng mận cất vào túi nilông để đến tết dùng hoặc ăn ngay, chế biến để ăn và làm quà thì mấy chục kg nhưng để thành hàng hóa thì số lượng lớn. Món mứt mận ở Bắc Kạn đã được nhiều người biết đến, nhiều thương nhân ở các nơi đến đặt hàng và mang đi bán tại các tỉnh trong cả nước. Người biết nghề chế biến mứt mận ở Bắc Kạn không nhiều, chỉ những nhà có kinh nghiệm và truyền thống mới biết chế biến món đặc sản này. Ai muốn biết cách chế biến món mứt mận Bắc Kạn phải được học như một nghề.

Đến những dịp tết người dân Bắc Kạn hầu như nhà nào cũng có món mứt mận đặc sản để mời khách, làm quà biếu. Nhìn quả mận vàng óng ăn rất ngọt và thơm.

Trung bình giá mứt mận trên thị trường ở Bắc Kạn là khoảng 20.000 - 24.000 đồng/1kg tùy từng loại.Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều, đặc biệt ở các siêu thị lớn sản phẩm mứt mận đã được bày bán.

Đây là món mứt đặc sản của Bắc Kạn, mang đậm mùi vị quê hương.

Bản đồ hành chính tỉnh Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn được tái lập từ ngày 01/01/1997 trên cơ sở chia tách 4 huyện, thị xã của tỉnh Bắc Thái và 2 huyện của tỉnh Cao Bằng. Đến nay, tỉnh có 8 đơn vị hành chính, gồm 7 huyện [Pắc Nậm, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Mới, Chợ Đồn] và 1 thị xã tỉnh lỵ với 122 xã, phường, thị trấn; trong đó còn 74 xã đặc biệt khó khăn.  

Chủ Đề