Tính phức hợp liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn

Nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội - nhân văn và lý luận ở nước ta hiện nay: Quan niệm và vấn đề đặt ra

29/08/2015

Khoa học xã hội nhân văn, trong đó có lý luận, là lĩnh vực khoa học rất cần thiết đối với sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội. Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học này phải tập trung vào nghiên cứu lý luận, nhằm tìm ra lời giải cho bài toán phát triển và phát triển bền vững. Đặc điểm nổi bật của khoa học xã hội nhân văn và lý luận là: 1] phải đạt tính chính xác; 2] có quan hệ trực tiếp với chính trị; 3] nghiên cứu cơ bản càng sâu sắc sẽ càng làm chín muồi những nghiên cứu ứng dụng. Vì thế, để làm sáng tỏ triết lý phát triển của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện hiện nay, nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội nhân văn và lý luận phải xuất phát từ chính thực tiễn của nước ta, đồng thời triển khai trên cơ sở xây dựng được một chiến lược xác định, cụ thể.

1. Nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội - nhân văn và lý luận

Khoa học xã hội - nhân văn, trong đó có lý luận mà trực tiếp là lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành của khoa học như một chỉnh thể.

Hơn bất cứ lĩnh vực nào trong khoa học xã hội - nhân văn, lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống khoa học nước ta hiện nay càng phải coi trọng nghiên cứu cơ bản, càng phải chú trọng đẩy mạnh và khẩn trương tổ chức lực lượng để nghiên cứu cơ bản, nếu không sẽ là quá muộn và sự thua thiệt, phải trả giá khó có thể lường hết được.

Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn bị chi phối trước hết bởi những đặc điểm của chính những ngành khoa học này.

Đối tượng của khoa học xã hội - nhân văn là xã hội và con người liên quan đến những vấn đề phát triển xã hội và hoạt động của con người trong những điều kiện biến đổi của lịch sử, của môi trường tự nhiên - xã hội và hoàn cảnh xã hội - lịch sử, ở đó diễn ra đời sống hiện thực, sự tồn tại và phát triển của những con người hiện thực.

Điều đó cho thấy những vấn đề mà khoa học xã hội - nhân văn quan tâm nghiên cứu là vô cùng rộng lớn, đa dạng và hết sức phức tạp. Đây là một tập hợp lớn các môn khoa học, ngành và chuyên ngành khoa học nghiên cứu về xã hội và con người. Khó có thể hình dung hết về lượng của những khoa học đó trong lịch sử hình thành và phát triển của nó, trong xu hướng phân ngành, liên ngành và hợp ngành thường xuyên diễn ra trong lịch sử khoa học cũng như sự xuất hiện những khoa học mới trong lĩnh vực này. Mỗi khoa học đều tự giới hạn mình cả về mặt bản thể và nhận thức. Giới hạn ấy đòi hỏi người nghiên cứu phải tự ý thức được đối tượng và phạm vi tác động, ảnh hưởng tới nhận thức xã hội của lĩnh vực khoa học mà mình theo đuổi. Bởi lẽ, mỗi khoa học là một hữu hạn và có giới hạn, còn sự tiến lên của nhận thức loài người thông qua sự phát triển của khoa học - nhìn từ toàn bộ lịch sử của nó, là vô cùng, vô tận. Hãy xem xét một số luận đề tư tưởng sau đây để thấy rõ điều đó.

- Con người hãy tự biết lấy mình - châm ngôn ấy từ thời cổ đã là một triết lý về con người và cuộc sống sáng suốt, tỉnh táo và thực tế.

- Mỗi thành tựu do khoa học khám phá, mà nhận thức con người chiếm lĩnh được như góp thêm vào kho tàng tri thức những hạt chân lý mới.

- Dù đạt được tính đúng đắn và chính xác của tri thức, tức là chân lý, nhưng con người chỉ có thể đạt tới tính gần đúng mà thôi; chân lý là có tính tương đối, con người ngày càng đụng chạm tới chân lý nhiều hơn, gần hơn. Đào tạo con người về phương pháp tư duy và năng lực sáng tạo là làm sao cho con người nỗ lực tự mình đụng chạm vào chân lý.

- Con người là một cây sậy trong thiên nhiên nhưng là một cây sậy có trí tuệ.

Rõ ràng, con người bằng hoạt động và những quan hệ xã hội hình thành một cách tất yếu trong hoạt động mà trở thành chủ thể, mà có một khả năng thực tế để không ngừng khám phá, hiểu biết và sáng tạo. Nhờ đó, những sức mạnh bản chất của con người được bộc lộ và biểu hiện ra. Với năng lực nhận thức của con người, đối tượng không còn tồn tại tự nó nữa, đối tượng đã thuộc về chủ thể và chủ thể người luôn đối tượng hoá hoạt động của mình, không ngừng mở rộng nó để chiếm lĩnh nó, như Mác nói, không chỉ nhận biết và giải thích thế giới mà còn cải biến thế giới ấy.

Mác cũng từng chỉ ra rằng, nếu hiện tượng luôn trùng khít với bản chất thì mọi khoa học đều trở nên thừa.

Khoa học xã hội - nhân văn cần thiết cho con người và sự phát triển của xã hội đến mức mà nếu thiếu nó, sẽ không sao hình dung nổi con người và xã hội tồn tại ra sao và như thế nào nữa. Có thể nói một cách không quá rằng, không có khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội - nhân văn sẽ không thể có một quan niệm căn bản về văn hoá, bởi vì không có một văn hoá nào không có cái cốt lõi trí tuệ, tư tưởng và lý luận của nó. Cái cốt lõi ấy là khoa học xã hội - nhân văn mà nổi bật trước hết là lý luận, là triết học. Để tồn tại và phát triển, con người và xã hội cần đến thế giới quan và hệ tư tưởng như những điểm tựa tinh thần.

Khoa học xã hội - nhân văn với những tri thức phong phú muôn vẻ của nó trở thành một lực đẩy không thể thiếu để xã hội được tổ chức một cách văn minh, để con người trở thành con người hiện đại, phát triển nhân tính và trở thành nhân cách.

Lênin nói tới kinh tế và chính trị như là hai lĩnh vực đặc biệt quan trọng, cốt yếu cấu thành đời sống xã hội, hai cái trục biến đổi cực mạnh mà mọi biến đổi khác của đời sống, của lịch sử đều xoay quanh nó, đều bị nó chi phối.

Khoa học phải làm sáng tỏ điều đó; rằng, vì sao chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, chính trị là kinh tế cô đọng lại.

Kinh tế học và khoa học kinh tế cũng như chính trị học và khoa học chính trị luôn có một vị trí xứng đáng trong hệ thống các khoa học xã hội - nhân văn, bởi nếu không thường xuyên khoa học hoá những lĩnh vực hoạt động này và làm tăng hiểu biết của con người về những lĩnh vực đó thì con người với tư cách là những công dân và xã hội đã được tổ chức thành nhà nước với những thể chế và thiết chế của nó sẽ khó có thể đứng vững được.

Lênin nhận xét rằng, người ta cần đến kinh tế để khỏi bị chết đói và cần đến chính trị để khỏi tự giết chết mình trước đó.

Đây là một trong những luận điểm tiêu biểu nhất cho thấy, khoa học xã hội - nhân văn, trong đó có lý luận, lý luận triết học - kinh tế và chính trị cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội như thế nào.

Như vậy, có thể nói, nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn ở nước ta hiện nay cần phải tập trung vào nghiên cứu lý luận. Đây phải là những nghiên cứu cơ bản, có hệ thống các vấn đề triết học - kinh tế và chính trị có quan hệ trực tiếp với sự phát triển của con người Việt Nam, đất nước và dân tộc Việt Nam, xã hội Việt Nam trong lịch sử và hiện đại, trong bước chuyển từ truyền thống tới hiện đại. Những nghiên cứu đó phải làm sáng tỏ về mặt lịch sử và lý luận [lôgíc] những đặc điểm và bản chất của con người Việt Nam, cộng đồng dân tộc Việt Nam - một cộng đồng quốc gia đa dân tộc, những giá trị làm nên sức sống, bản lĩnh của nó, những khả năng và triển vọng của con người - đất nước - dân tộc và xã hội mình trong thời đại hiện nay, trong bối cảnh quốc tế và thế giới đang toàn cầu hoá với xã hội thông tin và kinh tế tri thức đang chuyển động mãnh liệt, sôi động, đầy những đột biến và kịch tính.

Câu hỏi lớn, quy tụ mọi câu hỏi, mọi tình huống là câu hỏi về phát triển và con đường đi tới sự phát triển bền vững, trong một thế giới đa dạng, thống nhất trong đa dạng và khác biệt, hợp tác và cạnh tranh, thời cơ và thách thức. Con đường phát triển của Việt Nam là quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện mục tiêu ấy, đất nước ta đang tiến hành đổi mới, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa và chủ động hội nhập quốc tế, hợp tác song phương và đa phương, phát huy nội lực và khai thông ngoại lực. Hợp lực của sự phát triển đó hướng vào phát triển chất lượng nguồn lực con người Việt Nam, từng cá thể lẫn cộng đồng. Ba nhân tố căn bản đảm bảo cho sự phát triển này là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền, kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền.

Vấn đề đặt ra là ở chỗ, trên con đường phát triển, chúng ta phải vượt qua những lực cản nào và sử dụng có hiệu quả những lực đẩy nào để phát triển và đạt được những mục tiêu của phát triển bền vững. Khi còn sống, Hồ Chí Minh đã từng kỳ vọng, dân tộc ta sẽ trở thành một dân tộc thông thái, xây dựng xã hội ta thành một xã hội văn hoá cao, văn hoá ở trong kinh tế và chính trị, văn hoá soi đường cho quốc dân đi, đi tới độc lập - tự do và hạnh phúc.

Chỉ có nghiên cứu thấu đáo lý luận cơ bản mới có cơ sở đem lại câu trả lời cho những quyết sách phát triển chiến lược ấy, mới làm sáng tỏ giải pháp và bước đi, tức là vạch ra lộ trình thực hiện các dự án và kế hoạch phát triển.

Thực tiễn và kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cũng như thực tiễn Việt Nam trong lịch sử đấu tranh cách mạng từ khi có Đảng và gần 2 thập kỷ đổi mới vừa qua cho thấy, những thành tựu trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội thường phải bắt đầu từ những điểm bứt phá về lý luận, gắn liền với những khởi sắc đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận. Giải phóng tư tưởng và ý thức xã hội sẽ mở đường cho những giải phóng và phát triển các tiềm năng xã hội, đem lại những xung lực mới của thời kỳ phát triển năng động, ra khỏi những sự trì trệ và ách tắc trước đây.

Lý luận cần tới sự bứt phá, đột phá đó trong đổi mới và hiện nay là lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi tới chủ nghĩa xã hội ở nước ta trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, của thực tiễn đang đổi mới ở nước ta, ở khu vực cũng như trên thế giới.

Để thúc đẩy nghiên cứu cơ bản theo hướng đó, cần thiết phải nhận rõ những đặc điểm của khoa học xã hội - nhân văn và lý luận mà những đặc điểm này với tính phức tạp đặc thù của nó sẽ chi phối hoạt động nghiên cứu, từ nội dung, phương pháp đến tổ chức lực lượng, mục tiêu và hiệu quả nghiên cứu.

Có thể nói tới những đặc điểm nổi bật và quan trọng sau đây:

Thứ nhất, khoa học xã hội - nhân văn và lý luận với tư cách là khoa học, lẽ dĩ nhiên phải đạt tới tính chính xác, khoa học, phát hiện quy luật và chân lý, nhưng nó không phải và không thể là khoa học chính xác theo kiểu tự nhiên học, theo kiểu thực chứng của khoa học tự nhiên.

Tính chính xác của khoa học xã hội - nhân văn và lý luận phải được quan niệm ở chỗ, vạch ra bản chất, quy luật và xu hướng vận động, phát triển của đối tượng trong chỉnh thể và hệ thống của nó, ở đây là xã hội và con người. Đó là cấu trúc vật chất phức tạp nhất, quy luật vận động của nó khác về căn bản với giới tự nhiên, bởi nó phải thông qua hoạt động của con người. Phát hiện ra lôgíc lịch sử - tự nhiên của xã hội, đó là điều căn bản của tính chính xác trong nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn và lý luận. Nó gắn liền mật thiết với biện chứng của cái khách quan và cái chủ quan. Tôn trọng cái khách quan, tất yếu chế ước đời sống xã hội và hoạt động của con người, đồng thời làm sáng tỏ vai trò của những nỗ lực chủ quan để làm chủ quy luật và hành động sáng tạo theo quy luật - đó là tính chính xác trong những kiến giải của khoa học xã hội - nhân văn và lý luận. Đó cũng là điều căn bản, là tính triệt để trong nghiên cứu. Mác nhấn mạnh rằng, căn bản, triệt để là nắm lấy sự vật từ gốc rễ của nó, mà gốc rễ đối với con người chính là bản thân con người.

Thứ hai, khác hẳn với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và lý luận có quan hệ trực tiếp với chính trị, mang tính giai cấp sâu sắc, có vai trò và chức năng phục vụ chính trị một cách trực tiếp; các kết quả nghiên cứu có thể và cần phải trở thành tiếng nói tư vấn và phản biện về mặt xã hội cho những quyết định về đường lối, chính sách của chủ thể cầm quyền.

Do đó, một cách tất yếu, sự phát triển khoa học xã hội - nhân văn và lý luận phụ thuộc một cách đáng kể vào hoàn cảnh và điều kiện của chế độ xã hội, của thể chế chính trị và nhà nước, vào mối quan hệ qua lại của chính trị với khoa học, biểu hiện thành quan hệ giữa quyền lực và chân lý, giữa chủ thể cầm quyền với giới khoa học.

Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và tế nhị. Giải quyết đúng đắn những mối quan hệ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là trình độ phát triển của dân chủ, của dân trí xã hội, sự phát triển nhu cầu khoa học và lý luận của lãnh đạo và quản lý cũng như sự phát triển ý thức chính trị của giới trí thức, của đội ngũ trí thức nghiên cứu khoa học.

Khoa học hoá sự lãnh đạo chính trị và các hoạt động quản lý, đồng thời dân chủ hoá đời sống khoa học để khoa học tham gia một cách chủ động, tích cực và sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới đang đặt ra như một yêu cầu, một đòi hỏi tất yếu của sự phát triển xã hội, đó cũng là nhu cầu nội tại của chính trị và của khoa học.

Thứ ba, tính đặc thù của khoa học xã hội - nhân văn và lý luận còn thể hiện ở chỗ, nghiên cứu cơ bản càng sâu sắc và thấu đáo bao nhiêu, nhận thức lý luận càng triệt để bao nhiêu thì càng làm chín muồi bấy nhiêu những nghiên cứu ứng dụng. Nói một cách khác, với khoa học xã hội - nhân văn và lý luận, nghiên cứu cơ bản triệt để đồng thời là nghiên cứu ứng dụng. Lĩnh vực ứng dụng quan trọng hàng đầu và nổi trội là lĩnh vực của nhận thức khoa học, là trau dồi tư duy khoa học cho mỗi người, là làm chuyển động và đổi mới tư duy, nhận thức xã hội, đặc biệt là tư duy lãnh đạo và quản lý. Từ những thay đổi tích cực trong nhận thức mà dẫn đến thay đổi trong chính sách và cơ chế, đem lại hiệu quả kinh tế, phục vụ cuộc sống và con người.

Hệ luận rút ra ở đây là gì? Đó là ở mấy điểm sau đây:

Một là, chỉ có lý luận đúng đắn, triệt để mới ứng dụng được. Tính triệt để của lý luận là lý luận tìm được chỗ đến của nó là thực tiễn. Đến được thực tiễn, trả lời được về mặt lý luận, cái mà thực tiễn đang đòi hỏi, đang chờ đợi, thì đó là lý luận đã được ứng dụng. Một lý luận đúng đắn, triệt để, tự nó đã bao hàm tính ứng dụng thực tiễn.

Hai là, sự không ăn nhập hoặc tình trạng còn đang tách rời giữa lý luận và thực tiễn, rõ ràng cho thấy một tình huống có vấn đề cần phải giải quyết, hoặc lý luận chưa trưởng thành đến mức làm sáng tỏ thực tiễn, do đó phải nghiên cứu nó tới mức sâu sắc, triệt để hơn, hoặc thực tiễn đang phát triển, đang bộc lộ những vấn đề mới của bản thân nó, cần phải được "lý luận hoá" nhằm phát triển lý luận mới hoặc "làm mới" lý luận hiện có. Sự bổ sung, phát triển này cần tới sức mạnh của nghiên cứu cơ bản.

Ba là, cái quan trọng để thay đổi triển vọng và làm tăng giá trị của nghiên cứu cơ bản, của lý luận và của hiệu ứng lý luận trong đời sống thực tiễn là sự đổi mới hướng tiếp cận nghiên cứu, tìm tòi những hướng tiếp cận mới, có tính cách tân và sáng tạo, là chú trọng kết hợp phương pháp nghiên cứu cấu trúc - hệ thống, tổng hợp - liên ngành với chuyên ngành và đa ngành.

Sự hình thành cái mới của những tư tưởng khoa học, trong rất nhiều trường hợp, được bắt đầu từ sự thay đổi hướng tiếp cận, từ một cách nhìn mới với đối tượng nghiên cứu và cả những tìm tòi mới về phương pháp nghiên cứu, về lôgíc nghiên cứu.

Theo Hêgen, mọi tri thức của lịch sử tư tưởng, triết học của mọi thời đại, suy đến cùng, là vấn đề phương pháp.

Phương pháp quan trọng hơn phát minh, viện sĩ Lanđao đã từng nhấn mạnh như vậy, bởi theo ông, có phương pháp đúng và mới sẽ có thể sản sinh ra nhiều phát minh mới.

Nói tóm lại, khoa học xã hội - nhân văn và lý luận có khách thể và đối tượng nghiên cứu hết sức rộng lớn, đa dạng, phức tạp, bao quát dường như tất cả những vấn đề về con người, cuộc sống của con người và xã hội. Phổ nghiên cứu này được hình dung bởi một tập hợp lớn các lát cắt, các phương diện, các bộ phận hợp thành, các lớp quan hệ xã hội - nhân văn do một tập hợp lớn các khoa học xã hội - nhân văn nghiên cứu. Mỗi khoa học chỉ có thể góp một phần xác định và theo cách thức riêng của mình tham gia vào cuộc nghiên cứu, khảo sát vô cùng to lớn đó. Chỉ có nghiên cứu tổng hợp - liên ngành và đa ngành mới có thể từng bước đáp ứng yêu cầu nhận thức của xã hội, cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách. Chất lượng và tác dụng của các luận cứ khoa học đó phụ thuộc trước hết ở những nghiên cứu cơ bản, từ chuyên ngành đến liên ngành, trong lĩnh vực khoa học xã hội -nhân văn và lý luận.

Coi trọng nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, nhận thức rõ tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản là cần thiết nhưng chưa đủ. Trước yêu cầu của phát triển và từ sự hối thúc khẩn trương của cuộc sống thực tiễn, cần phải xây dựng một chiến lược nghiên cứu cơ bản, coi chiến lược này là then chốt trong chiến lược tổng thể phát triển khoa học xã hội - nhân văn và khoa học nói chung ở nước ta.

Lựa chọn những vấn đề nào để hình thành nên nội dung của chiến lược nghiên cứu này? Sẽ có nhiều phương án và lập luận để trả lời cho câu hỏi đó. Những vấn đề được nêu ra dưới đây chỉ như một hướng đề xuất, một khả năng cho sự lựa chọn.

Người viết bài này cho rằng, có những vấn đề hay đúng hơn là những nhóm vấn đề đáng đặt ra để nghiên cứu, đó là:

1. Thời đại ngày nay và sự phát triển của dân tộc trong một thế giới đang biến đổi.

2. Chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội: Lịch sử, lý luận, những thử thách trong thực tiễn và những nhận thức mới.

3. Di sản Hồ Chí Minh: tư tưởng, lý luận, phương pháp và phong cách. Giáo dục nhận thức, vận dụng và phát triển. Hồ Chí Minh học và Việt Nam học - những ngành khoa học cần đầu tư cho phát triển ở nước ta trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI.

4. Lịch sử tư tưởng Việt Nam - Những giá trị và bài học từ di sản truyền thống đến hệ giá trị hiện đại ngày nay.

5. Tư duy của người Việt Nam và dân tộc Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại. Những đặc điểm, những giá trị bản sắc, những nhược điểm, hạn chế tiêu cực, những bước chuyển và sự hình thành tư duy khoa học lý luận. Đạo đức, lối sống, nhân cách Việt Nam.

6. Gia đình và cộng đồng, cá nhân và xã hội, giai cấp và dân tộc ở Việt Nam - Những biến đổi lịch sử, những quan hệ mới đang định hình, những giá trị lựa chọn cho phát triển.

7. Dân chủ và pháp luật, Nhà nước pháp quyền, xã hội công dân [xã hội dân sự] trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền, thực hiện đại đoàn kết, hoà hợp dân tộc để phát triển đồng thuận.

8. Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong nền kinh tế thị trường, trong cuộc vận động dân chủ hoá và xây dựng Nhà nước pháp quyền trong xu hướng toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, trong chủ động hội nhập để thực hiện đổi mới và phát triển.

9. Cơ cấu kinh tế - Cơ cấu xã hội và hệ thống chính trị của Việt Nam trong nền kinh tế chuyển đổi và xã hội quá độ.

10. Chủ nghĩa xã hội trong cải cách, đổi mới - Những khả năng phát triển, những xu hướng và triển vọng trong sự phân tích so sánh với chủ nghĩa tư bản hiện đại, với trào lưu xã hội dân chủ hiện đại và chủ nghĩa xã hội dân chủ - những vấn đề đặt ra cho Việt Nam...

Đó là mười vấn đề được nêu lên như những nhóm vấn đề, những hệ vấn đề đáng lưu ý từ góc độ nghiên cứu lý luận cơ bản.

Sự xác định những vấn đề này được nhấn mạnh chủ yếu từ một cảm quan triết học xã hội, triết học chính trị - xã hội của phát triển. Nền tảng triển khai nghiên cứu những vấn đề này là khoa học lịch sử. Phương pháp đặc trưng cho những nghiên cứu đó là lịch sử và lôgíc.

Điểm xuất phát, chỗ đứng của nghiên cứu cơ bản những vấn đề nêu trên là thực tiễn Việt Nam trong mối quan hệ lịch sử và hiện đại, trong sự tác động, ảnh hưởng, chi phối của thời đại và thế giới. Những nghiên cứu đó cố gắng lột tả, cắt nghĩa, đánh giá và dự báo về sự phát triển của con người, dân tộc, đất nước và xã hội Việt Nam trên lập trường, quan điểm, phương pháp mácxít, trên tinh thần và phương pháp Hồ Chí Minh. Cũng có thể xác lập một hệ vấn đề nghiên cứu khác làm nổi bật nội dung kinh tế từ góc độ các khoa học kinh tế hoặc nội dung xã hội - văn hoá từ tiếp cận xã hội học hay văn hoá học. Song điều đó không đặt ra trong giới hạn bài viết này.

Trên một chừng mực nhất định, những phân tích lý luận kinh tế và xã hội cũng như văn hoá đều có thể đặt ra và nghiên cứu, hướng tới sự phát triển của con người, xã hội, đất nước và dân tộc Việt Nam hiện nay.

Tựu trung lại, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lý luận trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn ở nước ta, có thể bao hàm rất nhiều vấn đề khác nhau nhưng đều có chung điểm đồng quy xét về mặt mục tiêu và ý nghĩa, đó là làm sáng tỏ triết lý phát triển của Việt Nam trong khung cảnh và những điều kiện hiện nay.

2. Một vài đề xuất, khuyến nghị cụ thể, trước mắt

Có biết bao việc cần làm, cần tổ chức thực hiện, cần đầu tư các nguồn lực cho phát triển liên quan đến các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, tập hợp lực lượng và đổi mới tổ chức, chính sách, cơ chế quản lý... nhằm thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lý luận trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn ở nước ta trong tình hình hiện nay. Dưới đây là một vài đề xuất, khuyến nghị mang tính cụ thể, trước mắt với mục đích và mong muốn tạo ra một sự khởi động bước đầu cho một chương trình phát triển hết sức lâu dài thuộc về triển vọng đối với nền khoa học xã hội - nhân văn của nước nhà.

Thứ nhất, Hội đồng lý luận Trung ương trong tổ chức và hoạt động của mình cần xác định nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lý luận một cách cơ bản, hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, coi đó là một phương hướng ưu tiên, một trọng điểm lâu dài thuộc về đời sống tư tưởng và học thuật nước nhà. Để thực sự là cơ quan đảm nhiệm trọng trách tổ chức hoạt động nghiên cứu; tập hợp được lực lượng nghiên cứu rộng rãi trong cả nước là những chuyên gia, học giả, những người có năng lực sáng tạo và bản lĩnh trong nghiên cứu để đóng góp tốt nhất về mặt lý luận cho Đảng và Nhà nước, Hội đồng cần xây dựng một chiến lược nghiên cứu cơ bản với những chương trình, kế hoạch và bước đi thật rõ ràng. Hai vấn đề rất quan trọng được đặt ra: Tạo được môi trường khoa học và bầu không khí tự do, dân chủ cho hoạt động nghiên cứu, kích thích và khuyến khích những tìm tòi sáng tạo trong nghiên cứu; tập hợp được nhiều tài năng thuộc nhiều thế hệ khoa học sao cho đời sống học thuật và tư tưởng lành mạnh được tạo ra là vườn ươm, là lực đẩy làm nảy nở nhiều tài năng lý luận, đào tạo một đội ngũ các nhà khoa học trẻ, thực sự có tài, có tư chất và bản chất, có nhân cách khoa học thực sự đảm bảo cho khoa học phát triển, không rơi vào tình trạng lạc hậu và nguy cơ tụt hậu trong đà phát triển của khoa học hiện đại.

Thứ hai, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học trên phạm vi và quy mô cả nước cần thành lập một Vụ riêng, chuyên trách quản lý nghiên cứu triển khai về khoa học xã hội - nhân văn, trong đó đặc biệt chú trọng tới nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lý luận. Cần đầu tư ở cơ quan quản lý nhà nước về khoa học những chuyên gia am hiểu sâu sắc về khoa học, có kinh nghiệm nghiên cứu và quản lý, có thể tập hợp được các chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành ở các cơ quan khoa học trong cả nước. Tìm kiếm những giải pháp tạo động lực, những chính sách đầu tư cho phát triển, khuyến khích và trọng đãi các tài năng khoa học, tôn vinh các nhà khoa học và các thành quả nghiên cứu đem lại những lợi ích cho xã hội, có những đóng góp và cống hiến cho Đảng, Nhà nước và xã hội trong công cuộc đổi mới.

Đã chú trọng nghiên cứu cơ bản tất phải đặt vấn đề đẩy mạnh những nghiên cứu lý luận, nghiên cứu hàn lâm [hiểu một cách đúng đắn], đào tạo và phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu lý thuyết có trình độ cao, là những chuyên gia đầu đàn ở từng lĩnh vực. Điều này phải được thể hiện trong xây dựng đề tài, lựa chọn người chủ trì đề tài và thẩm định chất lượng công trình nghiên cứu.

Thứ ba, Các viện và trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học, đặc biệt là Đại học Quốc gia và các cơ sở đào tạo trên Đại học cần đưa dòng nghiên cứu cơ bản vào chương trình, nội dung nghiên cứu và đào tạo, đặc biệt là đào tạo và giáo dục về phương pháp để sớm hình thành một đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về lý luận, đủ sức tiếp cận và làm chủ các lý thuyết mới, hiện đại, tạo được tiềm lực phát triển của khoa học xã hội - nhân văn Việt Nam, tiến kịp trình độ khoa học chung của khu vực và thế giới.

Thứ tư, Nhà nước cần đầu tư đủ mạnh vào những đối tượng và địa chỉ nghiên cứu được chọn lọc [cá nhân và tập thể] để thực hiện những công trình nghiên cứu lý thuyết, cơ bản có tầm cỡ và dài hạn, có những ưu tiên cần thiết cho việc xuất bản các công trình, các tuyển tập và toàn tập công trình của các tác giả có trình độ và uy tín khoa học cao, có ảnh hưởng lớn đến tư duy, nhận thức của xã hội, đến sự phát triển khoa học của nước nhà.

Thứ năm, Nhà nước cần nghiên cứu để sớm thành lập quỹ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn và lý luận để đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và xét thưởng khoa học cho các đề tài, công trình, luận văn và luận án đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn. Đây là đầu tư theo chiều sâu, đầu tư cho phát triển thể hiện rõ rệt quan điểm coi khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Có thể nói, chỉ có trên cơ sở đó, khoa học xã hội và nhân văn mới có thể thực hiện tốt và có hiệu quả chủ trương "hướng vào việc giải đáp các vấn đề lý luận và thực tiễn, dự báo các xu thế phát triển, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người, phát huy những di sản văn hoá dân tộc, sáng tạo những giá trị văn hoá mới của Việt Nam"[1], như Nghị quyết Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra.

[*] Giáo sư, tiến sĩ triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.112.



Bình luận

Video liên quan

Chủ Đề