Tổ hợp nhiệt điện lớn nhất nước ta là nhà máy phú mỹ tỉnh bà rịa vũng tàu chạy bằng gì

Sau ngày miền Nam giải phóng, tỉnh BR-VT bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng, kiến thiết kinh tế. Với sự đầu tư lớn cho các dự án ngành điện, cụ thể là Trung tâm điện lực Phú Mỹ và Nhà máy điện Bà Rịa [hiện chiếm 40% tổng công suất điện năng của cả nước], BR-VT đã trở thành trung tâm điện năng lớn nhất Việt Nam.

Một góc Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ.

Từ nhà máy điện tuabin khí đầu tiên

Vào những năm 1980-1990, toàn miền Nam được cấp điện chủ yếu từ Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức với tổng công suất 92MW, chỉ có 2 tổ máy hơi nước và 2 tổ máy tuabin khí. Sau nhiều năm vận hành, các thiết bị hư hỏng nhiều nhưng không có phụ tùng thay thế. Các nhà máy điện Chợ Quán, Cần Thơ và các cụm diesel cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tình trạng thiếu dầu chạy máy cũng thường xuyên xảy ra. Tình trạng thiếu điện rất trầm trọng. Mặc dù là vùng kinh tế dầu khí trọng điểm của quốc gia nhưng BR-VT cũng nằm trong tình trạng bị cắt điện luân phiên. Bộ Năng lượng đã quyết định điều 2 tổ máy tuabia có tổng công suất thiết kế 46,8MW vào khu vực Bà Rịa. Tháng 10-1992, Trạm phát điện tuabin khí Bà Rịa được mở rộng, nâng tổng công suất của trạm lên 121,8MW và chuyển thành Nhà máy điện Bà Rịa trực thuộc Công ty Điện lực 2.

Năm 1995 là thời điểm đặc biệt quan trọng khi Nhà máy điện Bà Rịa nhận dòng khí đồng hành đầu tiên vào phục vụ sản xuất điện từ mỏ Bạch Hổ. Ông Huỳnh Lin, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa cho biết, tháng 12-2006, Bộ Công nghiệp [nay là Bộ Công thương] phê duyệt phương án chuyển đổi công ty điện Bà Rịa thành Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa. Công ty hiện có 10 tổ máy vừa tua bín khí, tua bin hơi với tổng công suất 388,9MW, có thể vận hành ở cả 3 chế độ: dầu, khí, hỗn hợp dầu và khí. Tất cả các tổ máy luôn đặt ở chế độ sẵn sàng khi có yêu cầu về cung ứng nguồn điện. Cho đến thời điểm này, công ty đã tham gia gánh vác trách nhiệm trụ cột cung cấp điện cho khu vực các tỉnh phía Nam. Nguồn điện ổn định mà công ty hòa vào lưới điện quốc gia hàng năm đóng góp lớn vào sự phát triển của nhiều cơ sở kinh tế và đời sống dân cư. Ông Huỳnh Lin cho biết thêm, trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao, công ty đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện chạy bằng sức gió tại Bình Thuận, hiện đang chờ ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh Bình Thuận và một nhà máy điện than ở BR-VT.

Trở thành trung tâm điện năng của cả nước

Năm 1997, trên địa bàn tỉnh đã triển khai dự án chiến lược là Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, tọa lạc trên diện tích rộng hơn 86ha tại thị trấn Phú Mỹ [huyện Tân Thành]. 4 nhà máy của công ty đã chiếm khoảng 12% tổng công suất và 20% tổng sản lượng hàng năm của toàn hệ thống điện quốc gia. Từ khi phát điện lần đầu [tháng 2-1997], đến nay sản lượng điện trung bình mỗi năm của Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ ước khoảng 17 tỷ kWh; công suất điện tăng gấp 8,6 lần, sản lượng điện tăng hơn 15 lần. Đặc biệt, vào các đợt cao điểm mùa khô hàng năm, mỗi ngày công ty sản xuất từ 45-57 triệu kWh [tương đương 20-35% tổng sản lượng điện toàn hệ thống], bảo đảm cung ứng nguồn điện ổn định cho sản xuất của DN cũng như sinh hoạt của người dân.

Năm 2001, Công ty điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 ra đời. Ông Đỗ Bá Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 cho biết, công ty hiện sở hữu vận hành một nhà máy điện tua bin khí sử dụng công nghệ chu trình hỗn hợp của Đức với công suất 720MW tại KCN Phú Mỹ 1 [huyện Tân Thành]. Hàng năm nhà máy cung cấp cho mạng lưới điện quốc gia khoảng 5 tỷ kWh, tương đương với gần 5% nhu cầu điện của cả nước. Cùng với Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, Công ty TNHH BOT Phú Mỹ 3 đã đưa Phú Mỹ trở thành trung tâm điện lực lớn nhất cả nước.

Cho đến thời điểm này, Trung tâm điện lực Phú Mỹ và Nhà máy điện Bà Rịa đã chiếm 40% tổng công suất điện năng của cả nước [hơn 4.000 MW trên tổng số gần 10.000 MW của cả nước], đóng góp đáng kể vào việc giữ vững an ninh năng lượng quốc gia nói riêng và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung.

LAM GIANG

;

Video liên quan

Chủ Đề