Tội phạm về môi trường được quy định tại văn bản pháp quy nào

Những quy định mới về Tội phạm Môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 2015

Thứ sáu - 02/02/2018 10:29

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường như: Luật bảo vệ môi trường, luật đa dạng sinh học, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong thực tế, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường ở nước ta ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng trên nhiều lĩnh vực, làm xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân như gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, sự lo lắng về thực phẩm kém an toàn và tội phạm về lĩnh vực này nổi lên ở một số vấn đề như sau:

- Đầu tiên phải nói đến là trong sản xuất công nhiệp, với chủ trương mở cửa và thu hút vốn đầu tư, cùng với hệ thống pháp luật còn có một kẽ hở của nước ta mà nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước chỉ chú trọng đầu tư các phương án sản xuất kinh doanh mà chưa chú trọng việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc có hệ thống xử lý chất thải nhưng cố tình dùng thủ đoạn khác làm cho cơ quan quản lý khó phát hiện để xả thải ra môi trường, điển hình như vụ công ty Vedan.

- Ở nước ta với truyền thống làng nghề, hầu như là sản xuất với quy mô nhỏ lẻ ở hộ gia đình, sản xuất theo kinh nghiệm, thủ công nên chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề xử lý chất thải dẫn đến ô nhiễm môi trường.

- Tiếp đến phải nói đến trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, nạn chặt phá rừng đặc biệt là các khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ

Theo quy định về tội phạm môi trường BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định tại Chương XVII, BLHS năm 1999 của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có 10 Điều về các tội phạm về Môi trường từ Điều 182 đến Điều 191, gồm:
- Điều 182. Tội gây ô nhiễm không khí.
- Điều 183. Tội gây ô nhiễm nguồn nước.
- Điều 184. Tội gây ô nhiễm đất.
- Điều 185. Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
- Điều 186. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
- Điều 187. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.
- Điều 188. Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản.
- Điều 189. Tội huỷ hoại rừng.
- Điều 190. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.
- Điều 191. Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên

Vi phạm về môi trường trong thời gian vừa qua rất nhiều nhưng xử lý hình thì còn ít, BLHS năm 1999 quy định doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về môi trường nên trên thực tế các cơ quan chức năng đã rất khó xác định như thế nào là Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nó mang tính định tính nên khó truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn về chủ thể chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân Từ những bất cập trên của BLHS năm 1999, xuất phát từ thực tế nhiều pháp nhân, doanh nghiệp vi phạm về hành vi môi trường nhưng do BLHS chưa quy định nên viếc xử lý trách nhiệm hình sự gặp nhiều khó khăn, nên lần đầu tiên trong lập pháp của nước ta quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đã được quy định vào BLHS năm 2015.

Theo đó, tại Chương XIX, BLHS năm 2015 có 12 điều (từ Điều 235 đến Điều 246) quy định về các tội phạm liên quan đến môi trường, gồm:
- Điều235. Tội gây ô nhiễm môi trường
- Điều236. Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại
- Điều237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
- Điều238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông
- Điều239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
- Điều240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
- Điều241. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật
- Điều242. Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản
- Điều243. Tội huỷ hoại rừng
- Điều244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
- Điều245. Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên
- Điều246. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại

Theo quy định về việc phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểmcho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Căn cứ vào các quy định trên cho thấy, tội phạm về môi trường theo BLHS năm 2015 không có tội phạm nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường. Ngoài ra, BLHS còn quy định hình phạt chính của tội phạm môi trường là hình phạt tiền, chứ không phải là hình phạt tù. Mặt khác đối với pháp nhân thương mại chỉ bị áp dụng hình phạt tiền. Bên cạnh đó, BLHS quy định liên quan đến tội phạm môi trường về hình phạt đối với pháp nhân đã dành một điểm quy định pháp nhân thương mại: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn .

Như vậy, việc các cơ quan chức năng khi xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ căn cứ vào mức độ và tính chất nghiêm trọng của hành vi của các cá nhân thuộc pháp nhân để quyết định.

Tác giả bài viết: Lê Thị Kim Loan

Nguồn tin: VKSND huyện Vĩnh Thạnh.