Trang web đọc tiểu thuyết tiếng Anh

Những câu chuyện luôn thu hút trẻ em dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, ở bất kỳ đâu. Vì vậy, việc dùng những sách truyện tiếng Anh để qua đó cho trẻ học tiếng Anh cũng là một cách học hữu hiệu. Các câu chuyện ngoài tình tiết hấp dẫn thu hút trẻ thì các từ vựng được sử dụng trong ngữ cảnh cụ thể cũng sẽ có lợi cho việc học từ của trẻ.

Cho trẻ đọc sách, truyện tiếng Anh thì có ba hình thức:

  • Đọc sách, truyện giấy
  • Sử dụng các apps học đọc và đọc sách tiếng Anh
  • Đọc sách, truyện online trên các trang web

Sách giấy thì trẻ không phải nhìn màn hình máy tính/ điện thoại nhưng số lượng sách có hạn vì không phải cha mẹ nào cũng có khả năng mua và tìm được sách hay hoặc như mong muốn cho trẻ [nhưng cá nhân mình vẫn thích mua sách giấy cho con vì sách để trên giá con thích lấy lúc nào, lấy quyển nào đọc thì lấy và khi con đọc thì không bị phân tán bởi các thứ quảng cáo đập vào mắt như khi dùng apps hoặc web]. Các apps học đọc và đọc sách tiếng Anh thì có sự tiện lợi vì có thể dùng trên điện thoại với giao diện dễ nhìn, có nhiều tính năng, số lượng sách khổng lồ, cũng có apps miễn phí nhưng mình thấy có vẻ nhiều apps thu phí hơn. Còn sách online trên các trang web nếu xem trên điện thoại thì giao diện hơi hạn chế và khó dùng, dùng trên máy tính thì sẽ tiện hơn nhưng đổi lại thì có nhiều nguồn sách miễn phí để cha mẹ lựa chọn cho con.

Dưới đây là một vài trang web có sách truyện tiếng Anh cho trẻ mà mình biết và tìm kiếm được:

1/ learnenglishkids.britishcouncil.org:

Không chỉ có nguồn truyện phong phú cho trẻ dưới 13 tuổi, trang web này của Hội đồng Anh [British Council] còn là trang học tiếng Anh cho trẻ em phong phú, có nghe và xem, đọc và viết, nói và đánh vần, ngữ pháp và từ vựng, các trò chơi thú vị và cả worksheets/ crafts/ coloring cho trẻ in ra và làm nữa.

Với phần truyện, trong mỗi video truyện có cả script nếu bé nào cần học đọc, có phần chuẩn bị [preparation] để học từ vựng trước khi nghe truyện, có games để check việc hiểu nội dung câu chuyện và có cả phần thảo luận [discussion] với câu hỏi để thảo luận thêm. Chương trình này cũng có apps nhưng có vẻ như apps không cập nhật lắm, chỉ có mỗi 10 truyện và không có các phần preparation, games hay discussion.

2/ americanliterature.com:

Tên trang web nghe có vẻ hợp với học sinh lớn nhưng thật ra có rất nhiều thể loại sách truyện. Có sách theo tên tác giả, sách cho học sinh tiểu học, trung học, nguồn sách cho giáo viên, sách theo chủ đề, thơ, tiểu thuyết… Có thể nói đây là một nguồn sách rất phong phú cho mọi lứa tuổi, cho cả giáo viên và học sinh.

3/ storiestogrowby.org:

Cũng là một trang với nhiều thể loại sách khác nhau: bedtime stories, folk tales for kids, early readers… Cũng có góc cho cha mẹ và giáo viên với cả lesson plans và nguồn tài liệu cho giáo viên nữa. Web này có cả podcast, gồm script của các câu chuyện và bản audio của nó, rất hữu ích cho việc nghe và nhận biết cách phát âm của từ mới.

4/ kidsworldfun.com:

Website gồm rất nhiều những câu chuyện ngắn hay và nổi tiếng cho trẻ. Ngoài truyện ra thì trang web cũng có các mục khác khá hay như Fun time với games, videos, câu đố,..; Learn with fun với học tiếng Anh, Khoa học, Toán với nguồn tài liệu phong phú, thông tin/ bài viết cơ bản giới thiệu về những người nổi tiếng; Activities với những hoạt động thú vị cho trẻ như tô màu, thủ công [art & craft], câu đố… Có thể nói đây là nguồn tài liệu phong phú cho cả việc học của học sinh và việc giảng dạy của giáo viên.

5/ storyberries.com:

Giao diện web đơn giản nhưng số lượng truyện cũng nhiều, gồm cả truyện cổ điển và đương đại và có phần chọn truyện theo tuổi/ thời gian/ thể loại/ chủ đề/ hội thoại cũng khá tiện cho ai cần tìm truyện. Những ai là tác giả [writer] và người vẽ minh họa [illustrator] cũng có thể tham gia đóng góp nội dung cho web, chính vì thế mình nhìn thấy đa số truyện đều ghi tên tác giả [người trực tiếp đóng góp vào web chứ không phải tên tác giả trên bìa sách và người đăng là người khác] và những truyện đó cũng không phải là những truyện cho trẻ thường gặp trên nhiều trang web khác.

6/ loyalbooks.com:

Nhìn tagline của trang web “free public domain audiobooks and e-books downloads” thì bạn cũng có thể biết rằng trang web cho download truyện audio và ebook rồi. Và nhìn mục Genres bên cạnh thì bạn cũng có thể thấy thể loại sách phong phú như thế nào rồi, từ truyện trẻ em đến tiểu thuyết kinh điển, rồi sách lịch sử, tôn giáo, triết học, khoa học gì đều có cả. Chưa kể còn có cả sách của các ngôn ngữ khác như Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Nhật… [đến 29 ngôn ngữ]. Đây thực sự là một kho sách nói và sách điện tử quá tuyệt vời cho mọi đối tượng.

7/ Storynory.com:

Trang web có các câu chuyện cổ tích nổi tiếng, truyện của các tác giả cổ điển, truyện thần thoại và thế giới. Mỗi truyện đều có phần audio đi cùng với script nội dung câu chuyện. Và có một cái thú vị nho nhỏ là trong mục Myths & World thì ngoài thần thoại Hy Lạp, truyện cổ tích thế giới, truyện của Pháp, Nhật, Trung Quốc, Nga, Ai Len thì còn có cả truyện của…Việt Nam nhưng chỉ có mỗi hai truyện là Trương Chi [the ugly boatman] và Mai An Tiêm [the watermelon prince].

8/ Magickeys.com:

Số lượng truyện có vẻ không nhiều như các trang trên nhưng có một điểm mình thích là khi bấm vào truyện thì nó hiện ra như từng trang sách/ slide ảnh, giống như mình đang mở từng trang sách đọc vậy [không như một số trang là script ở hết luôn một trang nên kéo xuống khá dài]. Sách có chia ra cho young children, older children và young adults. Ngoài ra, trên web có mục Phonic Links với nhiều link về học phonics cho trẻ và để giáo viên, cha mẹ dạy phonics cho con và mục Online Quizzes cũng có vẻ thú vị [vì mình mới thử sơ một quizz thôi].

Lời kết:

Nguồn sách truyện tiếng Anh trên mạng thì vô cùng phong phú. Tuy nhiên việc áp dụng với việc học tiếng Anh của con thì theo mình, cha mẹ vẫn nên quan sát con và sự hứng thú của con để có thể có chọn lựa và điều chỉnh phù hợp. Học tiếng Anh qua truyện là một cách học hay nhưng đừng vì yếu tố “học tiếng Anh” mà bỏ qua sự hứng thú với việc đọc sách, truyện của trẻ. Nói cách khác, cha mẹ đừng vì sốt ruột về số từ vựng tiếng Anh, khả năng nói ra/ kể lại câu chuyện bằng tiếng Anh của con… mà lại vô hình chung tạo áp lực lên việc đọc sách của trẻ, lâu dần sẽ làm trẻ mất hứng thú đọc sách, truyện. Cha mẹ hãy tin rằng chỉ cần trẻ có và duy trì được hứng thú với việc đọc sách thì khi nạp đủ “input”, trẻ sẽ cho “output” một cách bất ngờ cho cha mẹ thôi 🙂

Video liên quan

Chủ Đề