Trau chuốt câu văn

Khảo sát các tập tản văn của Đỗ Phấn, người đọc sẽ thấy vốn từ vựng của ông rất phong phú, ngôn ngữ đa dạng mới mẻ như chính cuộc sống. Cuộc sống như thế nào thì được vẽ lại bằng những con chữ tương tự như thế ấy. Sự hòa điệu hai tâm hồn nghệ sĩ trong một con người đã giúp Đỗ Phấn thăng hoa trong cách viết. Một Đỗ Phấn yêu Hà Nội thiết tha với những xúc cảm hồn nhiên, trong trẻo và một Đỗ Phấn chau mày, bực dọc với những lổn nhổn, bộn bề của phố phường Hà Nội hôm nay. Gạt qua một bên con người bực dọc, đăm chiêu là tâm hồn của một người nghệ sĩ luôn rộng mở, hướng tới thiên nhiên vạn vật trong lòng Hà Nội. Tâm hồn ấy có sự đan xen của nhiều cung bậc cảm xúc: khi thanh tân, lúc tươi mới. Để thể hiện những cảm xúc đó, Đỗ Phấn đã tạo dựng những con chữ thật trau chuốt, mượt mà và đầy chất thơ. Đọc những đoạn ông miêu tả nắng thu, người đọc không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ về khả năng diễn đạt truyền cảm của nhà văn: “Nắng thu trong vắt buông mình xuống lối đi đầy lá dưới sân. Từng sợi nắng xuyên qua tán cây khép nép len lỏi vào chỗ các bạn anh ngồi khiến cho gương mặt họ chợt bừng sáng…”

[33, 55]. Một thứ nắng trong trẻo dịu nhẹ len lỏi qua từng hàng cây, kẽ lá. Tác giả phải tinh tế và nhạy cảm lắm mới có thể thấy được độ mỏng mảnh của từng sợi nắng, độ duyên dáng của sắc vàng mùa thu len lỏi xuống lối đi làm cho mặt người bừng sáng, rạng ngời hơn. Nắng như thổi hồn cho vạn vật và làm cho bức tranh đường phố thêm phần thơ mộng, trữ tình. Ánh nắng tinh khôi đến độ trong vắt. Quả thực sự cảm nhận của nhà văn sâu sắc đến từng chi tiết. Chỉ vài câu ngắn gọn nhưng có thể diễn tả hết cái đẹp, thần thái, sự tươi mới, tinh khôi, sự uyển chuyển dịu dàng

của từng sợi nắng, nhà văn đã chứng minh được năng lực sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời của mình. Ngôn ngữ mềm mại, đầy chất thơ và chất họa. Có thể khẳng định những đoạn văn như trên xứng đáng được gọi là mĩ văn và những câu chữ giàu sức gợi như vậy xứng đáng được gọi là mĩ từ. Một đoạn văn ngắn nhưng có thể làm thanh lọc tâm hồn con người vượt lên cái bụi bặm, ngột ngạt của phố phường.

Trong các tập tản văn của Đỗ Phấn, người đọc thường bắt gặp hình ảnh của những dòng sông, nhất là con sông Hồng thân thuộc. Và mỗi khi viết về dòng sông này, kí ức như chợt ùa về và xúc cảm lại dạt dào trên từng con chữ đầy nắng và gió: “Tháng giêng, dòng sông cạn trơ đáy. Vài chiếc thuyền nhà chài rách nát neo trên dải cát phù sa cỏ mọc xanh rì. Nôn nao vài ngọn gió trải nhẹ trên mặt nước êm đềm lan tỏa. Những con sóng nhỏ mọn nép vào nhau mơn man bờ cát không biết tự thuở nào…” [33;104]. Kí ức thần tiên một thời đã xa, dòng sông cũng không còn đẹp như ngày trước nên để lại một nỗi buồn hoang hoải, một nỗi nhớ thương đến nao lòng trong lòng văn nhân. Hình ảnh vài chiếc chài rách nát neo đậu trên dải cát xanh rì cỏ và từng đợt sóng nhỏ nép vào nhau mơn man bờ cát dễ gợi những xúc cảm man mác, buồn thương về sự bé nhỏ, nỗi cô đơn, chông chênh của cuộc đời. Tâm trạng bâng khuâng, khắc khoải của Đỗ Phấn như kí thác vào từng con chữ.

Trong tản văn của Đỗ Phấn, những đoạn miêu tả thiên nhiên có thể xem như một áng thơ đẹp. Nhà văn miêu tả nắng thu trong veo, tinh khôi ngọt ngào tựa những câu thơ bay bổng, chứa chan xúc cảm và khi đó ta thấy đất trời Hà Nội vào thu nên thơ bết mấy. Khi thu tàn dù đất trời mệt lả thì vẫn có sức hấp dẫn. Bằng những ngôn từ giàu sức gợi và chứa đựng được nhiều hình ảnh nhất, Đỗ Phấn viết về những ngày cuối thu cũng thật sinh động: “Cuối thu đất trời mệt lả. Từng đàn cá vàng đang chen chúc hớp những cái miệng trong bé xíu vẽ vòng lay động mặt hồ xanh rong ngao ngán. Trên cành cao, con chim chích chòe non tấm tức hót chuyện…” [33, 112]. Đất trời vạn vật như đều có hồn. Mùa thu hẳn đã tận hiến tất cả những gì tinh khôi trong trẻo nhất cho loài người nên gần đến ngày tàn thu cũng tỏ ra mệt lả, rã rời. Chính con mắt thi vị của người nghệ sĩ đã làm cho bức tranh ngày cuối thu có sức lôi cuốn diệu kì với những hình ảnh sinh động: cái miệng nhỏ xinh của những chú cá bé xíu vẽ vòng lay động mặt hồ xanh rong và những chú

chích chòe đang tấm tức hót chuyện trên cao. Thiên nhiên vẫn cứ sinh động mặc dù cuối thu mọi thứ đã ngao ngán cả rồi.

Một đặc điểm làm nên ngôn ngữ mượt mà giàu hình ảnh trong ngôn từ nghệ thuật của tản văn Đỗ Phấn là nhà văn sử dụng khá nhiều hình ảnh so sánh. Và các hình ảnh ấy đều giàu sức gợi, sức liên tưởng. Nhìn vào bức tranh Tản Viên sơn trong mưa của ông, người đọc sẽ thấy một bức tranh núi rừng vừa hùng vĩ lại vừa thơ mộng như hư như thực ẩn hiện trong làn sương mờ ảo: “Nắng nhạt loang trên những thửa ruộng nhấp nhô cay mùi khói rơm mới của vùng đồi dưới chân núi. Con đường mềm như lụa. Như một nét bút tài hoa vẽ vào xa xăm Tản Viên sơn bồng bềnh trong mây như thế đã mấy triệu năm rồi nhỉ…” [33, 194]. Những con chữ cũng như bồng bềnh trôi trong mây mờ Tản Viên, dẫn dắt lòng người phiêu bạt cùng không gian thần tích đầy bí ẩn. Những đoạn tản văn như trên không chỉ giúp độc giả được khám phá một thế giới thần diệu, cô tịch, lắng đọng mà còn được gột rửa tâm hồn, vượt lên trên những bụi bặm đời thường của chốn trần gian.

Mỗi lần được đắm chìm trong không gian thơ mộng của thiên nhiên là mỗi lần nhà văn hân hoan, vui vẻ hơn. Cảnh vật nhờ đó mà cũng căng tràn sức sống hơn. Như khi ông miêu tả về khu vườn bách thảo với vẻ đẹp nguyên sơ, khoáng đạt: “Khu vườn hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Và còn toát lên vẻ quên lãng đầy thơ mộng. Cây sưa già ruỗng ngọn vẫn bình thản buông những cánh hoa vàng lấm tấm trên con đường uốn cong ven hồ nước. Những khóm liễu bên hòn đảo nhỏ thả mớ tóc dài nhung nhớ xuống mặt hồ. Và thấp thoáng trong trong cao xanh Núi Nùng là những nụ hôn kín đáo tình tứ của vài đôi trai gái…” [33, 200]. Hàng loạt các hình ảnh nhân hóa và so sánh được hiện lên một cách sinh động, cuốn hút. Cây sưa bình thản, những khóm liễu thả mớ tóc dài nhung nhớ... Cảnh vật như được thổi hồn, mang sự sống hơi thở của con người, và mọi thứ đều bình yên, mơ mộng. Câu chữ như ru như lướt gợi ra những nét vẽ tài tình về một không gian thơ mộng, trữ tình. Từ ngữ được tác giả chọn lọc và trau chuốt kĩ lưỡng mang giá trị biểu cảm cao. Nhà văn đã khéo léo dùng ngôn ngữ đặc sắc để diễn tả thần thái bình dị, thanh thản của vạn vật, của lòng người.

Ở một không gian khác với những rặng tre xanh rì rào, người nghệ sĩ lại hình dung ra hình ảnh của những người con gái xuân thì tràn trề sức sống: “Những lùm tre bên sông như mớ tóc xổ tung hóng gió của người con gái đương thì. Dạn dĩ và mạnh bạo. Những thân tre lực lưỡng cựa mình nghiêng ngả mê say…” Câu văn mượt mà như nhung lụa, êm ái như điệu nhạc, ngọt ngào như mật tháng giêng. Một đoạn văn ngắn nhưng lại có thể đem lại nhiều cảm giác mê say cho người đọc. Có thể thấy câu chữ đã bứt phá ra khỏi ý nghĩa biểu đạt của nó, đem lại bức tranh về sự sống căng tràn và niềm khắc khoải mênh mang của lòng người. Vẫn là cách miêu tả ví von quen thuộc nhưng người đọc không cảm thấy nhàm chán mà ngược lại thấy thích thú vì trí tưởng tượng phong phú của nhà văn, thấy được tài năng của người nghệ sĩ trong việc lựa chọn ngôn từ.

Khảo sát các tập tản văn của Đỗ Phấn, đặc biệt là ở những đoạn miêu tả thiên nhiên Hà Nội mới thấy được sự gia công, gọt giũa tinh luyện ngôn từ của Đỗ Phấn. Ông đã sử dụng pho từ vựng và trí tưởng tượng phong phú của mình để phác họa sự vật một cách sinh động nhất có thể nhưng vẫn gợi được cảm giác thân thuộc, gần gũi với con người. Mỗi trường đoạn như vậy lại giống như một bức họa đẹp quyến rũ người thưởng thức. Và người nghệ sĩ ấy đã thành công khi kéo người đọc cùng mình thả hồn vào bức tranh tuyệt bích ấy.

Tóm lại, khi nói về ngôn ngữ của tản văn vì tính chất ngắn gọn, hàm súc nên câu từ phải có sức gợi, sức chứa đứng thông tin lớn nhất. Và Đỗ Phấn không chỉ làm được điều đó mà hơn cả ông đã thổi hồn cho những con chữ của mình để nó nhảy múa uyển chuyển trên trang giấy theo tiếng sáo lòng của người nghệ sĩ. Những nét chữ như những nét phác họa của người họa sĩ, điểm xuyết mà gợi rất đúng thần thái của vạn vật. Bức tranh không quá rực rỡ nhưng cũng không xám xịt. Tất cả đều hài hòa, êm ái mê hoặc lòng người. Bức tranh về thiên nhiên mà người nghệ sĩ vẽ hiện lên như một bữa tiệc thịnh soạn đầy đủ âm thanh, màu sắc và cả tình cảm của con người gửi gắm trong từng sự vật.

Chủ Đề