Trẻ 6 tháng tuổi uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Theo  Thạc sĩ, Bác sĩ Châu Tố Uyên, khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi đồng 1, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu nước trong ngày ở trẻ em như thời tiết nóng, mức độ hoạt động nhiều hay ít, tình trạng bệnh lý có sốt…Tuy nhiên, nếu trẻ em có sức khỏe bình thường thì các bậc cha mẹ chỉ cần tính lượng nước uống trong ngày của trẻ bằng cách đếm ly nước cho dễ nhớ, mỗi ly tương đương 250ml.

Trẻ 6 tuổi cần uống 6 ly nước mỗi ngày. Ảnh minh họa

Trẻ em ở từng độ tuổi sẽ có lượng nước uống như sau:

- Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ không nên uống thêm nước. Lượng nước cần thiết cho trẻ được đến từ nguồn sữa mẹ hoặc sữa công thức.

- Với trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, lượng nước cần bổ sung cho trẻ có liên quan tới lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức mà trẻ đã được cung cấp. Ngoài ra, trình trạng dinh dưỡng tổng quát, yếu tố sức khỏe và tăng trưởng của trẻ cũng góp phần ảnh hưởng. Nguyên tắc chung của lượng nước uống trong độ tuổi này là từ nửa [1/2] ly đến một ly nước trong ngày [125ml đến 250ml].

- Với trẻ từ 1 tuổi đến 8 tuổi, lượng nước uống trong ngày được tính theo độ tuổi. Chẳng hạn: Trẻ một tuổi nên uống một ly nước trong suốt ngày, trẻ hai tuổi nên uống hai ly, trẻ 3 tuổi nên uống 3 ly…Cụ thể:

+ Trẻ 1 tuổi: 1 ly nước [1 ly =250ml]

+ Trẻ 2 tuổi: 2 ly nước

+ Trẻ 3 tuổi: 3 ly nước

+ Trẻ 4 tuổi: 4 ly nước

+ Trẻ 5 tuổi: 5 lý nước

+ Trẻ 6 tuổi: 6 ly nước

+ Trẻ 7 tuổi: 7 ly nước

+ Trẻ 8 tuổi trở lên: 8 ly nước

Đối với những trẻ sinh sống ở vùng khí hậu nóng hoặc khi trẻ chơi thể thao, chạy nhảy nhiều thì sẽ cần nhiều nước uống trong ngày hơn.

Trẻ không nên uống ừng ực nhiều nước một lúc mà nên uống từ từ, từng ngụm một. Ảnh minh họa

Nên tập cho trẻ thói quen uống nước một cách chủ động, uống nước ngay cả khi không khát, nên uống nước đã được đun sôi để nguội trong vòng từ 12 - 24 tiếng đồng hồ, không nên uống nước đã được để qua đêm.

Với những trẻ chơi thể thao, không nên uống nhiều nước một lúc mà nên uống từ từ, từng ngụm một vì đưa một lượng nước lớn vào cơ thể thì dạ dày sẽ không hấp thụ và chuyển hoá ngay được. Nước dễ bị tích tụ trong dạ dầy và đường ruột gây cảm giác khó chịu, buồn nôn và ảnh hưởng đến việc tiêu hoá.

Trẻ em rất thích uống nước trong khi ăn nhưng thói quen này không tốt cho sức khỏe vì trong khi ăn, dạ dày và ruột sẽ tiết dịch theo phản xạ có điều kiện. Khi nhai, khoang miệng cũng tiết ra nước bọt cùng với dịch vị trong dạ dày giúp tiêu hóa thức ăn, làm cho các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn trở thành chất dễ được hấp thụ. Nếu trước, trong và sau khi ăn mà uống nhiều nước sẽ làm loãng dịch tiêu hóa và các dung môi trong dịch, ảnh hưởng đến sự hấp thu tiêu hóa thức ăn.

Theo Thầy thuốc ưu tú, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Cao Thị Thu Hương - Trưởng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi được khuyến cáo không nên uống nước vì trong sữa mẹ hoặc sữa công thức đã có lượng nước đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ mỗi ngày. "Với trẻ từ 6 tháng tuổi, mặc dù vẫn bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nhưng trẻ ở độ tuổi này đã bắt đầu ăn dặm. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] khuyến cáo cần cho trẻ uống nước để ngăn ngừa táo bón và đảm bảo sự phát triển toàn diện".

Theo BS. Cao Thị Thu Hương, lượng nước bao gồm nước đun sôi để nguội, nước ép rau củ quả tươi, nước luộc rau,... cần cung cấp cho trẻ 6 tháng tuổi phụ thuộc vào cân nặng và lượng sữa trẻ bú, trung bình khoảng 100ml/kg cân nặng.

Ví dụ, trẻ nặng 7kg sẽ cần 700ml nước/ngày, nếu trẻ đã uống 500ml sữa/ngày thì cần uống thêm 200 ml nước. Lượng nước này có thể thay đổi theo độ tuổi và mức độ hoạt động của trẻ trong ngày.

Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần lưu ý, không nên cho trẻ uống các loại nước có gas, nước tăng lực, nước có hàm lượng khoáng cao, thức uống kích thích như trà và cà phê... vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển của trẻ. Với nước đun sôi để nguội, mẹ nên cho trẻ uống nước nấu trong ngày, không để qua đêm. Với nước trái cây, nước luộc rau củ... nên cho trẻ uống ngay sau khi chế biến xong để tránh mất dưỡng chất.

Về thời điểm uống nước, BS. Cao Thị Thu Hương cho biết, khi cho trẻ 6 tháng uống nước, cha mẹ nên lựa chọn thời điểm phù hợp. Mặc dù nước không có năng lượng nhưng nếu uống quá nhiều trước bữa ăn sẽ khiến trẻ bị no, kém ăn, lâu ngày có thể dẫn đến biếng ăn làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, thấp còi...

Về lượng nước, cha mẹ cần chia nhỏ lượng nước cho trẻ uống trong ngày, không cho trẻ uống quá nhiều một lúc. Buổi tối, không cho trẻ uống quá nhiều nước.

Người lớn cho trẻ uống nước cách xa bữa ăn, đặc biệt, các loại nước ép hoa quả giàu vitamin và năng lượng vì có thể khiến bé no ngang, bỏ ăn. Lưu ý cần hạn chế cho đường vào các loại nước ép, nên để trẻ thưởng thức vị ngọt tự nhiên của các loại trái cây.

Trong lúc ăn dặm, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống nước trong khi ăn dặm vì nước có thể khiến trẻ nhanh no, làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Chỉ cho trẻ uống một ít nước [khoảng vài thìa] sau khi ăn dặm hoặc uống sữa công thức để làm sạch khoang miệng.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ dễ đổ mồ hôi, thường có nguy cơ mất nước cao, nhất là vào những ngày nóng bức và khi trẻ hoạt động nhiều. Vì vậy cha mẹ thường xuyên cho trẻ 6 tháng uống nước, đừng đợi đến lúc trẻ khát vì lúc đó cơ thể bé đã bị thiếu nước.

Một số dấu hiệu cho thấy cơ thể bé đang thiếu nước như chóp đỉnh đầu bị lõm, môi khô, da khô, mệt mỏi.

Cha mẹ cũng nên thường xuyên quan sát nước tiểu của trẻ để dễ dàng phát hiện dấu hiệu thiếu nước. Nếu trẻ 6 tháng đi tiểu ít hơn 6 lần mỗi ngày, nước tiểu màu vàng đậm thì điều đó có nghĩa trẻ đang bị thiếu nước. Nếu nước tiểu gần có màu trắng trong nghĩa là lượng nước cung cấp cho trẻ đủ.

BS. Cao Thị Thu Hương lưu ý: "Trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ trẻ đổ nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy, táo bón, nóng sốt... cha mẹ cần phải bổ sung nước cho trẻ đúng cách, nhiều hơn bình thường để tránh mất nước gây ảnh hưởng sức khỏe. Cha mẹ có thể đưa bé đi khám để gặp bác sĩ tư vấn cụ thể, cùng với đó là duy trì cho trẻ một chế độ ăn dặm khoa học, đảm bảo đủ dưỡng chất để trẻ phát triển toàn diện, tối ưu".

Chủ Đề