Vai trò của giáo viên trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường

Phát huy vai trò chủ động của nhà trường, giáo viên khi triển khai CT, SGK mới

Ngày cập nhật : 15/10/2020

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc sở GD&ĐT An Giang, cho rằng, để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông [GDPT] 2018, vai trò chủ động của nhà trường và giáo viên là vô cùng quan trọng.

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên giáo dục tiểu học thực hiện song song hai chương trình giáo dục phổ thông: Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện Thông tư số 32/2018/TT-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT, đến nay, sở GD&ĐT An Giang đã chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch, xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình. Tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Sắp xếp lại các cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, tạo thuận lợi cho người dân; phù hợp với quy hoạch.

“Chúng tôi cũng tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng các phòng học, trang thiết bị dạy học. Xây dựng kế hoạch đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xây dựng mới, bổ sung... đáp ứng yêu cầu để triển khai dạy học chương trình mới. Bố trí đủ số lượng giáo viên, bảo đảm để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở lớp 1, tất cả giáo viên dạy lớp 1 đều được hỗ trợ tập huấn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông và sách khoa mới” – ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Tính đến nay, học sinh lớp 1 đã được học 6 tuần. Bộ GD&ĐT đã có công văn số 3977/BGD&ĐT-GDTH về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học. Sở GD&ĐT An Giang cũng đã chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lí về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học và hoạt động giáo dục không để quá tải, đáp ứng nhu cầu triển khai chương trình mới theo hướng mở, linh hoạt; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà.

“Thời gian tới, Sở tổ chức hội thảo chia sẻ về xây dựng kết hoạch dạy học, điều chỉnh nội dung, những khó khăn trong triển khai… Từ đó cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc” – Phó Giám đốc sở GD&ĐT An Giang cho hay.

Ảnh minh họa/internet.

Theo ông Trần Tuấn Khanh, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, đảm bảo định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc; đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho các địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục, điều kiện của địa phương và nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Ngoài ra, chương trình quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Như vậy, để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 có hiệu quả, ông Trần Tuấn Khanh cho rằng vai trò chủ động của nhà trường và giáo viên là vô cùng quan trọng. Cụ thể:

Đối với nhà trường, trước hết là vai trò quản lý điều phối các hoạt động giáo dục, trong đó có nhiều mảng công việc cùng một lúc phải thực hiện bao gồm: chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa, tổ chức bồi dưỡng …mà quan trọng nhất là việc bồi dưỡng để giáo viên nắm vững chương trình mới và khả năng xây dựng chương trình nhà trường trên cơ sở phát huy sinh hoạt chuyên môn liên tục, tại chỗ với sự hỗ trợ học tập của các đồng nghiệp.

Đối với giáo viên, quan trọng là việc thay đổi nhận thức, mỗi giáo viên phải nắm vững những nguyên tắc, định hướng chung về việc dạy học, nhất định phải chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Song song với đó việc thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện học sinh, nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời phải thay đổi về phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

“Đổi mới trong giáo dục phổ thông bước đầu có thể sẽ có những khó khăn, đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý và giáo viên trong nhà trường phải có nhận thức đầy đủ, chịu khó thay đổi mình, đồng thời phải có kiến thức tốt về chuyên môn, vững về nghiệp vụ sư phạm.

Để phát huy tinh thần chủ động mỗi cán bộ quản lý, mỗi giáo viên phải tích cực thay đổi dần, không thể ngồi chờ, mà phải chuyển dần ngay từ lúc này, những việc có thể thay đổi trước thì phải thay đổi, phải làm [xây dựng chương trình nhà trường theo hướng tự chủ, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá…].

Việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên theo các modun quy định mà các trường Đại học sư phạm đang hướng dẫn phải được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, không qua loa chiếu lệ, phải đi vào thực chất, sát với các công việc dạy và học hàng ngày, nếu làm tốt như thế thì việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ mang lại hiệu quả.” – ông Trần Tuấn Khanh nêu quan điểm.

Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường: Mở cánh cửa tư duy sáng tạo

Ngày cập nhật : 31/08/2021

Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông [GDPT] 2018, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là bắt buộc.

Học sinh Trường THCS – THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Hải Bình

Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục còn lúng túng trong triển khai. Làm sao để xây dựng được kế hoạch giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh [HS] là mối quan tâm lớn của các nhà trường hiện nay.

Bản sắc riêng

Theo Công văn 791/HD-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành [Hà Nội] là một trong 8 đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện xây dựng chương trình nhà trường.

Tiếp cận với chương trình nhà trường khi khái niệm này còn rất mới mẻ ở nước ta, trong bối cảnh cả nước vẫn thực hiện một chương trình quốc gia tập trung hóa cao độ, quy định chi tiết về từng bài học cụ thể, thời gian dạy học cho mỗi bài… Ban giám hiệu Trường Nguyễn Tất Thành đã thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới hoạt động dạy học, giáo dục theo hướng phát triển tối đa tiềm năng của HS, đồng thời cũng mở cánh cửa tư duy sáng tạo, tinh thần học tập không ngừng cho mỗi thầy cô giáo.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành cho biết: Chương trình nhà trường đã tạo nên bản sắc của Trường Nguyễn Tất Thành, tạo cơ hội để phát triển phẩm chất, năng lực HS, trao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa chương trình quốc gia vào trường phổ thông cho giáo viên [GV] ở tất cả bộ môn.

Qua từng năm học, các vấn đề giáo dục tiếp tục được tìm hiểu, triển khai, tổng hợp, đánh giá, tổ chức hội thảo, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, minh chứng kết quả học tập và giáo dục toàn diện của HS từ các nguồn đánh giá trong và ngoài khác nhau… Chính vì vậy, chương trình không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và ngày càng thể hiện vai trò, hiệu quả trong việc dạy học, tạo uy tín về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Năm học 2019 - 2020, chương trình nhà trường được Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành rà soát, thiết kế thành các chủ đề dạy học. Từ mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực HS, nội dung dạy học tiếp tục được tổ chức lại, tăng tính liên thông, phối hợp, liên môn, xuyên môn. HS được phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó tự tìm ra kiến thức mới trên cơ sở nguồn tài nguyên học tập đa dạng do GV cung cấp. Nhờ đó phát triển khả năng tự học, tăng cường năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác giữa các HS.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ: Xây dựng chương trình nhà trường trong bối cảnh mới trở thành nội dung sinh hoạt của tổ chuyên môn, thành nhiệm vụ trọng tâm của toàn trường. Các tổ chuyên môn đã tìm thấy cơ hội “hợp tác”, “tích hợp” để cùng nhau xây dựng chủ đề học tập liên môn.

Các buổi sinh hoạt chuyên môn sâu về nội dung, rộng về phạm vi để cùng thiết kế chủ đề dạy học tích hợp liên môn đã tạo điều kiện để mỗi GV bước ra khỏi lĩnh vực riêng của mình. Họ có thể dễ dàng nhìn thấy bức tranh tổng thể về toàn bộ chương trình nhà trường và hoạt động giáo dục, “trực quan” đóng góp của bộ môn mình phụ trách trong việc xây dựng nên chân dung tổng thể của HS Trường Nguyễn Tất Thành với những phẩm chất và năng lực cụ thể.

Thực hiện chương trình nhà trường trong bối cảnh mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất HS cũng đặt ra yêu cầu cung cấp các phương tiện dạy học để hỗ trợ GV và HS giảng dạy và học tập tốt nhất. Cô Nguyễn Thị Thu Anh cho biết: Nhà trường đã trang bị cho toàn bộ GV, HS tài khoản Office 365. GV Trường Nguyễn Tất Thành có một hành trình trải nghiệm học tập tích cực, thú vị với các tính năng phong phú của bộ công cụ Office 365 với nhiều tiện ích thiết thực.

Với Trường Tiểu học và THCS Ea Trol, Sông Hinh, Phú Yên, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là việc mới nên không tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu. Cô Trần Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học cho hay: Khi triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 1, căn cứ Kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh ban hành và Chương trình của Bộ GD&ĐT, Ban giám hiệu cùng bộ phận chuyên môn, mà nòng cốt là các tổ trưởng chuyên môn đã được tập huấn tiến hành xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Quá trình thực hiện sẽ linh hoạt, nhưng vẫn bảo đảm hoàn thành chương trình theo đúng khung kế hoạch thời gian năm học. Đơn cử, mùa mưa, HS không thuận lợi học môn Giáo dục thể chất ngoài trời, giáo viên có thể đề xuất tổ trưởng, Ban giám hiệu tăng số tiết các môn học khác và mùa nắng sẽ tăng số tiết học môn Giáo dục thể chất.

“Triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cho năm học tới, dù UBND tỉnh chưa ban hành kế hoạch thời gian của năm học 2021 - 2022, trường đang nghiên cứu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, giao 5 tổ trưởng chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cấp tổ nghiên cứu chương trình tổng thể và chương trình môn học, nội dung giáo dục địa phương theo từng khối lớp. Sau đó, giáo viên cùng trao đổi, thảo luận để thống nhất và xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục [phân phối chương trình]” - cô Trần Thị Hoa cho hay.

Học sinh khối THCS Trường Nguyễn Tất Thành tự tin thuyết trình bằng Tiếng Anh. Ảnh: TG

3 bước xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường

Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng là đơn vị được giao xây dựng tài liệu bồi dưỡng mô-đun 4 cho GV - “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS tiểu học/ THCS/ THPT”.

Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS ở trường THCS, PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ quy trình 3 bước. Theo đó, bước 1: Xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình trong năm học. Bước 2: Tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch giáo dục theo khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình. Bước 3: Hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và ban hành thực hiện kế hoạch.

Căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm của Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng nhà trường tổ chức họp các thành phần liên quan để xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương [gọi chung là môn học], bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình.

Chương trình mỗi môn học ở khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. Yêu cầu khi xây dựng cần đảm bảo phù hợp với đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Để thực hiện nhiệm vụ này, trước hết cần nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 cấp THCS; phân tích các điều kiện thực tiễn của nhà trường để thực hiện chương trình; xác định mục tiêu giáo dục của nhà trường trong năm học; xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình trong năm học.

Gợi ý khung kế hoạch giáo dục nhà trường cấp THCS theo tài liệu tập huấn của Trường ĐHSP 
– ĐH Đà Nẵng. 

Giáo viên đóng vai trò quan trọng

Căn cứ kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học hàng năm của sở GD&ĐT, hiệu trưởng tổ chức họp các thành phần liên quan để xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương [gọi chung là môn học], bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình. Chương trình mỗi môn học ở khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. Yêu cầu khi xây dựng cần bảo đảm phù hợp với đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Để thực hiện nhiệm vụ này, trước hết cần nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 cấp THCS; phân tích các điều kiện thực tiễn; xác định mục tiêu giáo dục của nhà trường trong năm học; xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình trong năm học.

“GV đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đó là lực lượng tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch; là người trực tiếp thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đồng thời, họ là người phối hợp với các lực lượng giáo dục thực hiện có hiệu quả kế hoạch giáo dục đã ban hành. GV cũng trực tiếp đánh giá hiệu quả của kế hoạch giáo dục từng năm, đề xuất thay đổi cho phù hợp.

Vì vậy, GV cần có hiểu biết về những định hướng, quan điểm mới trong Chương trình GDPT tổng thể cũng như chương trình môn học mình phụ trách; chủ động xây dựng kế hoạch của cá nhân để thực hiện chương trình GDPT theo kế hoạch của tổ/nhóm chuyên môn và của nhà trường” - PGS.TS Lưu Trang lưu ý thêm.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Hiệu trưởng tổ chức xây dựng, ban hành Kế hoạch giáo dục của nhà trường, hàng năm báo cáo sở GD&ĐT [với trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT] và phòng GD&ĐT [đối với trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS] trước khi bắt đầu năm học mới.

Ngày 23/6/2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Văn bản số 2613/BGDĐT-GDTrH về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021 - 2022. Trong đó có lưu ý, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với HS.

Hiểu biết sâu sắc về mục tiêu dạy học, nội dung học tập, HS, về khả năng và giới hạn của các phương tiện dạy học… trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào, tạo cảm hứng sáng tạo, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, đem lại những khởi sắc trong hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường. Kế hoạch dạy học các môn học luôn được tổ chuyên môn điều chỉnh sau mỗi năm học, đi đôi với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học. - Cô Nguyễn Thị Thu Anh.

Theo GD&TĐ

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề