Việt đoạn văn khoảng 200 chữ về nhân vật người đàn bà hàng chài

Phân tích hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

Bài làm

Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: Viết văn là đi tìm hạt ngọc ẩn giấu sâu trong tâm hồn con người.. Quan niệm văn chương ấy đi vào từng sáng tác của ông, làm sáng ngời lên những ánh ngọc của những phận người dù là đăng cay, tủi nhục. Nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa chính là một trong hạt ngọc mà nhà văn đã tìm thấy giữa cuộc đời bôn ba rộng lớn, là hình tượng nghệ thuật để lại nhiều ấn tượng và suy ngẫm cho người đọc.

Nguyễn Minh Châu thuộc vào trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của thời kì văn học đổi mới (Nguyễn Trung Thành). Quan niệm làm văn của ông được thể hiện rất rõ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, sáng tác năm 1983, khi ông hóa thân thành anh nhiếp ảnh Phùng để qua ống kính máy ảnh và đôi mắt để nhìn và thấu hiểu cuộc đời, thấu hiểu nghệ thuật. Nhân vật người đàn bà là nhân vật chính của tác phẩm và tập trung bút lực khắc họa của nhà văn.

Người đàn bà hiện lên đầu tiên với những nét vẽ ngoại hình. Người đàn bà mang thân hình cao lớn, thô kệch quen thuộc của đàn bà vùng biển, bó chặt trong tấm áo bạc phếch và rách rưới. Người đàn bà rỗ mặt, khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ. Dường như thân hình, gương mặt đã tiên đoán được số phận cay cực của người đàn bà. Mụ là nạn nhân của đói nghèo, lạc hậu lại phải gánh trên lưng những khó nhọc của áo cơm gì sát đất khi nuôi một đàn con đông. Xót xa hơn, người đàn bà còn là nạn nhân của bạo lực gia đình: bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, bị lão chồng trút khổ bằng những trận đòn như lửa cháy và bằng những lời nguyền rủa đớn đau. Người đàn bà là hiện thân của đời sống lam lũ, nhọc nhằn, là hình ảnh của đời thường với những nét thô kệch, xấu xí.

Tuy mang vẻ bề ngoài và số phận cơ cực nhưng ở người đàn bà lại sáng lên ánh ngọc của một tâm hồn cao đẹp. Mang tư cách là một người mẹ nên người đàn bà rất giàu tình yêu thương và đức hi sinh. Người đàn bà luôn giữ cho mình niềm tin đơn giản nhưng bền vững vào thiên chức của người mẹ: Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được. Vì niềm tin không thể từ bỏ đó mà người đàn bà luôn nén mình chịu những đau đớn từ người chồng để tránh cho con bị tổn thương, để gia đình có người đàn ông chèo chống qua bão táp. Vì không muốn con chứng kiến cảnh bạo lực nên khi con lớn rồi, người đàn bà xin lão chồng lên bờ đánh. Đức tin ấy còn làm người đàn bà hóa đá trước những trận đòn roi, coi nó như cơm bữa mà nhẫn nại. Thế nhưng khi chứng kiến đứa con trai lao vào đánh bố để bảo vệ mẹ, người đàn bà lại bật khóc cảm thấy đau đớn vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã. Đâu đó ta còn thấy ánh lên tia sáng của lòng tự trọng, người đàn bà không muốn con chứng kiến cảnh bị đánh, thấy nhục nhã xấu hổ dường như một phần cũng là tự giữ lại cho mình một ít tự trọng.

Nét đẹp trong tâm hồn người đàn bà còn được thể hiện qua sự từng trải, sắc sảo, thấu hiểu lẽ đời. Nếu Đẩu, Phùng và bé Phát chỉ nhìn gã đàn ông như kẻ vũ phu với cái nhìn căm giận; thì với người đàn bà, lão chồng vừa là nạn nhân lại vừa là ân nhân của đời mình. Với người đàn bà, người chồng ấy cũng phải chịu nhiều cơ cực của gánh nặng mưu sinh, là nạn nhân của chiến tranh. Điều mà người đàn bà mang ơn người chồng là bởi hắn đã lấy người đàn bà dù mụ xấu, thậm chí khi đó mụ còn có mang với người khác. Người đàn bà không căm phẫn oán trách mà còn tỏ ra thấu hiểu, cảm thông, thương xót khi thấy hoàn cảnh khốn đốn của gã trai hiền lành trở thành một người đàn ông tàn bạo. Những ngày tháng lênh đênh trên biển, chịu đủ đau thương và vui buồn đã khiến những suy nghĩ của người đàn bà trở nên dày dặn, người đàn bà nhìn thấy nỗi đau thực sự của người chồng, thấu hiểu quy luật cuộc sống nên đã mở tấm lòng bao dung để gắn bó và thứ tha. Người đàn bà đã từ chối lời đề nghị li dị của Phùng và Đẩu. Con thuyền gia đình vẫn cần người chèo lái, đó chỉ có thể là người chồng. Những đứa con thơ vẫn cần người bố để tựa vào, và con vẫn khỏe mạnh thì niềm vui lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no trong người đàn bà vẫn tràn đầy. Những góp nhặt, chắt chiu hạnh phúc đã đưa tâm hồn người đàn bà qua mọi cơn bão tố. Lựa chọn tiếp tục gắn bó không còn là quyết định nhu nhược nữa mà nó trở thành quyết định sáng suốt xuất phát từ suy nghĩ thấu đáo và bằng sự thấu hiểu lẽ đời.

Nhân vật người đàn bà là hình tượng nghệ thuật mang nhiều thông điệp nhân văn. Số phận đắng cay ấy của người đàn bà cũng là số phận của nhiều người phụ nữ trên những con thuyền khác: Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu và cũng là phận người nhỏ bé trước gánh nặng cuộc sống đè nặng lên đôi vai. Những nghịch lý ở người đàn bà là hiện thân của một cuộc sống đa thanh đa âm. Hậu chiến, xã hội không đơn thuần vận động theo một chiều nữa mà bắt đầu phát sinh những mâu thuẫn, trở lại là bản chất vốn có của nó. Là con người, một phần tử của xã hội, chúng ta buộc phải học cách thích nghi, chấp nhận những nghịch lí ấy và biết thấu hiểu cho những bất đồng tồn tại ở những phận người quanh ta.

Xây dựng thành công nhân vật người đàn bà, nhà văn không chỉ lồng ghép vào trang văn cái tâm khám phá, thấu hiểu mà còn thể hiện cái tài sáng tạo văn chương. Nguyễn Minh Châu đã đặt nhân vật vào tình huống đặc biệt để thông qua đó, tính cách nhân vật được nổi hình nổi dạng và thông điệp gửi gắm được truyền tải đầy đủ và trọn vẹn. Nhân vật được miêu tả bằng cái nhìn đa chiều, qua đó mang đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc về số phận con người, về sự đa dạng của đời sống và nhắn nhủ bài học sáng tạo cho những ngòi bút đang sống và làm việc với nghệ thuật.

Với nhân vật người đàn bà hàng chài, nhà văn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đi tìm hạt ngọc trong tâm hồn người. Nhà văn đã nhìn thật sâu, nhìn thật gần để thấy bên trong dáng vẻ lam lũ, thô kệch là vẻ đẹp sâu sa của nhân hậu và thấu hiểu lẽ đời.

Có thể bạn sẽ thích