Bài văn biểu cảm về cây vải thiều

Không biết khi nhắc đến Hải Dương thì mọi người nghĩ đến cái gì đầu tiên nhỉ? Về Côn Sơn – Kiếp Bạc hay Vải thiều Thanh Hà hay Bánh đậu xanh hay chỉ là tật nói ngọng đặc trưng của miền Bắc nhỉ? Vải thiều Thanh Hà không to đùng như các loại vải khác mà quả chỉ vừa phải, tròn tròn, dầy dặn, mịn và có gai lì. Vỏ vải thiều mỏng và không đỏ ối như vải Lục Ngạn mà đỏ vàng, bóc ra đưa vào miệng, cắn một cái là răng ngập vào lớp cùi dày trắng nõn. Cắn đến khi 2 hàm răng gần chạm vào nhau mới tới hạt- thường chỉ bằng đầu đũa hoặc còn nhỏ hơn thế. Nhiều khi chẳng thấy hạt đâu, phải nhằn tìm để khỏi nuốt phải. Giữa cùi và hạt vải thiều không có lớp màng mỏng nâu nâu chan chát như vải Lục Ngạn, nên nước ngọt lịm, mát rượi và thanh khiết tứa ra khắp miệng, tỉnh cả người.

Rõ ràng, so với vải thiều Thanh Hà thì vải Lục Ngạn đang tràn ngập Hà Nội hiện nay không thể nào sánh được. Vậy mà không hiểu sao ở Hà Nội chẳng tìm đâu ra vải Thanh Hà, chỉ toàn vải Lục Ngạn. Bà con quê tôi không năng động? Không đủ sức cạnh tranh? Hay sản lượng quá thấp? Chắc thế nào cũng có lý do cuối cùng. Ngay tại TP Hải Dương mà còn chẳng có vải thiều thì có đâu mà mang lên Hà Nội! Bây giờ có khi sang tận Thanh Hà, nếu không mua ở vườn chưa chừng cũng không có được vải thiều thứ thiệt mà ăn. Giống như một bài báo tôi đã đọc về cốm Vòng, rằng đến tận làng Vòng, mua cốm của “thợ” cốm xịn mà vẫn không phải cốm Vòng. Bởi người làng Vòng phải đi gom nếp non từ các nơi về làm cốm, mới đủ bán cho khách. Mà đã là gạo thập phương thì dù có thợ ba đời làng Vòng cũng không biến nó thành cốm Vòng được. Đúng là “người khôn của khó”!

Lại nữa, vải thiều như cô gái đẹp có nhan sắc chóng tàn, chín rộ một thời gian rất ngắn, chỉ khoảng nửa tháng, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 âm lịch, nên luôn vướng phải cám cảnh “no dồn đói góp”. Người trồng vải, dẫu có cố gắng đến mấy, cũng không thể bán đi đâu cho kịp; Còn người ăn vải, dẫu có khoái khẩu đến mấy, cũng chẳng thể khuân cả đống về nhét tủ lạnh để dành được. Vậy nên, hầu như năm nào bài ca vải thiều cũng lặp lại một điệp khúc nhàm chán đáng ghét “vào vụ rớt giá, nông dân phiền lòng”.

Rất may, ngày 8/6/2007, vải thiều Thanh Hà đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ trao bằng Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Nghĩa là từ nay “Thanh Hà” trong cụm từ “Vải thiều Thanh Hà” không thuần tuý là một địa danh, mà đã là một thương hiệu sản phẩm, chẳng khác gì “Nước mắm Phú Quốc”, “Vang Đà Lạt”… Cũng trong tháng 6 đáng nhớ đó (Chính xác là ngày 14/6/2007), Hiệp hội Vải thiều Thanh Hà đã xuất khẩu chuyến vải thiều đầu tiên sang CHLB Đức, mở đầu cho lô hàng xuất khẩu 20-25 tấn vải thiều sơ chế, đóng gói. Công nghệ chế biến cũng đã được máy móc hoá chứ không phải “công nghệ tay chân” nữa, nên không những có công suất cao, mà còn giữ cho vải có hương vị tự nhiên, màu sắc đẹp, đảm bảo vệ sinh. Huyện Thanh Hà – Tỉnh Hải Dương – đất đai ở đây nâu sẫm màu phù sa, mát rượi dưới những tán lá vải, thơm ngát hương vải Thiều. Vải ra hoa vào mùa xuân. Hương hoa vải thơm ngát, ngọt dịu… Đứng giữa vườn vải, tâm hồn ta thật thanh thản, sảng khoái vì hương hoa, vì tiếng rì rầm của đàn ong đang làm mật. Hoa vải là nguồn mật rất tốt, mật ong làm từ phấn hoa vải Thiều rất bổ.

Mùa hè đổ lửa cũng là lúc vườn vải nhuộm một màu đỏ sậm. Từ trên cao nhìn xuống màu xanh của lá cây đã bị màu đỏ của trái vải lấn át, trông giống như những đĩa xôi được nhuộm màu rất khéo. Khu vườn rộn rã tiếng chim, tiếng cười của các cô thôn nữ xinh đẹp, sực nức mùi hương vải thơm nồng. Trái vải kết thành ở đầu cành nặng trĩu, nhiều khi không chịu nổi sức nặng của trái, gió mạnh một chút là cành nhỏ tự gẫy. Một cành vải bằng cổ tay người lớn cũng được khoảng 100kg trái chín. Nếu tháng 5 bạn có mặt ở Thanh Hà, bạn sẽ thấy làng quê như có hội. Đó là hội vải đấy. Du khách về quê vải vừa tham quan vừa thưởng thức vải tại chỗ. Xe tải thì chở vải đi nơi khác bán.

Trái vải thiều lớn cỡ ngón chân cái, tạo thành chùm, vỏ màu đỏ sậm hơi sần sùi. Bóc vỏ ra, bên trong là một lớp cùi trắng nõn, mọng nước, vị ngọt dịu mát, thơm của nước vải ngấm tận chân răng. Đặc biệt, mùi thơm của vải khi ăn xong vẫn còn vương vấn mãi. Vải thiều Thanh Hà hột nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi thọ càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày ngọt lịm, đầy nước.

Trái vải dễ tiêu hóa, an thần. Dùng vải tươi hay khô đều tốt cả. Vải sấy khô cùi đen lại, dẻo quánh, ngọt vô cùng. Khi ăn, ta có cảm giác như ăn một quả táo Tàu thường có vị thuốc bắc. Được ăn trái vải sấy khô và uống 1 ly trà nóng ấm thì thật không còn gì thú vị hơn. Ở Thanh Hà, nhà nào cũng có bình rượu ngâm vải sấy khô.

Vải thiều Thanh Hà ngày nay đã có mặt ở phương Nam xa xôi. Cả trái tươi lẫn trái khô. Hơn thế, vải thiều Thanh Hà còn được đóng hộp, làm nước giải khát được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Tả cây vải thiều quê em được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo chuẩn bị tốt kiến thức để học tốt môn Ngữ văn lớp 7 một cách dễ dàng nhất. Mời các bạn tham khảo tài liệu dưới đây

  • Những bài văn hay lớp 7

Tả cây vải thiều quê em - Bài tham khảo 1

Khu vườn nhà em trồng rất loại cây ăn quả, nhưng cây vải thiều mang lại cho em nhiều kỷ niệm nhất. Nhà em có một cây vải được trồng từ rất lâu đời. Mẹ em bảo rằng từ thời ông nội đã có rồi, cho đến hiện nay hằng năm nó vẫn sai trĩu quả.

Bài văn biểu cảm về cây vải thiều

Nội em rất thích chăm sóc cây cối trong nhà, và đặc biệt là cây vải thiều. Nội chăm sóc nó cẩn thận đến mức cây vải thiều mỗi khi vào mùa thường mọc nặng trĩu quả, quả nào cũng to và căng mọng khiến cho những đứa trẻ như em luôn khao khát được thưởng thức ngay khi nhìn.

Cây vải của Nội rất cao và to, nó cao hơn mái nhà của nội, tán cây được xòe rộng và vươn rất xa, rất dẻo dai, những tán cây xếp tầng nhìn như một cái ô to đủ để che mát cho mười đứa nhỏ. Thân cây vải to bằng một vòng tay của em, rất sần sùi. Lá cây vải nhỏ nhắn, nhìn giống lá nhãn, những lá có màu xanh thẫm hơn.

Cây vải thương thay đổi theo mùa. Mùa xuân cây khoác trên mình màu xanh mơn mởn bởi những chồi non đang nảy lộc, mùa thu cây lại có một màu vàng đến mùa đông cây trông khẳng khiu hơn bởi lá đã bị rụng sắp hết. Nhưng đến mùa hạ, cây lại trở nên thật oai phong bởi cành lá sum sê, hoa thơm kết trái ngọt.

Hoa của cây vải có màu trắng, bông hoa nhỏ xíu li ti như điểm xuyến trên chiếc áo xanh sẫm những chấm bi, khiến cây trở nên xinh đẹp lạ thường. Quả vải cứ thế đã lớn lên từng ngày, chỉ chờ chực để vươn cao, vươn to hơn. Với lớp vỏ nhìn trơn mịn, căng bóng nhưng đến khi bạn sờ vào sẽ cảm thấy hơi nhám nhám đầu tay. Và đến khi tháng tư âm lịch đến, mùa vải chín bắt đầu. Một màu đỏ thẫm bảo phủ khắp những tán cây, kẻ lá, lấn lướt hết cả màu xanh của lá. Và lan tỏa một mùi thơm ngọt khắp cả khu vườn.

Ông em thường hái những trái vải thơm ngon này để cho chúng em ăn, và để cho những bác hàng xóm thân thiết. Trái vải là lộc của trời, nên ai ai cũng yêu thích một thức quả thân yêu này

Em rất yêu quý cây vải, vải như là một người bạn vô hình, để lại những kỉ niệm đáng nhớ. Dù lớn lên em đi xa không còn ở đây nữa nhưng em vẫn không thể quên những kỉ niệm với cây vải thiều.

Tả cây vải thiều quê em - Bài tham khảo 2

Hải Dương quê em có rất nhiều hoa thơm quả ngọt nhưng nổi tiếng nhất vẫn là vải thiều Thanh Hà. Những vườn vải rộng hàng mẫu, những dãy vải dài cả cây số, cây nào cây nấy sum suê, nổi bật trên nền trời đồng bằng thoáng đãng.

Vào khoảng tháng tư Âm lịch, từng đàn tu hú bay về đậu trong vườn vải. Tiếng chim tu hú cất lên báo hiệu mùa vải chín. Từ xa nhìn lại, một màu đỏ sẫm bao trùm khắp các tán lá cây, lấn lướt màu xanh của lá. Những chùm vải sai lúc lỉu, trái tròn căng, nặng trĩu cành.

Sáng sáng, em cùng bố mẹ ra thăm vườn vải. Em hít căng lồng ngực mùi thơm ngào ngạt của vải chín trong không khí mát lành. Nắng càng lên cao, hương thơm càng nồng nàn, theo gió bay xa.

Hiện nay, nhiều nơi đã trồng được vải thiều nhưng vải thiều ở Tiên Hưng, Thanh Hà vẫn ngon hơn cả. Trái vải tròn, da mỏng màu nâu đỏ. Lớp cùi dày trắng ngà, bọc lấy cái hạt chỉ nhỏ bằng đầu đũa. Bỏ vào miệng nhai, ta sẽ thấy vừa giòn vừa ngọt. Hương vị đậm đà của trái vải thiều thật khó quên!

Giữa mùa hè, những ngày thu hoạch vải cũng là những ngày làng em vui như hội. Vải thiều quê em là món quà đặc biệt có mặt khắp nơi trên mọi miền đất nước. Người dân phương Nam và du khách nước ngoài giờ đây dễ dàng cầm trên tay chùm vải tươi rói như vừa hái ở trên cành.

Không có gì thích bằng đi chân trần trong vườn vải chín. Đất phù sa mịn màng dưới chân và trên đầu là một vòm xanh pha hồng bát ngát, thơm tho, văng vẳng tiếng chim tu hú. Cây vải thiều đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể, góp phần lam đổi mới gương mặt quê hương em.

....................................

Ngoài Tả cây vải thiều quê em, các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 7 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 7 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt