Ca sĩ thúy nga vợ hoàng thi thơ là ai?

Trường Kỳ

Đôi dòng tiểu sử

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng Bảy năm 1929 [Mậu Thìn] tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng họ Hoàng Hữu, một giòng họ khoa bảng lẫy lừng ở Quảng Trị.

Con cháu của dòng họ này đã đỗ đạt cao từ đời thứ 13. Thân phụ ông là Hoàng Hữu Bính cũng là một đường quan của triều đình Huế dưới triều vua Đồng Khánh với chức Lang Trung Bộ Công, tước Thái Thường Tự Khanh.

Hoàng Thi Thơ học tiểu học tại Triệu Phong, Quảng Trị, bậc trung học tại Huế rồi Hà Tĩnh. Ông vào đại học từ năm 1950 tại trường Dự Bị Đại Học Liên Khu Ba và Tư tại Thanh Hóa, theo khoa Văn Học Triết Học. Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, Hoàng Thi Thơ gia nhập Đoàn Văn Nghệ Quảng Trị như một diễn viên ca kịch nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ban làm trưởng đoàn. Đến tháng Tám năm 1946, ông trở lại Huế để tiếp tục những năm cuối trung học.

Tháng Mười Hai năm 1946, Hoàng Thi Thơ gia nhập đoàn Tuyên Truyền Kháng Chiến cùng với nhạc sĩ Trần Hoàn, hoạt động tuyên truyền tại mặt trận Huế khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Sau khi mặt trận Huế đổ vỡ vào thượng tuần tháng Hai năm 1947, Hoàng Thi Thơ thoát chạy ra Vinh theo đề nghị của thi sĩ Lưu Trọng Lư. Đến tháng Năm năm 1947, ông bước qua nghề làm báo, viết văn và được mời về làm phóng viên và biên tập viên cho tờ nhật báo duy nhất của kháng chiến thời đó là Cứu Quốc Liên Khu Tự Tháng Chín năm 1948, Hoàng Thi Thơ trở lại ghế nhà trường để hoàn tất trung học tại trường Khải Định từ Huế dời ra Hà Tĩnh và đổi tên thành trường Huỳnh Thúc Kháng. Sau khi đậu tú tài vào năm 1950, ông vào đại học tại Thanh Hóạ Đến cuối năm 1952, Hoàng Thi Thơ rời vùng kháng chiến trở về Huế. Từ đó cho đến năm 1965 ông làm giáo sư trung học dạy hai sinh ngữ Pháp và Anh song song với việc làm nghệ thuật mà ông đã dấn thân và đeo đuổi liên tục từ năm 1945. Vào tháng Chín năm 1957, ông lập gia đình với Thúy Nga, một nữ nhạc sĩ phong cầm, hiện sức khỏe cũng đang ở trong thời kỳ suy yếu, thỉnh thoảng vẫn phải đi thay máu, nhưng luôn là người tận tụy săn sóc cho Hoàng Thi Thơ trong suốt thời gian bệnh hoạn cho đến khi lìa đời. Cặp vợ chồng nghệ sĩ này có với nhau bốn con, ba trai một gái, trong số có một người con trai mất sớm. Con trai trưởng của ông là nhạc sĩ Hoàng Thi Thi, hiện phụ trách một ban nhạc trình diễn thường trực cho vũ trường Majestic. Ngoài ra ông còn có một người con nuôi là nhạc sĩ vĩ cầm Hoàng Thi Thao [con người anh ruột] từng theo sát ông trong những hoạt động về văn nghệ.

Những ca khúc tình cảm và quê hương...

Về những ca khúc tình cảm, Hoàng Thi Thơ đã sáng tác được một số lượng khá dồi dào so với tổng số trên hàng trăm sáng tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại của ông. Trong số những nhạc phẩm này phải kể đến những ca khúc rất thành công như: Tà Áo Cưới, Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng, Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta, Niềm Đau Của Cát, Hình Ảnh Người Em Không Đợi, Xe Hoa Một chiếc, Tango Nhớ...

Theo Hoàng Thi Thơ thì chính bản tính nghệ sĩ của ông đã giúp cho ông được dễ dàng rung cảm để sáng tác những nhạc phẩm tình cảm đó, ngược lại với những nhận xét sai lầm cho là ông sống về vật chất khi ông tạo được cho mình một cuộc sống ổn định và thoải mái từ trước đến nay.

Nhạc tình của Hoàng Thi Thơ không chỉ hạn hẹp trong tình yêu đôi lứa ở trong nhiều trạng thái tình cảm khác biệt, nhưng còn được đặt vào một bối cảnh thiên nhiên với những cánh đồng lúa mênh mông, những nhịp cầu tre, với những đêm trăng sáng, với những câu hò đượm tình dân tộc như qua những nhạc phẩm như Rước Tình Về Với Quê Hương, Tình Ca Trên Lúa, Gạo Trắng Trăng Thanh, Tôi Nhớ Tên Anh, Đường Xưa Lối Cũ... Nhạc phẩm sau này ra đời từ rất lâu, tuy nhiên đã nói lên được phần nào tâm trạng của ông khi trở về thăm làng Bích Khê vào năm 1993 là nơi ông đã chào đời.

Nhạc sĩ của mọi giới, mọi lứa tuổi

Hoàng Thi Thơ không phải là một nhạc sĩ sáng tác cho một giới, cho một lứa tuổi khán giả nào do khả năng đa dạng của ông. Dòng nhạc của ông từ hơn nửa thế kỷ qua đã đi sâu vào lòng người, đã len lỏi đến khắp miền đất nước. Cho đến khi sang đến hải ngoại người ta còn có dịp khám phá thêm nhiều ca khúc của ông trước kia thường được ký dưới tên Hoàng Thi Thơ hoặc Tôn Nữ Trà Mị̣ Càng về sau, người ta càng vỡ lẽ ra trước sự biến hóa của dòng nhạc của họ Hoàng qua đủ mọi thể loại, đủ mọi tiết điệu, như tiết điệu trẻ trung một thời được liệt vào loại kích động như Xây Nhà Bên Suối, Túp Lều Lý Tưởng, Cái Trâm Em Cài, Con Tim Và Nước Mắt, O Kìa Đời Bỗng Dưng Vui...

Khi so sánh những nhạc phẩm này với những nhạc phẩm thuộc nhiều thể loại khác, người nghe dễ dàng nhận ra khả năng đa dạng và phong phú của ông. Nhưng đặc biệt hơn cả, Hoàng Thi Thơ đều thành công với tất cả thể loại mang những sắc thái hoàn toàn khác biệt.

Ngoài thể ca khúc, Hoàng Thi Thơ đã cống hiến cho kho tàng âm nhạc Việt Nam một hình thức vô cùng hấp dẫn đối với người yêu nhạc là thể nhạc kể chuyện. Nổi bật nhất là hai nhạc phẩm "Chuyện Cô Lái Đò Bến Hạ" và "Chuyện Tình Của Người Trinh Nữ Tên Thi." Nhạc phẩm sau, Hoàng Thi Thơ cho biết là

một câu chuyện thật. Thi là tên của một thiếu nữ Đà Lạt, yêu một nghệ sĩ có gia đình. Mối tình của Thi rất thiết tha và lý tưởng. Nhưng mối tình ấy trở thành tuyệt vọng để cuối cùng người trinh nữ tên Thi ấy đã chết một cách bi thương.

Qua một cuộc phỏng vấn ông đã cho biết là người nghệ sĩ đề cập đến trong nhạc phẩm này có thể là ông, là Hoàng Thi Thơ của năm 1970.

Từ nhạc cảnh đến trường ca

Ngoài thể ca khúc, qua đến thể nhạc kể chuyện, Hoàng Thi Thơ đã vững vàng bước qua thể nhạc cảnh là một thể nhạc sống động rất thích hợp cho sân khấu như những nhạc cảnh:

Lộng Ngọc, Đưa Em Qua Cánh Đồng Vàng, Người Hành Khất Mù Độc Đáo, Từ Thức, Khi Người Lính Trẻ Trở Về Quê hương, Người Nghệ Sĩ Mù... Thêm vào đó ông cũng là tác giả của một số nhạc cảnh hài vui nhộn và dí dỏm như: Bún Bò Giò Heo Mụ Rớt, Xe Phở, Phá Lấu Lòng Heo Chú Méo, Vịt Ông Cả Lúa Bà Hai...

Nhưng Hoàng Thi Thơ vẫn không chịu dừng lại, ông còn mở rộng khả năng và sự học hỏi của mình qua nghệ thuật sáng tác những trường ca.

Trường ca đầu tiên do Hoàng Thi Thơ sáng tác mang tên "Triều Vui Thế Hệ," kế đó là "Máu Hồng Sử Xanh" vào năm 1955. Năm sau ông cho ra đời trường ca "Ngày Trọng Đại" và đến năm 1963 ông đã sáng tác một trường ca khác với tên "Tiếng Trống Diên Hồng."

Tất cả những trường ca của Hoàng Thi thơ đều được trình diễn rầm rộ trên sân khấu và đài phát thanh và được khán thính giả đón nhận một cách nồng nhiệt.

Từ điện ảnh đến nhạc kịch

Tài năng của Hoàng Thi Thơ không chỉ dừng ở đó mà còn qua đến cả một lãnh vực mà ông cho là bao gồm nhiều bộ môn nghệ thuật khác là điện ảnh do bản tính ham học hỏi của ông.

Năm 1965, ông trở thành đạo diễn điện ảnh với cuốn phim đầu tiên là "Cô Gái Điên" quay thành phim từ nhạc kịch cùng tên của ông, do trung tâm Điện ARnh Quốc Gia sản xuất. Năm 1969, ông đạo diễn cho phim "Người Cô Đơn" do chính ông sản xuất. Sau khi ra đến hải ngoại, Hoàng Thi Thơ vẫn tiếp tục làm đạo diễn cho một số phim video như "Chuyện Tình Buồn," "Tiếng Hát Trong Trăng," "Người Đẹp Bạch Hoa Thôn" và "Chiêu Quân Cống Hồ."

Là một nghệ sĩ, Hoàng Thi Thơ không bao giờ muốn ngưng bước vì ông còn nuôi một tham vọng qua việc thực hiện những nhạc kịch opera. Đây là một nghệ thuật có được sự phối hợp chặt chẽ của ba lãnh vực là nhạc, kịch và thi văn, do đó đòi hỏi người sáng tạo phải có một trình độ và kiến thức cao về âm nhạc cũng như kịch và văn.

Do khả năng sẵn có cộng với niềm đam mê tha thiết với nghệ thuật của ông nên Hoàng Thi Thơ đã tạo nên bốn nhạc kịch công phu và giá trị là "Từ Thức Lạc Lối Bích Đào" [1963], "Dương Quí Phi" [1964], "Cô Gái Điên" [1966] và "Ả Đào Say" [1968]. Và cũng vì thế, ông được coi như nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết nhạc kịch. Điểm đặc biệt là những nhân vật chính trong những nhạc kịch của Hoàng Thi Thơ đều là phái nữ. Trong những năm tháng cuối đời ông đã sáng tác thêm được một số nhạc phẩm đề cập đến những nét đẹp và duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam như "Bài Thơ Má Núng Đồng Tiền" [2000] và "Tóc Thề Chấm Vai" [giữa năm 2001].

Hoàng Thi Thơ và vũ dân tộc

Sự thành công của đoàn ca vũ nhạc kịch Maxim's [thành lập vào năm 1967] được coi là rất đáng kể khi Hoàng Thi Thơ đặt những tiết mục vũ lên hàng quan trọng. Từ đó ông đã cùng vũ sư Trịnh Toàn và Lưu Hồng tiếp tục việc xây dựng cho nền vũ dân tộc Việt Nam và đã xây dựng được một số vũ

điệu mới mẻ như Múa Xòe, Múa Koho, Múa Quạt, Múa E Đê, Múa Trống Bồng, Múa Nón Quai Thao...

Ngay từ năm 1961 [mặc dù không phải là vũ sư], ông đã là một nghệ sĩ xây dựng cho nền vũ dân tộc Việt Nam sau khi thành lập Đoàn Văn Nghệ Việt Nam. Đoàn gồm khoảng 100 nghệ sĩ và chuyên viên, qui tụ hầu hết những tài hoa ca nhạc của Việt Nam thời đó. Trong suốt bốn năm làm trưởng đoàn [nhạc sĩ Lê Thương làm phó đoàn] đoàn đã được mời đi trình diễn tại nhiều quốc gia trong những chương trình có tầm vóc quốc tế như Lào, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật và Singapore.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ [giữa] và Đoàn Văn Nghệ Việt Nam

Ngoài những lãnh vực được nhắc tới ở trên, Hoàng Thi Thơ còn là tác giả quyển "Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông" vào năm 1955. Cho đến nay vẫn được coi là một quyển sách quí đối với những người muốn sáng tác nhạc.

Từ gần 20 năm nay, ông vẫn âm thầm viết hồi ký, nhưng chưa kịp hoàn tất thì ông đã ra đị Về nội dung, ông cho biết sẽ tiết lộ rất nhiều chi tiết đặc biệt chưa được nhắc đến trong suốt cuộc đời tận tụy với nghệ thuật của ông.

Vào năm 1995, để kỷ niệm 50 năm hoạt động nghệ thuật của Hoàng Thi Thơ, một nhóm thân hữu của ông đã cho ấn hành một tập sách đặc biệt, trong đó có ghi lại đầy đủ những hoạt động cùng một số nhạc phẩm chọn lọc của người nghệ sĩ tài hoa.

Những ngày tháng cuối...

Hoàng Thi Thơ cho rằng ông đã sống trọn vẹn cuộc đời của ông để không có điều gì phải ân hận khi xa lìa cuộc sống như thi hào pháp Lamartine đã diễn tả qua hai câu thơ mà Hoàng Thi Thơ cho là nói lên được những cảm nghĩ của ông: "Aimer, chanter, prier, c'est toute ma viẹ A l'heure des adieux, je ne regrette rien..." nghĩa là yêu, ca hát, cầu nguyện, đó là cuộc đời của tôi. Và đến giờ vĩnh biệt, tôi khôâng có điều gì ân hận."

Gia đình nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Trong những ngày ông cho là cuối đời của mình, Hoàng Thi Thơ đã ví cuộc sống hiện nay của mình như một ông tiên.

Tuy nhiên cuộc sống đó khác biệt ở chỗ trái tim ông còn biết rung động khiến ông không thể ngưng công việc sáng tác của một người nghệ sĩ: "Buổi sáng thức dậy, tôi uống nước, tôi nhìn ra dàn hoa, tôi nhìn những con chim. Tôi nghe vang vọng lại những ca khúc tôi đã làm hay những bài của người khác. Rồi tôi lại thích viết nhạc, tôi lại đọc sách, tôi lại tiếp tục đọc sách. Tôi thấy như vậy là cuộc đời đẹp đẽ quá và tôi sáng tác được.

"Nhưng tôi khác ông tiên ở chỗ này: ông tiên không còn vướng bụi trần. Còn tôi khổ quá đến phút này mà trái tim vẫn rung động, điều đó chứng tỏ là vẫn còn vướng bụi trần, bắt tôi phải sáng tác hoài. Nó chỉ khác ở chỗ đó thôi."

Việt Mercury, 5/10/01

Trường Kỳ

Bài đọc thêm

Tình sử của Hoàng Thi Thơ và Lam Phương

Trương Văn

Trong đời sống âm nhạc trước 1975, có nhiều mối tình nghệ sĩ mà câu chuyện của nó cũng ly kỳ và ngang trái không khác gì nội dung các bài hát thời đó, trong đó phải kể đến mối quan hệ giữa Hoàng Thi Thơ và Lam Phương và nữ ca sĩ Thúy Nga.

Nói về tài năng thì chưa có ai đặt Lam Phương và Hoàng Thi Thi lên bàn cân để đo đếm, nhưng nói về sự đào hoa thì Hoàng Thi Thơ có thể chấp Lam Phương cả hai tay. Trong khi rất thành công về mặt thương mại với nhiều bài hát được nhiều thế hệ khán giả yêu thích thì nhạc sĩ Lam Phương lại luôn được xem là nhạc sĩ bất hạnh nhất trong tình yêu. Cho đến cuối đời Lam Phương vẫn sống trong cô đơn và “sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình” cho dù nét nhạc của ông thuộc loại tài hoa bậc nhất.

Những sáng tác của Lam Phương đa số có đề tài về tình yêu tan vỡ, cả khi ở trong nước lẫn ra hải ngoại. Đó là các bài Cỏ Úa [Bão tố triền miên ngày em về nhà đó, buồn hắt buồn hiu ngõ đêm sầu cô liêu], Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi [Thôi là hết, chia ly từ đây, người phương trời kẻ sống bơ vơ], Biết Đến Bao Giờ [Đời là vạn ngày sầu biết tìm nơi chốn nào, ta quen nhau bao lâu nhưng tình đã có gì đâu], Như Giấc Chiêm Bao [Em ơi còn những gì, ngoài một đời chia ly]…

Lam Phương và Túy Hồng

Cũng có một thời gian ông tràn trề hạnh phúc khi cưới vợ lần đầu với nữ ca sĩ, kịch sĩ Túy Hồng và cho ra đời nhiều bài lạc quan tin yêu như Ngày Hạnh Phúc, Em Là Tất Cả, hoặc lần cưới người vợ thứ hai ở hải ngoại để cho ra đời các tác phẩm Bài Tango Cho Em, Tình Đẹp Như Mơ, Mùa Thu Yêu Đương… Tuy nhiên rốt cuộc cả hai mối tình đều tan vỡ, âm nhạc của ông lại nhuộm một màu đau thương như trong Một Đời Tan Vỡ [Tình một đời tình mang lừa dối. Còn tình một đêm sóng vỗ ra đi], hoặc Lầm [Anh đã lầm đưa em sang đây] và Một Mình [Sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình].

Trong các mối tình không thành của Lam Phương, có tình yêu đơn phương dành cho nữ ca sĩ tài sắc Thúy Nga [không phải Thúy Nga Paris]. Tới năm 1955, khi mới 17 tuổi, Lam Phương đã trở nên nổi tiếng với loạt bài ăn khách là Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Trăng Thanh Bình. Còn Thúy Nga lúc đó đã 18 tuổi với chất giọng Alto đã chinh phục được hầu hết Sài Gòn khi đó, và được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đem lòng yêu mến, ông đã trở thành một người thầy, người anh dẫn dắt trong con đường âm nhạc và cũng là người tình đầu tiên của Thúy Nga.

Hoàng Thi Thơ & Thúy Nga

Đến năm 1957, khi Thúy Nga chính thức là vợ Hoàng Thi Thơ, Lam Phương khi ấy đang hành quân ở vùng thôn vắng nghe được tin đã vô cùng đau đớn và viết bài hát cuối cùng tặng người trong mộng:

Một chiều hành quân qua thôn xưa lúc nắng xuân chưa nhạt màu,

Chạnh lòng tìm người em gái cũ: Em tôi đã đi phương nào?

Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh ngắm bóng chim đua trên cành,

Giờ tìm đâu hình bóng cũ: Em ơi em về đâu? [Chiều Hành Quân]

Để đáp lễ, Hoàng Thi Thơ đã viết bài:

Ai cấm được tình yêu / Ai ép lòng cô liêu / Khi lòng còn say nước non tình tứ… / Tha thiết tình người ơi / Ao ước tình tình vơi / Mong tình còn mãi / Đến hơi tàn cuối / Tha thiết tình người ơi / Ao ước tình tình vơi / Mong tình còn mãi thiết tha trong đời. [Yêu Mãi Còn Yêu]

Trong khi Lam Phương đau khổ vì người yêu đi lấy chồng, thì ở bên kia chiến tuyến tại Hà Nội, khi nghe lén trên đài phát thanh Sài Gòn về tin nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cưới ca sĩ Thuý Nga thì ca sĩ nhạc đỏ Tân Nhân đã xỉu lên, xỉu xuống và bỏ ăn mấy ngày vì đau khổ.

Tân Nhân và Hoàng Thi Thơ có cùng quê ở Quảng Trị, học cùng trường, sau này cùng đi theo kháng chiến. Tân Nhân theo kháng chiến từ lúc mới 16 tuổi, theo đoàn văn công Bình Trị Thiên. Năm 1949 trong một lần bị Pháp càn, đơn vị tan tác, các thành viên đoàn chạy vào rừng sâu thoát và mất liên lạc… Tin đồn về trận càn Phong Lai dù được cải chính của Việt Minh nhưng vẫn lan truyền về đất Nghệ Tĩnh. Tin Tân Nhân bị giết làm bàng hoàng thầy trò ngôi trường nổi tiếng một thời bà theo học. Trường Huỳnh Thúc Kháng đã làm lễ tưởng niệm cô học trò Tân Nhân. Người bạn học cùng quê trước đó là Hoàng Thi Thơ – lúc này đang công tác ở Nghệ An – nghe tin như tan nát cả cõi lòng. Anh đã thể hiện nỗi nhớ thương Tân Nhân bằng bài hát “Xuân chết trong lòng tôi”:

Xuân ơi Xuân / Chim xa đàn / Xuân ơi Xuân / Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi / Trong tiếng đàn… / Ôi chim xa cành / Bướm lìa hoa /Trùng phùng xa lắm…

Khi trở về và nghe được bài hát này, Tân Nhân đã rất xúc động.

Nỗi thương nhớ dành cho người [ngỡ] đã chết của Hoàng Thi Thơ đã làm động lòng cô nữ sinh. Bà lại lên đường ra Nghệ An và gặp lại Hoàng Thi Thơ lúc đó cũng đang tìm bà, rồi bắt đầu một tình sử đẫm nước mắt.

Hoàng Thi Thơ một lần về công tác và thăm quê nhà đã bị Pháp bắt giam một thời gian và ở lại luôn miền Nam sau hiệp định Geneve 1954 chia cắt đất nước. Chàng đã bỏ lại Tân Nhân với đứa con trong bụng và vào Sài thành. Tân Nhân ôm hận, nén nhớ thương về lại Bắc, tự nguyện dấn thân cho kháng chiến và trở thành một ca sĩ huyền thoại của nhạc đỏ với bài Xa Khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Bài hát nói về nỗi nhớ thương của người con gái đất Bắc đối với người trai nơi miền Nam. Bài hát hợp cả với chất giọng lẫn hoàn cảnh nên Tân Nhân trình bày đạt cảm xúc cao độ:

Nắng tỏa chiều nay / Thuyền về mái động chiều nay / Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ / Nhớ thương anh ơi [Xa Khơi]

Đứa con kết quả của mối tình lãng mạn ấy sống cùng mẹ trên đất Bắc với hai nỗi đau riêng là không được biết mặt cha và chịu một lý lịch có cha là nhạc sĩ dưới chế độ Sài Gòn… Đứa con lúc đầu lấy họ mẹ, mang tên Trương Nguyên Việt, sau đó lấy tên khác là Lê Khánh Hoài với họ của người cha kế. Ngoài ra còn có bút danh Triệu Phong [là quê quán của Hoàng Thi Thơ] khi viết báo.

Nói thêm về Hoàng Thi Thơ, cả hai lần đất nước biến động, ông đều di cư không chủ đích. Lần đầu, năm 1954 khi ông được phân công công tác ở quê nhà rồi bị Pháp bắt và kẹt lại luôn khi đất nước chia đôi. Lần thứ nhì năm 1975 thì khi đó ông đang cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam lưu diễn ở Nhật vào tháng Tư. Sau đó thì đoàn tụ lại với vợ con tại Hoa Kỳ. Cuộc đời Hoàng Thi Thơ dù trải qua nhiều biến cố nhưng ông vẫn được toại nguyện của mình khi “tình còn mãi đến hơi tàn cuối” năm 2001. Còn Lam Phương đến gần cuối đời vẫn đang còn ôm nhiều mối tình tan vỡ trong cô độc./

[Thư Viện VNTC]

Trở lại Trang Chính

Video liên quan

Chủ Đề