Các biện pháp hỗ trợ học sinh yếu

1.  Lý do hình thành biện pháp

Trường tiểu học Phúc Trạch, Hương Khê là trường đạt danh hiệu TTLĐTT và TTLĐXS nhiều năm, có chất lượng đại trà cao so với mặt bằng chung trong toàn huyện. Tuy nhiên, ở hầu hết các lớp vẫn tồn tại học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên đó là:

a] Về phía HS:

+ Do hoàn cảnh gia đình, thiếu sự quan tâm chăm sóc, nhắc nhở của người lớn, đặc biệt là bố mẹ.

+ Do mất kiến thức căn bản, hổng kiến thức từ lớp dưới [đây là nguyên nhân chủ yếu]

+ Chưa nhận thức được nhiệm vụ học tập hay nói thông thường là học sinh lười học, không chăm chỉ, chưa chuyên cần.

+ Do bị bệnh: [Chậm phát triển trí não, tăng động giảm chú ý, phát âm chưa rõ…]

+ Qua thời gian nghỉ dịch Covit-19 và nghỉ hè, một số em lãng quên nhiều kiến thức ở lớp dưới.

+ Chưa có khả năng tự học: Đối với HS giỏi khá, tự học là bản năng, là thế mạnh còn đối với học sinh chưa đạt chuẩn thì tự học là cái gì đó xa vời. Học yếu có thể do các em thiếu động lực, thiếu điều kiện, thiếu năng lực nhưng đồng thời cũng do thiếu phương pháp tự học.

b] Về phía GV:

+ Một số GV chưa quan tâm nhiều đến học sinh chưa đạt chuẩn vì mất nhiều thời gian.

+ Một số chưa có phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực của học sinh, đặc biệt là học sinh yếu.

Năm học 2020 - 2021 tôi được Ban giám hiệu nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 3A với 35 học sinh [1 HSKT]. Qua khảo sát đầu năm và tìm hiểu giáo viên chủ nhiệm cũ, lớp tôi có 5 em còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng môn học trong đó có 2 em hạn chế cả về đọc và môn Toán, điều đó làm tôi rất băn khoăn và trăn trở: Làm thế nào để kích thích tính tự giác, tính tích cực, tính độc lập của học sinh và tạo ra sự hứng thú học tập cho học sinh để giúp các em tiến bộ? Đó là lí do tôi chọn nội dung: Một số biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ học sinh lớp 3 chưa đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng” để nghiên cứu và áp dụng.

II. Nội dung biện pháp

Biện pháp 1: Nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp.

- Phân loại đối tượng học sinh:

Từ đầu năm tôi đã tổ chức làm bài khảo sát, kết hợp tham khảo ý kiến giáo viên chủ nhiệm cũ để phân loại đối tượng học sinh. Lớp tôi có 2 em còn đọc yếu; có 5 em chưa làm tốt tính cộng, trừ, nhân, chia. Tôi đã lập kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các em ngay từ đầu năm học, đề ra mục tiêu cần đạt từng tháng, từng kì. Kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ phải cụ thể, chi tiết với từng đối tượng học sinh. Hàng tháng phải có kiểm tra, đánh giá những tiến bộ, những mặt còn yếu, những kiến thức còn hổng của từng em để điều chỉnh hoặc đưa ra những biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Kế hoạch càng chi tiết thì hiệu quả càng cao.

Với những học sinh chưa đạt chuẩn, ý thức học tập chưa cao, gia đình có hoàn cảnh khó khăn thường có tính rụt rè, xa lánh bạn bè, thầy cô, thích quậy phá hoặc ủ rũ, thường hay nghỉ học, không có đủ đồ dùng học tập.... Tôi đã dùng tình cảm để cảm hoá, chẳng hạn: cho em quyển vở hoặc cái bút, uốn nắn khuyên bảo em nhẹ nhàng, quan tâm chú ý tới cách ăn mặc của các em… Ngoài ra tôi tìm ra được nguyên nhân em học yếu để có cách hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp.

- Tìm hiểu đặc điểm tâm lí, hoàn cảnh gia đình, tính tình, sở thích từng học sinh, nắm được quá trình tiếp thu bài của từng em. Phối hợp chặt chẽ với gia đình để theo dõi việc học sinh học bài cũ, chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Hàng ngày, hàng tuần tôi đều dành thời gian gặp gỡ, trao đổi phụ huynh qua điện thoại. Vì do đại bộ phận phụ huynh học sinh đều có máy điện thoại kết nối mạng nên tôi thường nhắn tin qua Zalo cho phụ huynh về tình hình học tập của con em mình, đề nghị phụ huynh phối hợp kèm cặp, nhắc nhở các em ở nhà. Ngoài ra tôi cũng dành thời gian buổi tối hoặc những ngày nghỉ để đến nhà các em. Điều đó vừa kiểm tra, hướng dẫn được cụ thể các em về sắp xếp góc học tập, bố trí thời gian học, cách học ở nhà…vừa thể hiện sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh, tạo cho các em và gia đình sự phấn khởi, thêm động lực học tập.

- Ghi nhật ký dạy học: Đây là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết, nhất là đối với những em chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng môn học. Có nhật ký, giáo viên sẽ theo dõi cập nhật được sự tiến bộ hàng ngày và những kiến thức các em còn hổng. Hàng ngày dạy rất nhiều học sinh, giáo viên sẽ không nhớ hết được những kiến thức các em còn sai sót. Có nhật ký giáo viên sẽ lưu lại được quá trình giúp đỡ các em, cũng là cách lưu lại minh chứng trao đổi với phụ huynh, là căn cứ để đánh giá thường xuyên các em sau từng tháng, từng kỳ. Nhật ký càng cụ thể, chi tiết thì việc hỗ trợ, giúp đỡ học sinh càng thuận lợi.

Biện pháp 2: Lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng môn.

*Phân môn Tập đọc: Học sinh đọc chưa đạt chuẩn là những học sinh đọc chưa đúng tốc độ, hoặc phát âm sai, ngắt nghỉ chưa đúng. Kĩ năng đọc trôi chảy, đọc hiểu và cảm thụ văn bản còn hạn chế.

Học sinh đọc yếu thường không tự tin vào bản thân, đọc nhỏ, đọc sai nên dẫn đến không hiểu được nội dung bài. Lớp tôi có 2 học sinh đọc yếu [Ngọc Diệp, Gia Bảo], tôi thường tạo điều kiện cho các em được đọc nhiều trong các giờ tập đọc. Tôi thường gọi các em đọc bài theo câu, theo đoạn, luyện phát âm đúng, sửa sai kịp thời cho các em và cho các em đọc lại. Nếu thời gian của tiết học không đủ thì tôi tranh thủ cho các em luyện đọc thêm vào giờ giải lao hoặc sinh hoạt 15 phút đầu buổi hôm sau. Để sát sao với học sinh, tôi kiểm tra đọc bằng nhiều cách: đọc lại bài Tập đọc đã học, đọc báo Nhi đồng. Khuyến khích học sinh mượn truyện tranh, truyện Thiếu nhi có nội dung hay, hấp dẫn ở thư viện để về nhà để đọc. Sau đó kiểm tra xem em có biết nội dung câu chuyện ấy là gì? Nội dung bài báo ra sao? Cứ như vậy nhiều lần, tôi đã rèn được cho học sinh cách luyện đọc rất hiệu quả. Tôi thường xuyên phối hợp với phụ huynh nhắc nhở, kèm cặp con em trong việc luyện đọc ở nhà. Tôi cũng chú ý kiểm tra, đánh giá, nhận xét việc đọc ở nhà của các em để động viên, khuyến khích kịp thời. Ngoài ra cho các học sinh học khá hơn kèm cặp bạn đọc trong tất cả các tiết học theo hình thức “Đôi bạn cùng tiến”. Nhờ vậy các em đã có tiến bộ theo từng tháng, đến cuối học kì I cả 2 em đều đã đọc khá tốt, đọc to, rõ ràng, được Ban giám hiệu nhà trường ghi nhận.

*Môn Toán:

 Đối với những em chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng môn toán thì phải tìm hiểu kỹ học sinh ấy hổng kiến thức ở phần nào để có cách phụ đạo và ra bài tập phù hợp. Nguyên nhân học sinh yếu toán thường do các em không nắm được quy luật và cấu tạo số tự nhiên [hàng, lớp]. các em không thuộc các bảng cộng, trừ, nhân, chia; không thuộc công thức, quy tắc, không nắm được các dạng toán cơ bản. Lớp tôi có 1 em do trí nhớ kém [Lê Na], nhưng có 4 em do lười học nên không thuộc, không nhớ [Anh Tuấn, Gia Bảo, Bảo Trâm, Ngọc Diệp] do đó không làm được bài tập. Để nâng cao chất lượng môn toán trước hết phải yêu cầu học sinh học thuộc bảng nhân, chia, sau đó hướng dẫn thực hiện thành thạo 4 phép tính, nâng dần từ dễ đến khó. 

- Đối với phép tính cộng, trừ: Trước hết tôi giúp học sinh nắm được quy luật và cấu tạo số tự nhiên [hàng, lớp]. Hiểu được cách đặt tính. Hướng dẫn các em hiểu: cộng có nghĩa là thêm vào, trừ là bớt đi. Khi thực hiện các phép tính cho các em được thực hành nhiều trên các đồ dùng trực quan. Khi thực hiện đã thành thạo trên đồ dùng trực quan, tôi yêu cầu các em luyện tính nhẩm để áp dụng vào làm các bài tập.

- Đối với phép tính nhân, chia: Tôi cũng thực hiện tương tự, giúp các em hiểu bản chất của phép nhân [là phép cộng các số hạng bằng nhau] và phép chia là ngược lại của phép nhân. Ban đầu cho các em thực hiện các phép tính trên các đồ dùng trực quan. Sau đó, yêu cầu các em thuộc các bảng nhân, chia để áp dụng vào làm các bài tập. Hằng ngày tôi thường dành nhiều thời gian kiểm tra các em các bảng cộng, trừ, nhân, chia. Để tránh các em học vẹt, ghi nhớ máy móc, tôi thay đổi hình thức kiểm tra hàng ngày [như giáo viên nêu phép tính, học sinh nêu kết quả hoặc học sinh khác nêu phép tính yêu cầu bạn trả lời]. Để giúp các em thuộc bảng nhân, chia tôi yêu cầu các em đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc không theo thứ tự để các em ghi nhớ được lâu, tránh hiện tượng học vẹt. Ngoài ra tôi thường xuyên liên lạc với phụ huynh qua điện thoại, zalo để đề nghị phụ huynh nhắc nhở các em học ở nhà. Khi học sinh đã thực hiện thành thạo các phép tính đơn giản, tôi cho các em làm các phép tính khó hơn một tí như cộng, trừ, nhân, chia các số có số chữ số không bằng nhau [để luyện cho các em cách đặt tính đúng]; đến cộng, trừ, nhân, chia có nhớ…

Cả 5 em đều yếu về giải toán, trước hết tôi củng cố lại kiến thức phần lí thuyết để các em nắm chắc bản chất của vấn đề. Sau đó yêu cầu các em học thuộc quy tắc, công thức. Tôi ra nhiều bài tập dạng đơn giản để các em áp dụng công thức làm sẽ giúp các em dễ nhớ hơn đọc lí thuyết suông. Trong quá trình ra bài tập cho học sinh làm, tôi hướng dẫn các em làm quen với cách tự phân tích đề, tóm tắt bài toán để các em nắm vững yêu cầu đề bài, sau đó mới giải bài toán. Khi học sinh đã làm thành thạo những bài toán giải dạng đơn giản, tôi cho các em thực hành làm các bài tập khó hơn một tí [bài toán có 2 phép tính, các phép tính có nhớ] để rèn luyện thêm tính tư duy cho các em. Tôi thường ưu tiên cho những đối tượng này những câu hỏi dễ, bài tập phù hợp để dần dần đưa các em vào guồng máy hoạt động của cả lớp. Ngoài ra luôn động viên khen ngợi, tuyên dương trước lớp về sự tiến bộ của các em.

Hàng tháng nhà trường đều có làm bài khảo sát các đối tượng học sinh chưa đạt chuẩn KTKN. Qua các tháng, 5 em lớp tôi đều có nhiều tiến bộ, nhất là em Trâm, em Tuấn. Đến cuối kì I cả 5 em đều đạt chuẩn KTKN, được nhà trường ghi nhận.

Biện pháp 3: Hướng dẫn HS học trên lớp và tự học ở nhà:

* Việc học trên lớp:

- Duy trì nề nếp kiểm tra bài cũ, chữa bài tập thường xuyên, kiểm tra đồ dùng học tập với nhiều hình thức: giáo viên kiểm tra hoặc cán sự lớp, bạn cùng bàn kiểm tra lẫn nhau.

- Xây dựng đôi bạn cùng tiến để giúp đỡ lẫn nhau, tổ chức thi đua từng cặp đôi bạn, cuối tháng, cuối kì bình chọn đôi bạn nào học tiến bộ, và ghi được nhiều thành tích nhất trao giải thưởng để động viên.

- Phụ đạo học sinh yếu vào các buổi chiều thứ ba hoặc sau các buổi học. Tiết sinh hoạt cuối tuần tôi thường cho học sinh tìm hiểu về các kiến thức đã học như: thi giải toán nhanh, thi kể chuyện, thi đọc thơ, thi tìm hiểu về kiến thức tự nhiên, xã hội... Với cách làm này tất cả học sinh phấn khởi hồ hởi học tập.

* Việc tự học ở nhà:

 - Đối với HS giỏi khá, tự học là bản năng, là thế mạnh còn đối với học sinh chưa đạt chuẩn thì tự học là cái gì đó xa vời. Học yếu có thể do các em thiếu động lực, thiếu điều kiện, thiếu năng lực nhưng đồng thời cũng do thiếu phương pháp tự học. Tôi thường hướng dẫn học sinh lập thời gian biểu, ghi rõ từng công việc gắn liền với thời gian cụ thể. Ví dụ: Từ thứ 2 đến thứ 6: Buổi sáng dậy lúc mấy giờ, đi học từ mấy giờ đến mấy giờ? Buổi chiều đi học từ mấy giờ đến mấy giờ? Buổi tối học bài từ mấy giờ đến mấy giờ? Riêng ngày thứ 7 và chủ nhật có lịch chi tiết hơn như học môn gì, đọc bảng nhân chia, làm bài tập thầy ra thêm…Học bài theo thời khoá biểu, yêu cầu học sinh đọc và trả lời các yêu cầu trong sách giáo khoa, xem trước các bài tập để bài nào khó, vượt quá khả năng của mình thì hôm sau hỏi thầy hoặc hỏi bạn. Khi các em đã nghiên cứu kĩ bài trước ở nhà, đến lớp tiếp thu bài nhanh.

- Đề nghị phụ huynh lập cho mỗi em 1 góc học tập yên tĩnh, có bóng đèn đủ ánh sáng để học, tạo cho các em thói quen sắp xếp sách vở gọn gàng, thời khóa biểu và thời gian biểu dán ở nơi dễ nhìn. Tập cho các em ý thức tự học, ban đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn vì accs em thường chưa có ý thức tự học thì bố mẹ phải dành thời gian kèm cặp. Không yêu càu ngồi học quá lâu vì sẽ làm các em mỏi mệt nhưng ngồi học thì phải tập trung chú ý, bài phải làm vào vở nháp trước khi ghi vào vở học. sau một thời gian sẽ tạo được cho các em thói quen tự ngồi học. Tuy bố mẹ không phải ngồi kèm nhưng vẫn phải để ý, thỉnh thoảng kịp thời động viên bằng nhiều cách.

- Tạo cho các em ý thức hỏi bài bố mẹ, anh chị khi chưa hiểu hoặc không làm được. Nếu bài khó thì có thể điện thoại, nhắn tin hỏi thầy cô…Khi tạo được ý thức tự học thì các em dễ hiểu bài, hứng thú học tập, nhờ vậy chất lượng sẽ được nâng lên.

3. Hiệu quả thực hiện của việc áp dụng biện pháp trong thực tế dạy học.

- Kết quả xếp loại chung:

Môn học

Số
HS

Số  HS được ĐG

Đầu năm học

Cuối học kì I

Điểm

9-10

Điểm

5-8

Điểm

Chủ Đề