Các tiêu chí đánh giá trẻ mầm non

Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều trường mầm non được xây dựng để giảng dạy cho các bé đến tuổi đi học. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đang ngày càng xuất hiện nhiều làm cho bậc phụ huynh khá lo lắng khi gửi con đến trường trong khi các bé còn chưa đủ khả năng để nhận thức cũng như phản kháng lại các hành vi xâm hại. Vậy nên, các bậc phụ huynh thường mong muốn tìm được một ngôi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia để con mình được giáo dục trong môi trường tốt nhất. Vậy tiêu chí đánh giá và công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là gì? Hãy cùng 24h Thông Tin tìm hiểu về vấn đề này.



Theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22/8/2019 thì các trường mầm non được đánh giá và chia thành 4 mức độ khác nhau. Theo đó, ở mỗi mức độ sẽ có những tiêu chuẩn cụ thể. Trong bài viết này, 24h Thông Tin sẽ đề cập đến các tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non mức 1. Để đánh giá trường mầm non mức 1, cần dựa vào 5 tiêu chuẩn. Và trong mỗi tiêu chuẩn sẽ có những tiêu chí nhỏ khác nhau.

Tiêu chuẩn 1:Tổ chức và quản lý nhà trường

- Nhà trường phải có phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển phù hợp với mục tiêu giáo dục mầm non, được quy định tại Luật giáo dục; có văn bản cụ thể và được các cấp phê duyệt; được niêm yết trên bảng tin tại trường hoặc công bố công khai trên các trang thông tin điện tử của trường, của Sở giáo dục địa phương.

- Có Hội đồng trường được thành lập theo quy định. Theo đó, Hội đồng trường sẽ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định và rà soát, đánh giá các hoạt động của trường định kỳ.

- Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường phải có cơ cấu, hoạt động theo quy định. Các hoạt động của những tổ chức này sẽ được đánh giá và rà soát định kỳ.

- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ chuyên môn và tổ văn phòng có số lượng và cơ cấu, tổ chức theo quy định, thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc.

- Tổ chức, phân chia lớp, nhóm trẻ theo độ tuổi. Theo đó, các nhóm trẻ và các lớp phải được tổ chức học 02 buổi/ngày. Mỗi nhóm hoặc mỗi lớp không có quá 02 trẻ cùng một dạng khuyết tật.

- Lưu trữ hồ sơ quản lý hành chính, tài chính và tài sản của trường theo quy định và đảm bảo mang lại hiệu quả trong công việc phục vụ giáo dục. Lập các dự toán, quyết toán, thống kê, báo cáo tài sản,...công khai, định kỳ phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành.

- Cán bộ, giáo viên và nhân viên của nhà trường phải được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, được đảm bảo các quyền theo quy định. Ngoài ra cần phải có sự phân công công việc rõ ràng cho từng người để đảm bảo cho hiệu quả hoạt động của nhà trường.

- Quản lý các hoạt động giáo dục chặt chẽ. Theo đó, các trường phải có kế hoạch giáo dục phù hợp với quy định hiện hành, điều kiện của địa phương cũng như nhà trường. Các kế hoạch giáo dục đã đưa ra phải được thực hiện đầy đủ, được rà soát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời.

- Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Theo đó, các bán bộ cũng như đội ngũ nhân viên, giáo viên trong trường luôn được tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến liên quan đến công tác xây dựng kế hoạch phát triển, các nội quy, các hoạt động của nhà trường. Nếu có các khiếu nại, kiến nghị và phản ánh thuộc thẩm quyền, nhà trường phải thực hiện theo đúng Pháp luật. Hàng năm, cần phải có báo cáo về thực hiện quy chế dân chủ.

- Có phương án đảm bảo cho an ninh trật tự, an toàn trường học. Các phương án đó liên quan đến vệ sinh thực phẩm, chống tai nạn, chống cháy nổ, phòng dịch bệnh,....; có hộp thư góp ý, đường dây nóng hoặc các hình thức khác để tiếp cận, xử lý các thông tin phản ánh; không có hiện tượng kỳ thị, hành vi bạo lực và vi phạm bình đẳng giới trong nhà trường.

Tiêu chuẩn 2:Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên

- Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng: Phải đạt tiêu chuẩn theo quy định, được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý giáo dục theo quy định.

- Đối với giáo viên: Phải đạt trình độ đào tạo theo quy định, có đủ số lượng để hợp lý về cơ cấu thực hiện chương trình giảng dạy, có 95% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên.

- Đối với nhân viên: Được phân công công việc phù hợp với năng lực, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, có đội ngũ nhân viên hoặc giáo viên kiêm nghiệm thực hiện các công việc do hiệu trưởng giao cho.


Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học

- Diện tích, khuôn viên và sân vườn phải đảm bảo theo quy định; có cổng, biển tên trường và hàng rào bao quanh; khuôn viên sạch sẽ, trong lành, thân thiện, an toàn cho trẻ;

- Đủ phòng cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; có khối phòng phục vụ học tập như phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng giáo dục thể chất; có hệ thống đèn, hệ thống quạt, tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học.

- Có đủ các loại phòng hành chính - quản trị theo quy định, mỗi phòng phải có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết; có khu để xe cho cán bộ nhân viên và đảm bảo được bố trí hợp lý, an toàn.

- Có bếp ăn được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; kho thực phẩm được chia thành các khu riêng biệt và đảm bảo an toàn vệ sinh; có tủ lạnh lưu mẫu đồ ăn.

- Có đầy đủ các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng cho quá trình giáo dục. Các thiết bị, đồ chơi này phải đảm bảo an toàn, phù hợp với trẻ và được kiểm kê, sửa chữa định kỳ.

- Khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước phải đảm bảo vệ sinh, không làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Bên cạnh đó, rác thải phải được thu gom và xử lý theo đúng quy cách.

Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

- Có Ban đại diện cha mẹ trẻ, thành lập theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

- Có sự tham mưu của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Tiêu chuẩn 5: Hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục

- Thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo kế hoạch. Kế hoạch này do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phù hợp quy định về chuyên môn của cơ quan quản lý giáo dục với điều kiện nhà trường.

- Tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ phù hợp với điều kiện nhà trường, tạo cho bé môi trường thân thiện để vui chơi, trải nghiệm.

- Tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Theo đó, phải đảm bảo rằng 100% trẻ được kiểm tra sức khỏe định kỳ, cải thiện được 80% trẻ có tình trạng suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì so với đầu năm học.

- Kết quả giáo dục phải đảm bảo có 90% trẻ trên 5 tuổi, 85% trẻ dưới 5 tuổi đi học chuyên cần. Ở những vùng khó khăn, tỉ lệ này lần lượt là 85% và 80%. Có ít nhất 80% học sinh ở vùng khó khăn và 85% học sinh ở vùng chuẩn 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Trẻ khuyết tật và có điều kiện khó khăn được quan tâm và giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân.

Trên đây là các tiêu chí đánh giá trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo mức 1 mà đội ngũ biên tập viên 24h Thông Tin muốn chia sẻ với bạn đọc. Ngoài ra, các trường mầm non còn được xem xét và đánh giá đạt chuẩn ở mức 2, mức 3 và mức 4 theo những tiêu chí khác nhau. Các bạn có thể tiếp tục theo dõi ở những phần sau để biết các tiêu chí đó cụ thể là gì. Xin cảm ơn đã tham khảo bài viết!

Video liên quan

Chủ Đề