Cách bồi tranh giấy dó

Họa sỹ Lê Cù Thuần, Phân hội Trưởng Phân hội Mỹ thuật Tuyên Quang cho biết, giấy dó được chế tác thủ công từ vỏ của cây dó. Trước đây, giấy dó chưa thành vật liệu trong hội họa mà chỉ dùng để in tranh dân gian Đông Hồ. Từ năm 1975, giấy dó bắt đầu được một số họa sỹ ở Hà Nội dùng để vẽ tranh. Thuật ngữ tranh giấy dó được hình thành từ đó.

Ưu điểm là tranh vẽ trên giấy dó bền vững với thời gian; giữ được màu, để càng lâu màu càng thắm. Mỹ thuật Tuyên Quang có một số tác giả thường sử dụng chất liệu này để thể hiện ý tưởng nghệ thuật. Điển hình như: Lương Ánh Hiện, Hoàng Anh Chiến...


Bức tranh giấy dó Góc phố 2 của họa sỹ Lương Ánh Hiện.

Họa sỹ Lương Ánh Hiện là người khai thác thành công chất liệu giấy dó. Tranh của chị thường có chủ đề gần gũi, quen thuộc về phong cảnh thiên nhiên, quê hương đất nước, đời sống sinh hoạt của đồng bào miền núi. Chị chia sẻ, chị dành nhiều thời gian để nghiên cứu đặc tính của chất liệu vẽ. Tờ giấy dó lúc khô rất dai nhưng gặp nước dễ thủng và bở ra. Chính vì thế, cái khó nhất của tranh giấy dó là khi vẽ chỉ được đặt một nét bút là phải xong, không có cơ hội sửa lại.

Thông thường có hai cách vẽ, đó là vẽ nhanh xuất thần trong vài phút; hai là vẽ tỉ mẩn, cẩn trọng, thời gian hoàn thành 20 phút trở lên. Mọi thứ đều tùy vào cảm xúc của người họa sỹ. Có nhiều bức tranh của họa sỹ Lương Ánh Hiện thường vẽ theo ngẫu hứng, mang tính xuất thần đem lại xúc cảm thị giác đích thực.

Với nhiều mảng màu trầm ấm, những tác phẩm như bản nhạc êm ái trên nền giấy dó. Các tác phẩm Hồ sen 1, Hồ sen 2, Góc phố 1, Góc phố 2... mang màu sắc trữ tình, lãng mạn miêu tả phong cảnh góc phố, làng quê. Tranh thể hiện được tay nghề cao, họa sỹ hoàn toàn làm chủ được độ loang, độ thấm của mỗi vết mực nhỏ trên tờ giấy dó truyền thống.


Bức tranh giấy dó Em bé dân tộc 1của họa sỹ Hoàng Anh Chiến.

Tuy giấy dó không phải chất liệu chủ đạo trong tranh Hoàng Anh Chiến, nhưng anh cũng thường có nhiều tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu này. Qua bao năm thể nghiệm với giấy dó, anh Chiến rút ra rằng, vẽ dó cần có những kỹ năng thành thạo từ cách lấy mực, đi bút, hướng cây bút như thế nào để tạo ra cái mình cần. Khi vẽ cần những kỹ xảo hoạt bút và dứt khoát. Với chất liệu đặc trưng này, càng ít màu càng tốt, càng ít sặc sỡ càng hay. Bởi dó không ưa sự lòe loẹt, càng không ưa sự cẩu thả. Tuy là chất liệu thủ công đồng quê, nhưng lại mang vẻ trầm mặc, kiêu sa đài các.

Bên cạnh tranh vẽ thiên nhiên, họa sỹ Hoàng Anh Chiến thường có những tác phẩm chân dung. Bằng sự say mê miệt mài, sáng tạo, họa sỹ thổi hồn vào chính các nhân vật của mình. Loạt hình chân dung như: Em bé dân tộc 1, Em bé dân tộc 2, Cô gái Dao đỏ, Cô gái Hmông... khiến người xem như tìm thấy sự đồng cảm từ ánh mắt, nụ cười, nét mặt của từng nhân vật.

Cùng với tranh sơn mài, lụa thì giấy dó là chất liệu đặc trưng của hội họa Việt Nam. Giấy dó là chất liệu có sức hấp dẫn, lôi cuốn, giàu tính biểu đạt và luôn tạo cảm hứng sáng tạo bởi nét nhẹ nhàng, tinh tế riêng có.

Video liên quan

Chủ Đề