Chiến dịch huế đà nẵng có bao nhiêu chiến dịch nhỏ

 Trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng [từ ngày 5 - 29/3/1975], trên cơ sở đánh giá đúng tình hình so sánh lực lượng địch, ta trên chiến trường; chọn hướng, đối tượng, mục tiêu tiến công trên hướng chủ yếu và các hướng quan trọng, cách đánh của hai quân khu và Quân đoàn 2 được hình thành 2 giai đoạn theo kế hoạch cơ bản ban đầu và kế hoạch thời cơ sau đó.


Chiến sĩ Quân đoàn 2 tiến công địch ở thành phố Huế.Ảnh: tư liệu.

Từ ngày 5 - 20/3/1975, thực hành tác chiến tạo thế, phối hợp với Chiến dịch Tây Nguyên và đồng loạt tiến công vào các khu vực phòng ngự của địch. Khi thời cơ xuất hiện đã nhanh chóng cắt Đường số 1, chia cắt Huế - Đà Nẵng, Quảng Nam - Đà Nẵng; tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ, Quảng Ngãi, thành phố Huế, Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà.

Cách đánh của các đơn vị chủ yếu là đánh nhỏ trên các trục đường giao thông, bao vây, uy hiếp địch trên tuyến giáp ranh, phản kích các căn cứ, nghi binh thu hút địch ở Quảng Trị, đưa các đội vũ trang công tác xuống đồng bằng, phá lỏng thế kìm kẹp của địch.

Trong đợt tác chiến lớn hơn, cách đánh của các đơn vị phổ biến là tiến công bằng hiệp đồng binh chủng quy mô trung đoàn, sư đoàn, nổ súng đồng loạt trên nhiều hướng, tập trung đột phá hướng tiến công chủ yếu, đánh quân địch phản kích liên tục, kết hợp chốt với vận động tiến công.

Khi thời cơ lớn xuất hiện, các đơn vị chuyển từ tiến công đột phá sang tiến công trong hành tiến. Quân đoàn 2 cơ động Sư đoàn 325 đánh chiếm Đường số 1, cắt hoàn toàn con đường huyết mạch Huế - Đà Nẵng. Sư đoàn 324 bỏ qua Núi Bông, Núi Nghệ, Cao điểm 303 Mỏ Tàu, nhanh chóng thọc ra Đường số 1, phối hợp với Sư đoàn 325 chia cắt địch. Các trung đoàn trong sư đoàn chiếm và làm chủ các điểm cao sát Đường số 1, chiếm núi Kim Sắc, cắt Đường số 1 từ Bái Sơn đến Bạch Thạch, áp sát Lương Điền, buộc hàng ngàn xe di tản vào Đà Nẵng phải quay lại, tạo tình thế cực kỳ hoảng loạn trong hàng ngũ địch. Trước thế tiến công áp đảo của ta, địch chủ trương rút khỏi Huế, Quảng Ngãi, Tam Kỳ về co cụm ở Đà Nẵng.

Cách đánh Huế của ta là chia cắt, bao vây, vu hồi, tiêu diệt địch ở ngoại vi thành phố, đi đôi với khống chế bịt chặt các đường rút lui của địch bằng đường biển ra cửa Thuận An, cửa Tư Hiền, cảng Tân Mỹ, kết hợp với bộ phận thọc sâu, giải phóng thành phố. Cách đánh của ta vào thị xã Tam Kỳ và thị xã Quảng Ngãi có khác. Ta kéo chủ lực địch ra vòng ngoài để tiêu diệt, kết hợp với thọc sâu táo bạo, đánh chiếm các mục tiêu then chốt, làm chủ thị xã. Với lối đánh nhanh, mạnh, thọc sâu, chia cắt trong thế suy sụp của địch, ta đã nhanh chóng chiếm thành phố, thị xã nhanh gọn, địch không kịp và không thể co cụm về Đà Nẵng.

Tiến công thành phố Đà Nẵng, cách đánh của ta có bước phát triển hơn nữa. Mặc dù địch ở Đà Nẵng còn khá đông, nhưng tinh thần đã suy sụp, tổ chức chỉ huy đã rối loạn…, cách đánh của ta là nhanh chóng, đồng loạt tiến công từ 4 hướng. Ngày 28/3, pháo 130 mm bắn phá sân bay Đà Nẵng, Hòn Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện. Các cánh bộ binh có xe tăng đi cùng tiến công nhanh trong hành tiến, đập tan sự chống cự của địch trên đường hoặc bỏ qua để nhanh chóng phát triển tiến công. Do đó ngày hôm sau, 29/3, lúc 13h, Trung đoàn 18 đã chiếm quân cảng, bán đảo Sơn Trà; Trung đoàn 19, lúc 13h30p đã chiếm tòa thị chính Đà Nẵng; Sư đoàn 304, lúc 12h30p đến Hòa Cầm tiến vào sân bay Đà Nẵng; Sư đoàn 2 và các lực lượng Khu 5, lúc 12h chiếm Sở chỉ huy Quân khu 1, Quân đoàn 1 địch, sở chỉ huy không quân và sân bay Nước Mặn.

Thực tiễn chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng cho thấy, cách đánh chiến dịch diễn ra hai cách khác nhau. Đợt đầu, tiến công, đánh theo kế hoạch đã chuẩn bị từ trước, trong hình thái địch bố trí phòng thủ ổn định, chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công của ta. Đợt sau, cả mặt trận do Bộ trực tiếp chỉ huy, tiến công địch theo kế hoạch thời cơ xuất hiện, địch sa sút, rối loạn, rút chạy, co cụm, ta tiến công mãnh liệt trong hành tiến.  

Đợt đầu, ta mở màn chiến dịch bằng đơn vị tại chỗ, đánh nhỏ, tác chiến tạo thế rồi đồng loạt tiến công vào các mục tiêu vững chắc của chủ lực địch bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng, kết hợp đột phá, vu hồi, thọc sâu, đánh địch phản kích. Đợt sau, khi thời cơ xuất hiện, ta vận dụng cách đánh rất linh hoạt, táo bạo, nhanh chóng tung lực lượng lớn, đánh chiếm Đường số 1, chia cắt chiến dịch, chiến lược Huế - Đà Nẵng; hình thành thế bao vây chia cắt tiêu diệt quân địch ở ngoại vi các thị xã, thành phố, đồng thời sử dụng bộ phận chủ lực có xe tăng, pháo binh đi cùng thọc sâu đánh chiếm thị xã, thành phố.

Như vậy, cách đánh của chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng một mặt dựa vào dự kiến tình huống cơ bản, mặt khác đã dựa vào tình huống cụ thể, nhất là khi xuất hiện thời cơ, để vận dụng thật chủ động, sáng tạo, linh hoạt. Khi địch phòng ngự có tổ chức, ta đánh địch theo kế hoạch đã dự kiến, đánh nhỏ, tạo thế hoặc đánh có tổ chức chuẩn bị chu đáo bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng với các biện pháp tác chiến thích hợp. Song khi địch bắt đầu tan rã, rút chạy, ta phải nhạy bén thay đổi ngay cách đánh, không đột phá lần lượt mà tiến công nhanh, mạnh trong hành tiến, liên tục bao vây chia cắt, vu hồi, thọc sâu, đập tan sự kháng cự còn lại của địch với tinh thần kiên quyết, thần tốc, táo bạo và chắc thắng.

Theo Quân đội nhân dân Online

Chiến dịch Huế - Ðà Nẵng là một trong 3 chiến dịch giành thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong đại thắng mùa Xuân năm 1975. [Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch đầu tiên và kết thúc là chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh]. Chiến dịch Huế - Ðà Nẵng thắng lợi có ý nghĩa to lớn, tạo ra được bước ngoặt cơ bản về cục diện chiến tranh, khẳng định kết cục thất bại tất yếu, không gì cứu vãn nổi của bộ máy chiến tranh khổng lồ của chế độ Mỹ - ngụy. Thắng lợi đó cũng tạo ra thế và lực, thời cơ lớn để Bộ Chính trị thêm khẳng định quyết tâm chiến lược kết thúc chiến tranh sớm hơn bằng việc mở Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.


Các lực lượng vũ trang giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn [Huế] sáng 26/3/1975.

Ảnh: Tư liệu

Trên chiến trường Trị Thiên - Huế và Quảng Nam - Ðà Nẵng [vùng 1 chiến thuật], từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, Mỹ - ngụy xác  định  chiến  trường này là “cánh cửa sắt” phòng thủ của toàn chiến trường miền nam, một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Chúng đã bố trí trên chiến trường này tới 6 sư đoàn bộ binh “anh cả”, trong đó có hai sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị cơ động chiến lược [sư đoàn dù, sư đoàn lính thủy đánh bộ]; 4 liên đoàn biệt động quân, 5 thiết đoàn xe tăng thiết giáp, với 449 xe tăng; 8 lữ đoàn pháo binh cơ giới với 418 pháo hạng nặng; 6 hải đoàn, giang đoàn [tương đương cấp trung đoàn]; 1 sư đoàn không quân với hơn 300 máy bay chiến đấu các loại. Lực lượng quân số hơn 11 vạn tên, chưa tính gần 2 vạn lực lượng bảo an dân vệ, với mức so sánh cứ 7 người dân có 1 lính đánh thuê kìm kẹp khống chế.

Lực lượng địch được bố trí tập trung trên hai địa bàn chiến lược là chung quanh thành phố Huế [Sở Chỉ huy tiền phương quân đoàn 1 ngụy] và thành phố Ðà Nẵng, căn cứ quân sự liên hiệp, có Sở Chỉ huy tổng hành dinh vùng 1 chiến thuật của Trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân khu 1. Từ tháng 10/1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã triệu tập Thường vụ Quân khu ủy Trị Thiên và Quân khu 5 ra Hà Nội báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ chiến dịch. Thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho 2 Quân khu năm 1975 phải đánh bại kế hoạch “bình định”, lấn chiếm của địch, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, cải thiện một bước cơ bản thế trận phòng thủ, giam chân các sư đoàn tổng dự bị cơ động chiến lược tại chiến trường Trị Thiên, không cho chúng cơ động di chuyển đi ứng cứu chiến trường khác. Phải ra sức chuẩn bị mọi mặt khi thời cơ đến, hoặc do nỗ lực chủ quan của quân và dân ta tạo ra thời cơ đó thì lập tức tập trung sức mạnh tổng hợp trên toàn chiến trường để giải phóng Huế - Ðà Nẵng và góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Lực lượng tham gia chiến dịch Huế - Ðà Nẵng có Quân đoàn 2 bộ đội chủ lực cơ động của Bộ [Quân đoàn gồm có các sư đoàn bộ binh 324, 325 và 304; lữ đoàn xe tăng 203; sư đoàn phòng không 673; lữ đoàn pháo binh 164]; các trung đoàn độc lập 4, 6, 271. Lực lượng quân và dân Quân khu 5 gồm sư đoàn bộ binh 2, mặt trận 4 Quảng Ðà và một số trung đoàn bộ đội địa phương Quân khu.

Toàn chiến dịch được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 mang biệt danh chiến dịch K175 tiến công tiêu diệt quân địch trên chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế; giai đoạn 2 tấn công giải phóng thành phố Ðà Nẵng - Quảng Nam [khi thời cơ cho phép].

Tư tưởng chỉ đạo hành động cho toàn Chiến dịch là: “Bí mật, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng, nắm vững thời cơ, sẵn sàng phát triển tấn công, giành thắng lợi lớn trên toàn chiến trường”.

Chiến dịch được mở màn và diễn ra từ ngày 8/3, kết thúc vào ngày 29/3/1975. Trong 21 ngày đêm chiến đấu tiến công liên tục, vượt qua mọi thử thách ác liệt, khó khăn, quân và dân 2 Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 chủ lực đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân đoàn 1, quân khu 1 và sư đoàn lính thủy đánh bộ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 10 vạn tên địch, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng hoàn toàn các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên, Quảng Nam - Ðà Nẵng.

[Còn nữa]

Video liên quan

Chủ Đề